Bản tin thời sự sáng 12/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù; nhiều sai sót trong chữa bệnh, đấu thầu thuốc ở TP.HCM; 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thử vào sáng 12/12; sắp khánh thành cầu 950 tỷ đồng nối Nghệ An và Hà Tĩnh; cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị bác đơn xin hưởng án tù treo…

Ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 3 cựu công an bị kết tội chiếm đoạt tài liệu mật của vụ án Nhật Cường.

Ông Chung ngồi hàng ghế đầu

Ông Chung ngồi hàng ghế đầu

Sáng 11/12, sau 4 tiếng xét xử kín, Toà án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng tội danh, Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu - C03, Bộ Công an) nhận 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung) bị phạt 2 năm tù và Nguyễn Anh Ngọc (cựu cán bộ Văn phòng UBND TP. Hà Nội) 18 tháng tù.

Trung là cựu cán bộ Công an Hà Nội; Ngọc là cựu Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy, cùng được biệt phái công tác tại Văn phòng UBND TP. Hà Nội.

Do sức khoẻ yếu, ông Chung được ngồi khi trả lời thẩm vấn. Cựu Chủ tịch Hà Nội khai là chủ mưu, như nội dung cáo buộc. Trong lời nói sau cùng, ông Chung gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và các cử tri khi ông đã để mất niềm tin.

Theo cáo trạng, ông Chung và vợ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường - đại án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Biết Dũng được trưng dụng tham gia điều tra vụ án này, ông nhờ thu thập và "nắm thông tin về hướng điều tra".

Với 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu mật, Dũng chuyển cho ông Chung hai lần với 6 tài liệu. Trung và Ngọc bị cáo buộc một lần tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung.

Nhiều sai sót trong chữa bệnh, đấu thầu thuốc ở TP.HCM

Nhiều bệnh viện lớn như Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1... bị xác định có sai sót trong mua thuốc, khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế.

Bệnh viện Ung bướu là một trong 5 bệnh viện tại TP.HCM có sai sót về giá với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng

Bệnh viện Ung bướu là một trong 5 bệnh viện tại TP.HCM có sai sót về giá với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng

Nội dung này được nêu trong Kết luận về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc tại Sở Y tế và một số bệnh viện từ năm 2014 đến tháng 9/2019 vừa được Thanh tra Thành phố công bố.

Trong đó, cơ quan thanh tra xác định, việc sử dụng thuốc thanh toán BHYT từ năm 2014 đến quý 2/2019 tại 5 bệnh viện: Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn và Trung tâm Y khoa Phước An có sai sót về giá với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Bệnh viện Ung bướu sai sót nhiều nhất với hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, Bệnh viện Ung bướu không xây dựng danh mục vật tư y tế với 23 mặt hàng gửi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Thành phố làm cơ sở thanh toán cho bệnh nhân dùng BHYT là chưa đúng quy định. Một số thuốc thanh toán BHYT được bệnh viện này mua theo giá Bệnh viện Chợ Rẫy với hơn 28 tỷ đồng là chưa tuân thủ Luật Đấu thầu năm 2013.

Về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, Bệnh viện Ung bướu sai sót khi không đấu thầu mua sắm 32 gói vật tư và hóa chất mà mua trực tiếp. Tương tự, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng mua trực tiếp 15 gói trang thiết bị y tế không qua đấu thầu.

Về sử dụng kinh phí BHYT năm 2014 - 2018, cơ quan thanh tra xác định, đến tháng 12/2019, nhiều đơn vị nợ tiền BHYT hơn 218 tỷ đồng...

Từ kết quả thanh tra, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Giám đốc Sở Y tế kiểm điểm các cá nhân tại những bệnh viện xảy ra sai phạm trong khám chữa bệnh BHYT, mua sắm thuốc, thiết bị y tế.

13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thử vào sáng 12/12

Từ ngày 12 đến 31/12/2020, 13 đoàn tàu Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thử toàn hệ thống để đánh giá an toàn.

Từ sáng 12/12 vận hành thử 13 đoàn tàu của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 20 ngày

Từ sáng 12/12 vận hành thử 13 đoàn tàu của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 20 ngày

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, 9/13 đoàn tàu (3 đoàn tàu dự phòng) sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày, theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến (Cát Linh - Yên Nghĩa).

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h.

Dự kiến cuối tháng 1/2021, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện các thủ tục bàn giao Dự án cho TP. Hà Nội khai thác thương mại.

Cầu 950 tỷ đồng nối Nghệ An và Hà Tĩnh

Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đang được hoàn thiện công đoạn cuối, dự kiến khánh thành trước 31/12.

Cầu Cửa Hội dự kiến khánh thành trước 31/12

Cầu Cửa Hội dự kiến khánh thành trước 31/12

Cầu Cửa Hội dài 5,2 km, trong đó phần cầu chính dài 1,7 km, bề rộng cầu chính 18,5 m, bề rộng cầu dẫn 16 m. Ở phía Nghệ An, công trình nằm trên phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), đầu còn lại ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Công trình khởi công tháng 2/2019, có tổng đầu tư 950 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ 450 tỷ đồng, còn lại là vốn góp của hai địa phương. Cầu có nhịp Extradosed 153 m, dài nhất cả nước hiện nay. Đường kính mỗi cáp dây văng 15 cm.

Cầu Cửa Hội có 22 trụ, 85 phiến dầm Super-T. Hôm 13/10, cầu đã hợp long. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao Ban Quản lý dự án 6 và các bên liên quan đã đảm bảo chất lượng, tiến độ. Bộ đề nghị Ban Quản lý dự án cần hoàn thiện các công việc còn lại, đưa công trình vào sử dụng trước ngày 31/12.

Cửa Hội là cầu đường bộ thứ tư, sau cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 và Yên Xuân nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Công trình được kỳ vọng cải thiện hệ thống giao thông hai bờ sông Lam, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh các tỉnh miền Trung.

Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị bác đơn xin hưởng án tù treo

Cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến không được Tòa án Quân sự Trung ương chấp nhận kháng cáo xin hưởng hình phạt tù treo.

Ông Nguyễn Văn Hiến tại phiên phúc thẩm

Ông Nguyễn Văn Hiến tại phiên phúc thẩm

Tuy nhiên, ông được giảm án từ 4 năm xuống 3 năm 6 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Với các bị cáo còn lại, Hội đồng Xét xử cũng bác kháng cáo kêu oan của Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc", cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), y án 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh với Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Phạm Văn Diệt (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Bình) được giảm 1 năm tù, còn 14 năm.

Với tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai, ông Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân) nhận 8 năm 3 tháng tù, giảm 9 tháng so với mức phạt của Toà sơ thẩm.

Sau hai ngày xét xử, Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên mức phạt 4 năm tù với bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu đại tá, Phó Giám đốc Công ty Hải Thành thuộc Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính, Quân chủng Hải quân) án 7 năm và Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) án phạt 8 năm tù.

Lâm Đồng: Hơn 50 căn nhà xây trái phép trên đất rừng

Ba căn nhà đầu tiên trong hơn 50 căn xây dựng trái phép trên đất rừng ở cửa ngõ Đà Lạt bị cưỡng chế sau nhiều tháng tồn tại.

Khu rừng bị hơn 50 căn nhà xâm lấn, xây dựng trái phép ở cửa ngõ TP. Đà Lạt

Khu rừng bị hơn 50 căn nhà xâm lấn, xây dựng trái phép ở cửa ngõ TP. Đà Lạt

Lực lượng liên ngành huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vừa cưỡng chế ba căn nhà do ông Đào Văn Quyền (quê Thanh Hóa) xây dựng trái phép tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An. Các công trình có kết cấu móng bêtông cốt thép, sàn bằng sắt hộp, mái ngói với tổng diện tích 187 m2.

Trước đó, Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam nhiều lần "kêu cứu" đất rừng thuộc dự án bị nhiều người từ nơi khác tới lấn chiếm, mua bán. Theo thống kê, có hơn 50 căn nhà xây dựng trái phép trên khu vực rộng hơn 45 ha.

Nhiều căn nhà xây kiên cố, kiến trúc giống kiểu nhà sàn, biệt thự sân vườn... Đến nay, phần lớn các công trình vi phạm vẫn chưa xác định được chủ nên công tác xử lý còn chậm. Theo UBND huyện Đức Trọng, đối với những căn nhà còn lại sẽ làm thủ tục vắng chủ và thực hiện các trình tự cưỡng chế, tháo dỡ, phục hồi nguyên trạng đất rừng.

Cảnh sát biển bắt tàu hút 1.000 m3 cát ở cửa sông

Tàu Sao Đỏ - TB 02 bị nhà chức trách tạm giữ vì chở 1.000 m3 cát song không xuất trình được giấy tờ liên quan.

Tàu vi phạm được đưa về khu vực bến Gót, TP. Hải Phòng để xử lý

Tàu vi phạm được đưa về khu vực bến Gót, TP. Hải Phòng để xử lý

Ngày 11/12, đại diện Cảnh sát biển vùng 1 cho hay, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ phương tiện, hàng hóa và đưa tàu Sao Đỏ - TB 02 về khu vực bến Gót (TP. Hải Phòng) để xử lý theo quy định pháp luật.

Nhà chức trách cho biết, trưa ngày 10/12, tại khu vực cửa sông Thái Bình, tổ công tác Cảnh sát biển vùng 1 tiến hành kiểm tra tàu Sao Đỏ - TB 02 có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.

Lúc này, trên tàu có khoảng 1.000 m3 cát và 12 thuyền viên do ông Phạm Văn Trường (36 tuổi, quê Hải Phòng) làm đại diện.

Ông Trường và các thuyền viên trên tàu không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến việc khai thác cát; không xuất trình được hồ sơ phương tiện và chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ.

Theo khai báo của ông Trường, đây là loại cát san lấp được họ khai thác tại khu vực biển nêu trên, khi đang thực hiện việc hút cát lên tàu thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.