Bản tin thời sự sáng 11/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là miền Bắc có thể giảm cắt điện; đầu tư 60 tỷ đồng làm đẹp bờ sông qua rừng ngập mặn Phan Thiết; đề xuất lùi thời gian xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện tại TP.HCM; chuyển cơ quan điều tra vụ sai phạm tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai…

Miền Bắc có thể giảm cắt điện

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), công suất nguồn điện miền Bắc sẽ được cải thiện vài ngày tới khi có thêm khoảng 1.000 MW từ các tổ máy của ba nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Nghi Sơn 1 và Thái Bình 2.

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 cho biết, tổ máy số 2 của Nhà máy khởi động lại từ ngày 10/6, cung cấp cho miền Bắc khoảng 13 triệu kWh/ngày.

Tổ máy số 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 gặp sự cố từ ngày 5/6. Ông Võ Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (Tổng công ty Phát điện 1, Genco 1) cho hay, ngày 13/6, việc sửa chữa, kiểm tra thiết bị sẽ hoàn thành. Theo đó, lưới điện miền Bắc sẽ có thêm khoảng 7 triệu kWh/ngày.

Như vậy, miền Bắc sẽ có thêm 20 triệu kWh điện mỗi ngày sau khi 2 tổ máy của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Thái Bình 2 vận hành, giúp giảm áp lực thiếu điện.

Việc có thêm nguồn điện, theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có thể giúp giảm cắt điện ở miền Bắc. Tuy nhiên, tình hình vẫn khó khăn từ nay tới đầu tháng 7 - thời điểm có lũ thượng nguồn sông Đà đổ về.

Đầu tư 60 tỷ đồng làm đẹp bờ sông qua rừng ngập mặn Phan Thiết

Đôi bờ sông Bến Lội dài hơn 1,2 km qua khu đô thị mới dẫn ra rừng ngập mặn Phan Thiết đang được chỉnh trang, làm đẹp cảnh quan với tổng kinh phí 60 tỷ đồng.

Đoạn sông Bến Lội dài hơn 1,2 km đổ về rừng ngập mặn Phan Thiết đang được nạo vét, gia cố bờ, làm đẹp cảnh quan môi trường

Đoạn sông Bến Lội dài hơn 1,2 km đổ về rừng ngập mặn Phan Thiết đang được nạo vét, gia cố bờ, làm đẹp cảnh quan môi trường

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 10/6, đơn vị thi công đang thực hiện các hạng mục đầu tiên như nạo vét hai bên bờ sông để đổ bê tông, đóng cọc cừ chắn sạt lở...

Theo thiết kế, hai bờ sông Bến Lội đoạn từ ngã ba sông đến rừng ngập mặn sẽ được gia cố mái kè bê tông; đỉnh kè được bố trí lan can thép; làm đường rộng 3,5 - 4 m mỗi bên; trồng thêm cây xanh tạo cảnh quan. Ngoài ra, trên tuyến còn xây mới 7 cống thoát nước, 11 bậc tam cấp để thuận tiện cho người dân lên xuống hai bên bờ sông...

Công trình có tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh, nhằm chống sạt lở bờ sông, cải thiện cảnh quan đô thị và vệ sinh môi trường ven bờ kênh thoát lũ từ ngã ba sông Bến Lội đến hết khu dân cư Hùng Vương 2.

Theo Chủ đầu tư, hiện còn đoạn sông chảy theo hình vòng cung bên rừng ngập mặn đổ ra cầu Ké (Thanh Hải) dài chừng 1,5 km chưa được nạo vét và gia cố. Hạng mục này sẽ được xem xét đầu tư trong tổng thể Dự án công viên sinh thái ngập nước Hùng Vương.

Rừng ngập mặn Phan Thiết có từ lâu đời, nằm giữa ba phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài với tổng diện tích khoảng 32 ha.

Nghiên cứu lập hai dự án chỉnh trang khu du lịch Đồ Sơn

UBND TP. Hải Phòng đang nghiên cứu lập chủ trương đầu tư Dự án chỉnh trang khu du lịch Đồ Sơn tại khu vực có nhà nghỉ của bộ, ngành bỏ hoang.

Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nằm trên khu đất rộng 26.250 m2 tại Đồ Sơn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm

Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nằm trên khu đất rộng 26.250 m2 tại Đồ Sơn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm

Nhiệm vụ này được UBND TP. Hải Phòng giao cho UBND quận Đồ Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo lại trong tháng 6.

Hai khu dự kiến được chỉnh trang gồm đoạn từ quảng trường 15/5 đến khu đất của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đoạn từ bãi xe khu hai Đồ Sơn đến hết đường qua Vụng Séc (gần bến K15). Hai khu này có nhiều nhà nghỉ, khách sạn của các bộ, ngành đã xuống cấp, thậm chí bỏ hoang nhiều năm.

Được biết, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị phối hợp xử lý hiện trạng sử dụng đất ở Đồ Sơn. Hiện Bộ Xây dựng đã đề nghị chuyển giao 2 cơ sở nhà, đất cho Thành phố quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao rà soát hồ sơ, nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất của các tổ chức ở khu một và khu hai Đồ Sơn, đề xuất phương án xử lý với Thành phố trước ngày 15/6.

Theo báo cáo của quận Đồ Sơn, 11 bộ, ngành trung ương có nhà nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh tại khu du lịch, trong đó công trình của 6 cơ quan, đơn vị được đầu tư xây dựng từ thời bao cấp nay đã xuống cấp; 12 dự án có tổng diện tích khoảng 700.000 m2 chậm tiến độ.

Cuối tháng 4, UBND quận Đồ Sơn đã đề xuất UBND TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chuyển giao tài sản về Thành phố quản lý, phát triển hạ tầng du lịch. Quận cũng đề nghị Thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm, thu hồi để đấu giá tăng thu cho ngân sách đối với các trường hợp chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa gây lãng phí tài nguyên.

Đề xuất lùi thời gian xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện tại TP.HCM

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xin lùi thời hạn xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện đạt 80% đến năm 2027, thay vì 2025 như kế hoạch.

Một nhà máy xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi

Một nhà máy xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi

Đề xuất vừa được cơ quan trên gửi UBND TP.HCM, sau khi đánh giá các dự án xử lý chất thải bằng công nghệ mới trên địa bàn khó đáp ứng tiến độ hoàn thành với tỷ lệ nêu trên vào cuối năm 2025 như chỉ tiêu Thành phố giao.

Trước đó, hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế được TP.HCM ký với 5 đơn vị, nhưng đến nay chỉ dự án của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã có quyết định chủ trương đầu tư.

Hai dự án này ở huyện Củ Chi, triển khai từ năm 2019, dự kiến hoàn thành sau một năm nhưng đến nay chưa xong thủ tục pháp lý. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để các dự án này hoàn thành cuối năm 2025, hai công ty trên phải xong toàn bộ thủ tục trong năm nay và xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị với thời gian rút ngắn 18 - 24 tháng.

Trong khi đó, với các dự án của ba đơn vị còn lại gồm: Công ty VWS, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố đến nay vẫn còn thực hiện các thủ tục theo Luật Đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc này khó hoàn thành trong năm nay, thậm chí còn kéo dài do vướng mắc pháp lý. Các khó khăn khiến mục tiêu xử lý chất thải sinh hoạt bằng công nghệ mới trên địa bàn đạt 80% trong hai năm tới khó thực hiện.

Hiện, mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải, trong đó gần 70% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm các khu dân cư, số còn lại được đốt, sản xuất phân bón, tái chế...

Bắc Kạn sắp khởi công sân vận động trăm tỷ, chuẩn quốc tế

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Kạn, công trình được thiết kế xây dựng trên diện tích 20 ha với các hạng mục như sân vận động chính, nhà thi đấu, quảng trường, khu vực luyện tập, bãi đỗ xe...

Sân vận động có mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng sắp được TP. Bắc Kạn xây dựng

Sân vận động có mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng sắp được TP. Bắc Kạn xây dựng

Theo thiết kế, sân vận động được lấy ý tưởng từ con thuyền vỏ trấu trong sự tích về hồ Ba Bể. Hai bên khán đài chính sẽ thiết kế mái bạt như cánh buồm vượt sóng, kết hợp tạo hình dãy núi đá Lũng Nham nổi tiếng của Tỉnh. Mặt sân đạt tiêu chuẩn thi đấu bóng đá quốc tế cùng hệ thống đường piste 8 làn phục vụ cho thi đấu các môn điền kinh...

Trước mắt, hệ thống khán đài sẽ được lắp đặt 8.000 ghế ngồi và có thể nâng lên 15.000 ghế trong giai đoạn tiếp theo.

Tại hạng mục quảng trường sẽ có điểm nhấn là biểu tượng bông hoa 7 cánh, đại diện 7 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, kết hợp đài phun nước, sân khấu biểu diễn… sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa của địa phương.

Theo ông Võ Quốc Toàn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bắc Kạn, đây là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố, địa phương sẽ triển khai từng phần Dự án, trước mắt là hoàn thiện sân vận động và giải phóng mặt bằng, san nền khu vực quảng trường với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

Chuyển cơ quan điều tra vụ sai phạm tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai

Căn cứ kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các cơ quan liên quan chuyển hồ sơ 2 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.

Dự án xây lắp nhà màng nông nghiệp tai tiếng tại Đồng Nai khiến nhiều cán bộ bị truy tố

Dự án xây lắp nhà màng nông nghiệp tai tiếng tại Đồng Nai khiến nhiều cán bộ bị truy tố

Ngày 10/6, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (giai đoạn 1); Dự án Đập dâng cấp nước mặt suối Cả và hệ thống xử lý nước tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh tiến hành điều tra.

Trước đó, ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký kết luận thanh tra về việc thanh tra toàn diện 3 dự án: Đập dâng cấp nước mặt suối Cả và hệ thống xử lý nước tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (giai đoạn 1); Đầu tư xây dựng Trung tâm chiếu xạ do Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Theo đó, kết quả thanh tra xác định, Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (giai đoạn 1) đã xảy ra sai phạm về xây dựng, lập hồ sơ thanh toán đối với 1 giếng khoan trị giá gần 440 triệu đồng, có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; Dự án Đập dâng cấp nước mặt suối Cả và hệ thống xử lý nước tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ để xảy ra vi phạm quy định về xây dựng (khảo sát, lựa chọn công nghệ xử lý nước), dẫn đến chất lượng nước sau xử lý không đạt mục tiêu phục vụ sinh hoạt, có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan đến sai phạm tại 2 dự án xây lắp nhà màng nông nghiệp do Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai làm chủ đầu tư, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã truy tố 5 bị can về các tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt 92%

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/5/2023, đã có 4.759.346 phương tiện trên toàn quốc dán thẻ đầu cuối, đạt 92%,

Thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, qua gần 1 năm đồng loạt thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn trên các tuyến cao tốc, đến nay có thể thấy việc triển khai ETC đã cơ bản thành công, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.

Tính đến ngày 31/5/2023, đã có 4.759.346 phương tiện trên toàn quốc dán thẻ đầu cuối, đạt 92%, trên các tuyến cao tốc có thu phí đã triển khai thu phí ETC hoàn toàn, đối với các tuyến quốc lộ chỉ bố trí một làn thu hỗn hợp/một chiều, các làn còn lại thu phí thuần ETC. Ngoài ra, các lỗi về thẻ, không có tiền trong tài khoản giao thông sau gần 1 năm vận hành đã giảm sâu.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đến thời điểm hiện nay, 92% số lượng phương tiện đã dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ. Đây là điều kiện tiên quyết để chuyển sang giai đoạn 2 và giai đoạn 3 - cho phép chủ xe trả sau và bỏ barie.

Tin cùng chuyên mục