Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tĩnh không cố định 15 m
TP.HCM chọn phương án cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn có tĩnh không cố định 15 m, thay vì nhịp chính có thể nâng hạ lên 45 m như tính toán trước đây.
Một phương án dự thi thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4 |
Nội dung nêu trong công văn UBND Thành phố vừa gửi Bộ Giao thông vận tải để xin ý kiến về phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức sang Quận 7.
Theo phương án trên, Dự án có chiều dài 2,16 km (phần cầu chính hơn 1,6 km), 6 làn xe, tĩnh không thông thuyền (khoảng cách từ mực nước cao nhất tới gầm cầu) là 15 m, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.840 tỷ đồng. Kết cấu nhịp chính của cầu cố định, không còn giải pháp nâng hạ.
TP.HCM đánh giá tĩnh không thông thuyền của cầu 15 m sẽ thuận lợi cho phương tiện đường thủy cỡ lớn hoạt động, nhất là tàu nhà hàng chở khách phục vụ du lịch. Việc này cũng giúp khai thác hiệu quả cảng Nhà Rồng, Khánh Hội và cảnh quan trên sông Sài Gòn.
Trước đó, quá trình nghiên cứu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4, ngành giao thông Thành phố đưa ra giải pháp cầu có tĩnh không khai thác bình thường 15 m, nhưng nhịp chính có thể nâng lên 45 m thông qua hai trụ tháp cùng hệ thống nâng. Thiết kế này được xem là độc đáo, linh động cho tàu lớn di chuyển, nhưng cũng có một số ý kiến băn khoăn về cách tổ chức giao thông sau này. Ngoài ra, giải pháp trên cũng cần vốn đầu tư lớn hơn, khoảng 6.030 tỷ đồng.
Ngoài tĩnh không 15 m, cầu Thủ Thiêm 4 còn một phương án khác được nghiên cứu là 10 m. Với phương án này, Dự án có vốn đầu tư ít hơn, khoảng 4.365 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chính quyền Thành phố, phương án này sẽ làm hạn chế hoạt động giao thông, du lịch đường thủy, ảnh hưởng khai thác các cảng Nhà Rồng, Khánh Hội...
Cầu Thủ Thiêm 4 có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và đường Bùi Thiện Ngộ. Công trình dự kiến khởi công dịp 30/4 năm tới, hoàn thành năm 2028.
Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu
UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 11/8 công bố dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát, bởi đánh giá bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sau 3 ca dương tính và 34 F1.
Nhân viên y tế lấy mẫu nhóm tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu ở Mường Lát |
Theo đó, cơ quan y tế địa phương đánh giá bệnh bạch hầu do vi khuẩn bạch hầu gây ra với tính chất, mức độ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người và còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Đây là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch bạch hầu nhằm tiến hành nhiều giải pháp ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, thuộc huyện Mường Lát, hiện ghi nhận chuỗi lây nhiễm 3 ca dương tính và 34 F1, nguy cơ thêm nhiều ca nhiễm nữa.
Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh các cấp kịp thời tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân. Địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp như cấp cứu điều trị, cách ly y tế, phun khử khuẩn vùng dịch...
Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát được yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ diễn biến, tăng cường vệ sinh môi trường, không để phát sinh các ổ dịch mới.
Ngày 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa phát hiện ca bạch hầu đầu tiên là thai phụ 17 tuổi. Ba ngày sau, một bé trai 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, là người thân của thai phụ cũng dương tính. Ba bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, sức khỏe ổn định, có dấu hiệu phục hồi tốt. Các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly, theo dõi tại nhà.
Đây là ổ dịch bạch hầu đầu tiên trong năm tại tỉnh Thanh Hóa. Giới chức chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thai phụ, do đó nhận định tình hình dịch bạch hầu tại khu phố Đoàn Kết diễn biến phức tạp. Ngoài ra, kết quả tiêm chủng các năm gần đây của Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng dịch Covid-19 và khan hiếm vaccine có thành phần bạch hầu.
Miền Bắc mưa lớn cả tuần
Đợt mưa diện rộng tập trung từ chiều tối đến đêm có khả năng gây sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi phía Bắc và gây khó khăn trong ứng phó.
Sạt lở đất ở Tà Xùa, Sơn La |
Miền Bắc đêm ngày 10/8 bắt đầu mưa do ảnh hưởng của rãnh áp thấp dịch chuyển từ phía Bắc xuống. Lượng mưa từ 19h ngày 10/8 đến 8h ngày 11/8 ở Tràng Xá (Thái Nguyên); Hùng Quốc, Trường Hà (Cao Bằng) hơn 100 mm. Nhiều nơi khác như Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang mưa hơn 90 mm.
Rạng sáng 11/8, mưa lớn đã khiến nhiều nơi ở Cao Bằng xảy ra lũ, ngập úng cục bộ như Pắc Bó, huyện Hà Quảng, huyện Trùng Khánh. Tại xã Chiềng Lao, huyện Mường Lay, tỉnh Sơn La, đất đá sạt đổ tường khiến hai cháu nhỏ đang ngủ bị thương.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định từ nay đến ngày 17/8, miền Bắc sẽ mưa lớn, cao điểm mưa 60 - 120 mm, có nơi trên 250 mm tập trung từ 11 - 13/8. Lượng mưa lớn, tập trung vào chiều tối và đêm, trên phạm vi hẹp (ở không gian cấp tỉnh) nên khả năng cao gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các khu vực trũng thấp, đặc biệt ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo Hà Nội tuần tới phổ biến 26 - 32 độ C, riêng thứ Năm nhiệt độ cao nhất trong ngày lên 34 độ. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ trong tuần 17 - 26 độ C.
Miền Trung các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp ở phía bắc nên đêm nay và chiều tối mai có mưa rào, giông. Vùng nắng nóng thu hẹp vào các tỉnh Hà Tĩnh - Bình Thuận với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35 - 37 độ, có nơi trên 37 độ C.
Nam Bộ và Tây Nguyên từ nay đến 13/8 có mưa rào, giông về chiều tối. Các ngày 14 - 17/8, gió mùa tây nam suy yếu, mưa tiếp tục giảm.
Nhiệt độ cao nhất ở Nam Bộ phổ biến 32 - 34 độ, Tây Nguyên 29 - 32 độ C. Từ ngày 14/7, nhiệt độ Nam Bộ tăng lên 33 - 35 độ, miền Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ, Tây Nguyên 30 - 33 độ C.
Miền Bắc vừa trải qua gần một tuần nắng nóng nhưng các tỉnh miền núi vẫn mưa rào, giông về chiều tối và đêm. Độ ẩm trong đất ở nhiều khu vực đã bão hòa nên nguy cơ sạt lở đất rất cao.
Tổng công ty CP Thương Mại Xây dựng muốn làm khu đô thị gần 12.600 tỷ ở Đông Anh
Tổng công ty CP Thương Mại Xây dựng (WTO) vừa đăng ký làm Dự án Khu đô thị mới G8 huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) với vốn gần 12.600 tỷ đồng.
Tổng công ty CP Thương Mại Xây dựng muốn làm khu đô thị gần 12.600 tỷ ở Đông Anh. Ảnh minh họa |
Theo kết quả mở hồ sơ, WTO là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới G8 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
WTO cũng là chủ đầu tư của Dự án Kim Chung Di Trạch (tên thương mại Hinode Royal Park) với quy mô 140 ha tại huyện Hoài Đức. Bên cạnh bất động sản, doanh nghiệp này còn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất công nghiệp.
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới G8 có diện tích khoảng 46,6 ha, quy mô dân số trên 4.800 người. Dự án sẽ có 64 biệt thự cao 3 tầng, 317 nhà liền kề cao 5 tầng và chung cư cao 21 tầng và 18 tầng với tổng cộng hơn 500 căn hộ. Ngoài ra, dự án cũng sẽ có khối nhà ở xã hội cao 10 - 12 tầng với khoảng 420 căn hộ.
Chi phí sơ bộ để thực hiện dự án gần 12.600 tỷ đồng, chưa bao gồm gần 660 tỷ chi phí hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, khu đất để thực hiện dự án này chưa giải phóng mặt bằng.
Cơ quan quản lý duyệt tiến độ Dự án là 5 năm tính từ khi có quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất.
Đông Anh là một trong hai huyện tại Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian sắp tới. Huyện phía Bắc Hà Nội có diện tích 185 km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn. Hiện Đông Anh gần như chưa có dự án khu đô thị quy mô lớn nào được hoàn thành.
Nha Trang sẽ cưỡng chế 25 công trình lớn xây dựng vượt tầng
Có 25 công trình xây dựng tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được cấp giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ (từ 5 tầng trở lên), nhưng phần lớn chủ nhà đã xây vượt tầng.
Chủ nhiều công trình nhà ở riêng lẻ ở TP Nha Trang đã xây dựng vượt tầng |
Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết đã nhận được báo cáo của UBND TP. Nha Trang liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra về việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng (từ 5 tầng trở lên) tại phường Lộc Thọ, Tân Lập và Vĩnh Hòa.
Thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 25 chủ công trình xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp khi xây vượt tầng. Trong đó, tại phường Lộc Thọ có 10 nhà vi phạm, phường Tân Lập có 6 nhà vi phạm và phường Vĩnh Hòa có 9 nhà vi phạm. Hiện Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang đang hoàn tất thủ tục pháp lý đối với 25 công trình vi phạm để xây dựng kế hoạch cưỡng chế theo quy định.
Theo kết luận của đoàn thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hòa, các trường hợp xây dựng sai giấy phép xây dựng và không có giấy phép xây dựng đã được xử phạt nhưng chưa thực hiện quyết định cưỡng chế. Nhiều trường hợp qua kiểm tra phát hiện xây dựng sai giấy phép xây dựng nhưng chưa bị xử lý vi phạm đến thời điểm thanh tra. Cụ thể, phường Lộc Thọ có 12 công trình sai giấy phép xây dựng, phường Tân lập có 6 công trình sai giấy phép xây dựng và phường Vĩnh Hòa có 9 công trình sai giấy phép xây dựng.
Trong đó, có một số trường hợp xây dựng sai giấy phép xây dựng với mức độ vi phạm lớn như: trường hợp tại địa chỉ số 11/4E Nguyễn Thiện Thuật (phường Lộc Thọ) xây dựng vượt 2 tầng; trường hợp tại địa chỉ lô 15, hẻm Trần Quang Khải (phường Lộc Thọ) xây dựng vượt 3 tầng; trường hợp tại địa chỉ số 66/2 Trần Phú (phường Lộc Thọ) xây dựng vượt 5 tầng...
Điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp
Tháng 8 - 9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ điều tra tình hình lao động, tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp ở 18 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, TP.HCM.
Giờ vào ca của lao động tại một công ty may ở Hải Phòng |
18 tỉnh thành đại diện cho 8 vùng kinh tế nằm trong diện điều tra gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Cần Thơ.
Doanh nghiệp diện điều tra được thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2023, đến thời điểm điều tra vẫn đang hoạt động. Các đơn vị này đại diện cho ba nhóm quy mô lao động từ 10 đến dưới 100 người, 100 đến dưới 300 và từ 300 người trở lên; thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài, nhà nước và ngoài nhà nước; đại diện ba nhóm ngành nghề nông lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Khoảng 6.800 lao động làm việc trên một năm, giữ vị trí chức danh khác nhau trong doanh nghiệp sẽ được điều tra. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thu thập thông tin gồm tình hình sản xuất kinh doanh, lao động, tiền lương năm 2023 và quý I/2024; tác động chi phí, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, kỳ vọng về mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2025 và cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình.
Kết quả điều tra sẽ là cơ sở để Hội đồng tiền lương quốc gia xem xét, đề xuất mức lương tối thiểu năm 2025, đồng thời phục vụ công bố định kỳ tiền lương bình quân trên thị trường để doanh nghiệp, lao động tham khảo làm cơ sở thương lượng.
Lương tối thiểu hiện hành theo tháng vùng 1 đạt 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Lương tối thiểu giờ vùng 1 đạt 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 đạt 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng.
Phú Thọ dự kiến đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng xây nhà ở xã hội
Phú Thọ đã bổ sung, lập mới các đồ án quy hoạch khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn, làm cơ sở để mời gọi các nhà đầu tư triển khai dự án thời gian tới.
Phú Thọ dự kiến đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng xây nhà ở xã hội. Ảnh minh họa |
Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 9.788 căn nhà ở xã hội trên địa bàn Tỉnh, diện tích tăng thêm khoảng 517.000 m2 sàn, chiếm tỷ lệ 2,92%; trong đó, diện tích sàn nhà ở xã hội để cho thuê khoảng 103.400 m2 sàn. Dự kiến tổng vốn đầu tư để thực hiện mục tiêu này hơn 3.400 tỷ đồng.
Theo Sở Xây dựng Phú Thọ, dự kiến đến năm 2025, Tỉnh sẽ hoàn thành 27 dự án nhà ở xã hội; trong đó, có 5 dự án độc lập gồm Khu nhà ở xã hội Hòa Phong tại Phường Gia Cẩm; khu nhà ở xã hội tại Thụy Vân; Khu Thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp Thụy Vân; Khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp Thụy Vân, giai đoạn II; nhà ở xã hội tại Khu đô thị Minh Phương tại thành phố Việt Trì...
Cùng với đó, có 22 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại khác; trong đó, có 12 dự án nhà ở xã hội tại thành phố Việt Trì gồm Khu dân cư Bến Gót; khu nhà ở đô thị tại phố Anh Dũng; Khu đô thị mới Đông Nam Việt Trì; Khu đô thị mới Minh Phương - Thụy Vân; Khu đô thị mới Nam Minh Phương; Khu đô thị mới Tây Nam Việt Trì; Khu đô thị mới Trưng Vương…
Còn lại 10 dự án nhà ở xã hội khác nằm ở huyện thị xã Phú Thọ và các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh, Tam Nông, Cẩm Khê.
Theo ông Đào Hoàng Chinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, sau thời gian triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ tại Phú Thọ, về cơ bản đã và đang dần đáp ứng nhu cầu, đang trong lộ trình thực hiện và phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Phú Thọ.