Công an TP. Hà Nội thông tin vụ bắt TikToker Phó Đức Nam lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 10/12, Công an TP. Hà Nội thông tin một số vụ án lớn trước thềm cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có vụ TikToker Phó Đức Nam lừa đảo.
Đối tượng Phó Đức Nam.
Đối tượng Phó Đức Nam.

Thời gian qua Công an TP. Hà Nội (CATP Hà Nội) đã phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và cơ quan chức năng liên tiếp điều tra, khám phá các vụ án lớn.

Đáng chú ý, CATP Hà Nội đã triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia thông qua hình thức đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam cầm đầu, thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng và khởi tố bị can đối với đối với 31 đối tượng trong vụ án.

TikToker Phó Đức Nam (Mr Pips) bị khởi tố vì tội lừa đảo với tổng số tiền bị phong tỏa là 5.000 tỷ đồng, với chiêu trò lừa đảo liên quan tới hoạt động tư vấn, môi giới đầu tư chứng khoán, vàng bạc…

Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (SN 1994; ở Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (SN 1990; ở Hà Nội) và 24 người khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Không tố giác tội phạm" và "Rửa tiền". Trong đó, Quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Khắc Ngọ.

Trước khi bị khởi tố, TikToker Mr Pips nổi tiếng trên mạng xã hội với mỗi clip có hàng trăm nghìn hoặc cả triệu lượt xem.

Nam livestream đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo của mình về giá vàng, tiền số… TikToker này khoe tài sản khủng và kinh nghiệm 10 năm bất bại trên thị trường đầu tư vàng và chứng khoán quốc tế.

Nam cũng có các nhóm chat riêng trên Telegram và thường xuyên khoe lãi lớn, dụ dỗ các các thành viên tham gia theo hình thức copytrade (đầu tư theo hình thức sao chép các vị thế được mở và quản lý bởi chính Nam).

Theo điều tra, từ năm 2021, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (HKTT: Tòa S2 khu nhà dịch vụ văn phòng, số 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên kết một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có Văn phòng điều hành tại khu Morgan Tower, thành phố Phnom-penh, Campuchia và chỉ đạo 07 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều Công ty “ma” đặt trụ sở tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Trong đó, có Công ty TNHH ARTEX VINA (trụ sở: phòng 1206, Citilight Tower, số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) có khoảng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam (có 24 văn phòng làm việc tại Hà Nội). Mặc dù Công ty không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 05 trang web (gồm: Alpha.com, Gtmx.com, Btfx.com, Enzofx.com, Gkfx.com) có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín nhưng thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch này đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.

Đồng thời, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cũng chỉ đạo các đối tượng khác tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại Công ty và phân cấp quản lý thành nhiều bộ phận (như: Kế toán, Nhân sự, Bộ phận IT, Bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng...). Các bộ phận này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động độc lập, hỗ trợ lẫn nhau để tiếp xúc với khách hàng thông qua một số nền tảng mạng xã hội như: Zoiper, Zalo, Telegram... cung cấp thông tin sai sự thật từ đó tạo sự tin tưởng cho khách hàng để chuyển tiền vào tài khoản, ví điện tử gắn với sàn giao dịch nhằm mục đích thực hiện giao dịch ngoại hối, chứng khoán phát sinh kiếm lợi nhuận.

Ban đầu, các đối tượng hướng dẫn khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền ít, “có lãi” và rút tiền được; sau đó, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để dụ dỗ, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch. Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (tức “cháy” tài khoản) thì các đối tượng tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng có niềm tin tiếp tục chuyển thêm tiền để “gỡ vốn”, cứ như vậy cho đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.

Trước đó, ngày 25/10/2024, CATP Hà Nội đã phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Bộ Công an và các đơn vị liên quan tiến hành triệt phá băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia này.

Đến nay, CATP Hà Nội đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc và thu giữ, phong toả nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng, bao gồm: 316 tỷ tiền trong tài khoản; trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng; sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng và 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, đắt tiền; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương... Đồng thời, lực lượng chức năng cũng phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội yêu cầu Lê Khắc Ngọ ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục