Bản tin thời sự sáng 12/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội lần đầu tiên thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng; từ 2025, người dân được đăng ký, bấm biển số xe nhập khẩu qua VNeID; TP.HCM nhận bàn giao gói thầu hơn 13.000 tỷ của metro Bến Thành - Suối Tiên; Hà Nội tiếp tục trễ hẹn Dự án Vành đai 1…

Hà Nội lần đầu tiên thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng

Lần đầu tiên TP. Hà Nội thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng (tăng gần 20% so với 2023), thu nội địa đạt 470.000 tỷ, lớn nhất cả nước, theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh.

Trụ sở HĐND UBND TP. Hà Nội

Trụ sở HĐND UBND TP. Hà Nội

Chiều 11/12, tại phiên chất vấn của HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch Thành phố Trần Sỹ Thanh đã giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Theo ông Thanh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do bão Yagi, kinh tế Thủ đô năm 2024 vẫn đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 6,12%, dự kiến cả năm khoảng 6,52% (cùng kỳ 2023 là 6,27%).

Thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ vận tải hành khách công cộng. Quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD, trong đó, thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023, chiếm 24,6% tổng thu cả nước.

Thu nội địa cao nhất cả nước, đạt khoảng 470.000 tỷ đồng, chiếm hơn 29,8% tổng thu nội địa cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi về thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, ông Thanh cho biết, chỉ tiêu GRDP giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5 - 8%. Do Covid-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh sa sút, năm 2021 GRDP chỉ đạt 2,97%. Các năm tiếp theo Thành phố đã cố gắng, nhưng kết quả chưa xứng với kỳ vọng và tiềm năng (năm 2022 là 8,95%, 2023 là 6,27%, 2024 là 6,52%). 3 chỉ tiêu kinh tế xã hội 5 năm khó có thể đạt là GRDP bình quân (dự kiến đạt 170/190 triệu đồng), năng suất lao động bình quân (dự kiến 4,81%/7 - 7,5%); huy động vốn đầu tư xã hội (dự kiến đạt 2,5 triệu tỷ đồng/3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng).

Từ 2025, người dân được đăng ký, bấm biển số xe nhập khẩu qua VNeID

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an cho biết, từ ngày 1/1/2025, chủ xe là công dân Việt Nam có tài khoản định danh mức độ 2 sẽ thực hiện đăng ký xe toàn trình - thực hiện hoàn toàn qua Cổng dịch vụ công, người dân không cần đến trụ sở công an.

Từ ngày 1/1/2025, việc đăng ký xe nhập khẩu sẽ được thực hiện toàn trình

Từ ngày 1/1/2025, việc đăng ký xe nhập khẩu sẽ được thực hiện toàn trình

Theo đại diện Cục CSGT, đây là chủ trương đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký xe; thủ tục đăng ký xe trực tuyến lần đầu toàn trình đối với xe nhập khẩu.

Trước đó, ngày 29/6, Bộ Công an ban hành Thông tư số 28 quy định về đăng ký xe trực tuyến lần đầu toàn trình đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước bằng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc Ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).

Sau 4 tháng thực hiện dịch vụ công đăng ký xe lần đầu toàn trình đã mang lại hiệu quả tích cực, được người dân nhiệt tình ủng hộ và đón nhận.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phục vụ tối đa lợi ích của người dân, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Thông tư số 79 quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Trong đó, mở rộng phạm vi đăng ký trực tuyến lần đầu toàn trình, bổ sung thêm đối với xe nhập khẩu.

"Người dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký, bấm biển số trực tuyến vào bất cứ thời điểm nào. Đồng thời không phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra thực tế xe, thủ tục nhanh gọn, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại", đại diện Cục CSGT nói.

TP.HCM nhận bàn giao gói thầu hơn 13.000 tỷ của metro Bến Thành - Suối Tiên

Gói thầu cơ điện trị giá hơn 13.000 tỷ đồng thuộc Metro Bến Thành - Suối Tiên được nhà thầu Hitachi bàn giao cho chủ đầu tư sau khi hoàn thành thi công.

Các đoàn tàu thuộc metro Bến Thành - Suối Tiên tập kết ở depot Long Bình

Các đoàn tàu thuộc metro Bến Thành - Suối Tiên tập kết ở depot Long Bình

Ngày 11/12, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), Liên danh tư vấn chung NJPT cùng nhà thầu Hitachi ký kết và trao chứng nhận bàn giao công trình có điều kiện (TOC) đối với Gói thầu CP3. Đây là gói thầu cung cấp thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray... thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Gói thầu này được triển khai từ tháng 8/2013.

Sau khi tiếp nhận, chủ đầu tư đã bàn giao tài sản Gói thầu CP3 cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị (HURC1 - đơn vị vận hành metro). Đây là một trong những thủ tục để chủ đầu tư và HURC1 làm chủ công tác vận hành thiết bị, đoàn tàu.

Metro Bến Thành - Suối Tiên có 4 gói thầu xây lắp chính. Ngoài CP3, các gói thầu còn lại là CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố), CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) và CP2 (đoạn trên cao và Depot). Trước đó, gói CP1b cũng đã được liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda bàn giao cho Chủ đầu tư.

Được phê duyệt năm 2007, khởi công năm 2012, Metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, kết nối trung tâm thành phố về cửa ngõ phía Đông. Toàn tuyến có 11 ga trên cao, 3 ga ngầm, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.

Tuyến metro này đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục cuối cùng nghiệm thu toàn dự án. Công trình dự kiến đưa vào vận hành chính thức từ ngày 22/12 năm nay. Trong một tháng đầu, khách đi metro được miễn vé.

Giá vé của tuyến Metro số 1 cũng đã được UBND TP.HCM thông qua, gồm các loại vé lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng.

Hà Nội tiếp tục trễ hẹn Dự án Vành đai 1

Thay vì hoàn thành vào quý I/2025, Dự án Vành đai 1 tiếp tục được các đơn vị liên quan hứa hoàn thành trong năm 2025 nếu có mặt bằng thi công.

Hướng tuyến đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục

Hướng tuyến đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục

Sáng 11/12, tại phiên tái chất vấn của HĐND Thành phố, đại biểu Nguyễn Quang Thắng nêu vấn đề chậm tiến độ Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

"Dự án có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Tại kỳ họp HĐND tháng 11/2023, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cam kết Dự án hoàn thành trong năm 2024, chậm nhất đầu năm 2025", ông Thắng nói và đề nghị chủ đầu tư, lãnh đạo 2 quận Đống Đa, Ba Đình có Dự án đi qua cho biết tiến độ thực hiện Dự án và giải phóng mặt bằng.

Giám đốc Ban Quản lý các công trình dân dụng TP. Hà Nội Đồng Phước An (chủ đầu tư) cho biết, tiến độ Dự án Vành đai 1 chưa đáp ứng yêu cầu dù thủ tục đầu tư đã thực hiện đầy đủ, không còn vướng mắc. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2024, nhưng công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do các hộ dân không phối hợp trong đo đạc, kiểm đếm tài sản, nguồn gốc đất. Một số hộ dân đã nhận tiền đền bù, nhưng chưa bàn giao mặt bằng.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, Quận có 1.334 trường hợp phải giải phóng mặt bằng, nhưng có đến hàng nghìn đơn thư do quá trình quản lý đất nhiều năm trước đây lỏng lẻo. Đến nay, Quận đã chi trả 667/1.334 phương án. Những phương án cuối cùng đang được niêm yết. Quận Ba Đình sẽ hoàn thành các phương án trong tháng 12/2024 và quý I/2025 sẽ bàn giao mặt bằng.

Vành đai 1 dài 7,2 km, là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua trung tâm Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục. Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 km, mặt cắt ngang 50 m, điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình).

Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng, xây dựng đường 636 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng chậm tiến độ và được lùi đến năm 2025.

Đồng Tháp đề xuất sớm đầu tư cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh

UBND Đồng Tháp kiến nghị sớm đầu tư cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188 km giúp rút ngắn khoảng cách giao thương từ miền Tây đi TP.HCM.

Hướng tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh

Hướng tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh

Đề xuất được Đồng Tháp đưa ra trong buổi thăm và làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 11/12.

Cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh quy mô 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, dài 188 km, là 1 trong 3 tuyến cao tốc trục ngang ở miền Tây. Điểm đầu Dự án tại cửa khẩu Dinh Bà và điểm cuối tại Khu kinh tế Định An (Trà Vinh). Tại Đồng Tháp, tuyến cao tốc nói trên có 95 km qua địa bàn Tỉnh, trong đó, đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang triển khai và đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh dài 68 km.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong kiến nghị, Trung ương sớm đầu tư đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh trước năm 2030 so với dự tính ban đầu. Theo ông, tuyến cao tốc qua tỉnh có tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, sẽ rút ngắn thời gian, khoảng cách đưa hàng hóa từ cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây, đặc biệt hàng hóa trực tiếp đến cảng biển tại Trà Vinh.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, đây là tuyến giao thông quan trọng trong liên kết vùng, vừa kết nối cửa khẩu biên giới và cảng biển Trà Vinh, gắn kết các tuyến cao tốc trục dọc. "Bộ đã trình Chính phủ điều chỉnh thời gian đầu tư đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh và An Hữu - Trà Vinh sang trước năm 2030, tức sẽ khởi công vào năm sau hoặc 2026", ông Minh cho biết và nói thêm sẽ cùng với tỉnh huy động các nguồn vốn sớm triển khai Dự án.

EVNSPC xây 4 công trình cấp điện cho các đảo Kiên Giang

Điện lực miền Nam sẽ xây dựng 4 công trình cấp điện cho Phú Quốc, xã đảo An Sơn, Nam Du trong năm 2025.

Công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc

Công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc

Đây là thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Kiên Giang và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã ký kết. Bốn công trình được triển khai gồm đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc; đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc; công trình cấp điện lưới quốc gia cho 2 xã đảo An Sơn và Nam Du; trạm biến áp 220kV Phú Quốc.

Trong đó, dự kiến công trình đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc và Phú Quốc - Nam Phú Quốc hoàn thành trước ngày 30/4/2025. Hai dự án còn lại sẽ khởi công trước ngày 30/8/2025.

Theo EVNSPC, các công trình này góp phần hoàn thiện hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đảm bảo nguồn ổn định phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khi hoàn thiện, lưới điện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch tại thành phố Phú Quốc, xã đảo An Sơn và Nam Du.

Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay 100% số xã, phường, thị trấn trong Tỉnh đã có điện; 99,7% hộ dân nông thôn có điện. Sản lượng điện tiêu thụ của Tỉnh đạt khoảng 3 tỷ kWh. Hiện còn ba xã đảo chưa có điện lưới quốc gia gồm: An Sơn, Nam Du và Thổ Chu (sử dụng nguồn tại chỗ Diesel và năng lượng tái tạo). Tỉnh Kiên Giang xác định đầu tư lưới điện cho các xã đảo là nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Từ năm 2014, EVNSPC thực hiện xây dựng nhiều dự án lưới điện tại tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho lưới điện 220kV - 110kV là trên 5.000 tỷ đồng, lưới điện trung hạ thế là 2.569 tỷ đồng.

Giai đoạn 2015 - 2023, nhiều dự án, công trình điện quan trọng đã được đơn vị đầu tư, đưa vào vận hành như đường dây cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc; đường dây 220kV mạch kép 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc; đường dây 110kV Hà Tiên - Tịnh Biên cùng nhiều công trình đưa điện lưới quốc gia tới các xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Tiên Hải...

Xử phạt Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

UBCKNN vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh.

Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, có doanh nghiệp phải nộp phạt lên đến 500 triệu đồng

Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, có doanh nghiệp phải nộp phạt lên đến 500 triệu đồng

Theo quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) bị phạt tiền 100 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Theo quyết định, Công ty đã không công bố thông tin các tài liệu: Nghị quyết HĐQT ngày 21/6/2022 thông qua ký kết, thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận, giao dịch với các bên liên quan của công ty; Nghị quyết HĐQT ngày 30/6/2023 thông qua ký kết, thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận, giao dịch với các bên liên quan của Công ty.

Công ty cũng không gửi nội dung công đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về báo cáo tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu đã được kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023...; gửi nội dung CBTT không đúng thời hạn các tài liệu: tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2023...

Đồng thời, Đất Xanh bị phạt tiền 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định các báo cáo tình hình quản trị các kỳ năm 2022 - 2023, 6 tháng đầu năm 2024.

Trong đó, Công ty thực hiện bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Hà Thuận Hùng (công ty con của Công ty); theo mục 29 Thuyết minh Báo cáo tài chính riêng năm 2023 đã được kiểm toán, Công ty có phát sinh giao dịch vay ông Lương Trí Thìn (Thành viên HĐQT), số dư tại 31/12/2023 là 150 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty không trình bày các giao dịch trên tại Phụ lục 2 Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2023.

Tổng số tiền doanh nghiệp bất động sản này bị phạt là 515 triệu đồng.