6 cơ quan phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ
6 cơ quan trung ương phải hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, trình Chính phủ ban hành trước ngày 3/2/2025.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. |
Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ mới đây ban hành Văn bản số 35 về việc hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Trong văn bản này, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá và thực hiện rà soát, sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ngành phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Ban Chỉ đạo nêu rõ cần trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình trước ngày 3/2/2025 để lấy ý kiến thành viên Chính phủ;
Khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thành viên Chính phủ, trình Chính phủ ban hành trước ngày 10/2/2025, bảo đảm có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các tổ chức, đơn vị bên trong, làm cơ sở bố trí công chức, viên chức và sắp xếp các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 7968/BNV-CCVC ngày 8/12/2024.
Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng yêu cầu một số cơ quan trung ương khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
Trong đó có 6 cơ quan, gồm: Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành trước ngày 3/2/2025.
Thuê tư vấn thẩm tra dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Hội đồng thẩm định nhà nước thuê tư vấn để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng |
Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo về chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong đó yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thẩm định rà soát kỹ các quy định liên quan đến đấu thầu. Dựa trên tiến độ trình Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, Chủ tịch Hội đồng sẽ quyết định việc thuê tư vấn thẩm tra hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định trong những trường hợp đặc biệt.
Trước đó, Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định để xem xét kỹ lưỡng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án này.
Dự án đầu tư xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với nhà tài trợ vốn dự kiến là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), có mục tiêu xây dựng mới tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc và cảng biển Hải Phòng.
Tuyến có điểm đầu tại điểm kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), với tổng chiều dài chính tuyến 388 km (đoạn ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện dài 383 km; đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray dài 5,11 km). Ngoài ra, tuyến nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài 7,8 km; tuyến nhánh nối ga Yên Thường và ga Yên Viên dài 2,1 km.
Dự án có tốc độ thiết kế 160 km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện, 80 km/h cho đoạn Lào Cai - điểm nối ray và các đoạn tuyến nhánh, 120 km/h đối với đoạn đường sắt qua khu đầu mối Hà Nội, đi trùng đường sắt vành đai phía Đông.
Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2030 dự kiến hoàn thành xây dựng toàn tuyến đường sắt theo quy mô đường đơn, giải phóng mặt bằng quy mô hoàn chỉnh. Giai đoạn 2 sau năm 2050 sẽ xây dựng toàn tuyến theo quy mô đường đôi.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 211.030 tỷ đồng, bao gồm 135.600 tỷ đồng vốn vay ưu đãi được sử dụng cho các hạng mục chi phí xây dựng; chi phí thiết bị, phương tiện; chi phí tư vấn thiết kế, giám sát thi công; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên và khoảng 75.430 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho chi phí quản lý dự án….
TP.HCM chấn chỉnh nạn thao túng giá, đầu cơ bất động sản
TP.HCM sẽ tăng cường thanh tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường.
Bất động sản khu Nam TP.HCM, dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh |
Thực hiện yêu cầu xử lý hành vi thao túng giá, đầu cơ bất động sản của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa yêu cầu tăng cường kiểm tra các chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới trên địa bàn.
Việc thanh tra được yêu cầu đặc biệt với các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường để kịp chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Ông đề nghị kiểm soát chặt việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, hoạt động của sàn, đơn vị môi giới. Những dự án có hiện tượng tăng giá bất thường sẽ được rà soát tính pháp lý và việc công khai thông tin.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi. Công an TP.HCM được giao điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng tiêu cực với mục đích tạo sốt ảo và lừa đảo người dân để trục lợi.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở ban ngành và lãnh đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức bảo đảm công khai, minh bạch về dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; không để diễn ra tình trạng nhiễu loạn thông tin thị trường.
Trước đó, trong công điện gửi các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập tình trạng một số khu vực ghi nhận giá bất động sản tăng cao so với khả năng đáp ứng tài chính của người dân. Ông yêu cầu các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương xử lý kịp thời việc thao túng, đẩy giá, nghiên cứu chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản.
Báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2024, thành phố chỉ có 1.611 sản phẩm nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn được đưa ra thị trường. Số này đều là sản phẩm cao cấp với giá bán bình quân lên đến 9,39 tỷ đồng mỗi căn. Các chủ đầu tư bất động sản tại TP.HCM hiện chỉ tập trung làm nhà cao cấp mà ngó lơ phân khúc bình dân.
Mùng 3 Tết, CSGT toàn quốc xử lý hơn 2.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn
Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, trong ngày mùng 3 Tết, CSGT toàn quốc xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ hơn 970 trường hợp.
Chiếc xe gặp nạn được trục vớt khỏi hiện trường |
Chiều 31/1 (tức mùng 3 Tết), Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, trong ngày, toàn quốc xảy ra 56 vụ tai nạn, làm chết 33 người, bị thương 52 người. So với ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn năm 2024, tai nạn giảm 18 vụ, giảm 2 người chết, giảm 11 người bị thương.
Theo Cục CSGT, trong ngày mùng 3 Tết, CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 4.800 trường hợp vi phạm; tạm giữ 62 ô tô, 2.222 xe máy và 34 phương tiện khác. Ngoài ra, cảnh sát cũng tước hơn 280 giấy phép lái xe các loại, trừ điểm giấy phép lái xe hơn 800 trường hợp.
Cục CSGT cho biết, trong ngày mùng 3 Tết, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ hơn 970 trường hợp, chở hàng quá tải trọng 4 trường hợp, vi phạm ma túy 8 trường hợp.
Nhà chức trách cho hay, trên tuyến quốc lộ 1A, lực lượng CSGT đã bố trí 152 ca làm nhiệm vụ, qua đó kiểm soát 6.600 phương tiện, phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 660 trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe 66 trường hợp, tạm giữ 240 phương tiện.
TP.HCM ước đạt doanh thu du lịch 7.690 tỷ đồng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, doanh thu du lịch TP.HCM ước đạt khoảng 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kì năm 2024.
TP.HCM ước đạt doanh thu du lịch 7.690 tỷ đồng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh minh họa |
Ngày 31/1, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, khách quốc tế đến thành phố ước đạt khoảng 87.358 lượt, tăng 16,5% so với cùng kì năm 2024. Khách tại các khu, điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt khoảng 2.100.000 lượt, tăng 16,7% so với cùng kì năm 2024 (2024 là 1.800.000 lượt).
Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước đạt khoảng 150.000 lượt, tăng 11% so với cùng kì năm 2024. Công suất phòng ước đạt khoảng 65%, tăng 44,4 % so với cùng kì năm 2024 (2024 là 45%).
Doanh thu ước đạt khoảng 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kì năm 2024 (6.550 tỷ đồng).
Hơn 750 tấn hàng hóa được xuất khẩu tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II
Tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II trong ngày 31/1 đạt 752 tấn, với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 9,3 triệu USD, tăng khoảng 5 lần so với năm 2024.
Đã có 112 xe hàng được xuất khẩu, với khối lượng 752 tấn hàng hóa qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II |
Ngày 31/1 (tức mùng 3 Tết Ất Tỵ), tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái, Quảng Ninh), hoạt động xuất nhập khẩu đã sôi động trở lại sau 2 ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong ngày hoạt động trở lại sau 2 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II đã tiếp nhận 22 doanh nghiệp về làm hàng, với 113 tờ khai hải quan, 112 xe hàng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, nông sản sang nước bạn Trung Quốc.
Tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu trong ngày 31/1 ở cửa khẩu trên đạt 752 tấn (368 tấn hải sản, 384 tấn nông sản), với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 9,3 triệu USD, tăng khoảng 5 lần so với năm 2024.
Ngay từ sáng sớm, Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo giải quyết nhanh các thủ tục xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp làm hàng. Lãnh đạo TP Móng Cái cũng đã trực tiếp đến động viên, chúc mừng, lì xì chúc Tết các lực lượng và doanh nghiệp, lái xe chở hàng xuất, nhập khẩu.
Với những kết quả từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong ngày đầu năm mới, ngành Hải quan tỉnh Quảng Ninh tự tin trong năm 2025 sẽ có nhiều bứt phá trong hoạt động xuất, nhập khẩu và hoàn thành số thu ngân sách nhà nước đạt trên 17.800 tỷ đồng từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Bà Rịa - Vũng Tàu đón 475.185 lượt khách, thu 423,3 tỷ đồng
Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón khoảng 475.185 lượt du khách, đạt doanh thu hơn 423,3 tỷ đồng trong 3 ngày Tết Nguyên đán.
Bãi tắm công cộng tại Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc) khá đông khách tắm biển |
Ngày 31/1, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đón lượng lớn du khách đến du xuân, vui chơi tắm biển. Lượng lớn du khách vẫn tiếp tục tập trung đông nhất ở huyện Xuyên Mộc và huyện Long Đất.
Theo Sở Du lịch, trong ngày mùng 3 Tết, toàn tỉnh đón khoảng 228.702 lượt khách, đạt tổng doanh thu hơn 210,5 tỷ đồng (tăng hơn 2,4 lần so với năm trước).
Trong đó, huyện Xuyên Mộc đón khoảng 88.526 lượt khách, doanh thu hơn 99,18 tỷ đồng; huyện Long Đất đón khoảng 55.142 lượt khách, doanh thu hơn 47,5 tỷ đồng. Trong khi đó, dù lượng khách có tăng nhưng TP Vũng Tàu chỉ đón khoảng 51.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 45,5 tỷ đồng.
Tổng cộng trong 3 ngày Tết, toàn tỉnh đón khoảng 475.185 lượt du khách, đạt doanh thu ước tính hơn 423,3 tỷ đồng.
Trong 3 ngày Tết, nhìn chung thời tiết thuận lợi cho khách du lịch tham gia vào các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí tại các bãi biển, điểm tham quan di tích lịch sử, các điểm tham quan sinh thái.... Tuy nhiên, do biển động nên một số hoạt động sinh thái biển (bơi, lặn biển, ngắm san hô…) không thực hiện được.