Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới
Các ngân hàng thương mại tăng giá giao dịch đồng USD lên mức cao nhất từ trước đến nay, bất chấp giá USD thế giới vẫn ở vùng thấp nhất 3 năm qua.
![]() |
Giá giao dịch đồng bạc xanh tiếp tục tăng mạnh trên kênh giao dịch chính thức |
Trong phiên giao dịch sáng 3/7, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 25.091 đồng/USD, tăng 21 đồng so với phiên giao dịch liền trước.
Với biên độ dao động +/- 5% theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá quy đổi sàn/trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch ngày 3/7 lần lượt là 23.836 đồng/USD và 26.345 đồng/USD.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN cũng được điều chỉnh tăng 11 đồng ở chiều mua và tăng 13 đồng ở chiều bán, lên mức 23.867 - 26.273 đồng/USD.
Cùng ghi nhận xu hướng tăng giá này, giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại trong phiên 3/7 cũng tăng kịch trần và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Vietcombank nâng giá mua - bán đồng bạc xanh lên mức 25.975 - 26.345 đồng/USD, tức tăng hơn 20 đồng so với hôm 2/7. VietinBank và BIDV cùng áp dụng giá bán ra ở mức kịch trần 26.345 đồng/USD, trong khi giá mua vào lần lượt niêm yết ở mức 25.965 đồng/USD và 26,005 đồng/USD.
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, nhóm nhà băng tư nhân cũng hưởng ứng xu hướng này.
HDBank hiện niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 25.930 - 26.345 đồng/USD. So với phiên giao dịch liền trước, tỷ giá quy đổi tại ngân hàng này đã tăng tới 60 đồng ở chiều mua và tăng 25 đồng ở chiều bán.
Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng duy trì xu hướng tăng giá bán đồng USD lên mức kịch trần của NHNN cho phép. Như tại Techcombank, ACB, SHB, MBBank, Eximbank, HSBC, Sacombank, OCB, tỷ giá USD đều đang cao hơn 20-25 đồng so với giá giao dịch hôm qua.
So với đầu tuần, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã bật tăng tới 45 đồng, tương ứng mức tăng ròng gần 0,2%.
Cùng thời điểm, giá USD trên thị trường tự do ghi nhận biến động ngược chiều. Các điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội đang giao dịch đồng USD phổ biến ở mức 26.370 - 26.470 đồng/USD (mua - bán), tức giảm 20 đồng ở chiều mua nhưng tăng 20 đồng ở chiều bán so với giá chốt phiên liền trước.
Việt Nam phản đối tàu Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế
Bộ Ngoại giao phản đối các hoạt động của tàu nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam.
![]() |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng |
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi về việc tàu Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
"Các hoạt động nghiên cứu, khảo sát của nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, mà không được phép của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam", bà Hằng cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông, đồng thời triển khai những biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển của Việt Nam.
Sau sáp nhập, TP.HCM giữ nguyên bảng giá đất đến hết năm 2025
Sau khi hoàn tất sắp xếp lại đơn vị hành chính, TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành đến cuối năm nay.
![]() |
Bất động sản Khu đô thị Thủ Thiêm, thuộc khu Đông TP.HCM |
Trong Quyết định vừa ban hành, UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành trên toàn địa bàn sau khi hoàn tất sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm duy trì ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo đó, các bảng giá đất do ba địa phương cũ gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành trước khi sáp nhập sẽ tiếp tục được dùng đến ngày 31/12/2025. Động thái này nhằm tránh xáo trộn trong quản lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với người dân, doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.
UBND TP.HCM giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các sở, ngành và địa phương tham mưu xây dựng bảng giá đất mới, trình HĐND Thành phố ban hành và áp dụng từ năm 2026.
Theo Nghị quyết 1685 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP.HCM sau sáp nhập gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành từ việc hợp nhất ba đơn vị cấp tỉnh là TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước đó, mỗi địa phương có bảng giá đất riêng, được xây dựng theo khung giá giai đoạn 2020 - 2024. Cụ thể, TP.HCM áp dụng bảng giá theo Quyết định 79, Bình Dương theo Quyết định 63 và Bà Rịa - Vũng Tàu theo Quyết định 26.
Kể từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7, bảng giá đất sẽ được cập nhật hàng năm, thay vì 5 năm một lần như trước đây. Việc tiếp tục sử dụng bảng giá cũ đến hết năm nay phù hợp với quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 144 của Luật này.
Hanoitourist sẽ bán vốn tại công ty là chủ đầu tư khách sạn Pullman Quảng Bình
Hanoitourist sẽ bán toàn bộ vốn tại công ty là chủ đầu tư Dự án khách sạn 5 sao Pullman Quảng Bình, với giá tối thiểu gần 198 tỷ đồng.
![]() |
Dự án khách sạn Pullman Quảng Bình |
Theo bản công bố thông tin của Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), thương vụ đấu giá hơn 12,18 triệu cổ phần (tương ứng 51% vốn) tại Công ty Du lịch Hà Nội - Quảng Bình dự kiến diễn ra ngày 23/7.
Mức giá đấu khởi điểm từ 16.239 đồng một cổ phần. Như vậy, giá tối thiểu cho thương vụ trên gần 198 tỷ đồng.
Công ty Du lịch Hà Nội - Quảng Bình là chủ đầu tư dự án khách sạn 5 sao Pullman tại khu vực phía đông đường Võ Nguyên Giáp, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (trước sáp nhập với tỉnh Quảng Trị), nay là phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Trị. Dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng với 283 phòng khách sạn, 18 căn biệt thự tiêu chuẩn 5 sao quốc tế mang thương hiệu Pullman do Tập đoàn Accor quản lý.
Theo tiến độ được phê duyệt trước đây, khách sạn này được duyệt hoàn thành và vận hành trước ngày 31/12/2023. Tuy nhiên đến nay, Dự án vẫn chưa về đích.
Theo bản công bố thông tin của Hanoitourist, Dự án vẫn còn một số gói thầu về lắp đặt, thi công nội thất chưa thực hiện. Công ty dự kiến hoàn thành gói thầu cuối cùng của Dự án vào tháng 6/2026.
Việc Hanoitourist chuyển nhượng vốn tại công ty là chủ đầu tư khách sạn Pullman Quảng Bình nhằm tái cơ cấu lại tổng công ty theo kế hoạch đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.
Đến hết tháng 3, Công ty Du lịch Hà Nội - Quảng Bình có tổng tài sản khoảng 372 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chưa phát sinh doanh thu do đang trong giai đoạn xây dựng dự án khách sạn Pullman 5 sao Quảng Bình. Đơn vị này ghi nhận lỗ lần lượt 3,3 tỷ đồng và 4,2 tỷ đồng năm 2023, 2024.
Hanoitourist thành lập năm 1963, tiền thân là Công ty Du lịch Hà Nội. Đến nay, Hanoitourist có hơn 22 đơn vị thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, cho thuê văn phòng thương mại với hơn 3.500 nhân viên. Tại Hà Nội, họ nắm cổ phần tại các khách sạn nổi tiếng như Sofitel Legend Metropole Hanoi, Pullman Hanoi và Hotel De L’Opera.
Bộ Y tế thu hồi toàn quốc 2 loại kem đánh răng
Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc đối với 2 sản phẩm kem đánh răng Aquafresh vì các sản phẩm có nhãn ghi sai lệch nguồn gốc so với hồ sơ công bố.
![]() |
Kem đánh răng Aquafresh Soft Mint bị thu hồi |
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa đồng loạt ban hành các quyết định liên quan đến Công ty TNHH Phát Anh Minh, bao gồm đình chỉ lưu hành, thu hồi 2 sản phẩm mỹ phẩm Aquafresh và tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm của doanh nghiệp này trong thời gian 6 tháng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, hai sản phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc là Aquafresh Soft Mint (số tiếp nhận 264128/25/CBMP-QLD) và Aquafresh Clear Mint (số tiếp nhận 264127/25/CBMP-QLD). Cả hai sản phẩm do Earth Corporation (Nhật Bản) sản xuất, được cấp số tiếp nhận phiếu công bố ngày 22/1/2025.
Đây là các sản phẩm kem đánh răng khá phổ biến trên thị trường với nhiều nhà phân phối khác nhau. Cục thu hồi sản phẩm do Công ty TNHH Phát Anh Minh công bố và phân phối, các sản phẩm do các nhà phân phối khác không nằm trong sản phẩm bị thu hồi.
Động thái này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện các sản phẩm lưu thông trên thị trường, có nhãn ghi không đúng với thông tin nhà sản xuất đã kê khai trong hồ sơ công bố, vi phạm quy định về quản lý mỹ phẩm. Cục Quản lý Dược cho rằng, việc ghi nhãn sai nguồn gốc không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chất lượng và xuất xứ sản phẩm.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn phải ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng hai sản phẩm nói trên, đồng thời thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm và xử lý theo quy định.
Về phía Công ty TNHH Phát Anh Minh, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo thu hồi tới các địa điểm phân phối, sử dụng sản phẩm; tiếp nhận sản phẩm trả lại; tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ hai sản phẩm không đáp ứng quy định.
Doanh nghiệp cũng phải gửi báo cáo kết quả thu hồi về Cục Quản lý Dược. Sở Y tế TP. Hà Nội được giao giám sát việc thu hồi.
Giá cà phê trong nước bật tăng
Ngày 3/7, giá cà phê giao dịch trong nước tăng thêm 800 - 900 đồng/kg. Trong khi đó, trên các sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê Robusta và Arabica lại tiếp tục giảm sâu.
![]() |
Giá cà phê trong nước tăng trở lại trong khi giá cà phê trên thế giới lại tiếp tục giảm sâu |
Ngày 3/7, tại khu vực Tây Nguyên, giá cà phê giao dịch trung bình quanh mức 95.500 đồng/kg. Trong đó, thương lái ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông (cũ), nay là tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, hiện thu mua cà phê với giá lần lượt 95.500 đồng/kg và 95.600 đồng/kg.
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại Lâm Đồng và Gia Lai đang được giao dịch trong khoảng 95.100-95.400 đồng/kg.
Còn trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến Robusta hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9 đóng cửa ở mức 3.602 USD/tấn, giảm 1,58% (58 USD/tấn) so với ngày hôm trước.
Ngoài ra, hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11 cũng ghi nhận đà giảm 1,42% (51 USD/tấn), xuống còn 3.551 USD/tấn trong phiên giao dịch mới nhất.
Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9 tiếp tục giảm nhẹ 0,26% (0,75 US cent/pound), xuống còn 291,2 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11 giảm 0,28% (0,8 US cent/pound) và chỉ còn giữ giá 285,35 US cent/pound.
Giá cà phê trên thế giới trong phiên giao dịch ngày 3/7 tiếp tục xu hướng giảm, do áp lực nguồn cung gia tăng từ các quốc gia sản xuất hàng đầu như Brazil và Việt Nam.
Tập đoàn Sơn Hải muốn nghiên cứu đầu tư mở rộng 679 km cao tốc Bắc Nam
Tập đoàn Sơn Hải kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu lập hồ sơ đầu tư mở rộng hoàn chỉnh 679 km cao tốc Bắc Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây (Đồng Nai).
![]() |
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm do Tập đoàn Sơn Hải đầu tư |
Sơn Hải đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các bộ, ngành xem xét giao đơn vị này đứng đầu cùng hợp tác với một số nhà đầu tư để nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ Quảng Ngãi đến Đồng Nai theo phương thức PPP.
Doanh nghiệp cam kết hoàn thành lập hồ sơ dự án đúng thời gian và chấp thuận chịu chi phí trong trường hợp hồ sơ không được thông qua.
Đoạn cao tốc Bắc Nam phía đông từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 679 km hiện có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp liên tục. Đây là đoạn cao tốc được Chính phủ chỉ đạo mở rộng lên 6 làn xe theo quy hoạch, cùng với khoảng 500 km cao tốc Bắc Nam ở các tỉnh khác.
Cuối tháng 5, Sơn Hải từng kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu đầu tư mở rộng hoàn chỉnh 263 km cao tốc từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Nha Trang (Khánh Hòa) theo phương thức PPP. Đoạn cao tốc này nằm trên tuyến từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây.
Doanh nghiệp cam kết tự thu xếp toàn bộ nguồn vốn (gồm vốn chủ sở hữu và huy động hợp pháp), không sử dụng vốn ngân sách; thời gian thi công không quá 24 tháng và bảo hành công trình trong 10 năm.
Nhà nước đã đầu tư khoảng 1.375 km cao tốc Bắc - Nam với quy mô từ 2 đến 4 làn xe. Trong đó, 654 km thuộc giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã đưa vào khai thác; 721 km thuộc giai đoạn 2 (2021 - 2025) đang được triển khai, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 - 2026.
Cần Thơ chuẩn bị nhà công vụ cho 140 lãnh đạo cấp sở
Ba cơ sở lưu trú của nhà nước sẽ được cải tạo để bố trí cho 140 lãnh đạo sở, ngành từ Hậu Giang, Sóc Trăng đến làm việc tại Cần Thơ.
![]() |
Nhà khách Tây Nam Bộ cách trung tâm hành chính TP. Cần Thơ khoảng 3 km |
Ngày 3/7, Sở Xây dựng Cần Thơ báo cáo UBND Thành phố về phương án sửa chữa Nhà khách Tây Nam Bộ (phường Hưng Phú), Nhà khách số 2 (phường Ninh Kiều) và dãy nhà công vụ phía sau Thành ủy để làm nhà ở công vụ.
Ba tòa nhà này tổng diện tích sử dụng hơn 10.200 m2, hiện xuống cấp sau thời gian dài không sử dụng. Tổng kinh phí sửa chữa ba cơ sở dự kiến hơn 18 tỷ đồng.
Sau cải tạo, ba tòa nhà sẽ cung cấp 118 phòng, gồm 62 phòng tại nhà khách Tây Nam Bộ, 36 phòng tại nhà khách số 2 và 20 phòng tại khu công vụ Thành ủy - đủ bố trí cho 118 cán bộ. Sở Xây dựng đang rà soát thêm 20 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước để chuyển đổi thành nhà công vụ.
Sở Xây dựng cũng tính toán nếu bố trí 4 người mỗi phòng, ba khu nhà nói trên có thể đáp ứng nhu cầu cho khoảng 500 cán bộ, công chức. Về lâu dài, thành phố có kế hoạch xây dựng 310 căn nhà công vụ với tổng vốn đầu tư 365 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2026, đủ chỗ ở cho 1.240 người.
Hiện tại, TP. Cần Thơ cũng có sẵn 500 căn nhà ở xã hội cho thuê hoặc mua, nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi chưa thể bố trí đầy đủ chỗ ở, thành phố hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng cho mỗi cán bộ, công chức được điều động để chi trả chi phí đi lại, lưu trú.
Sau khi hợp nhất với Sóc Trăng, Hậu Giang, TP. Cần Thơ mới trực thuộc Trung ương, có 103 xã, phường, diện tích tự nhiên hơn 6.360 km2, đứng thứ ba ở miền Tây và thứ 19 cả nước. Thành phố có dân số gần 4,2 triệu người; quy mô nền kinh tế gần 282.000 tỷ đồng.