Nỗ lực cao nhất đưa các đột phá thể chế vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất danh mục 32 văn bản quy định chi tiết, thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Bên cạnh nỗ lực xây dựng chính sách, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với một số cơ quan, bộ, ngành để các văn bản được ban hành kịp thời, bảo đảm chất lượng, tạo thuận lợi trong thực thi các quyết sách “đột phá” cho nền kinh tế vươn lên.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng chủ trì hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết về việc xử lý vướng mắc giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng chủ trì hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết về việc xử lý vướng mắc giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Tài chính cho biết, để hướng dẫn thực thi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), các ban soạn thảo đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành 10 nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính sẽ chủ trì xây dựng 9 nghị định trong đó có: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng chủ trì hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết về việc xử lý vướng mắc giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện và trình ban hành theo thủ tục rút gọn Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư ban hành biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.

Đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/10/2025 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025), Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan gấp rút xây dựng và dự kiến trình ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định trên vào tháng 9/2025.

Cùng với đó là xây dựng và dự kiến trình ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 10/2025.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Theo kế hoạch, trong tháng 10/2025, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026).

Đối với Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1/8/2025), trong tháng 7/2025, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ 3 dự thảo nghị định gồm: Nghị định quy định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Nghị định quy định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo và công khai thông tin.

Đối với Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), có hiệu lực từ năm ngân sách năm 2026, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng và trình ban hành 9 văn bản hướng dẫn thực hiện, gồm 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 nghị định liên quan trong năm 2025.

Một số chuyên gia cho rằng, số lượng luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 khá lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Việc xây dựng hàng chục nghị quyết, nghị định và thông tư trong thời gian chưa đầy 6 tháng là áp lực rất lớn với các cơ quan soạn thảo, nhưng các ý kiến tin rằng Bộ Tài chính sẽ sớm hoàn thành, tạo “đột phá” tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Bộ Tài chính sẽ chủ trì xây dựng Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

Tin cùng chuyên mục