Bản tin thời sự sáng 11/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cấm bán thầu cao tốc Bắc - Nam; ngày 11/11, giá xăng có thể tăng lần thứ tư liên tiếp; dừng hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam; ba phương án làm đường Vành đai 4 qua TP.HCM…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cấm bán thầu cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Ban Quản lý dự án (QLDA) kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu để chọn được nhà thầu mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bán thầu.

Một đoạn thi công cao tốc Bắc Nam Mai Sơn - QL45.

Một đoạn thi công cao tốc Bắc Nam Mai Sơn - QL45.

Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về công tác khảo sát, thiết kế Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng GTVT đánh giá, đến nay hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã hoàn thành trên 70%. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã hoàn thành thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật trên 40%.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban QLDA tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với 12 gói thầu trước ngày 15/11 tới để đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước khi ký hợp đồng xây lắp. Chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục tiếp theo để triển khai thi công vào cuối năm nay.

Các chủ đầu tư (Ban QLDA) cũng phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cử cán bộ thường trực theo dõi tại địa phương, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu trước ngày 20/11 tới.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng đặc biệt lưu ý và yêu cầu các Ban QLDA kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu để chọn được nhà thầu mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bán thầu.

Giám đốc các Ban QLDA chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng nếu để xảy ra tình trạng bán thầu và các vấn đề tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu.

Ngày 11/11, giá xăng có thể tăng lần thứ tư liên tiếp

Ngày 11/11 là kỳ điều hành ghi nhận mức chi phí kinh doanh mới nên theo các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng và dầu có thể cùng tăng.

Ngày 11/11 là kỳ điều hành ghi nhận mức chi phí kinh doanh mới giá xăng có thể tăng lần thứ tư liên tiếp

Ngày 11/11 là kỳ điều hành ghi nhận mức chi phí kinh doanh mới giá xăng có thể tăng lần thứ tư liên tiếp

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/11 của một thùng xăng RON 92 là 97,3 USD, RON 95 là 103 USD, tăng mạnh so với chu kỳ trước; còn dầu diesel có thời điểm lên 143 USD.

Bộ Tài chính cho biết, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ tăng thêm 290 - 560 đồng với xăng và 160 - 660 đồng với mỗi lít dầu, tùy loại từ ngày 11/11. Theo tính toán của cơ quan này, tăng chi phí trên sẽ làm tăng giá cơ sở xăng E5 RON 92 và dầu diesel gần 50 đồng một lít; xăng RON 95 gần 150 đồng và dầu hỏa trên 720 đồng một lít.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam cho biết, xăng và dầu thế giới đã giảm mạnh trong 2 phiên gần đây nhưng do trước đó có 7 ngày liên tục tăng nên tính bình quân vẫn tăng mạnh so với chu kỳ trước.

Do đó, nếu tính cả mức tăng của giá xăng thành phẩm theo thế giới và mức điều chỉnh chi phí kinh doanh, giá cơ sở trong chu kỳ điều hành tới, dự kiến tăng 850 - 1.250 đồng mỗi lít xăng và 100 - 900 đồng với mỗi lít dầu.

Như vậy, ở kỳ điều hành ngày 11/11, giá xăng có thể sẽ tăng lần thứ tư liên tiếp.

Đồng quan điểm, giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho rằng, kỳ điều hành này xăng cũng có thể điều chỉnh lên 23.000 - 24.000 đồng một lít, còn dầu diesel trên 25.000 đồng một lít.

Dừng hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam

Ngoài IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác, các kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Trung, Nhật và tiếng Hàn tại Việt Nam cũng bị hoãn.

Ngoài IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác, chứng chỉ tiếng Trung, Nhật và tiếng Hàn cũng bị hoãn

Ngoài IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác, chứng chỉ tiếng Trung, Nhật và tiếng Hàn cũng bị hoãn

Sáng 10/11, trên website của tổ chức IDP - một trong hai đơn vị tổ chức thi IELTS ở Việt Nam, thông báo tạm hoãn thi IELTS cho đến khi có thông báo mới. "Đây là tình huống bất khả kháng và tất cả các tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đều phải tuân thủ", thông báo viết.

Thông tin tương tự cũng được gửi đến các thí sinh đăng ký thi IELTS ở Hội đồng Anh (British Council) từ chiều ngày 9/11. Theo Hội đồng Anh, quyết định này nằm "ngoài tầm kiểm soát".

Thông báo viết, thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Hiện, Trung tâm ngoại ngữ và tin học (Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM) dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ cho đến khi có thông báo mới. Trung tâm này là đối tác tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ của Đại học Cambridge như YLE (Starters, Movers, Flyers), PET, KET, FCE, TKT (dạy tiếng Anh); ngoài ra còn có chứng chỉ PTE và TOELF (Junior, Primary, ITP).

Không chỉ các kỳ thi tiếng Anh, kỳ thi năng lực Hán ngữ (HSK, HSKK), tiếng Hàn (TOPIK) và tiếng Nhật (NAT-Test) cũng phải tạm hoãn.

Công ty HQ, đơn vị được uỷ quyền tổ chức thi NAT- TEST (kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho người nước ngoài) cơ sở 1 tại Hà Nội, cũng thông báo hủy kỳ thi tại Đại học Giao thông vận tải.

Một chuyên gia tiếng Hàn Quốc chia sẻ, các kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK) tại Hà Nội cũng đang tạm dừng.

Nhiều đơn vị tổ chức thi lý giải việc tạm dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhằm hoàn thiện các thủ tục theo Thông tư 11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Theo thông tư này, các tổ chức, cá nhân chỉ được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chứng khoán bị bán tháo

Gần 450 cổ phiếu giảm, trong đó 170 mã hạ hết biên độ và không có bên mua, khiến VN-Index chốt phiên ngày 10/11 giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10.

Gần 450 cổ phiếu giảm khiến VN-Index chốt phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10

Gần 450 cổ phiếu giảm khiến VN-Index chốt phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10

Thị trường có hai phiên tăng điểm giữa tuần nhưng nhiều công ty chứng khoán cho rằng tâm lý phần đông nhà đầu tư vẫn bi quan và dòng tiền không có sự cải thiện rõ nét để chống đỡ mỗi khi áp lực bán dâng cao. Do đó, xu hướng trong ngắn hạn là giảm điểm và nhà đầu tư được khuyến nghị nên đứng ngoài chờ thị trường xác lập đáy.

Thực tế cũng cho thấy nhu cầu bán của nhà đầu tư trong nước phiên ngày 10/11 lấn át hoàn toàn bên mua. Nhiều cổ phiếu xuất hiện lượng đặt bán tại giá sàn hơn vài chục triệu cổ phiếu nhưng chỉ khớp lệnh nhỏ giọt.

VN-Index vì thế không thể nối dài mạch tăng phiên thứ ba liên tiếp. Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP.HCM giảm mạnh khi mở cửa, sau đó nới rộng dần biên độ và có thời điểm mất gần 50 điểm. Chỉ số thu hẹp biên độ giảm trong những phút cuối còn 38 điểm và đóng cửa tại 947 điểm. Tính theo giá trị tương đối, đây là phiên giảm mạnh nhất từ đầu tháng 10 đến nay.

Sắc đỏ bao trùm thị trường khi có 447 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu, gấp 20 lần số lượng cổ phiếu tăng. Trong số này có 170 mã giảm hết biên độ và hầu như không có bên mua. Rổ VN30 chỉ có SAB ngược dòng thị trường để đứng yên ở tham chiếu, còn lại đều giảm mạnh.

Trong khi nhà đầu tư trong nước xả hàng ồ ạt thì khối ngoại lại tranh thủ mua vào phiên thứ tư liên tiếp. Nhóm này hôm nay giải ngân gần 1.690 tỷ đồng, bán ra 1.670 tỷ đồng. TCB, PNJ, FPT và chứng chỉ quỹ FUEVFVND là những mã được mua nhiều nhất, còn ngược lại HPG, STB đối mặt áp lực bán mạnh.

Ba phương án làm đường Vành đai 4 qua TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM đề xuất nghiên cứu ba phương án làm đường Vành đai 4, đoạn qua Thành phố để tìm hướng phù hợp, giảm chi phí đầu tư.

Hướng tuyến của Vành đai 4

Hướng tuyến của Vành đai 4

Các phương án vừa được Sở GTVT gửi UBND TP.HCM, sau quá trình chuẩn bị đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đoạn Vành đai 4 do TP.HCM thực hiện dài khoảng 17 km, đi qua huyện Củ Chi và Nhà Bè với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương), điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hoà, Long An).

Trong đó, phương án một, tuyến gần như đi trùng quy hoạch, tổng mức đầu tư khoảng 17.800 tỷ đồng, với gần 10.700 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng. Hướng này có một nửa lộ trình đi trùng các đường hiện hữu, diện tích thu hồi đất ít, nhưng số hộ di dời nhiều nên chi phí bồi thường cao…

Phương án hai, đoạn vành đai được nắn lại một số khu vực để tránh các đường hiện hữu như Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành..., tổng vốn 13.800 tỷ đồng. Phương án còn lại cũng tương tự, một số nơi được nắn lại giúp tuyến giảm chiều dài còn hơn 16,7 km, kinh phí đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Hai phương án này được đánh giá giải phóng mặt bằng ít hơn, không ảnh hưởng giao thông ở khu vực.

Ngoài ra, Sở GTVT đề xuất Thành phố đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai (nối TP.HCM - Long An) để Dự án được đồng bộ.

Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Giai đoạn một, tuyến sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ theo thiết kế, rộng khoảng 74,5 m nhưng chỉ làm trước 4 làn xe cùng đường song hành hai bên.

Theo kế hoạch đã được 5 địa phương thống nhất, cuối năm nay sẽ hoàn tất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và quyết định chủ trương đầu tư tháng 3 năm sau. Việc chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành giữa năm 2024 để khởi công Dự án. Công trình dự kiến thi công trong 3 năm và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quý I/2028.

Bình Định chi hơn 2.600 tỷ đồng làm đường kết nối cảng biển

Bình Định chi 2.659 tỷ đồng làm đường nối Quốc lộ 19C với cảng Quy Nhơn và đường biển ĐT.639 đoạn Mỹ Thành - Lại Giang nhằm kết nối hạ tầng, ứng phó thiên tai.

Cảng Quy Nhơn sẽ có nhiều tuyến kết nối sau khi dự án đường từ quốc lộ 19C đến cảng hoàn thành

Cảng Quy Nhơn sẽ có nhiều tuyến kết nối sau khi dự án đường từ quốc lộ 19C đến cảng hoàn thành

Theo UBND tỉnh Bình Định, hai tuyến đường thuộc Dự án phát triển thích ứng mà địa phương vừa phê duyệt đầu tư, với tổng diện tích sử dụng đất hơn 200 ha; thực hiện từ 2022 - 2027. Trong tổng vốn đầu tư, Bình Định vay Ngân hàng Thế giới 1.580 tỷ đồng. Chi phí từng dự án chưa được Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định (chủ đầu tư) công bố.

Theo quyết định phê duyệt, đường từ Quốc lộ 19C kết nối cảng Quy Nhơn dài hơn 6 km, điểm đầu giao ngã ba Diêu Trì trên Quốc lộ 1A huyện Tuy Phước, điểm cuối giáp đường Nguyễn Mân ở TP. Quy Nhơn. Đường được chia làm ba đoạn với chiều rộng, làn xe khác nhau (4 - 6 làn).

Đường ven biển ĐT.639 đoạn Mỹ Thành - Lại Giang dài hơn 38 km, điểm đầu ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, điểm cuối giáp cầu Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn). Dự án giúp kết nối hệ thống đường ven biển quốc gia, đảm bảo đi lại trong lũ lụt, sạt lở đất, cứu nạn; thúc đẩy phát triển kinh tế biển, du lịch...

Sếp công ty đòi nợ thuê Hưng Thịnh bị bắt

Ông Tống Văn Vịnh, Phó Giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh, ký hợp đồng mua lại các khoản nợ xấu sau đó dẫn đàn em đến nhà "con nợ" gây sức ép để đòi tiền.

Xe dùng đi đòi nợ

Xe dùng đi đòi nợ

Ngày 10/11, ông Vịnh cùng 8 người vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội bắt để làm rõ hành vi Cưỡng đoạt tài sản, Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.

Nhà chức trách cáo buộc, các bị can thường mua lại các khoản nợ xấu để tổ chức đi đòi nợ kiểu xã hội đen. Họ tổ chức thành nhiều nhóm mặc đồng phục, đeo thẻ công ty, đi ôtô có dán chữ "mua bán nợ" đến nhà người vay gây sức ép đòi tiền.

Với người không trả, họ ăn nằm ngay tại nhà hoặc trụ sở công ty để đe doạ. Nhiều con nợ không chịu được sự quấy rối phải viết giấy cam kết trả tiền theo lộ trình họ vạch ra. Công an cho rằng, hành vi trên của nhóm bị can đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định, ngày 10/10, Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh ký hợp đồng đòi giúp bà Mai khoản nợ 2,5 tỷ đồng. Vịnh chỉ đạo và trực tiếp cùng các đàn em đến nhà con nợ của bà Mai để chửi bới, gây sức ép. Vịnh yêu cầu con nợ viết giấy vay nợ và trả trước 200 triệu đồng nhưng bất thành.

Ngày 31/10, nhóm của Vịnh tiếp tục đến uy hiếp và khi đang viết giấy nhận trước 50 triệu đồng thì bị cảnh sát bắt.

Theo cảnh sát, Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh và bà Mai chỉ ký hợp đồng giả cách, không thanh toán tiền mua nợ. Vịnh sau đó sử dụng hợp đồng mua bán nợ để hợp pháp hóa việc đòi nợ thuê. Nếu đòi được tiền, các bên chia 50/50.

Tin cùng chuyên mục