Bản tin thời sự sáng 12/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng; Lâm Đồng lập dự án khoảng 400 tỷ đồng mở rộng đèo Prenn; Hà Nội xây dựng cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch trị giá 147 tỷ đồng; Hoa Kỳ thanh sát việc đảm bảo an ninh hàng không của Vietnam Airlines; Hà Nội chưa đồng ý lập 87 trạm thu phí xe vào nội đô; đề xuất đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng xây đường Bắc Kạn - Cao Bằng…

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc xét duyệt thuốc giả mang nhãn Health 2000, gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng.

Ông Trương Quốc Cường

Ông Trương Quốc Cường

Ngày 11/11, ông Cường cùng cựu cán bộ hải quan TP.HCM Lê Đình Thanh và nguyên Cục phó Quản lý Dược Nguyễn Việt Hùng bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Cường bị xác định có sai phạm khi làm Cục trưởng Quản lý Dược (Bộ Y tế) từ năm 2007 - 2016. 7 ngày trước, ông bị khởi tố.

9 người khác bị đề nghị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, trong đó có Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty H&C).

Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó phòng của Cục Quản lý Dược), Phạm Hồng Châu (cựu trưởng phòng đăng ký thuốc Cục Quản lý Dược) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo kết luận điều tra bổ sung lần 2, giai đoạn 2008 - 2014, Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã để xảy ra một số sai phạm trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc chữa ung thư mang nhãn mác Heath 2000 và chưa có các biện pháp kịp thời để đình chỉ lưu hành, thu hồi vào thời điểm 2014.

Ông Cường có chỉ đạo xác minh, cung cấp thông tin cho Bộ Công an phối hợp xác minh và chỉ đạo tạm dừng nhập khẩu với Health 2000. Tuy nhiên, ông không kịp thời đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc cũng có dấu hiệu chưa làm hết trách nhiệm với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, để 4/7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 tiếp tục được sử dụng điều trị, tổng giá trị trên 3,7 tỷ đồng.

Là Cục trưởng Quản lý Dược, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, ông Cường bị xác định phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm trong thẩm định, xét duyệt hai hồ sơ của lô thuốc, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng.

Lâm Đồng lập dự án khoảng 400 tỷ đồng mở rộng đèo Prenn

UBND tỉnh Lâm Đồng đang giao cho các sở, ngành liên quan lên phương án mở rộng đèo Prenn, cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt. Dự án này dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Lâm Đồng lập dự án mở rộng đèo Prenn vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.

Lâm Đồng lập dự án mở rộng đèo Prenn vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.

Tuyến đường đèo Prenn, có điểm đầu tại cầu vượt cao tốc Quốc lộ 20 đến đầu Đường 3 tháng 4 (thành phố Đà Lạt) có chiều dài 7,4km. Hiện nay, tuyến đường có hiện trạng bề rộng nền đường chỉ 7 - 7,5m (mặt đường rộng 6m). Đây là cửa ngõ giao thông huyết mạch ra vào thành phố Đà Lạt.

Mặc dù đây là tuyến huyết mạch vào thành phố Đà Lạt nhưng địa hình đồi núi cao, có nhiều đoạn quanh co, nguy hiểm, ảnh hướng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông. Điều này đã làm giảm khả năng lưu thông của phương tiện, gây mất an toàn giao thông.

Mặt khác, trên đường đèo Prenn có nhiều điểm du lịch như: Thác Datanla, Hồ Tuyền Lâm, Thiền viện Trúc Lâm nên vào các dịp lễ, tết, kỳ nghỉ hè, ngày nghỉ cuối tuần lưu lượng giao thông là rất lớn. Do đó, việc di chuyển hết sức khó khăn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, điểm đầu Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn là tại cầu vượt cao tốc (Km222+800 của Quốc lộ 20). Điểm cuối của Dự án là tại đầu Đường 3 tháng 4 (Km230+200 của Quốc lộ 20).

Tổng chiều dài của đèo Prenn kéo dài khoảng 7,4km. Quy mô nền đường rộng 15m, mặt đường rộng 14m, với 4 làn xe ô tô, kết hợp bố trí các vịnh đỗ xe. Tuyến đường này được thiết kế với tốc độ thiết kế có vận tốc 60 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính khoảng 400 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn ngân sách Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Nội xây dựng cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch trị giá 147 tỷ đồng

Với kết cấu thép, cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) vừa được đại diện UBND thành phố Hà Nội tổ chức khoan cọc nhồi để bắt đầu thi công. Cầu có tổng mức đầu tư 147 tỷ đồng và thời gian thi công 7 tháng.

Thiết kế cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch

Thiết kế cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, UBND thành phố Hà Nội (Ban Giao thông - chủ đầu tư) cho biết, cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được xây dựng trực thông có hình dáng chữ C. Cầu xây dựng vượt nút giao theo hướng đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch dành cho xe máy, ô tô lưu thông.

Cầu có cấu nhịp cầu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều cao dầm thép 1,2m. Bản mặt cầu dày tối thiểu 180mm, bê tông nhựa Polyme 70mm.

Cầu có tổng mức đầu tư 147,2 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Thành phố, thi công dự kiến đến 30/6/2022 hoàn thành.

Cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được thi công theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, thi công phần cầu phía đường Phạm Ngọc Thạch và xén hè mở rộng đường Chùa Bộc, dự kiến đến ngày 31/12/2021 hoàn thành. Giai đoạn 2, thi công phần cầu phía đường Chùa Bộc và lao lắp dầm thép phía Phạm Ngọc Thạch, dự kiến hoàn thành ngày 30/6/2022.

Hoa Kỳ thanh sát việc đảm bảo an ninh hàng không của Vietnam Airlines

Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ sẽ đánh giá công tác bảo đảm an ninh hàng không phục vụ khai thác thường lệ đến Mỹ của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines đang hoàn tất những bước cuối cùng trước khi khai thác thường lệ đến Mỹ

Vietnam Airlines đang hoàn tất những bước cuối cùng trước khi khai thác thường lệ đến Mỹ

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tai (GTVT) việc Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ (TSA) đánh giá công tác bảo đảm an ninh hàng không (ANHK) tại Việt Nam phục vụ khai thác thường lệ của Vietnam Airlines.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngày 25/10/2021, đại diện Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ (TSA) phụ trách Vietnam Airlines đã có văn bản thông báo với Vietnam Airlines (VNA) về việc hãng này được chấp thuận sử dụng Chương trình ANHK của TSA để bảo đảm an ninh cho các chuyến bay thương mại thường lệ đến Hoa Kỳ.

Theo văn bản thông báo trên, Vietnam Airlines đã chấp nhận thẩm quyền thanh sát ANHK của TSA đối với hãng. Vietnam Airlines sau đó đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về công tác chuẩn bị khai thác thương mại thường lệ đến Hoa Kỳ, trong đó đề nghị Cục Hàng không Việt Nam sớm làm việc với TSA về công tác đánh giá để cho phép Vietnam Airlines tiến hành các chuyến bay đến Hoa Kỳ.

Dự kiến đoàn gồm 3 giám sát viên ANHK của TSA sẽ vào Việt Nam thành 2 đợt, tiến hành đánh giá công tác bảo đảm ANHK của điểm xuất phát các chuyến bay đi Hoa Kỳ tại Cảng HKQT Nội Bài từ ngày 2 - 7/12/2021 và Tân Sơn Nhất từ ngày 8 - 13/12/2021, thanh sát công tác bảo đảm ANHK của Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay phục vụ cho Vietnam Airlines.

Nội dung hoạt động đánh giá ANHK của TSA là đánh giá sự tuân thủ của Việt Nam tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đối với các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành (SARPs) của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO; thanh sát về việc chấp hành quy định của TSA về bảo đảm ANHK đối với Vietnam Airlines...

Hoạt động đánh giá lần này nhằm hoàn thiện những bước cuối cùng để các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ xem xét cho phép bay thẳng thương mại thường lệ cho Vietnam Airlines.

Hà Nội chưa đồng ý lập 87 trạm thu phí xe vào nội đô

UBND Hà Nội cho rằng việc thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện.

Vị trí dự kiến 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội

Vị trí dự kiến 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội

UBND Hà Nội vừa có văn bản phúc đáp đề án của Sở GTVT về phương án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Trong văn bản này, UBND Hà Nội nhấn mạnh việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện.

UBND Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí.

Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị xã hội, sở ngành...

Hồi cuối tháng 10, Sở GTVT Hà Nội trình UBND Thành phố đề án thu phí vào nội đô. Theo đề án, ôtô từ bên ngoài vào khu vực nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ phải nộp phí.

Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3...

Đề xuất đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng xây đường Bắc Kạn - Cao Bằng

UBND tỉnh Bắc Kạn đề xuất đầu tư tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng dài khoảng 90 km, tổng chi phí dự kiến 9.600 tỷ đồng.

Nút giao Yên Bình trên tuyến Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên

Nút giao Yên Bình trên tuyến Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên

Đại diện Bộ GTVT cho biết, UBND tỉnh Bắc Kạn mong muốn đầu tư xây dựng tuyến đường để đồng bộ với Quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn. Trong đó chi phí xây dựng 9.000 tỷ đồng sẽ được bố trí từ gói kích cầu của Chính phủ; chi phí bồi thường, tái định cư khoảng 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Tuyến đường sẽ bám theo quy hoạch tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng phê duyệt, định hướng sau năm 2030 có thể đưa lên cao tốc.

Hiện nay, Quốc lộ 3 mới đoạn từ TP. Thái Nguyên đến TP. Bắc Kạn dài 67 km, đạt quy mô đường cấp 3 đồng bằng. Còn đoạn Quốc lộ 3 từ TP. Bắc Kạn đến TP. Cao Bằng dài 120 km là đường cấp 4 miền núi đã xuống cấp, một bên núi cao, một bên vực sâu, hệ thống cầu có tải trọng khai thác thấp làm hạn chế khả năng lưu thông phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hà Nội nâng công suất bãi rác Nam Sơn

UBND TP. Hà Nội sẽ chi trên 170 tỷ đồng xây ô chôn lấp và hồ chứa nước rác để tăng công suất tại Nam Sơn - bãi rác lớn nhất thủ đô.

Bãi rác Nam Sơn

Bãi rác Nam Sơn

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký hai văn bản liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn). Thành phố sẽ xây dựng hồ sinh học khẩn cấp tại khu đất xen kẹt rộng 10,5 ha thuộc giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn. Hồ chứa sinh học rộng trên 7 ha, gồm đào hai hồ chứa nước rỉ rác và hạ tầng kỹ thuật như tường rào, mương thoát nước, đường nội bộ, hệ chống chiếu sáng, cây xanh.

Chi phí xây dựng hồ sinh học gần 80 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2022. Khi hoàn thành, tổng dung tích hồ chứa khoảng 450.000 m3.

Hạng mục khẩn cấp thứ hai là ô chôn lấp rác bằng công nghệ tường vây bê tông cốt thép và ô chứa nước rác. Trong đó ô chôn lấp rộng 3 ha và ô chứa nước rác khoảng 1,2 ha. Chi phí xây dựng hai hạng mục gần 95 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2022.

Việc xây dựng các hạng mục nêu trên nhằm tăng khả năng lưu chứa nước rác, chôn lấp rác đảm bảo an ninh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh; an toàn vận hành tiếp nhận và xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn.

Hà Nội nâng công suất bãi rác Nam Sơn trong bối cảnh cả hai bãi rác đều gặp sự cố. Trong đó, bãi Nam Sơn (Sóc Sơn) ngừng tiếp nhận hôm 2/11 với lý do mưa lớn, hồ xử lý nước bị rò rỉ bờ bao, nguy cơ vỡ, tràn nước rác ra môi trường. Bãi Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) dừng tiếp nhận rác hồi giữa tháng 10 do sự cố về trạm xử lý nước thải. Hiện cả hai bãi đã tiếp nhận rác trở lại.

Khởi tố vụ án liên quan sai phạm tại Ban Quản lý dự án Đông Bắc

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau vừa có quyết định khởi tố vụ án liên quan đến sai phạm tại Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đông Bắc.

Một góc hạ tầng kỹ thuật cửa ngõ Đông Bắc TP. Cà Mau.

Một góc hạ tầng kỹ thuật cửa ngõ Đông Bắc TP. Cà Mau.

Theo đó, Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án để điều tra vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất liên quan đến BQLDA Đông Bắc.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Cà Mau phát hiện nhiều sai phạm tại BQLDA Đông Bắc. Cụ thể, tại BQLDA Đông Bắc đã xảy ra các hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước, chi trả không nằm trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 260 trường hợp, với số tiền hơn 11 tỷ đồng.

Hoán đổi 366 trường hợp chưa rõ nguồn gốc đất, không quyết định thu hồi, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm thiệt hại số tiền 1,4 tỷ đồng khi chuyển quyền sử dụng đất; hoán đổi đất nông nghiệp khi chưa có phương án phê duyệt…

Cũng theo kết luận thanh tra, qua kiểm tra hồ sơ, thanh tra phát hiện Giám đốc BQLDA Hồ Hoàng Kiếm ký hợp đồng chuyển nhượng 64 trường hợp; Phó Giám đốc Ban Trương Công Long ký 191 hợp đồng, còn 11 hợp đồng chưa xác định người ký.

Trong 266 hợp đồng chuyển nhượng trên, hồ sơ chưa rõ nguồn gốc đất, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có quyết định thu hồi đất, không có hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không có biên bản bồi thường đất, uỷ quyền sai, không có giấy tờ uỷ quyền, không có bảng chiết tính bồi thường, không có hồ sơ đất của người cho đất…

Thanh tra kiểm tra 41 lô đất có 2 tuyến đường cắt ngang, có 4 lô không đủ diện tích đất ở theo quy định, 35 lô khi chuyển quyền sử dụng đất không thu thêm hệ số 20% theo các tuyến đường cắt ngang gây thiệt hại ngân sách Nhà nước gần 1,5 tỷ đồng...