Bản tin thời sự sáng 11/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vaccine Sputnik V do Việt Nam gia công đạt tiêu chuẩn chất lượng; hoàn thành cải tạo hai đường lăn S7, S8 sân bay Tân Sơn Nhất; Chính phủ đồng ý thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc; TP.HCM dạy học trên truyền hình cho học sinh tiểu học từ ngày 13/9; giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 10/9; nhân viên siêu thị, shipper tại TP.HCM được lưu thông tới 21h30…

Vaccine Sputnik V do Việt Nam gia công đạt tiêu chuẩn chất lượng

Vabiotech cho biết sớm nhập vaccine Sputnik V bán thành phẩm để đóng ống, đóng gói tại Việt Nam.

Vabiotech cho biết sẽ làm thủ tục nhập bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để gia công

Vabiotech cho biết sẽ làm thủ tục nhập bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để gia công

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết, đối tác bên Nga đánh giá việc đóng ống mẫu vaccine Sputnik V do công ty này thực hiện đã đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu.

Đơn vị đang làm việc với các cơ quan liên quan để xin cấp phép xuất xưởng cho các lô vaccine này.

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết, ngay trong tháng 9, công ty sẽ làm thủ tục nhập bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để nhanh chóng đóng ống, đóng gói vaccine này tại Việt Nam nhằm chủ động nguồn cung vaccine Sputnik tại Việt Nam.

Trước đó, Vabiotech đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Vaccine Sputnik do JSC Generium - Liên Bang Nga sản xuất. Tại Việt Nam, vaccine này được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 vào hồi tháng 3. Tháng trước, Việt Nam đã đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V.

Hồi cuối tháng 7, Vabiotech đã gửi 10.000 liều vaccine Covid-19 Sputnik V do đơn vị này gia công sang Nga để kiểm định tiêu chuẩn chất lượng. Lô vaccine này nằm trong tổng số 30.000 liều vaccine Sputnik V đầu tiên mà Vabiotech đã gia công. 20.000 liều vaccine còn lại được bảo quản tại Việt Nam để các chuyên gia kiểm định song song.

Hoàn thành cải tạo hai đường lăn S7, S8 sân bay Tân Sơn Nhất

Chiều ngày 10/9, hai đường lăn S7, S8 thuộc giai đoạn 2 Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng sân bây Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác sau 5 tháng thi công.

Máy bay di chuyển qua đường băng S7 sau khi đưa vào khai thác

Máy bay di chuyển qua đường băng S7 sau khi đưa vào khai thác

Mỗi đường lăn dài khoảng 200 m, rộng 45 m, làm bằng bêtông xi măng và phần lề bằng bêtông nhựa. Hai đường này đưa vào khai thác lúc hơn 14h ngày 10/9, sau khi được Cục Hàng không chấp thuận.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, việc đưa vào khai thác hai đường lăn giúp máy bay có thêm không gian di chuyển từ đường băng vào sân đỗ. Việc này giúp đóng các đường lăn khác thuộc Dự án, để tập trung thi công hoàn thành vào cuối năm 2021.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng cho biết trong tình hình Covid-19 ở TP.HCM phức tạp, việc vận chuyển vật liệu, máy móc tại Dự án gặp nhiều khó khăn. Đơn vị cùng các nhà thầu đã triển khai nhiều mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành và đưa Dự án vào khai thác cuối năm nay như kế hoạch.

Trước đó từ ngày 5/8 khi xuất hiện nhiều ca nghi nhiễm Covid-19, công trình phải tạm ngưng 20 ngày để thực hiện các biện pháp phòng dịch và bắt đầu thi công trở lại hôm 25/8. Hiện, tổng khối lượng thi công giai đoạn hai của Dự án đạt khoảng 60%.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng.

Giai đoạn một tại Tân Sơn Nhất đã hoàn thành nâng cấp đường băng 25R/07L và cải tạo, xây mới một số đường lăn nối; hệ thống đèn hiệu, biển báo hàng không, trạm điện... Giai đoạn hai, dự án thực hiện xây mới, cải tạo 8 đường lăn, giúp tăng khả năng khai thác, chống ùn tắc khi máy bay cất, hạ cánh....

Chính phủ đồng ý thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc

Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong 6 tháng, tính từ tháng 10 năm nay.

Vẻ đẹp biển đảo Phú Quốc nhìn từ trên cao

Vẻ đẹp biển đảo Phú Quốc nhìn từ trên cao

Chính phủ vừa đồng ý với kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Kiên Giang của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Kế hoạch đón khách quốc tế đến Phú Quốc dự kiến thực hiện từ tháng 10, kéo dài trong 6 tháng, thời gian có thể điều chỉnh phụ thuộc vào thực tế. Giai đoạn đầu (ba tháng), Phú Quốc thí điểm đón 2.000 - 3.000 khách mỗi tháng, thông qua chuyến bay thuê bao; phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn hai (ba tháng), quy mô sẽ mở rộng từ 5.000 đến 10.000 khách mỗi tháng; có thể đón khách qua chuyến bay thương mại; mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách.

Khách quốc tế đến Phú Quốc phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam công nhận. Đối với người tiêm vaccine, thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Người khỏi bệnh kể từ lúc xuất viện đến khi nhập cảnh không quá 12 tháng. Ngoài ra tất cả du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước đó. Khách quốc tế phải đến từ quốc gia/vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng chống Covid-19 như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Australia...

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng các bên liên quan sẽ quyết định lựa chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia thí điểm. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 cho du khách, người lao động; ngoài ra là dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cho khách du lịch quốc tế.

Nếu kế hoạch thí điểm thành hiện thực, Phú Quốc sẽ là địa phương đầu tiên trên toàn quốc được đón khách quốc tế trở lại kể từ tháng 4/2020 khi các chuyến bay quốc tế phải dừng vì Covid-19.

TP.HCM dạy học trên truyền hình cho học sinh tiểu học từ ngày 13/9

Từ ngày 13/9, song song với việc dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM sẽ bắt đầu phát sóng chương trình dạy học qua truyền hình lớp 1, 2 để học sinh có thêm kênh học tập.

Song song với việc dạy học trực tuyến, TP.HCM dạy học trên truyền hình cho học sinh tiểu học từ ngày 13/9

Song song với việc dạy học trực tuyến, TP.HCM dạy học trên truyền hình cho học sinh tiểu học từ ngày 13/9

Theo đó, chương trình dạy học sẽ được triển khai trên kênh HTV Key (Kênh dạy học và phổ biến kiến thức).

Lịch phát sóng của chương trình đã được gửi thông tin cụ thể tới các trường tiểu học trên địa bàn.

Theo đó, lớp 1 thì các tiết dạy sẽ phát vào thứ 2, 4, 6 vào các khung giờ từ 9h đến 10h10, 15h đến 16h10 và 20h đến 21h10.

Lớp 2 thì các tiết dạy sẽ phát sóng vào thứ 3, 5, 7 vào các khung giờ tương tự như với lớp 1.

Mỗi ngày sẽ phát 2 tiết tiếng Việt, 1 tiết Toán, mỗi tiết học kéo dài 20 phút, giữa hai tiết có nghỉ giải lao 5 phút.

Riêng ngày 13 và 15/9 chỉ có 2 tiết dạy môn tiếng Việt để học sinh làm quen, đến ngày 17/9 thì chương trình sẽ có đủ 3 tiết.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bài giảng sẽ được thực hiện bởi những giáo viên có kinh nghiệm của ngành. Các giáo viên sẽ ghi hình số tiết được phục vụ trong vòng 10 tuần.

500 nhân viên y tế Quảng Ninh chi viện Hà Nội chống dịch Covid-19

Tỉnh Quảng Ninh đã cử 500 cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại Hà Nội, lên đường sáng ngày 10/9.

500 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế lên Hà Nội chống dịch sáng 10/9

500 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế lên Hà Nội chống dịch sáng 10/9

Toàn bộ đoàn công tác đã được tiêm vaccine và tập huấn các kỹ năng cần thiết. Tại Hà Nội, lực lượng chi viện sẽ hỗ trợ ngành y tế thủ đô lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 6 đợt xuất quân, với 835 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện vào các tâm dịch trên cả nước. Đây là lần xuất quân với số lượng đông nhất với 500 người.

Để triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng và hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, Hà Nội chia ba vùng xét nghiệm, tiêm chủng; trong đó vùng 1 do ngành y tế thành phố đảm nhiệm; vùng 2, 3 có sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành.

11 tỉnh, thành sẽ hỗ trợ Hà Nội trong việc xét nghiệm và tiêm vaccine gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Trong hai ngày 8 và 9/9, hơn 3.800 cán bộ, nhân viên y tế các địa phương đã lần lượt đến Hà Nội.

Nhân viên siêu thị, shipper tại TP.HCM được lưu thông tới 21h30

Nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm, shipper...tại TP.HCM được phép lưu thông từ 5h tới 21h30 hàng ngày.

Nhân viên siêu thị, shipper tại TP.HCM được lưu thông tới 21h30

Nhân viên siêu thị, shipper tại TP.HCM được lưu thông tới 21h30

Đây là một trong những nội dung mà Công an TP.HCM vừa gửi các địa phương về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo đó, từ ngày 11/9, nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhân viên cơ sở sản xuất kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế được lưu thông từ 5h đến 21h30 hàng ngày (thay vì 6h - 18h). Riêng với shipper, vẫn chỉ di chuyển trong phạm vi một quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Riêng với nhóm dịch vụ bán đồ ăn mang đi, bưu chính viễn thông, thiết bị văn phòng, đồ dùng học tập sẽ do phòng PC08 phối hợp với công an cấp huyện, xã cấp giấy đi đường và phải đảm bảo điều kiện "tối thiếu, cần thiết".

Trước đó, thực hiện biện pháp siết chặt giãn cách theo yêu cầu của TP.HCM, từ 26/7, người dân hạn chế ra đường, các cửa hàng và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h hôm sau.

Từ ngày 8/9, chính quyền TP.HCM chính thức cho loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động lại từ 6 - 18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" chỉ kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; phía giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận có ứng dụng công nghệ (shipper), đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Còn các Shipper muốn hoạt động phải tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống Covid-19 và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hai ngày một lần.

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 10/9

Từ 15h ngày 10/9, mỗi lít xăng tăng 250 - 260 đồng còn mỗi lít dầu đắt thêm 320 - 900 đồng.

Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng từ chiều 10/9

Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng từ chiều 10/9

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 10/9 cao nhất là 20.140 đồng/lít (tăng 250 đồng); RON 95 là 21.390 đồng/lít (tăng 260 đồng).

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 15.080 đồng/lít, tăng 320 đồng. Dầu diesel là 16.020 đồng/lít, tăng 360 đồng. Dầu madut là 15.950 đồng/kg, tăng 900 đồng.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành không trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92, còn trích lập với xăng RON 95 là 150 đồng/lít, dầu diesel là 200 đồng/lít, dầu hỏa 200 đồng/lít, dầu mazut 100 đồng/kg.

Chi sử dụng quỹ đối với xăng E5 RON 92 ở mức cao là 900 đồng/lít. Các mặt hàng còn lại không được chi.

Sau khi trích lập, chi quỹ, E5 RON 92 có mức giá bán cao nhất là 20/143 đồng/lít; RON 95 là 21.397 đồng/lít; dầu diesel 16.022 đồng/lít, dầu hỏa 15.082 đồng/lít; dầu mazut 15.952 đồng/kg.

Trước đó, thị trường trải qua 2 lần giảm giá xăng và 2 lần giảm giá dầu. Tại kỳ điều hành gần đây nhất (26/8), giá xăng E5 RON 92 giảm 607 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 550 đồng/lít.

Tương tự, các loại dầu cũng giảm dao động 350-500 đồng/lít. Trong đó, dầu diesel giảm 510 đồng/lít; dầu hỏa giảm hơn 410 đồng/lít; dầu mazut giảm 350 đồng/kg.

TP.HCM chuẩn bị xét xử trực tuyến trong Covid-19

Lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết đã chuẩn bị cơ sở vật chất và đường truyền, sẵn sàng chuyển sang xét xử trực tuyến trong Covid-19.

HĐXX làm việc trong một phiên tòa tại TAND Cấp cao tại TP.HCM

HĐXX làm việc trong một phiên tòa tại TAND Cấp cao tại TP.HCM

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết toà đã chủ động đề xuất TAND Tối cao nghiên cứu, ra dự thảo quy chế về tổ chức phiên họp, phiên tòa trực tuyến. Điều này xuất phát từ thực tiễn Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác xét xử. Nhiều án tồn, quá hạn chưa được giải quyết.

TAND TP.HCM đã chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng, đường truyền. Khi tham gia phiên họp, phiên tòa trực tuyến, tòa sẽ cấp cho những người tham gia tố tụng đường dẫn. Đương sự, người liên quan... không cần phải đi lại tốn kém thời gian, tiền bạc. Tuy nhiên để thực hiện được, toà cho rằng cần có sự phối hợp nhiều cơ quan và cả những người tham gia tố tụng khác...

Một phó chánh án TAND TP. Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho rằng, việc triển khai hình thức xét xử này không khó, "có thể làm ngay". Thời gian qua, do Covid-19, VKSND Tối cao đã lấy cung dưới hình thức trực tuyến. Một số vụ án, tuy xét xử tập trung nhưng có sử dụng đường truyền tới nhiều điểm cầu. Hình thức xét xử trực tuyến hay tổ chức họp trực tuyến cũng tương tự.

Theo ông, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp tăng cường sự giám sát của dư luận xã hội với công tác xét xử, giúp các phán quyết được công khai, minh bạch. Với chủ trương xây dựng tòa án điện tử, TAND Tối cao đã có lộ trình xây dựng, cung cấp hệ thống mạng và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, cho hệ thống tòa án trên cả nước.

TAND Tối cao cũng đã hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để trình Uỷ ban Thường vụ xem xét. Việc xét xử trực tuyến dự kiến áp dụng với vụ án hình sự có khung hình phạt dưới 15 năm tù, chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang tạm giam; án dân sự, hành chính tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng.

Phát hiện gần một vạn hộp thuốc điều trị COVID-19 chưa được cấp phép ở Việt Nam

Kiểm tra chiếc xe tải và nhà kho một công ty ở TP.HCM, cơ quan chức năng phát hiện 9.600 hộp thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” được quảng cáo có tác dụng điều trị COVID-19, sản xuất từ Trung Quốc, chưa được cấp phép sử dụng ở Việt Nam.

Công an thu giữ lô thuốc được quảng cáo điều trị COVID-19

Công an thu giữ lô thuốc được quảng cáo điều trị COVID-19

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, vừa phát hiện, thu giữ 9.600 hộp thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” được quảng cáo có tác dụng điều trị COVID-19.

Theo đó, sau thời gian theo dõi, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) và Công an Quận 8, Công an TP.HCM kiểm tra xe tải mang biển số 51D-483.90, do Trần Văn Hoàng (tỉnh Kiên Giang) điều khiển.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 400 hộp thuốc nhãn hiệu Trung Quốc không có giấy tờ liên quan. Tài xế khai nhận, số hàng trên được vận chuyển từ kho của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Toyo (tại Số 40 Đường số 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM), do Tham Vĩ Điệp làm Giám đốc.

Khám xét kho hàng của Công ty tại KCN Bình Đăng, đường Tạ Quang Bửu, Phường 6, Quận 8, Công an phát hiện 9.200 hộp thuốc cùng loại, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Theo Bộ Công an, đây là loại thuốc mang nhãn hiệu Trung Quốc, được gọi là “Liên Hoa Thanh Ôn” mà các đối tượng quảng cáo là có tác dụng điều trị COVID-19.

Tin cùng chuyên mục