Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng xử lý dứt điểm vướng mắc của 13 dự án ở Sơn Trà
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Đà Nẵng chủ động phối hợp với các bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho 13 dự án tại bán đảo Sơn Trà.
![]() |
Danh sách 13 dự án gặp vướng mắc khu vực bán đảo Sơn Trà |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình sau buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng.
Theo đó, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TP. Đà Nẵng trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn.
Đến nay, Đà Nẵng đã tháo gỡ được gần một nửa trong tổng số các dự án gặp vướng mắc. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là kết quả và thành công bước đầu quan trọng, có thể trở thành bài học kinh nghiệm để nhân rộng cho các địa phương khác.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc còn lại. Trong đó, Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tháo gỡ các tồn tại của 13 dự án tại bán đảo Sơn Trà cũng như các dự án đã có bản án.
Đà Nẵng có 49 dự án bất động sản cùng hơn 1.300 trường hợp vướng mắc về thời hạn sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, ban hành vào năm 2012 và 2019. Riêng khu vực bán đảo Sơn Trà có 13 dự án khu du lịch vướng mắc về xác định giá thu tiền sử dụng, cho thuê đất theo Kết luận số 269 năm 2019.
Nhà đầu tư ngoại bán ròng 1,5 tỷ USD nửa đầu năm 2025
Khối ngoại xả hàng 5 trong 6 tháng đầu năm với tổng giá trị rút vốn khoảng 40.700 tỷ đồng, nối dài trạng thái bán ròng liên tục từ 2023 đến nay.
![]() |
Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 267.600 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2025. Ảnh minh họa |
Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 267.600 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và bán ra khoảng 308.300 tỷ đồng. Giá trị rút ròng đạt 40.700 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
Riêng trên sàn TP.HCM, nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 37.000 tỷ đồng. Những cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh nhất đều là thuộc rổ vốn hóa lớn như FPT (9.306 tỷ đồng), VIC (6.063 tỷ đồng) và VHM (4.323 tỷ đồng).
Nhà đầu tư nước ngoài xả hàng mạnh nhất vào tháng 4 - giai đoạn thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh đột ngột bởi thông tin thuế quan. Nhóm này cắt mạch bán ròng thông qua đợt giải ngân mạnh khi thị trường hồi phục trong tháng 5, nhưng đến tháng 6 lại rút vốn.
Diễn biến này đang kéo dài chuỗi rút ròng được khối ngoại kích hoạt cách đây 2 năm. Trong năm 2023, họ bán ròng khoảng 1 tỷ USD. Đến năm ngoái, con số này tăng lên 3,55 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dù nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, VN-Index vẫn tăng 8,6% (tương đương 110 điểm), lên 1.376 điểm vào cuối tháng 6. Điều này cho thấy thị trường ngày càng ít chịu tác động bởi sự vào ra của dòng vốn nước ngoài. Ngược lại, mức độ ảnh hưởng của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là cá nhân và tổ chức đầu tư là doanh nghiệp, tăng dần.
Điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ của gần 450 mẫu ô tô, xe máy
Hàng loạt mẫu xe mới được cập nhật mức giá tính lệ phí trước bạ từ 30/6, trong đó có 323 ô tô và hơn 123 xe máy.
![]() |
Người dân tham khảo mẫu ô tô tại TP.HCM |
Cục Thuế mới đây ban hành Quyết định số 2226 về bảng giá tính lệ phí trước bạ điều chỉnh, bổ sung đối với ô tô và xe máy. Bảng giá này sẽ là căn cứ để triển khai công tác thu lệ phí trước bạ kể từ ngày 30/6.
Với ô tô, có 323 dòng xe được điều chỉnh, trong đó chủ yếu là xe chở người dưới 9 chỗ (310 xe) với 167 xe nhập khẩu và 143 xe sản xuất, lắp ráp. Lần cập nhật này cũng thay đổi cho nhiều mẫu xe điện, trong đó có 24 dòng xe điện nhập khẩu và 26 dòng xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước.
Một phần nhỏ còn lại ô tô được điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ lần này là xe bán tải (pick-up) và xe van. Trong đó, lượng nhập khẩu là 5 xe, lắp ráp trong nước là 8 xe.
Các xe điều chỉnh giá lần này chủ yếu là phiên bản mới ra mắt, nâng cấp thời gian gần đây, hoặc các mẫu xe được điều chỉnh giá niêm yết để tiếp cận khách hàng.
Với xe máy, có 123 mẫu cập nhật giá điều chỉnh, với 53 xe nhập khẩu, 70 xe lắp ráp. Trong đó, hầu hết các mẫu xe có giá gần giống giá bán của hãng ngoài thị trường, riêng chiếc Honda CUV:e vốn được Honda dành để cho khách thuê, không bán, có giá kê khai 158,6 triệu đồng. Xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước có 27 xe điện, chủ yếu là thương hiệu VinFast và Yadea.
Kể từ tháng 7, có nhiều sự thay đổi trong đăng ký xe cùng với việc sáp nhập các địa phương. Tại Nghị định số 175/NĐ-CP ngày 30/6, Chính phủ bỏ quy định mức thu lệ phí trước bạ 5% với xe máy ở thành phố lớn, áp mức chung 2% cho mọi tỉnh, thành. Ví dụ, với người dân ở Hà Nội, TP.HCM, trước đây mua xe máy giá 50 triệu sẽ phải đóng 2,5 triệu tiền lệ phí trước bạ thì từ 1/7, mức này giảm còn 1 triệu đồng.
Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi (xe đã qua sử dụng), mức thu giữ nguyên 1%. Bộ Tài chính cho biết, quy định mới sẽ giúp người dân ở các tỉnh sáp nhập tránh chịu lệ phí trước bạ ở mức cao nếu áp dụng theo mức cũ.
Thu nhập bình quân của lao động quý II/2025 giảm
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II/2025 đạt 8,2 triệu đồng, giảm 58.000 đồng so với 3 tháng đầu năm.
![]() |
Công nhân dệt may Đà Nẵng trong ca làm việc |
Cục Thống kê cho biết, thu nhập quý II giảm so với 3 tháng đầu năm do các khoản thu nhập phụ trội, bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm trước và tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường chi trả chủ yếu trong quý I. Song so với cùng kỳ năm 2024, mức thu nhập này tăng 800.000 đồng.
Quý II ghi nhận thu nhập bình quân của lao động nam đạt 9,3 triệu đồng, nữ đạt 7 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập bình quân lao động thành thị là 9,9 triệu đồng trong khi ở nông thôn đạt 7,2 triệu mỗi tháng.
Tính chung sáu tháng đầu năm, thu nhập bình quân lao động đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lực lượng lao động trong độ tuổi và người có việc làm quý II tăng so với quý I. Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên là 53,1 triệu, tăng gần 170.000 so với quý I/2025. Số có việc làm ước tính 52 triệu, tăng gần 139.000 người so với quý trước và hơn nửa triệu người so với cùng kỳ năm 2024.
Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 41%; tiếp đến là công nghiệp và xây dựng chiếm 33%; nông lâm thủy sản gần 26%.
Nhìn chung, lao động có việc làm tăng nhưng thị trường phát triển chưa bền vững khi người có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, 63,5% tổng số lao động có việc làm trong độ tuổi, tương đương 33 triệu người. Lao động có việc làm phi chính thức được thống kê gồm nhóm trong gia đình không được hưởng công, hưởng lương, chủ cơ sở, người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng hoặc được ký nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, xã viên hợp tác xã không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và lao động khu vực hộ nông nghiệp.
Tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng nhẹ, đạt mức 29% và được cơ quan thống kê nhận định "chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao".
Tỷ lệ thất nghiệp quý II là 2,24%, được đánh giá "khá ổn định" so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm 2024. Song tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên độ tuổi 15 - 24 tuổi trong quý này là 8,19%, tăng so với 3 tháng trước cũng như cùng kỳ năm 2024. Cả nước ghi nhận 1,35 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10% tổng số thanh niên cả nước. Riêng nông thôn cao gần gấp rưỡi thành thị khi tỷ lệ này lần lượt là 11,4% với 8,2%.
Hà Nội thu hồi 6 ha đất ở Mễ Trì để xây nhà thấp tầng
Khu đất 6 ha nằm tại Mễ Trì, nay thuộc phường Từ Liêm sẽ bị thu hồi để xây nhà thấp tầng.
![]() |
Trong 6 ha đất ở Mễ Trì có 6.500 m2 đất dự kiến phát triển nhà xã hội. Ảnh minh họa |
UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định thu hồi 6 ha đất tại ô CQ1.1 phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (nay là phường Từ Liêm) do Đài Tiếng nói Việt Nam quản lý, sử dụng.
Khu đất sau thu hồi sẽ giao cho Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành phố, không qua đấu giá, đấu thầu, để triển khai xây dựng nhà ở thấp tầng cùng một số hạng mục như nhà trẻ, cây xanh, bãi đỗ xe tập trung, đường giao thông.
Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 2. Vị trí, ranh giới được xác định tại bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất 1/500 Tòa tháp VOV kết hợp khu xử lý kỹ thuật, nhà trẻ, nhà thấp tầng lập tháng 4/2015.
Theo đó, khu đất nằm ở phía Nam Đại lộ Thăng Long, một mặt giáp đường Lương Thế Vinh kéo dài. Trong 6 ha, hơn một nửa diện tích là đất xây dựng nhà ở, gồm 6.500 m2 đất dự kiến phát triển nhà xã hội. Khu đất này được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, thời hạn 50 năm, còn người mua nhà ở sử dụng đất lâu dài.
Ngoài ra, hơn 7.000 m2 đất xây xanh kết hợp bãi đỗ xe ngầm sẽ được Nhà nước thu tiền thuê đất một lần. Còn lại gần 2.400 m2 đất xây dựng hạ tầng xã hội như nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ được thu tiền thuê hàng năm.
Công ty Đầu tư địa ốc Thành phố cần liên hệ với cơ quan quản lý để được hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội, xác định tiền sử dụng đất, thuê đất. Dự án thuộc khu vực cần đảm bảo quốc phòng, an ninh nên Chủ đầu tư không được bán, cho thuê, thuê mua nhà ở thương mại cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trong 12 tháng từ khi được giao đất, Chủ đầu tư phải đưa đất vào sử dụng. Nếu hết thời hạn được gia hạn, dự án vẫn chưa được triển khai sẽ bị thu hồi mà không bồi thường về chi phí đầu tư, tài sản trên đất.
Đây được xem là một trong những dự án nhà ở thấp tầng mới hiếm hoi tại phường trung tâm Hà Nội.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ khởi công vào tháng 8
Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài hơn 60 km đi qua tỉnh Đồng Nai dự kiến khởi công ngày 19/8, với tổng vốn đầu tư gần 8.500 tỷ đồng theo loại hợp đồng BOT.
![]() |
Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương |
Thông tin trên được nêu trong kế hoạch khởi công Dự án của Cục Đường bộ Việt Nam gửi Bộ Xây dựng. Sau khi phối hợp nhà đầu tư rà soát, Cục xác định khu vực nút giao Dầu Giây dài khoảng 500 m đủ điều kiện khởi công sớm do đã hoàn tất giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan.
Phần còn lại của Dự án đang được tỉnh Đồng Nai tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm đếm, lập phương án đền bù giải tỏa. Công tác giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành từ tháng 10 đến tháng 12/2025. Trong khi đó, doanh nghiệp dự án đang xúc tiến các thủ tục pháp lý, lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công toàn tuyến sau khi đoạn đầu được khởi công.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là một trong các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, dài hơn 200 km, kết nối TP.HCM với khu vực Tây Nguyên. Tuyến có điểm đầu giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối kết nối với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Giai đoạn 1 của công trình sẽ xây dựng 4 làn xe, nền đường rộng 17 m.
Tổng mức đầu tư của Dự án gần 8.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, phần còn lại do nhà đầu tư huy động.
TP.HCM chi hơn 770 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ nghỉ việc
TP.HCM đã hỗ trợ 2.081 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc với tổng kinh phí hơn 777 tỷ đồng, trong quá trình sắp xếp lại bộ máy hành chính.
![]() |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi cho cán bộ giữ vị trí lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp của Thành phố |
Thông tin trên được Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Phạm Thị Thanh Hiền cho biết tại phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025.
Theo bà Hiền, Sở đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, bố trí lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, kèm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Tính đến ngày 30/6, số người nghỉ hưu hoặc thôi việc đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị định 178 và Nghị định 67 là 2.081 người. Trong đó, khối Đảng và đoàn thể có 398 người; khối chính quyền 1.662 người; diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có 21 người. Tổng kinh phí hỗ trợ đã chi là 773,5 tỷ đồng.
Theo Đề án, trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ giảm tối thiểu 20% biên chế, tương đương giảm khoảng 4% mỗi năm. Người thôi việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Tại TP.HCM, bên cạnh hỗ trợ tài chính, cán bộ nghỉ việc sẽ được giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, vay tối đa 300 triệu đồng để tự tạo việc làm, được miễn lãi vay trong 5 năm đầu.
Theo Bộ Nội vụ, khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính và áp dụng mô hình chính quyền 2 cấp, cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường và đặc khu. Ước tính, việc sắp xếp sẽ giảm hơn 249.000 người, trong đó có 18.400 cán bộ cấp tỉnh, hơn 110.000 cán bộ cấp xã và 120.500 người hoạt động không chuyên trách.
Tổng kinh phí dự kiến chi hỗ trợ cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu sớm giai đoạn 2025 - 2030 là hơn 128.000 tỷ đồng.
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng từ Trung Quốc
Một số sản phẩm thép xuất xứ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá tạm thời khoảng 23,1% đến 27,83%, áp dụng từ 6/7 và kéo dài 5 năm.
![]() |
Thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc có hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương vừa có quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, chấm dứt điều tra với sản phẩm cùng loại từ Ấn Độ.
Theo quyết định, mức thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng Trung Quốc dao động từ 23,1% đến 27,83%, được áp dụng từ ngày 6/7 và kéo dài 5 năm.
Các sản phẩm bị áp thuế là thép hoặc thép hợp kim được cán phẳng, cán nóng, có độ dày 1,2 - 25,4 mm, chiều rộng không quá 1.880 mm. Sản phẩm chưa được xử lý bề mặt như tẩy gỉ, mạ, tráng hay phủ dầu và có hàm lượng carbon không vượt quá 0,3%. Một số mặt hàng như thép không gỉ hoặc thép cán nóng dạng tấm thuộc danh mục loại trừ.
Trước đó, từ tháng 3, nhà điều hành đã áp thuế tạm thời với thép cuộn cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 19,38 - 27,83%. Những nhà sản xuất không thuộc diện áp thuế chính thức lần này sẽ được hoàn lại khoản thuế chống bán phá giá đã nộp trước đó.
Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm HRC có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc trong giai đoạn từ 1/7/2023 đến 30/6/2024. Cuộc điều tra được khởi xướng năm ngoái, sau khi cơ quan này nhận được yêu cầu từ 2 doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất trong nước là Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy, hàng hóa thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ có hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Ấn Độ được đánh giá "không đáng kể, chỉ chiếm dưới 3% tổng lượng nhập khẩu".
Bộ Công Thương khẳng định, mức thuế đưa ra sau khi cơ quan điều tra xác định có mối liên hệ giữa việc thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường và tình trạng thiệt hại đáng kể của ngành thép nội địa.