Bản tin thời sự sáng 12/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hai dự án cao tốc Bắc Nam được chuyển sang đầu tư công; Bình Dương xây cầu hơn 200 tỷ đồng kết nối Tây Ninh; cống thủy lợi lớn nhất miền Tây vận hành vào tháng 2; Robot đào hầm metro thứ hai về Việt Nam; khởi tố tiếp viên hàng không vi phạm quy định phòng dịch Covid-19…

Hai dự án cao tốc Bắc Nam được chuyển sang đầu tư công

Thường vụ Quốc hội đồng ý chuyển hai dự án cao tốc Bắc Nam, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, sang đầu tư công.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan kết nối với các tốc Bắc Nam đang triển khai

Cao tốc La Sơn - Túy Loan kết nối với các tốc Bắc Nam đang triển khai

Báo cáo Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều 11/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dù đã kéo dài thời điểm đóng thầu đến ngày 12/10/2020, Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu nhưng không đáp ứng yêu cầu; còn Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất chuyển hai dự án này từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang triển khai bằng vốn ngân sách nhà nước.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra báo cáo, đồng ý với đề xuất của Chính phủ vì Dự án cao tốc Bắc Nam phía Nam hiện đã chậm so với dự kiến hoàn thành năm 2021. Hơn nữa, hai dự án nêu trên có nhu cầu vận tải rất lớn, xếp thứ hai và thứ ba trong các dự án đầu tư theo phương thức PPP.

Nhất trí chuyển hai dự án cao tốc sang đầu tư công, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đáp ứng tiến độ, đưa dự án vào khai thác trong năm 2023; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách Trung ương.

Hai dự án PPP tiếp tục được chuyển sang đầu tư công, gồm đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km, đi qua tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 7.769 tỷ đồng; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đi qua Thanh Hóa và Nghệ An, dài 50 km, tổng mức đầu tư 8.648 tỷ đồng.

Bình Dương xây cầu hơn 200 tỷ đồng kết nối Tây Ninh

Cầu Đò mới dài 165 m, rộng 20 m, bốn làn xe bắc qua sông Thị Tính ở xã An Điền, thị xã Bến Cát, khởi công ngày 11/1, giúp kết nối Bình Dương và Tây Ninh.

Mô hình thiết kế cầu Đò bắc qua sông Thị Tính

Mô hình thiết kế cầu Đò bắc qua sông Thị Tính

Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát cho biết, cầu mới nằm song song cầu cũ đang chạy vào nội ô thị xã Bến Cát. Cầu có điểm đầu nối tỉnh lộ 748, điểm còn lại nối Quốc lộ 13, nằm trên tuyến đường tránh trung tâm thị xã; dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong 213 tỷ đồng tổng vốn đầu tư Dự án, ngân sách tỉnh Bình Dương bỏ ra 125 tỷ đồng, thị xã Bến Cát 70 tỷ đồng và Công ty Đầu tư và phát triển Thuận Lợi (chủ đầu tư Khu dân cư Cầu Đò) hơn 17 tỷ đồng. Ngoài xây cầu, Chủ đầu tư còn bỏ ra hơn 100 tỷ đồng làm tuyến bờ kè sông dài khoảng 1,2 km chạy dưới chân cầu chống sạt lở, tạo cảnh quan cho khu vực. Khi cầu hoàn thành, người dân địa phương và tỉnh Tây Ninh sẽ rút ngắn thời gian tới trung tâm tỉnh Bình Dương.

Cống thủy lợi lớn nhất miền Tây vận hành vào tháng 2

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng sẽ vận hành một cống vào tháng tới để kiểm soát hạn mặn cho gần 20.000 ha trong mùa khô năm nay.

Phối cảnh cống sông Cái Bé

Phối cảnh cống sông Cái Bé

Ngày 11/1, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tiến độ xây dựng hệ thống công trình thủy lợi lớn nhất miền Tây đang được đẩy nhanh để sớm đưa vào vận hành. Ngoài cống Cái Bé hoạt động giữa tháng 2 tới, cống Cái Lớn sẽ hoàn thành lắp đặt cửa van vào tháng 6, sớm hơn 3 - 4 tháng so với hợp đồng. Sau 14 tháng thi công, toàn bộ công trình hiện đạt trên 70% khối lượng.

Công trình thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé khởi công tháng 11/2019, tại huyện tại Châu Thành và An Biên (Kiên Giang). Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn rộng 455 m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15 m. Cống sông Cái Bé rộng 85 m, gồm hai khoang và âu thuyền rộng 15 m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu, đê nối hai cống với Quốc lộ 61 dài hơn 5,7 km, mặt đê 9 m, phần xe chạy 7 m.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu với tổng diện tích 384.000 ha, trong đó gần 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản.... Dự án được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10, thông thường với các công trình có quy mô như trên, thời gian thi công khoảng 40 - 48 tháng. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách ứng phó với hạn mặn nên tiến độ Dự án thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé được rút ngắn tối đa, còn 20 - 24 tháng.

Robot đào hầm metro thứ hai về Việt Nam

Trưa ngày 11/1, máy đào hầm tự động (robot) thứ hai tại Dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội có tên gọi “Táo bạo” đã được nhập về Việt Nam. Dự kiến trong những ngày tới, máy đào hầm "Táo bạo" (viết tắt là TBM) sẽ được vận chuyển bằng đường bộ về Hà Nội để cùng với máy đào hầm thứ nhất thi công trên tuyến.

Tại cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng) tàu chở những bộ phận của máy TBM thứ hai của tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã cập cảng

Tại cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng) tàu chở những bộ phận của máy TBM thứ hai của tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã cập cảng

Ngay khi được cẩu lên bờ, các bộ phận của máy sẽ được vận chuyển theo đường bộ với quãng đường 193 km để về công trường ga ngầm S9 - Kim Mã vận hành. Dự kiến việc vận chuyển và lắp đặt toàn bộ máy sẽ kéo dài khoảng ba tháng.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, TBM thứ hai có thông số kỹ thuật tương tự như máy TBM có tên “Thần tốc” đã được vận chuyển về công trường trước đó (10/2020). Theo đại diện MRB cho biết, máy đào hầm "Táo bạo" là một cỗ máy lớn với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xi lanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải… vì vậy việc vận chuyển và lắp đặt mất rất nhiều thời gian.

Máy TBM thứ hai do hãng Herrenkecht (CHLB Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm.

Lãnh đạo MRB cho biết, sau khi lắp ráp xong các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.

Cấm ôtô chở khách lên đèo Ô Quy Hồ ngắm tuyết

CSGT tỉnh Lào Cai và Lai Châu tổ chức chốt chặn, ngăn các phương tiện chở khách lên khu vực đèo Ô Quy Hồ để ngắm băng, tuyết.

CSGT ngăn các phương tiện đi vào khu vực mặt đường bị đóng băng

CSGT ngăn các phương tiện đi vào khu vực mặt đường bị đóng băng

Trước tình hình băng, tuyết dày đặc gây cản trở giao thông trên địa bàn 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đến chiều 11/1, thời tiết các khu vực này vẫn rất xấu, mặt đường tại quốc lộ 4D đóng băng khiến các phương tiện không thể lưu thông.

Tại quốc lộ 4D qua đèo Ô Quy Hồ, mặt đường bị đóng băng gần 4 km. Giao thông trên tuyến ách tắc hoàn toàn. Phòng CSGT Công an tỉnh Lai Châu thực hiện cảnh báo từ xa và cấm đường từ Km64+400. Các phương tiện được hướng dẫn đi theo hướng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 279.

Tại Lào Cai, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã cấm các ôtô tải, xe đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ từ Km100+100 đi theo hướng Lào Cai - Lai Châu.

Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng thực hiện chốt chặn tại chân đèo Ô Quy Hồ để cấm các xe cá nhân của du khách lên núi ngắm tuyết. Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai, trong chiều ngày 11/1, các phương tiện đang ở trên khu vực đèo cũng được yêu cầu di chuyển xuống để đảm bảo an toàn.

Khởi tố tiếp viên hàng không vi phạm quy định phòng dịch Covid-19

Bệnh nhân 1342 là tiếp viên hàng không, đã tiếp xúc với người dương tính trong khu cách ly (bệnh nhân 1325), sau đó khi về cách ly tại nhà trọ, bệnh nhân này đã tiếp xúc trực tiếp với 3 người.

Khu cách ly riêng của Vietnam Airlines trong trụ sở ở đường Hồng Hà, quận Tân Bình

Khu cách ly riêng của Vietnam Airlines trong trụ sở ở đường Hồng Hà, quận Tân Bình

Ngày 11/1, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra đối với D.T.H, là tiếp viên hàng không (là bệnh nhân Covid-19 số 1342) để điều tra về hành vi “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, ngày 3/12/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Bệnh nhân 1342 là tiếp viên hàng không, đã tiếp xúc với người dương tính trong khu cách ly (bệnh nhân 1325).

Trong quá trình được về cách ly tại nhà trọ, tiếp viên này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (trú tại Phường 3, Quận 6) có tới sống cùng.

Ngày 28/11/2020, tiếp viên được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và trở thành bệnh nhân 1342. Đáng chú ý, quá trình tự cách ly tại nhà, bệnh nhân không tuân thủ nghiêm túc quy định phòng dịch, đã đi học tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) khiến trường này phải tạm phong tỏa và cho sinh viên nghỉ học.

Ngay khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính của bệnh nhân 1342, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức điều tra ổ dịch, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân, kết quả ngày 30/11/2020 có một mẫu dương tính là bệnh nhân 1347 (bạn nam của bệnh nhân 1342).