Bản tin thời sự sáng 12/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro số 1 dỡ rào chắn trên đường Lê Lợi trước 30/4; giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng mạnh; Vietnam Airlines xin vận chuyển miễn phí vaccine Covid-19; phát hiện lô dược phẩm lớn thẩm lậu qua đường hàng không; đường sắt bắt đầu chạy thêm nhiều tàu trên tuyến Bắc - Nam…

Metro số 1 dỡ rào chắn trên đường Lê Lợi trước 30/4

Rào chắn dài khoảng 150 m trên đường Lê Lợi, Quận 1 (TP.HCM), phục vụ thi công Dự án Metro số 1 sẽ được tháo dỡ, trả lại mặt bằng sau gần 7 năm chiếm dụng.

Công nhân thi công chuẩn bị tái lập mặt đường Lê Lợi phía trên ga Nhà hát thành phố

Công nhân thi công chuẩn bị tái lập mặt đường Lê Lợi phía trên ga Nhà hát thành phố

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - chủ đầu tư Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ngày 11/3 cho biết, đoạn rào chắn được tháo dỡ từ đường Nguyễn Huệ đến Pasteur. Đây là phần mặt bằng phía trên ga Nhà hát thành phố thuộc tuyến Metro số 1, được rào chắn từ giữa năm 2014 để phục vụ thi công. Hiện công tác tái lập mặt bằng như phá vỡ sàn tạm, cắt tường vây, đắp cát, cống thoát nước... phía trong đoạn rào chắn đang được đẩy nhanh.

Trước đó, một phần diện tích khác trên đường Lê Lợi, đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ thuộc phạm vi thi công nhà ga này được trả lại mặt bằng hồi tháng 4 năm ngoái. Việc tiếp tục dỡ bỏ đoạn còn lại, hoàn trả lòng đường, vỉa hè giúp đại lộ Lê Lợi thông thoáng hơn, tạo thuận lợi cho kinh doanh ở khu vực. Đường Lê Lợi dài chừng 1 km, gần chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, là một trong những tuyến có hoạt động kinh doanh, mua bán sầm uất nhất Thành phố.

Ga Nhà hát thành phố là 1 trong 3 ga ngầm của Metro số 1, thuộc Gói thầu CP1b của Dự án (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son).

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên làm tại TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hiện đạt khoảng 83% khối lượng. Toàn tuyến dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.

Giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng mạnh

Giá nhiên liệu tại thị trường Singapore nửa tháng qua tăng 5% nên mỗi lít xăng trong nước ngày 12/3 có thể tăng 500 - 600 đồng.

Giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng mạnh

Giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng mạnh

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tính đến ngày 9/3 biến động mạnh so với chu kỳ nửa tháng trước.

Bình quân giá bán lẻ xăng 92 giai đoạn này là 71,09 USD một thùng, tăng 5,1%. Xăng 95 tăng tương đương lên 72,68 USD, thậm chí có ngày lên trên 76 USD một thùng. Giá dầu hoả và diesel tăng khiêm tốn hơn, lần lượt 1,8% lên 67,78 USD và 2,2% lên 69,75 USD một thùng.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM nhận định, cơ sở dầu thô của Saudi Arabia bị tấn công là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá nhiên liệu thế giới vọt lên đỉnh một năm. Bên cạnh đó là triển vọng kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu, giúp nhu cầu đi lại hồi phục nhanh.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vì thế sẽ điều chỉnh tăng khoảng 500 đồng mỗi lít xăng 92, 600 đồng mỗi lít xăng 95 và 300 - 450 đồng với các mặt hàng dầu. Nếu cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn thì mức tăng có thể thấp hơn, nhưng khả năng không nhiều vì mức chi đã tương đối cao.

Vietnam Airlines xin vận chuyển miễn phí vaccine Covid-19

Vietnam Airlines đang đề xuất được vận chuyển khoảng 5 triệu liều vaccine Covid-19 miễn phí trong nội địa từ ngày 15/3.

Vietnam Airlines đang đề xuất được vận chuyển khoảng 5 triệu liều vaccine Covid-19 miễn phí

Vietnam Airlines đang đề xuất được vận chuyển khoảng 5 triệu liều vaccine Covid-19 miễn phí

Đây là vaccine Covid-19 theo nguồn Cơ chế COVAX sử dụng ngân sách Nhà nước. Thông qua đề xuất này, Vietnam Airlines cho biết mong muốn tận dụng ưu thế vận chuyển đường không để chung tay thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.

Trước đó, từ cuối tháng 2, hãng hàng không này cũng đã xin được vận chuyển vaccine Covid-19. Hãng đã thành lập một đơn vị đặc trách để sẵn sàng vận chuyển ngay khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Hôm 6/3, Vietnam Airlines đã vận chuyển lô vaccine đầu tiên giữa TP.HCM - Hà Nội.

Đến nay, các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam bao gồm hỗ trợ của Covax và Công ty VNVC cung ứng. Lô đầu tiên từ Covax dự kiến cuối tháng 3 mới về tới Việt Nam.

Hiện tại, Vietnam Airlines đã lắp đặt hệ thống kho lạnh âm sâu ngay tại sân bay. Đồng thời, hãng cho biết có khả năng triển khai dịch vụ container lạnh để bảo quản vaccine trong suốt quá trình vận chuyển trên không.

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài Vietnam Airlines, Bamboo Airways cũng cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và sẵn sàng để vận chuyển vaccine Covid-19. Hãng cho biết sẽ điều động đội ngũ giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao, cũng như các phương tiện, đối tác uy tín... để phục vụ nhiệm vụ này.

Phát hiện lô dược phẩm lớn thẩm lậu qua đường hàng không

Lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ gần 300.000 đơn vị dược phẩm không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được vận chuyển từ Sân bay Nội Bài.

Đội QLTT số 1 Hà Nội làm thủ tục kiểm tra hàng hóa

Đội QLTT số 1 Hà Nội làm thủ tục kiểm tra hàng hóa

Ngày 11/3, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành khám xe ô tô biển kiểm soát 29C. 447.75 chở hàng từ kho ALS - Cảng hàng không Nội Bài về địa chỉ Kiot 12, Chung cư Vinaconex 3, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Kết quả khám, Đội QLTT số 1 phát hiện trên xe vận chuyển 299.900 đơn vị là các mặt hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc gồm: thuốc trị ho, thuốc huyết áp, thuốc chữa đau đầu, thực phẩm chức năng giảm cân, miếng dán vết thương và các viên nén (mầu xanh, cam, trắng, hồng) chưa rõ công dụng được đóng trong túi ni lông.

Điều khiển phương tiện là ông Lê Đức Thành, có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên thừa nhận toàn bộ số hàng hóa chở trên xe ô tô BKS 29C. 447.75 chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ cùng với xe ô tô vận chuyển để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đường sắt bắt đầu chạy thêm nhiều tàu trên tuyến Bắc - Nam

Đường sắt bắt đầu chạy thêm tàu trên tuyến Bắc - Nam sau khi dịch Covid-19 được kiềm chế tại nhiều địa phương.

Đường sắt bắt đầu chạy thêm tàu trên tuyến Bắc - Nam sau khi dịch Covid-19 được kềm chế tại nhiều địa phương

Đường sắt bắt đầu chạy thêm tàu trên tuyến Bắc - Nam sau khi dịch Covid-19 được kềm chế tại nhiều địa phương

Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cho biết bắt đầu chạy thêm tàu trên tuyến Bắc - Nam sau khi dịch Covid-19 được kiềm chế tại nhiều địa phương.

Theo đó, tuyến Sài Gòn - Hà Nội có hàng ngày 3 đôi tàu khách Thống nhất chạy suốt gồm SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 xuất phát ở 2 ga Hà Nội, Sài Gòn.

Tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, chạy hàng ngày đôi tàu SE21/SE22 xuất phát 2 ga Đà Nẵng, Sài Gòn.

Tuyến Sài Gòn - Nha Trang, ngoài tàu SNT2 xuất phát Sài Gòn thứ 6 hàng tuần, tàu SNT1 xuất phát ga Nha Trang chủ nhật hàng tuần, còn có thêm tàu tăng cường trong tháng 3, tháng 4. Cụ thể, chạy thêm tàu SNT2 xuất phát Sài Gòn lúc 21h20 ngày 18/3 và các ngày 1, 8, 15, 22/4/2021; tàu SNT4 xuất phát Sài Gòn lúc 22h00 ngày 25/3/2021; tàu SNT5 xuất phát Nha Trang lúc 12h40 ngày 21, 28/3 và 4, 11, 18, 25/4/2021.

Tuyến Sài Gòn - Phan Thiết, đôi tàu SPT1/SPT2 chạy các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật trong tháng 3, tháng 4, xuất phát ở 2 ga Phan Thiết, Sài Gòn.

Đà Nẵng đánh sập 29 hầm vàng trái phép

Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng sẽ dùng thuốc nổ công nghiệp để đánh sập các hầm vàng trái phép ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Lực lượng chức năng đẩy đuổi vàng tặc ở Khe Đương

Lực lượng chức năng đẩy đuổi vàng tặc ở Khe Đương

Hơn 80 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự thành phố phối hợp với công an, kiểm lâm và chính quyền huyện Hòa Vang sẽ đánh sập các hầm vàng trái phép ở tiểu khu 27, 29 và 39 thuộc khu vực Khe Đương, xã miền núi Hòa Bắc.

Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng cho biết, phương án đánh sập các hầm vàng đã được Bộ Quốc phòng đồng ý. Các lực lượng sẽ dựng lán ở lại trong rừng để thực hiện nhiệm vụ trong hai tuần. Công binh sẽ đến các hầm vàng đã được khảo sát từ trước, đào âm vào trong hầm để đặt thuốc nổ, kích nổ từ bên ngoài, đánh sập các miệng hầm, trả lại cảnh quan của rừng và không để vàng tặc tiếp tục khai thác trái phép.

Khu vực Khe Đương là điểm nóng tồn tại nhiều hầm vàng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn và an ninh trật tự. Cuối năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chủ trì lên phương án đánh sập, tuy nhiên do mưa bão nên phải dời sang đầu năm nay.