Bản tin thời sự sáng 11/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM xin ý kiến các tỉnh để vận hành siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ; Đồng Tháp mới hoàn thành thủ tục khai thác 1 trong 7 mỏ cát phục vụ thi công cao tốc; không công bố thông tin và công bố không đúng thời hạn, Sông Đà 2 bị phạt 77,5 triệu đồng; Bình Định rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư…

TP.HCM xin ý kiến các tỉnh để vận hành siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ

Sau khi nhà đầu tư hoàn thiện quy trình vận hành siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ, TPHCM xin ý kiến tỉnh Đồng Nai, Long An về quy trình này và tác động của dự án tới mực nước các con sông.

Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM đã hoàn thiện khoảng 90% khối lượng công việc

Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM đã hoàn thiện khoảng 90% khối lượng công việc

UBND TP.HCM vừa xin ý kiến các tỉnh Đồng Nai, Long An về quy trình vận hành Dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 - công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng.

TP.HCM cho biết, hiện nay, nhà đầu tư của Dự án đã hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống và vận hành các cụm công trình. Để có cơ sở vận hành, UBND TP.HCM chuyển hồ sơ và đề nghị tỉnh Đồng Nai, Long An xem xét, góp ý về quy trình vận hành.

Đồng thời, UBND TPHCM cũng xin ý kiến về việc ảnh hưởng của công trình khi vận hành tới mực nước trên sông Soài Rạp, sông Chợ Đệm - Bến Lức thuộc địa giới hành chính giữa TP.HCM, Đồng Nai, Long An.

Khởi công từ năm 2016, siêu dự án chống ngập của TPHCM dự kiến hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ của Dự án vẫn là câu hỏi người dân đặt ra cho các lãnh đạo Thành phố mỗi lần gặp gỡ, đối thoại.

Chủ đầu tư báo cáo, có 4/6 cống ngăn triều thuộc Dự án đã đạt tiến độ trên 90%, 2 cống còn lại đạt trên 80%.

Đồng Tháp mới hoàn thành thủ tục khai thác 1 trong 7 mỏ cát phục vụ thi công cao tốc

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, việc triển khai các thủ tục trong công tác khai thác cát tại các mỏ đã được bàn giao theo cơ chế đặc thù tại Đồng Tháp đang chậm hơn so với nhu cầu của Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

UBND tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

UBND tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu cho chủ đầu tư và các nhà thầu 7 mỏ cát, với trữ lượng dự kiến khoảng 5,7 triệu m3.

Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục trong công tác khai thác cát đang chậm so với nhu cầu của Dự án.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Riêng năm 2023, Tỉnh cung ứng cát cho dự án nói trên với tổng khối lượng dự kiến là 3,3 triệu m3.

Đến nay, Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000 m3 và giới thiệu 7 mỏ cát cho nhà thầu thực hiện thủ tục mở mỏ mới, khai thác theo cơ chế đặc thù.

Nhưng tính đến ngày 10/11, mới có 1 mỏ cát với trữ lượng khoảng 0,547 triệu m3 được khai thác. Bốn mỏ cát đang trong quá trình thực hiện thủ tục khai thác. UBND tỉnh Đồng Tháp vừa giao thêm cho nhà thầu 2 mỏ cát mới và đang thực hiện những thủ tục cần thiết.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km, các tuyến nối khoảng 25 km, rộng 17 m, gồm 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Tổng nhu cầu cát cho Dự án khoảng 18,1 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3.

Không công bố thông tin và công bố không đúng thời hạn, Sông Đà 2 bị phạt 77,5 triệu đồng

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 334/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Sông Đà 2.

Công ty CP Sông Đà 2 công bố không đúng thời hạn nhiều tài liệu

Công ty CP Sông Đà 2 công bố không đúng thời hạn nhiều tài liệu

Theo đó, Công ty CP Sông Đà 2 (mã chứng khoán SD2) bị phạt 77,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Lý do là Công ty không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tài liệu giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trên Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2021 (hợp nhất).

Ngoài ra, Công ty không công bố thông tin đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của HNX và hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các tài liệu: miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc Trần Văn Trường theo Quyết định số 150/QĐ-HĐQT ngày 28/12/2020; miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Phạm Thị Dinh theo Quyết định số 23/QĐ-HĐQT ngày 30/3/2021; bổ nhiệm phụ trách Phòng Tài chính kế toán đối với ông Lê Mạnh Đoàn theo công văn số 01/QĐ-CT ngày 26/3/2021; giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trên Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2022; miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc (ông Đào Đức Phong) theo Quyết định của Hội đồng quản trị số 75/QĐ-HĐQT ngày 28/6/2021; thông báo mời họp và tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 (ngày họp 28/2/2022).

Công ty CP Sông Đà 2 tiền thân là Công ty Xây dựng dân dụng thuộc Tổng công ty Sông Đà được thành lập năm 1980. Năm 2006, Công ty chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình thủy điện, nhiệt điện, dân dụng.

Hải Phòng chuyển bến cảng 150 tuổi thành cầu và công viên

UBND TP. Hải Phòng quyết định thu hồi hơn 50 ha đất sát bờ sông Cấm, trong đó có cảng Hoàng Diệu 150 tuổi, để xây cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị.

Cảng Hoàng Diệu sẽ được di dời sau 150 năm tồn tại, phát triển

Cảng Hoàng Diệu sẽ được di dời sau 150 năm tồn tại, phát triển

Ngày 10/11, ông Nguyễn Ngọc Tú, Chánh văn phòng UBND TP. Hải Phòng cho biết, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận được Thành phố phê duyệt từ cuối năm 2022, nhưng nay mới xúc tiến triển khai.

Phần đất Dự án kéo dài từ đường Nguyễn Trãi đến chân cầu Hoàng Văn Thụ, liên quan đến 143 hộ dân và 33 tổ chức (trong đó có cảng Hoàng Diệu) thuộc 2 phường Máy Tơ và Máy Chai. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 6.300 tỷ đồng.

Sau khi di dời, khu vực cảng Hoàng Diệu sẽ được xây dựng đường ven sông nối từ cầu Hoàng Văn Thụ tới nút giao giữa đường Ngô Quyền và Lê Lai dài 2,3 km và hệ thống công viên, cây xanh.

Cảng Hoàng Diệu nằm bên sông Cấm, là một trong 3 bến cảng chính của Công ty CP Cảng Hải Phòng, được người Pháp xây dựng từ năm 1874 với 6 nhà kho lớn, nên hay được gọi là bến Sáu Kho.

Cảng gồm 11 cầu cảng, dài 1.717 m, tổng diện tích kho hàng là 31.320 m2, diện tích bãi hàng là 163.000 m2 cùng hệ thống các công trình phụ trợ, chủ yếu tiếp nhận các loại hàng rời phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng của các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Bình Định rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư

Tỉnh Bình Định rút ngắn hơn một nửa thời gian giải quyết của các thủ tục - từ chấp thuận chủ trương đến khi có giấy phép xây dựng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định

Thông tin trên nằm trong Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt.

Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục đối với các dự án trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp lần lượt là 60 ngày (trước đây là 145 ngày) và 118 ngày (trước là 242 ngày).

Ngoài ra, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là 98 ngày. Thời gian xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp đã có bảng giá đất và không phải xác định hệ số điều chỉnh giá đất là 3 ngày.

Với trường hợp phải xác định hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể, thời gian xác định nghĩa vụ tài chính là 15 ngày (các dự án do Sở Tài chính xác định); không quá 27 ngày với các trường hợp phải thuê đơn vị tư vấn (chỉ định hoặc đấu thầu).

Về trường hợp xác định giá đất cụ thể dự án đối với khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong bảng giá đất) từ 20 tỷ đồng trở lên thì quy trình giải quyết bao gồm 6 bước, thực hiện trong 27 ngày (hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất 53 ngày).

Đối với trường hợp phức tạp hay các dự án cá biệt có quy mô thu hồi đất lớn, số lượng tổ chức, hộ gia đình cá nhân nhiều, nguồn gốc đất quá phức tạp thì thời gian thực hiện theo kế hoạch cụ thể hoặc được Chủ tịch UBND Tỉnh phê duyệt riêng từng dự án.

Liên quan đến việc hỗ trợ nhà đầu tư, hồi tháng 6, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quy trình hoạt động đường dây nóng để tư vấn, giải đáp những vướng mắc cho nhà đầu tư trên địa bàn.

Trong 10 tháng đầu năm nay, tỉnh Bình Định đã thu hút 72 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 14.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao. Trong đó có 6 dự án FDI; 47 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; những dự án còn lại thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản, xây dựng, hạ tầng, nông nghiệp.

Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5628/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỷ lệ 1/500.

Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông có diện tích khoảng 924.619 m2. Ảnh minh họa

Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông có diện tích khoảng 924.619 m2. Ảnh minh họa

Theo đó, tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khoảng 950.128 m2, trong đó, diện tích đất đường giao thông theo quy hoạch nằm ngoài Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông khoảng 23.088 m2; diện tích đất di tích khoảng 1.687 m2; diện tích đất công trình văn hóa hiện trạng khoảng 734 m2; diện tích đất quy hoạch xây dựng Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông khoảng 924.619 m2.

Nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỷ lệ 1/500 có các khu chức năng nhằm tạo lập thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh vui chơi giải trí của quận Hà Đông và Thành phố, có các dịch vụ đa dạng nhằm nâng cao điều kiện môi trường sống của nhân dân, đồng thời tạo tiền đề cho việc nâng cao thể chất, tinh thần, sức khỏe cho dân cư khu vực; tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn không gian đô thị, hài hòa với các tuyến đường lớn trong khu vực (đường Vành đai 3,5, đường Phúc La - Văn Phú, trục Trung tâm hành chính quận Hà Đông), các dự án đầu tư lân cận (Trung tâm hành chính quận Hà Đông, các khu đô thị mới Văn Phú, Phú Lương, Kiến Hưng) và các khu vực dân cư hiện hữu.

Hai cựu chủ tịch huyện ở Kiên Giang bị khởi tố

Ông Ngô Công Tước, Đoàn Hồng Dinh - nguyên Chủ tịch huyện U Minh Thượng cùng 12 người bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng tại Dự án khu hành chính huyện.

Cổng vào Trung tâm hành chính huyện U Minh Thượng

Cổng vào Trung tâm hành chính huyện U Minh Thượng

Ngày 10/11, ông Dinh, Tước cùng Trần Văn Hùng, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, và 11 người nguyên là cán bộ huyện này bị Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, ông Tước, Dinh, Hùng và một chỉ huy phó đơn vị thi công được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú; 10 người còn lại bị bắt tạm giam.

UBND huyện U Minh Thượng là Chủ đầu tư Dự án Xây dựng Trung tâm hành chính huyện, tổng mức đầu tư là 143 tỷ đồng, triển khai từ năm 2013 đến 2017 với 9 hạng mục. Sau đó, công trình được nghiệm thu, thanh toán hơn 115 tỷ đồng, gồm: chi phí xây dựng gần 92 tỷ đồng; mua sắm thiết bị 14,1 tỷ đồng; rà phá bom mìn, bảo hiểm xây dựng, phòng cháy chữa cháy... 9,2 tỷ đồng.

Năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang lập đoàn thanh tra dự án trên, phát hiện dấu hiệu tội phạm nên chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Giữa năm 2019, Công an Tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224, 360 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan điều tra xác định, các đơn vị gồm: chủ đầu tư, thiết kế, giám sát, thi công đã thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế không đảm bảo kết cấu, khai khống đơn giá, đổi chủng loại vật tư, chuyển hình thức đấu thầu, xử lý kỹ thuật, nghiệm thu trái quy định... gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, ông Tước gây thiệt hại 3,9 tỷ; Dinh 3,2 tỷ và Hùng 3,6 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục