Tổng Bí thư yêu cầu sửa chính sách tiền lương cán bộ, công chức phù hợp với mô hình mới
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tổ chức mới.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính |
Chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính ngày 4/7, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để toàn bộ các công việc thuộc thẩm quyền hai cấp (tỉnh và xã) được triển khai thông suốt, không để xảy ra chậm trễ hay bỏ sót nhiệm vụ. Mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tổng Bí thư yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ công tác phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp xã. Đối với những xã, phường, đặc khu còn thiếu cán bộ chuyên môn, cấp tỉnh phải kịp thời bổ sung, hỗ trợ để bảo đảm vận hành hiệu quả. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, nghỉ hưu sớm hoặc thôi việc cần giải quyết đầy đủ theo hướng dẫn của Trung ương.
Người dân cũng cần được thông tin rõ ràng về các quy định mới, cũng như cách thức và địa điểm làm việc mới của cơ quan hành chính tại địa phương. Các địa phương được giao phối hợp với Đoàn Thanh niên huy động đoàn viên là sinh viên ngành công nghệ thông tin và thanh niên tình nguyện hỗ trợ cán bộ, công chức, người dân tại cơ sở vận hành bộ máy, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính.
Tổng Bí thư lưu ý Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 14, gắn với công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đảng ủy Chính phủ được giao thống kê tình hình cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ công tác sau sắp xếp tổ chức, đồng thời báo cáo rõ việc giải quyết chế độ chính sách bảo đảm đúng người, đúng việc và giữ chân được người có năng lực, trình độ.
"Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tổ chức mới", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
10 công ty chứng khoán lớn nắm gần 70% thị phần môi giới
Nửa đầu năm 2025, 10 công ty chứng khoán lớn nhất chia nhau 68,4% thị phần môi giới trên sàn TP HCM, trong đó SSI tăng mạnh nhất, còn Vietcap là công ty duy nhất thăng hạng.
![]() |
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), VPS tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới tính theo giá trị giao dịch nửa đầu năm nay với 16,02%. Thị phần của công ty này giảm so với mức 18,26% của năm 2024.
VPS cũng dẫn đầu thị phần trên sàn HNX và UPCoM, đều xấp xỉ 19%. Riêng chứng khoán phái sinh, họ giữ cách biệt lớn với những đối thủ xếp sau khi nắm đến 47,71% thị phần.
SSI là công ty có thị phần môi giới tăng mạnh nhất khi lấy thêm 1,29 điểm phần trăm, lên 10,47%. Năm ngoái, thị phần của họ trên HoSE chỉ bằng phân nửa VPS, nhưng nay đã thu hẹp đáng kể.
Nhóm giữa và dưới của bảng xếp hạng không có nhiều thay đổi, trừ Vietcap là công ty chứng khoán duy nhất tăng từ hạng 5 lên hạng 4. Vietcap năm ngoái có 6,08% thị phần, còn nửa đầu năm nay lên 6,81%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 78 công ty chứng khoán thành viên.
Cuộc đua thị phần môi giới ngày càng quyết liệt, thể hiện qua khoảng cách giữa các công ty chứng khoán dần thu hẹp.
Vietcap cho biết mục tiêu của họ là giữ vị trí thứ 5 thị phần môi giới tại HoSE bằng cách tập trung nhiều hơn vào khách hàng cá nhân và phát triển hệ sinh thái toàn diện gồm cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh, sản phẩm tiền gửi và quản trị gia sản.
Trong khi đó, chia sẻ với cổ đông về chiến lược phát triển thị phần, lãnh đạo SSI cho rằng công ty "đang tận dụng tối đa và mở rộng khách hàng đại trà nhằm tăng số lượng khách hàng trong tương lai", đặc biệt phân khúc nhà đầu tư trẻ. Dù vậy, SSI không đặt mục tiêu lấy thị phần bằng mọi giá.
Đối với HSC, họ cho biết sẽ áp dụng chính sách thưởng kinh doanh hấp dẫn hơn nhằm tạo động lực cho đội ngũ môi giới trong việc phát triển khách hàng mới để đạt mục tiêu thị phần.
Nhiều công ty chứng khoán cũng liên tục giảm lãi suất cho vay ký quỹ (margin) nhằm kích cầu đòn bẩy tài chính, qua đó tăng thị phần giá trị giao dịch. Lãi suất phổ thông trước đây dao động 14 - 15% một năm, nay giảm còn 12 - 13%. Các gói vay ưu đãi có nhiều điều khoản ràng buộc cũng giảm lãi suất từ 9% một năm xuống 6 - 7%.
Ông Nguyễn Văn Thọ làm Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Thọ, được phân công làm Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2026.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thọ trong một cuộc họp khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ |
Đó là một phần trong Quyết định phân công nhiệm vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được ban hành.
Ông Nguyễn Văn Thọ được quyền thay mặt Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, giải quyết hồ sơ, công việc hàng ngày của chính quyền và phân công phó chủ tịch, ủy viên UBND thành phố tham dự hoạt động của các cơ quan Trung ương, Thành ủy, HĐND TP.HCM...
Ông Nguyễn Văn Thọ cũng được giao tổ chức triển khai và theo dõi, đôn đốc thực hiện quy chế làm việc, chương trình công tác hàng tuần, tháng, quý, năm của UBND TP.HCM. Ông sẽ chỉ đạo Văn phòng UBND TP.HCM trong quan hệ công tác với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, văn phòng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Thọ sẽ hỗ trợ Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, trực tiếp chỉ đạo, ký văn bản liên quan các lĩnh vực: hành chính tư pháp, dân tộc, tôn giáo; phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm; tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Ông Nguyễn Văn Thọ trước khi về công tác tại UBND TP.HCM mới, ông Thọ là Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ.
Cũng tại Quyết định này, Chủ tịch UBND TP.HCM phân công nhiệm vụ cho 5 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Cụ thể, ông Nguyễn Lộc Hà chỉ đạo công tác cải cách hành chính, đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo hộ công dân, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội; trực tiếp theo dõi 11 phường, 6 xã thuộc địa bàn Bình Dương cũ.
Ông Bùi Xuân Cường theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực an toàn giao thông, đầu tư công kể cả ODA, hợp tác đầu tư công tư và vốn nhà nước ngoài đầu tư công; trực tiếp theo dõi 18 phường, 9 xã ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Dũng chỉ đạo lĩnh vực quản lý tài chính, quản lý ngân sách, giá, phí, công tác cân đối, bố trí vốn đầu tư công; theo dõi 20 phường, 7 xã ở TP.HCM.
Ông Bùi Minh Thạnh chỉ đạo công tác tổ chức bộ máy, dân vận chính quyền và thực hiện các quy định của pháp luật về Quy chế dân chủ cơ sở; trực tiếp theo dõi 12 phường, 6 xã chủ yếu ở địa bàn Bình Dương cũ.
Bà Trần Thị Diệu Thúy chỉ đạo triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 57 về phát triển đột phá khoa học công nghệ, trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lao động, thể dục thể thao... Bà Thúy theo dõi 20 phường, 4 xã ở địa bàn TP.HCM cũ.
Chủ đầu tư được tự quyết giá bán nhà ở xã hội từ 1/7
Từ 1/7, chủ đầu tư được tự quyết giá bán nhà ở xã hội, thay vì Sở Xây dựng phải duyệt như trước, theo Nghị định 192.
![]() |
Một khu nhà xã hội ở phường Thủ Dầu Một, TP.HCM |
Nội dung trên được nêu trong Nghị định 192 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, có hiệu lực từ 1/7.
Theo đó, chủ đầu tư được tự quyết định giá bán, thuê mua nhà ở xã hội, căn cứ vào phương pháp xác định giá và lợi nhuận định mức. Họ được thuê tư vấn về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để thẩm tra trước khi duyệt giá bán.
Chủ đầu tư cần gửi hồ sơ xây dựng giá bán về Sở Xây dựng. Sau đó, giá này sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở. Họ cũng phải thực hiện kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư, gửi hồ sơ này về Sở Xây dựng, sau 180 ngày nghiệm thu hoàn thành công trình.
Trong vòng 1 tháng, Sở sẽ có ý kiến về giá bán, thuê mua dự án. Nếu giá theo kết quả kiểm tra của Sở cao hơn mức chủ đầu tư đã ký hợp đồng, họ không được thu thêm phần chênh lệch của khách hàng. Nếu thấp hơn, phần chênh lệch giá này sẽ được hoàn trả cho người mua.
Cũng theo Nghị định, chủ đầu tư không được thu quá 95% giá trị hợp đồng trước khi người mua được cấp sổ đỏ.
Theo quy định trước đây, giá bán nhà xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức (tối đa 10%). Giá bán được UBND cấp tỉnh thẩm duyệt, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước. Đây là giá chính thức để khách hàng ký hợp đồng mua bán, thuê mua với chủ đầu tư.
Nghị định 192 cũng bổ sung các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa trục lợi chính sách nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của hồ sơ quyết định giá bán, thuê mua. Họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm, tùy mức độ.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao kiểm tra, xử lý chủ đầu tư nhà ở xã hội chậm triển khai, không bảo đảm chất lượng công trình.
Năm nay, Thủ tướng giao chỉ tiêu cả nước cần xây xong hơn 100.000 căn nhà xã hội. Với Hà Nội và TP.HCM, chỉ tiêu hoàn thành nhà xã hội năm nay lần lượt 4.670 căn và gần 2.900 căn.
Hoàn thành GPMB thi công cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Trị trước 10/7
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ.
![]() |
Tuyến chính cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đã cơ bản hoàn thành |
Bộ Xây dựng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác GPMB của dự án phải hoàn thành trong tháng 6/2025.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các chủ đầu tư, đến nay, dự án vẫn còn một số vướng mắc trong công tác GPMB tại một số vị trí đường gom, hàng rào, nhánh nút giao... thuộc địa bàn các xã thuộc tỉnh Quảng Trị gồm: Bố Trạch, Liên Trạch, Phú Trạch, Trung Thuần, Trường Phú, Bến Quan, Cồn Tiên, Hiếu Giang...
Bảo đảm tiến độ hoàn thành, sớm đưa các dự án thành phần vào khai thác, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương, Hội đồng GPMB tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc, tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân ủng hộ, hoàn thành công tác GPMB trước ngày 10/7/2025.
"Các ban quản lý dự án: 6, đường Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan trong công tác GPMB, đồng thời chỉ đạo các nhà thầu tập trung đẩy nhanh thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu", Bộ Xây dựng chỉ đạo.
Kinh tế TP.HCM trước sáp nhập tăng 7,82% nửa đầu năm 2025
Sáu tháng đầu năm 2025, GRDP TP.HCM cũ tăng trưởng 7,82%, còn tính chung sau sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 6,56%.
![]() |
Kinh tế TP.HCM trước sáp nhập tăng 7,82% nửa đầu năm 2025. Ảnh minh họa |
Thông tin được UBND TP.HCM công bố tại phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng, sáng 4/7. Tốc độ tăng trưởng 7,82% của TP.HCM cũ nửa đầu năm cao hơn kết quả cùng kỳ năm ngoái (ở mức 6,46%) và cao nhất kể từ Covid-19.
Khu vực dịch vụ góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tổng thu tăng 27,3%. Kim ngạch xuất và nhập khẩu đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 31,6 tỷ USD và 24,9 tỷ USD.
Động lực quan trọng khác thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng khá nửa đầu năm là giải ngân đầu tư công hơn 31.716 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,1% tổng kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ, đồng thời vượt 10% so với kế hoạch đã đề ra. Vốn FDI cũng cải thiện mạnh, đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng hơn 123%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục mở rộng, tăng 6,7%. Riêng ngành sản xuất bắt đầu tăng tốc từ tháng 3, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ đầu năm. Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghệ (IIP) tăng 8,6%, cao hơn mức cùng kỳ (5,6%).
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng nhẹ trong khi thành lập mới giảm 25,1% về lượng và 51,4% vốn đăng ký. Điểm sáng là những đơn vị còn bám trụ kinh doanh đẩy mạnh bổ sung vốn, tăng đến 81,9% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, tổng vốn đăng ký và bổ sung 6 tháng đầu của doanh nghiệp hơn 410.400 tỷ đồng, tăng 5,2%.
Còn nếu tính GRDP của TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng trưởng ước đạt 6,56% (tính dầu thô) và 7,49% (nếu không tính dầu thô). Trong đó, tăng trưởng tỉnh Bình Dương cũ đạt 8,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ là 2,61% (nếu tính dầu thô thì tăng trưởng âm 2,24%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.HCM mới tăng 16,2%, thu hút FDI đạt hơn 5,2 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch Thủ tướng giao.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh giá tình hình nửa đầu năm nhìn chung đạt khá, nhưng 6 tháng cuối năm dự báo thách thức khi Mỹ áp thuế đối ứng. Ông Nguyễn Văn Được đề nghị các cơ quan đánh giá ảnh hưởng của chính sách này đến tăng trưởng địa phương, liệu có đảm bảo mục tiêu 8-8,5%...
Hà Nội có gần 22.000 căn nhà đủ điều kiện mở bán nửa đầu năm 2025
6 tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội có thêm 21.951 căn nhà được phép mở bán, trong đó gần 75% là căn hộ chung cư, còn lại nhà thấp tầng.
![]() |
Hà Nội có gần 22.000 căn nhà đủ điều kiện mở bán nửa đầu năm 2025 |
Sở Xây dựng Hà Nội vừa cập nhật danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán trên địa bàn từ đầu năm đến hết tháng 6/2025.
Theo đó, thị trường nhà ở Thủ đô đón thêm 21 dự án với 21.951 căn nhà được phép đưa vào kinh doanh. Chung cư tiếp tục áp đảo với 16.412 căn hộ, chiếm gần 75% số căn được mở bán, trong khi đó sản phẩm nhà thấp tầng là 5.538 căn.
Hầu hết nguồn cung chung cư mới đến từ các dự án nhà ở khu vực phía đông Hà Nội như huyện Đông Anh, Gia Lâm (trước sáp nhập). Riêng khu vực Gia Lâm đóng góp hơn 9.600 căn, trong đó 3.144 sản phẩm thuộc về một dự án của Masterise tại đại đô thị Ocean Park 1. Tại phía Tây, có 6 dự án chung cư mới đủ điều kiện mở bán với gần 6.600 căn.
Với phân khúc nhà thấp tầng, 2 dự án đóng góp trên 80% nguồn cung mới đều nằm ở phía Tây. Trong đó, dự án Sunshine Grand Capital tại huyện Hoài Đức, Đan Phượng (trước sáp nhập) có khoảng 2.300 căn. Dự án Wonder City của Vinhomes tại Đan Phượng cũng có 2.279 căn nhà thấp tầng đủ điều kiện mở bán.
Lượng nhà ở được phép đưa vào kinh doanh tại Hà Nội nửa đầu năm nay tăng mạnh so với năm ngoái. Bởi đến hết quý III/2024, Thủ đô chỉ đón thêm khoảng 12.300 căn nhà từ 14 dự án.
Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Savills, riêng phân khúc chung cư, Thành phố sẽ đón thêm khoảng 25.200 căn trong năm nay. Từ 2026 trở đi, Savills dự báo khoảng 70.000 căn từ 91 dự án sẽ được mở bán. Phần lớn nguồn cung sơ cấp đến từ khu vực vùng ven như Đông Anh, Hoài Đức và Hoàng Mai.
An Giang mở tuyến xe phục vụ cán bộ, công chức từ Long Xuyên đến Rạch Giá sau sáp nhập
Chuyến xe đầu tiên sẽ khởi hành từ Rạch Giá đến Long Xuyên lúc 17h chiều ngày 4/7, phục vụ đưa đón cán bộ, công chức của tỉnh An Giang (cũ) đi làm việc tại trung tâm hành chính mới của tỉnh An Giang sau sáp nhập, với giá vé 75.000 đồng/người/lượt.
![]() |
Tuyến Long Xuyên - Rạch Giá và ngược lại phục vụ nhu cầu đưa, đón cán bộ, công chức thuộc các đơn vị hành chính tỉnh An Giang (cũ) |
Ngày 4/7, thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết, đã có thông báo gửi lãnh đạo các Sở, ngành, phường, xã trên địa bàn tỉnh về việc cấp phép hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định từ phường Long Xuyên đến phường Rạch Giá và ngược lại do Công ty TNHH Vận tải Du lịch Tuấn Nga (trụ sở tại TP.HCM) khai thác.
Theo đó, tuyến Long Xuyên - Rạch Giá và ngược lại phục vụ nhu cầu đưa, đón cán bộ, công chức thuộc các đơn vị hành chính tỉnh An Giang (cũ) phải đến trung tâm hành chính tỉnh An Giang mới để làm việc; đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các phường Long Xuyên, Mỹ Thới, Bình Đức, xã Mỹ Hoà Hưng và các xã lân cận có nhu cầu đến trung tâm hành chính tỉnh bằng phương tiện công cộng.
Theo phương án được công bố, tuyến xe hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với giá cước 75.000 đồng/người/lượt.
Theo đại diện nhà xe, để đảm bảo việc bố trí phương tiện, hành khách là cán bộ, công chức có thể đăng ký trước lịch trình. Tùy theo số lượng khách đăng ký, nhà xe có thể bố trí xe 16 chỗ ngồi hoặc xe trên 40 chỗ ngồi, nhưng tất cả đều là phương tiện mới đưa vào khai thác.
Ông Nguyễn Thanh Cường, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết, có tổng số 253 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh An Giang cũ tại Long Xuyên phải đến làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh An Giang mới tại Rạch Giá. Tuyến vận chuyển hành khách trên xuất phát từ đề xuất đăng ký nhu cầu xe đưa đón cán bộ, công chức, viên chức từ Long Xuyên đến Rạch Giá làm việc và ngược lại.
Về lâu dài, đây cũng là tuyến vận tải hành khách công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các xã, phường thuộc địa phận tỉnh An Giang cũ đến liên hệ công tác, làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh An Giang mới.