Bản tin thời sự sáng 12/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10; 500 người Việt từ Ukraina sẽ về nước trong ngày 13/3; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra hình sự vụ phá rừng làm đường Trường Sơn Đông; Hà Nội sắp có thêm tuyến phố đi bộ thứ 4 tại Thành cổ Sơn Tây; thêm hai đoàn tàu Metro Số 1 về TP.HCM…

Hà Nội bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10

Năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội diễn ra với ba môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, không có môn thứ tư như kế hoạch.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội diễn ra với ba môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội diễn ra với ba môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ

Ngày 11/3, UBND Thành phố đưa ra quyết định trên dựa theo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, học sinh lớp 9 phải học trực tuyến gần như toàn bộ năm học; vì vậy, Sở đề xuất thi ba môn nhằm tránh gây áp lực, quá tải với học sinh, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo quyết định này, hai bài thi Toán và Ngữ văn diễn ra theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút mỗi môn. Ngoại ngữ thi trắc nghiệm trong 60 phút với nhiều mã đề. Dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra trong khoảng 10 đến 20/6.

Năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc để tuyển sinh lớp 10, thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư, được Sở Giáo dục công bố vào tháng 3. Năm 2020, thành phố bỏ môn thứ tư do dịch bệnh bùng phát. Nhưng năm 2021, Hà Nội trở lại thi bốn môn.

Năm học 2021 - 2022, thành phố Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng 19.000 so với năm ngoái. Trong đó, khoảng 104.000 em có cơ hội tiếp tục bậc học THPT (77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 tư thục). Khoảng 25.000 em còn lại sẽ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Trong bối cảnh dịch, ngoài Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác đã công bố chỉ thi ba môn vào lớp 10 như: Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Dương, Kon Tum, Thái Nguyên...

500 người Việt từ Ukraina sẽ về nước trong ngày 13/3

Ngày 13/3 tới, hai chuyến bay của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam sẽ đưa 500 công dân từ vùng chiến sự Ukraina về nước.

Hai chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ vận chuyển hơn 500 công dân Việt Nam về nước từ Ukraina vào ngày 11/3 tới

Hai chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ vận chuyển hơn 500 công dân Việt Nam về nước từ Ukraina vào ngày 11/3 tới

Hai chuyến bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN58 và VN58 sẽ về Nội Bài cùng ngày. Trong đó chuyến bay VN58 xuất phát từ Ba Lan về Hà Nội lúc 4h40 ngày 13/3, chuyến tiếp theo xuất phát từ Rumani hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 11h cùng ngày. Theo dự kiến, sẽ có hơn 500 người Việt được về nước đợt này từ vùng chiến sự Ukraina.

Các chuyến bay này được thực hiện theo nội dung thỏa thuận hợp tác đồng hành hỗ trợ vận chuyển công dân Việt Nam và thành viên gia đình từ vùng chiến sự Ukraina về nước được Vietnam Airlines và Tập đoàn Sun Group ký ngày 10/3. Công dân Việt Nam và thành viên gia đình tại Ukraina có nhu cầu hồi hương sẽ được vận chuyển về Việt Nam miễn phí hoàn toàn, không phải trả bất cứ chi phí nào.

Dự kiến, các chuyến bay sẽ được thực hiện cho tới khi hết nhu cầu công dân Việt Nam và thành viên gia đình trở về nước.

Hai chuyến bay đưa công dân từ Ukraina về nước trước đó được thực hiện vào ngày 8/3 và 10/3 đã đưa gần 600 người Việt về nước.

Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra hình sự vụ phá rừng làm đường Trường Sơn Đông

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng kiến nghị chuyển hồ sơ vụ phá rừng làm đường Trường Sơn Đông, đoạn qua Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà đến Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Tổng tham mưu để giải quyết.

Đường Trường Sơn Đông - đoạn mở qua Lâm Đồng

Đường Trường Sơn Đông - đoạn mở qua Lâm Đồng

Ngày 11/3, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi UBND Tỉnh, đề nghị thống nhất chủ trương giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chuyển toàn bộ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sai phạm của Ban Quản lý dự án 46 - Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) thi công thực hiện Dự án Đường Trường Sơn Đông tác động đến rừng và đất rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đến Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Tổng tham mưu để giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Trước đó, theo cơ quan chức năng, Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Tổng tham mưu tự ý mở đường Trường Sơn Đông, đoạn đi qua VQG Bidoup - Núi Bà khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, gây thiệt hại rừng ở đây.

Vị trí mở đường thuộc một phần các tiểu khu 22, 26, địa giới hành chính xã Đưng K’Nớ (H. Lạc Dương, Lâm Đồng), lâm phần thuộc VQG Bidoup - Núi Bà. Tổng chiều dài tuyến đường đã mở 3.321 m, bề rộng đường trung bình khoảng 4 m…

Theo kết quả kiểm tra hiện trường của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, diện tích tác động là 4,96 ha; trong đó diện tích rừng trong ranh được giao là 2,23 ha; diện tích rừng ngoài ranh (thuộc đất rừng đặc dụng do VQG Bidoup - Núi Bà quản lý) là 2,73 ha.

Tổng trữ lượng gỗ thiệt hại là 187,02 m3 và 14.716 cây lồ ô. Trong đó: trong ranh được giao là 74,51 m3 và 7.348 cây lồ ô; ngoài ranh được giao là 112,51 m3 gỗ và 7.368 cây lồ ô.

Cũng theo văn bản này, vụ việc mở đường Trường Sơn Đông gây thiệt hại đến rừng nói trên vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng.

Hà Nội sắp có thêm tuyến phố đi bộ thứ 4 tại Thành cổ Sơn Tây

Dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) sẽ được đưa vào hoạt động.

Dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây sẽ đi vào hoạt động

Dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây sẽ đi vào hoạt động

UBND thị xã Sơn Tây đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, qua đó hình thành một không gian giải trí, văn hóa, du lịch, đồng thời phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây. Dự kiến tuyến phố đi vào hoạt động vào dịp 30/4 - 1/5 tới đây.

Với chiều dài 820m, tuyến phố đi bộ gồm: các phố Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh; đường dạo phía ngoài của Thành cổ Sơn Tây; vườn hoa trung tâm thị xã; quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm; sân trước khu vực Trung tâm văn hóa Thị xã; quảng trường sân vận động Thị xã. Thời gian hoạt động từ 19h thứ Bảy đến 12h Chủ nhật hằng tuần.

Như vậy, khi đi vào hoạt động, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Thêm hai đoàn tàu Metro Số 1 về TP.HCM

Sau 9 ngày rời cảng Kudamatsu ở Nhật Bản, 6 toa của đoàn tàu thứ 12, 13 tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về đến TP.HCM sáng 11/3 để chờ chạy thử.

Toa metro được hạ xuống cảng Khánh Hội

Toa metro được hạ xuống cảng Khánh Hội

Mỗi toa tàu dài 21 m, rộng 3 m, cao gần 4 m, được hạ tải từ tàu biển xuống cảng Khánh Hội, Quận 4 lúc gần 10h ngày 11/3. Sau 3 - 4 ngày, 6 toa metro được xe siêu trường vận chuyển về depot Long Bình, TP. Thủ Đức, để lắp ráp thành các đoàn tàu hoàn chỉnh.

Hiện, tuyến Metro Số 1 có 13 trong tổng 17 tàu đã được đưa về. Trước đó hồi tháng 10/2020, Dự án nhập về đoàn tàu đầu tiên, đến cuối năm ngoái nâng lên 11 tàu. Mỗi tàu trước khi xuất xưởng về TP.HCM được nhà thầu Hitachi thử nghiệm tính an ở toàn từng bộ phận.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), sau lần nhập hai đoàn tàu thứ 12 và 13, Dự án còn hai đợt nhập khác để đưa toàn bộ các tàu còn lại về thành phố. Đợt kế tiếp dự kiến vận chuyển các đoàn tàu thứ 14 và 15 vào cuối tháng 3 năm nay.

Các đoàn tàu thuộc tuyến Metro Số 1 đều sản xuất tại Nhật Bản, thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Mỗi tàu ba toa dài 61,5 m, chở được 930 khách (đứng, ngồi)….

Hiện, các đoàn tàu đưa về depot Long Bình vẫn chờ triển khai công tác chạy thử. Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, việc thử nghiệm tàu dự kiến thực hiện từ giữa năm nay, đầu tiên trên đoạn depot Long Bình đến ga Bình Thái (TP. Thủ Đức). Sau đó, tàu vận hành thử từ Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) vào khoảng tháng 8, trước khi vận hành trên toàn tuyến ở thời điểm cuối năm.

Metro Số 1 dài gần 20 km, từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình, với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Cần Thơ kêu gọi đầu tư 500 tỷ đồng nạo vét luồng Định An

Dự án nạo vét hơn 30 km luồng Định An cho tàu 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng trên sông Hậu có vốn đầu tư 500 tỷ đồng được TP. Cần Thơ kêu gọi đầu tư.

Tàu lớn chạy trên sông Hậu

Tàu lớn chạy trên sông Hậu

Chiều 10/3, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để tham mưu UBND Thành phố kêu gọi đầu tư dự án nạo vét luồng Định An cho tàu 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng trên sông Hậu. Động thái này nhằm triển khai thực hiện một trong 6 cơ chế đặc thù phát triển Cần Thơ được Quốc hội thông qua hồi tháng 1.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND Thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận điều chỉnh lại chuẩn tắc luồng Ðịnh An - sông Hậu dự kiến nạo vét có bề rộng luồng 200 m, độ sâu dưới 6,5 m, đủ để tàu biển tải trọng lớn ra vào nhằm phát huy hiệu quả khai thác, tăng công suất 13 cảng trên sông Hậu.

Công trình sẽ được kêu gọi xã hội hoá. Chủ đầu tư sẽ được miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất để đổ chất nạo vét của Dự án....

Hiện Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ cùng các ngành liên quan phối hợp cùng Cục Hàng hải hoàn tất việc lập, trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án. Dự kiến, trong tháng 4, TP. Cần Thơ sẽ kêu gọi đầu tư cho dự án này. Sau đó Thành phố sẽ đấu thầu rộng rãi, chọn nhà đầu tư để thực hiện nạo vét luồng từ năm 2023.

Luồng Định An dài 234 km nhưng có khoảng 34 km nằm trên địa phận tỉnh Trà Vinh bị tắc nghẽn do bồi lắng. Mớn nước không đủ sâu để tàu 10.000 - 20.000 tấn ra vào. Bộ Giao thông Vận tải hàng năm chi khoảng 30 tỷ đồng để nạo vét nhưng hiệu quả chưa cao.

Dự kiến khởi công Dự án Vành đai 3 TP.HCM vào cuối năm 2023

Dự án Vành đai 3 TP.HCM - tuyến đường đi qua TP.HCM và ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An dự kiến khởi công trong quý IV/2023 và hoàn thành năm 2026.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, báo cáo tiền khả thi Dự án Vành đai 3 TP.HCM đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV vào tháng 5/2022.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM Lương Minh Phúc cho biết thêm, giai đoạn 1 của đường Vành đai 3 có chiều dài 76 km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53 km, đoạn trên cao 13 km. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.377 tỉ đồng, riêng phí giải phóng mặt bằng đã hơn 41.589 tỉ đồng.

Đường Vành đai 3 sẽ được đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí 38.740 tỉ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đoạn qua tỉnh Long An.

Đối với phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TP.HCM sẽ chi hơn 24.000 tỉ đồng, Đồng Nai khoảng 1.934 tỉ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỉ đồng và Long An hơn 1.050 tỉ đồng.

Khai thác quỹ đất dọc đường Vành đai 3 là một trong phương án giúp huy động thêm nguồn vốn để các tỉnh thành bố trí đầu tư tuyến đường. Sau khi rà soát, quỹ đất vùng phụ cận Dự án Vành đai 3 ở địa bàn TP.HCM có hơn 2.413 ha. Trong đó, có khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý có thể bán đấu giá thu về 26.985 tỉ đồng.

Phía tỉnh Đồng Nai hiện cũng dự trù khai thác đấu giá quỹ đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha thu về khoảng 4.332 tỉ đồng. Trong khi tại Bình Dương và Long An đang rà soát…

Về mốc tiến độ, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, Dự án sẽ khởi công trong quý IV/2023 và hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2026.

Tin cùng chuyên mục