Bản tin thời sự sáng 12/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng có thể tăng tiếp lần 3; Phà Gót ra đảo Cát Bà tái diễn cảnh ùn tắc ngày cuối tuần; Thanh tra Chính phủ kỷ luật 1 Phó Cục trưởng và 5 thanh tra viên; Bộ GTVT ủng hộ đầu tư khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề…

Giá xăng có thể tăng tiếp lần 3

Giá xăng dầu ngày 12/6 được dự báo tăng theo xu hướng thế giới. Nếu cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn, giá mặt hàng nhiên liệu có thể giữ nguyên, thậm chí giảm nhẹ.

Từ đầu năm đến nay, giá các nhiên liệu đã trải qua 16 lần điều chỉnh

Từ đầu năm đến nay, giá các nhiên liệu đã trải qua 16 lần điều chỉnh

Ngày điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng, nhưng kỳ điều chỉnh ngày 11/6 rơi vào Chủ nhật. Do đó, theo quy định tại Nghị định 95, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 12/6.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu, thời gian qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng nhẹ so với kỳ trước.

Dựa vào diễn biến trên, vị chuyên gia dự báo trong kỳ điều hành ngày 12/6, giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 trong nước tăng 100 - 200 đồng/lít, dầu diesel có thể tăng 100 đồng/lít. Nếu Liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ Bình ổn, giá xăng có thể không đổi, thậm chí quay đầu giảm.

Từ đầu năm đến nay, giá các nhiên liệu đã trải qua 16 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 1/6, xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít, lên 20.870 đồng/lít; RON 95 tăng 520 đồng/lít, lên 22.010 đồng/lít.

Phà Gót ra đảo Cát Bà tái diễn cảnh ùn tắc ngày cuối tuần

Ngày cuối tuần, phà Gót - Cái Viềng (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) tái diễn cảnh ùn tắc giao thông kéo dài nhiều giờ do lưu lượng khách du lịch tăng cao dịp nghỉ hè, nắng nóng.

Ngày cuối tuần, phà Gót - Cái Viềng tái diễn cảnh ùn tắc giao thông kéo dài

Ngày cuối tuần, phà Gót - Cái Viềng tái diễn cảnh ùn tắc giao thông kéo dài

Những ngày đầu tháng 6, thời tiết miền Bắc nắng nóng kéo dài, đường ra quần đảo Cát Bà luôn trong tình trạng ùn ứ kéo dài, đặc biệt dịp cuối tuần.

Sáng 11/6, đường ra phà Gót ùn ứ từ sớm. Các phương tiện xếp hàng dài hàng trăm mét từ khu vực bán vé ra đường nối khu vực cảng Lạch Huyện.

Để đảm bảo an toàn giao thông, huyện Cát Hải bố trí cảnh sát, thanh tra giao thông phân luồng, chống ùn tắc từ xa và tình trạng lộn xộn tại khu vực đưa đón khách lên phà.

Tại khu vực chờ phà, người điều khiển xe máy và khách đi bộ xếp hàng chật kín chờ tới lượt.

Một nhân viên soát vé phà Gót cho biết, dịp hè các cháu học sinh, sinh viên được nghỉ nên tỷ lệ khách ra đảo tham quan du lịch tăng cao từ tháng 5. Các tổ chức, đơn vị tổ chức nhiều tour cho nhân viên và trẻ em đi du lịch, nghỉ mát khiến bến phà luôn nhộn nhịp.

Lãnh đạo bến phà Gót - Cái Viềng cho biết, đơn vị huy động tối đa nhân sự và phương tiện phục vụ khách du lịch. Ngày thường, có khoảng 10.000 lượt khách, ngày cuối tuần khoảng 13.000 lượt khách ra đảo.

Ở chiều ngược lại, từ sớm hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau rời đảo Cát Bà trở về sau chuyến nghỉ mát cuối tuần.

Thanh tra Chính phủ kỷ luật 1 Phó Cục trưởng và 5 thanh tra viên

Thanh tra Chính phủ vừa có quyết định kỷ luật 6 công chức thuộc các cục, vụ vì vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Theo đó, ông Lê Quốc Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực II (Cục II) bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người này cũng vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, 5 công chức khác cũng bị buộc thôi việc, gồm: ông Nguyễn Nho Định - thanh tra viên Cục II; ông Hoàng Văn Xuân - thanh tra viên chính Cục II; ông Trần Văn Tuấn - thanh tra viên cao cấp Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II);

Ông Trương Việt Hưng - thanh tra viên chính Vụ II và ông Nguyễn Duy Phương - thanh tra viên chính Vụ II.

Nguyên nhân khiến 5 cán bộ thanh tra bị buộc thôi việc cũng tương tự ông Lê Quốc Khanh.

Lượng hành khách tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tăng trưởng mạnh

Trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đạt 554.126 hành khách, tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng hành khách tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tăng trưởng mạnh

Lượng hành khách tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tăng trưởng mạnh

Ngày 11/6, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Hải Phòng (Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội - Haraco) cho biết, sản lượng hành khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng thời gian vừa qua tăng rất mạnh.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đạt 554.126 hành khách, tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng hành khách tăng kéo theo doanh thu vận tải hành khách tuyến này đạt gần 44 tỷ đồng, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo ông Trần Văn Hạnh, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, lượng khách đông kỷ lục, đạt hơn 37.000 lượt hành khách chỉ trong 6 ngày, vượt hơn 26% so cùng kỳ năm 2022.

Riêng các ngày từ 30/4 - 2/5, trung bình có khoảng 8.000 lượt hành khách lên, xuống tàu tại Hải Phòng.

Có được kết quả này là do ngành đường sắt kết hợp với Hải Phòng đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các loại hình quảng cáo, trong đó có mạng xã hội.

Bộ GTVT ủng hộ đầu tư khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng liên quan tới Dự án Đầu tư khu bến cảng Trần Đề.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề

Phối cảnh cảng biển Trần Đề

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ký nêu rõ, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng về quy mô Dự án khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề thuộc cảng biển loại đặc biệt.

Đối với nguồn vốn lập nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư khu bến cảng Trần Đề, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm thu hút nguồn lực là “huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải; ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng”.

Khu bến Trần Đề được định hướng "phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư”.

Do đó, Bộ GTVT ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư khu bến cảng Trần Đề, làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt.

Từ đây, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu nguồn vốn (có thể từ nguồn ngoài ngân sách hoặc nguồn ngân sách) để tổ chức thực hiện theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi Bộ GTVT về chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề. Trong đó, kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận việc cho phép nhà đầu tư đề xuất Dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hoặc theo phương thức PPP, phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước đề xuất Dự án.

Theo quy hoạch, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT…

TP.HCM bàn giao 83,5% diện tích đất làm Vành đai 3

Huyện Bình Chánh dẫn đầu về thu hồi đất làm Dự án Vành đai 3 với hơn 126 ha, trong khi đó, TP. Thủ Đức đã chi bồi thường 1.425 tỷ đồng.

Lễ khởi công Dự án Vành đai 3 sẽ diễn ra ngày 18/6

Lễ khởi công Dự án Vành đai 3 sẽ diễn ra ngày 18/6

Ban Chỉ huy Dự án thành phần 2 Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Vành đai 3.

Theo đó, huyện Bình Chánh có diện tích đất thu hồi là gần 146 ha, với 393 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, 165 trường hợp đã bàn giao mặt bằng với hơn 126 ha (đạt tỷ lệ hơn 87%). Số tiền đã chi bồi thường tại Bình Chánh là 360 tỷ đồng.

Huyện Hóc Môn có 286/332 trường hợp đã bàn giao mặt bằng với diện tích 92/99 ha (đạt tỷ lệ 93%). Số tiền chi bồi thường tại Hóc Môn là hơn 1.140 tỷ đồng.

269/408 trường hợp tại huyện Củ Chi đã bàn giao 53/65 ha (đạt tỷ lệ 81%), số tiền chi bồi thường là hơn 1.025 tỷ đồng.

TP. Thủ Đức có 116/556 trường hợp đã bàn giao 71,5/100 ha (đạt tỷ lệ 71,5%), với số tiền chi bồi thường là 1.425 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn 4 địa phương đã có 836/1.689 trường hợp bàn giao mặt bằng, với tổng diện tích hơn 344/410 ha (đạt tỷ lệ 83,5%). Trong đó, 71 trường hợp bàn giao đất ở.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Võ Trung Trực, diện tích đất do Nhà nước, các tổ chức trực tiếp quản lý, các địa phương đã thu hồi. Trong đó, Thủ Đức là 35 ha, huyện Củ Chi có 10,5 ha, huyện Hóc Môn có 12,5 ha và huyện Bình Chánh có hơn 91 ha.

Với tình hình giải phóng mặt bằng hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) khởi công Dự án Vành đai 3 vào ngày 18/6.

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ Tây

Trước thực trạng sạt lở đất nguy hiểm và đặc biệt nghiêm trọng ở bờ sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ Tây, UBND tỉnh Long An có quyết định công bố tình huống khẩn cấp.

Bờ sông Cần Giuộc (đoạn qua xã Phước Lại, huyệnCần Giuộc) sạt lở ngày 9/6 khiến 5 căn nhà bị sạt xuống sông

Bờ sông Cần Giuộc (đoạn qua xã Phước Lại, huyệnCần Giuộc) sạt lở ngày 9/6 khiến 5 căn nhà bị sạt xuống sông

Ngày 11/6, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết, Tỉnh vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ Tây.

Theo đó, sạt lở xảy ra tại bờ sông Cần Giuộc (đoạn cặp Đường tỉnh 826C, thuộc địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài khoảng 70 m. Tại đây xuất hiện nhiều vết nứt, từ lề đường sát nhà dân và lan ra giữa Đường tỉnh 826C. Vết nứt rộng khoảng 6 - 8 cm, sát lề đường đất bị lún khoảng 8 - 10 cm, tạo thành khung trượt hướng về phía sông Cần Giuộc và có nguy cơ xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của các hộ dân đang sinh sống trong khu vực; làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng Đường tỉnh 826C.

Tại bờ sông Vàm Cỏ Tây (đê bao liên ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình), đoạn thuộc xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, sạt lở khoảng 50 m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông từ 4 - 6 m (dạng hàm ếch). Chiều rộng sạt lở từ sát mé sông vào trong đê bao từ 12 - 13 m. Ngoài ra, khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng với kích thước khe nứt từ 2 - 10 cm, phạm vi xuất hiện vết nứt dài khoảng 160 m và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở.

Tỉnh Long An đề ra các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.