Bản tin thời sự sáng 11/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đưa Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất vào khai thác dịp 30/4/2025; Hà Nội nắng nóng hơn 39 độ C; sạt lở đất vùi lấp Homestay ManDo ở Tà Xùa, một người chết; tiêu thụ điện lập kỷ lục mới, EVNHANOI khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả…

Đưa Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất vào khai thác dịp 30/4/2025

Tập trung nhân lực, thi công 3 ca 4 kíp, làm việc xuyên lễ, tết đưa Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào khai thác dịp 30/4/2025.

Lắp dựng kết cấu thép và mái Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất

Lắp dựng kết cấu thép và mái Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất

Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi kiểm tra tiến độ Dự án Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 10/8.

Khởi công cuối năm 2022, Dự án Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Đây là ga nội địa quy mô lớn nhất nước, khi hoàn thành có thể phục vụ 20 triệu khách mỗi năm. Nhà ga này giúp nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai nhà ga T1 và T2 hiện hữu.

Theo ACV, Dự án Nhà ga T3 đã hoàn thành toàn bộ khối lượng phần thô. Hệ thống thiết bị, máy móc cũng đang được nhập để lắp đặt theo tiến độ của từng hạng mục.

Các đơn vị phấn đấu hoàn thành lắp dựng kết cấu thép dịp 2/9/2024, đưa Dự án vào khai thác đúng dịp 30/4/2025.

Để đưa nhà ga vào vận hành, khai thác đúng dịp 30/4/2025, Thủ tướng yêu cầu ACV tập trung nhân lực, tiếp tục phát huy tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết.

Thủ tướng lưu ý, thời gian thi công không còn dài, chỉ còn hơn 7 tháng (trong đó có 1 tháng Tết Nguyên đán), trong khi khối lượng công việc còn khá lớn (khoảng 45,7%). Đây là phần công việc có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các nhà thầu, đơn vị thi công. Do đó, cần thiết phải chỉ đạo quyết liệt hơn, giám sát chặt chẽ hơn, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh để bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Khi đưa Nhà ga T3 vào khai thác, Thủ tướng lưu ý, cần kết nối đồng bộ, tổ chức tốt giao thông bên trong sân bay và hệ thống đường đô thị để tránh tình trạng ùn tắc…

Hà Nội nắng nóng hơn 39 độ C

Ngày 10/8, hầu hết tỉnh thành miền Bắc nắng nóng hơn 35 độ C, cao nhất là Lạc Sơn (Hòa Bình) xấp xỉ 40 độ C, kế đó là Hà Đông (Hà Nội) 39,3 độ C.

Hà Nội vừa trải qua ngày nắng nóng đỉnh điểm

Hà Nội vừa trải qua ngày nắng nóng đỉnh điểm

Miền Bắc vừa trải qua đợt nắng nóng diện rộng, tập trung ở Nam đồng bằng Bắc Bộ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 10/8 nóng đỉnh điểm, 23/25 tỉnh thành miền Bắc đều trên 35 độ C.

4 trong 5 trạm đo của Hà Nội nóng trên 38,5 độ C, trong đó cao nhất là Hà Đông 39,3 độ C; Ba Vì 39 độ C; Láng, Hoài Đức xấp xỉ 39 độ C. Đây là mức nhiệt trong lều khí tượng, thực tế ngoài trời cao hơn 2 - 4 độ C tùy địa hình.

Các tỉnh đồng bằng như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình nhiệt độ cao nhất ngày 10/8 lên đến 38 - 39 độ C. Đến 21h, nền nhiệt vẫn trên 30 độ C.

Miền Trung cũng nắng nóng diện rộng. Trong đó, Đô Lương (Nghệ An) 40,1 độ C - cao nhất cả nước. Các tỉnh Thanh Hóa - Phú Yên phổ biến 36 - 39 độ C.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nắng nóng bắt đầu từ đầu tháng 8 ở Nam Trung Bộ, đến 3/8 mở rộng ra Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sau đó là toàn miền Bắc và miền Trung. Nguyên nhân là tác động của vùng thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn.

Cơ quan khí tượng cho biết, từ ngày 11 đến 15/8, miền Bắc sẽ mưa lớn diện rộng, phổ biến 100 - 250 mm, có nơi trên 400 mm. Miền Trung ngày 11/8 tiếp tục nắng nóng gay gắt diện rộng, từ ngày 12/8, diện nắng nóng thu hẹp.

Sạt lở đất vùi lấp Homestay ManDo ở Tà Xùa, một người chết

Vạt núi cao khoảng 70 m sạt xuống, vùi lấp Homestay ManDo ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) làm một người chết, hai người bị thương, sáng 10/8.

Hiện trường vụ sạt lở ở Tà Xùa sáng 10/8

Hiện trường vụ sạt lở ở Tà Xùa sáng 10/8

Khoảng 4h ngày 10/8, ngọn núi cao hơn 100 m so với mặt Tỉnh lộ 112 bất ngờ bị sạt từ lưng chừng. Khối đất khổng lồ đổ xuống vùi lấp khu nhà cho du khách của Homestay ManDo. Chủ cơ sở quê Phú Thọ tử vong tại chỗ, chồng và con bị thương.

Tại hiện trường, vết sạt lở dài khoảng 70 m dọc theo vách núi, chắn hết mặt Tỉnh lộ 112 và tràn xuống cả taluy âm. Cấu kiện, tường, mái của homestay bị vỡ nát. Một homestay khác bị hư hỏng một phần.

Lãnh đạo xã Tà Xùa cho biết, vào thời điểm đó, Homestay ManDo không có khách, chỉ có người trong gia đình chủ nhà. Đêm 9/8, khu vực này mưa nhỏ. Tuy nhiên, những ngày trước đó, trên địa bàn thường xuyên mưa to. Khu vực sạt lở có nhiều homestay, nhà ở 2 - 3 tầng nằm dọc theo sườn núi.

Nằm ở độ cao hơn 2.800 m so với mực nước biển, Tà Xùa là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, là điểm săn mây nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách.

Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới, EVNHANOI khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Trải qua những ngày nắng nóng oi bức, qua theo dõi của EVNHANOI, lượng điện tiêu thụ của Hà Nội liên tục tăng cao và lập kỷ lục mới vào ngày 9/8 khi vượt 106 triệu kWh.

Nhân viên EVN kiểm tra việc vận hành các thiết bị điện

Nhân viên EVN kiểm tra việc vận hành các thiết bị điện

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng điện toàn Thành phố ngày 9/8 lên tới mức 106,14 triệu kWh, cao chưa từng có trong lịch sử (trước đó, mốc tiêu thụ điện lớn nhất được lập là 103,3 triệu kWh vào ngày 19/6/2024). Công suất đỉnh của tháng cũng được thiết lập lúc 13h30 cùng ngày, đạt 5.159 MW.

Nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến có nguy cơ gây áp lực lớn cho công tác vận hành lưới điện phân phối.

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết; hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong khung giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 12h00 ÷ 15h00 và từ 22h00 ÷ 24h00 hàng ngày). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26°C trở lên.

456 tỷ đồng giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, có tổng mức đầu tư 456 tỷ đồng.

Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án thành phần Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thuộc địa phận huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến qua tỉnh Sơn La được HĐND tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3 vừa qua, chia làm 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB trên địa bàn huyện Vân Hồ; Dự án thành phần 2 Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thuộc địa bàn huyện Mộc Châu; Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND huyện Vân Hồ làm chủ đầu tư, dự kiến thu hồi trên 352 ha đất, trong đó có 12 ha đất trồng lúa hai vụ, gần 103 ha đất rừng sản xuất (58 ha có nguồn gốc rừng tự nhiên) nên thuộc yếu tố nhạy cảm môi trường, cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM.

Dự án được triển khai trên địa bàn 3 xã Chiềng Yên, Mường Men và Chiềng Khoa thuộc huyện Vân Hồ, dự kiến phá dỡ 144 căn nhà, di dời 18 cột điện trung thế 35kV, 42 cột điện hạ thế 220V.

Huyện Vân Hồ cũng sẽ xây dựng 4 khu tái định cư: Khu tái định cư bản Pà Puộc (3,5 ha, quy mô dân số khoảng 156 người - tương đương 39 hộ; khu tái định cư bản Páng (2,5 ha, 108 người - tương đương 27 hộ); khu tái định cư bản Ui (3,5 ha, 120 người - tương đương 30 hộ dân); khu tái định cư bản Nà Chá (2,5 ha, 88 người - tương đương 22 hộ dân).

Tổng mức đầu tư của Dự án là 456 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và địa phương. Chủ đầu tư dự kiến bắt đầu thực hiện Dự án từ quý IV năm nay đến hết năm 2025. Trong đó, thời gian di dời đường điện và thi công xây dựng khu tái định cư khoảng 6 tháng.

Báo cáo ĐTM cho thấy, tư vấn lập dự án đầu tư là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), trụ sở tại Hà Nội.

Bình Định phạt Công ty TNHH L'amour hơn 102 triệu đồng vì chậm đóng bảo hiểm

Chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, Công ty TNHH L'amour bị UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xử phạt hành chính hơn 102 triệu đồng.

UBND tỉnh Bình Định buộc Công ty TNHH L'amour đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội và tiền lãi chậm đóng. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bình Định buộc Công ty TNHH L'amour đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội và tiền lãi chậm đóng. Ảnh minh họa

Ngày 10/8, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 102 triệu đồng đối với Công ty TNHH L'amour (TP. Quy Nhơn, Bình Định) do chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể, hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN bị phạt hơn 94 triệu đồng; hành vi chậm đóng BHYT bị phạt 8 triệu đồng.

Theo kết quả thanh tra của BHXH tỉnh Bình Định, đến hết ngày 30/6, Công ty TNHH L'amour chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN số tiền hơn 440 triệu đồng. Sau đó, công ty này đã khắc phục nộp một phần số tiền chậm đóng hơn 91 triệu đồng vào tài khoản tiền gửi thu của cơ quan BHXH.

Tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính (ngày 11/7), số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN còn gần 350 triệu đồng.

Tính đến hết ngày 30/6, Công ty TNHH L'amour chậm đóng BHYT cho 42 lao động số tiền hơn 7,8 triệu đồng. Hiện nay, Công ty đã khắc phục nộp đủ số tiền trên vào tài khoản tiền gửi thu của cơ quan BHXH.

Ngoài xử phạt hành chính, UBND tỉnh Bình Định còn buộc Công ty TNHH L'amour đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN cho cơ quan BHXH gần 350 triệu đồng và nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền chậm đóng.

Cao Bằng thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt kế hoạch cả năm 2024

Đến giữa tháng 7/2024, tỉnh Cao Bằng đã đạt mục tiêu thu ngân sách từ thuế và các nguồn thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu của năm 2024.

Hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Cao Bằng

Hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Cao Bằng

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đến ngày 15/7/2024 đạt 552,1 triệu USD, đạt 77,1% kế hoạch năm. Qua đó, thuế và các khoản thu khác đạt gần 622 tỷ đồng, bằng 103,6% kế hoạch năm 2024.

Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Cao Bằng diễn ra tại các cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh và Sóc Giang. Mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, chì thỏi... Nhập khẩu chủ yếu là vải, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng máy móc, ô tô các loại.

Hoạt động thông quan, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu diễn ra thuận lợi, không có tình trạng ách tắc xảy ra. Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giám sát hải quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Địa phương này cũng đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành tỉnh Cao Bằng dự hội đàm về công tác quản lý cửa khẩu với Quảng Tây, Trung Quốc nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, thúc đẩy hợp tác thương mại, phát triển kinh tế cửa khẩu. Cao Bằng cũng đã dành khoản kinh phí để triển khai mô hình cửa khẩu số, tiến tới cửa khẩu thông minh. Mục tiêu trong 2024, Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh là nơi đầu tiên áp dụng.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cho biết, việc nâng cấp thành cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh là xu hướng Cao Bằng bắt buộc phải thực hiện. Việc hoàn thiện số hóa tại Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh sẽ là mô hình cho các cửa khẩu còn lại, nhất là khi năm nay Cao Bằng dự kiến nâng cấp Cửa khẩu Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) lên cửa khẩu quốc tế.