Vượt thách thức, kiên định mục tiêu tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau nửa chặng đường của năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đối diện với triển vọng suy giảm của kinh tế toàn cầu, còn rất nhiều thách thức đặt ra trong thời gian tới để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, tiếp tục “ngược dòng” thành công.
Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch... Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch... Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam “ngược dòng” kinh tế toàn cầu

Số liệu 6 tháng của các địa phương (trước sáp nhập) cho thấy mức tăng trưởng GRDP tích cực, nhiều địa phương tăng trưởng trên 8%, trong đó một số địa phương đạt 2 con số, như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng. 2 đầu tàu kinh tế của cả nước cũng có chuyển động tích cực khi tăng trưởng GRDP của TP.HCM đạt 7,82%, dù chưa đạt được mức 8,67% như kịch bản nhưng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020; GRDP Hà Nội ước tăng 7,63%, cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.

Theo Bộ Tài chính, sau khi rà soát, hợp nhất số liệu tăng trưởng, có 17/34 địa phương (sau rà soát, sáp nhập) tăng trưởng GRDP trên 8% như: Quảng Ngãi (13,02%), Hải Phòng (11,42%), Quảng Ninh (10,89%), Ninh Bình (10,75%), Đà Nẵng (9,98%)… Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực cũng bám sát kịch bản đề ra, một số chỉ tiêu vượt kịch bản như tốc độ tăng xuất khẩu đạt 14,4% (mục tiêu 10%), thặng dư thương mại đạt 7,63 tỷ USD (mục tiêu 5,65 tỷ USD).

Trên bình diện cả nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dự báo cuối tháng 5, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 7,67%; 6 tháng đạt 7,31%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng tăng 3,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 7,83%. Ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2 - 0,3% so với dự báo, bám sát kịch bản tại Nghị quyết số 154/NQ-CP (7,6%). Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực, thế giới.

Ngày 2/7/2025, Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng được thống nhất. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao. Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán với Mỹ, tạo niềm tin, kỳ vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đã khẳng định kinh tế Việt Nam “ngược dòng” với triển vọng suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, Bộ trưởng nhận định, nhiệm vụ tăng trưởng 6 tháng cuối năm còn rất thách thức, kinh tế vĩ mô chịu nhiều sức ép, nhất là trong điều hành tỷ giá, lãi suất. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, thì 6 tháng cuối năm cần tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Tăng tốc động lực truyền thống, phát huy động lực mới

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2025 chịu tác động từ các yếu tố tiêu cực bởi tình hình thương mại toàn cầu, nhưng vẫn dự báo tăng trưởng ở mức tương đối tích cực. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,6% trong năm 2025 và 6,5% vào năm 2026, sau mức tăng mạnh 7,1% trong năm 2024. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo GDP Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khá trong năm 2025 - 2026, nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại ở mức 6,2% năm 2025 và 6% năm 2026 do bối cảnh bất ổn chính sách toàn cầu.

Một số ý kiến cho rằng, trong nửa cuối năm, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch... Tuy nhiên, thách thức là rất lớn vì những biến động khó lường; xuất khẩu dự báo đối mặt với nhiều rủi ro do tăng trưởng sức mua tại các thị trường chậm lại, nhất là những thị trường chủ yếu; đơn hàng xuất khẩu giảm; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 giảm, là tháng thứ ba liên tiếp dưới 50 điểm. Tiêu dùng 6 tháng đầu năm tuy tăng trưởng tích cực nhưng chưa có đột phá, chưa trở thành động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư tư nhân dần phục hồi nhưng chưa vững chắc; việc xử lý vướng mắc của các dự án đạt kết quả bước đầu, nhưng bên cạnh những dự án các địa phương đang chủ động xử lý thì qua rà soát vẫn còn 2.365 dự án tồn đọng với tổng giá trị đầu tư khoảng 235 tỷ USD…

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh các giải pháp phát triển, củng cố nội lực của nền kinh tế để vững vàng ứng phó với những cú sốc, tăng trưởng cao đi đôi với ổn định vĩ mô, phát triển bền vững. Theo đó, cần tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân; thúc đẩy đầu tư công đi đôi với bảo đảm hiệu quả; tháo gỡ sớm vướng mắc của các dự án tồn đọng để giải phóng ngay nguồn lực lớn cho nền kinh tế… Đây là những giải pháp có thể chủ động, chủ yếu thông qua tháo gỡ về thể chế chính sách.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành công việc được giao, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kiên trì, kiên định thực hiện mục tiêu tổng quát là phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…

Thủ tướng nêu rõ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đồng thời thúc đẩy các FTA mới; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển trong năm 2025; chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao. Tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là 2.365 dự án bị vướng mắc theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí…

Tin cùng chuyên mục