Bản tin thời sự sáng 12/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Quốc phòng điều máy bay chuyển hàng hóa cứu trợ vùng lũ; Trung Quốc giảm khối lượng xả lũ tại thượng nguồn sông Lô; Kho bạc Nhà nước muốn mua thêm 100 triệu USD từ ngân hàng thương mại; Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu hoạt động trở lại…

Bộ Quốc phòng điều máy bay chuyển hàng hóa cứu trợ vùng lũ

Bộ Quốc phòng đã điều động trực thăng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ tại các tỉnh phía Bắc.

Bộ Quốc phòng đã lệnh cho máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ vùng lũ

Bộ Quốc phòng đã lệnh cho máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ vùng lũ

Chiều 11/9, Bộ Quốc phòng cho biết, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trên phạm vi toàn miền Bắc, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã xây dựng các phương án sử dụng máy bay trực thăng tổ chức cứu hộ, cứu trợ.

Trong đó, 2 trực thăng trực tiếp tham gia cứu trợ là Mi 171 và Mi 17 cùng một Mi 7 dự bị. Đoàn sẽ chia làm hai tổ bay tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không tại khu vực lũ của các địa phương. Đồng thời, vận chuyển hàng hóa, lương thực thiết yếu để cứu trợ người dân vùng lũ như mì tôm, nước uống, bánh mì, phao cứu sinh.

Sau khi xác định được phương án thực hiện nhiệm vụ, trực thăng thực hiện cứu hộ, cứu nạn bằng phương pháp treo cẩu hoặc hạ cánh tại bãi, thả hàng để vận chuyển nhu yếu phẩm. Hiện, Trung đoàn Không quân 916 hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Theo đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều 3 trực thăng thuộc Trung đoàn 916 tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ tại các tỉnh Yên Bái và Cao Bằng.

Cũng trong chiều 11/9, được lệnh của Bộ Quốc phòng, máy bay EC-155-B1 số hiệu VN-8621 của Công ty Trực thăng Miền Bắc, Binh đoàn 18/BQP đã khởi hành cất cánh từ sân bay Gia Lâm, vận chuyển hàng hóa cứu trợ nước uống, lương khô, sữa, mỳ tôm...

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trên phạm vi toàn miền Bắc, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng các phương án sử dụng máy bay, trực thăng tổ chức cứu hộ, cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Quân chủng Phòng không không quân cho biết, 3 trực thăng thuộc Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn 371 sẽ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ tại tỉnh Yên Bái và Cao Bằng.

Trung Quốc giảm khối lượng xả lũ tại thượng nguồn sông Lô

Trung Quốc xả lũ đập thủy điện Ma Lù Thàng ở thượng nguồn sông Lô, song giảm khối lượng và lùi thời gian xả theo đề nghị của Việt Nam.

Đê tả sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị vỡ

Đê tả sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị vỡ

Trước thông tin về việc Trung Quốc chuẩn bị xả lũ đập thủy điện Ma Lù Thàng thuộc châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, thượng nguồn sông Lô, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đã làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tỉnh Vân Nam.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng Trung Quốc, để hỗ trợ công tác phòng chống lũ lụt, cứu hộ cứu nạn ở hạ nguồn của Trung Quốc và Việt Nam, đập thủy điện Ma Lù Thàng đã không tiến hành xả đập. Tuy nhiên, do mưa lớn liên tục nhiều ngày qua, mực nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dâng rất cao, gây nguy cơ vỡ đập. Trong trường hợp vỡ đập, tổn thất đối với các địa phương hai nước sẽ rất lớn.

Trung Quốc đã thông báo cho tỉnh Hà Giang về việc dự kiến xả đập Ma Lù Thàng vào lúc 15h ngày 11/9 đến 14h ngày 12/9 với khối lượng xả tối đa là 250 m3/s.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, sau các trao đổi của Việt Nam, Trung Quốc giảm khối lượng xả tối đa từ 250 m3/s thành 200 m3/s và lùi thời gian xả lũ thành 16h30 ngày 11/9. Phía Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương liên quan của Trung Quốc bảo đảm chỉ xả lũ ở mức nhỏ nhất với mục đích giữ an toàn cho đập nước.

Bộ Ngoại giao cho biết, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật kịp thời, thường xuyên thông tin về tình hình lũ lụt tại các địa phương ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến các địa phương của Việt Nam; phối hợp trao đổi thường xuyên với sở tại nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu tối đa lượng nước thượng nguồn của Trung Quốc đổ xuống hạ nguồn các địa phương của Việt Nam, qua đó giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra tại lưu vực các con sông khu vực miền Bắc.

Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào Việt Nam tại địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, điểm cuối ở ngã ba sông Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô hợp lưu với sông Hồng.

Đoạn sông Lô chảy ở Việt Nam dài 274 km. Đây là 1 trong 5 sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam.

Kho bạc Nhà nước muốn mua thêm 100 triệu USD từ ngân hàng thương mại

Trong bối cảnh giá USD giảm mạnh, Kho bạc Nhà nước thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại đợt 3, tối đa 100 triệu USD.

Từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã có 2 đợt mua ngoại tệ với tổng khối lượng 250 triệu USD

Từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã có 2 đợt mua ngoại tệ với tổng khối lượng 250 triệu USD

Ngày 11/9, Kho bạc Nhà nước thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại đợt 3 với khối lượng dự kiến 100 triệu USD. Đây là loại hình giao ngay, thực hiện vào ngày 12/9 và thanh toán dự kiến ngày 16/9.

Trước đó, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện đợt chào mua ngoại tệ thứ 2 khối lượng 150 triệu USD, tương ứng hơn 3.700 tỷ đồng được cung ứng vào hệ thống.

Đợt mua ngoại tệ lần 1 diễn ra vào cuối tháng 5, Kho bạc Nhà nước cũng chào mua từ các ngân hàng thương mại với khối lượng 100 triệu USD. Lượng ngoại tệ này nhằm đáp ứng cho các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước.

Đợt chào mua ngoại tệ hiện tại của Kho bạc Nhà nước diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đồng loạt giảm sâu trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tổ chức cuộc họp chính sách, dự kiến có lần giảm lãi suất đầu tiên.

Hiện trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD đã giảm xuống mức 24.565 đồng/USD. So với giai đoạn cao điểm cuối tháng 5, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm khoảng 3% và giảm gần 2% kể từ đầu tháng 8.

Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng trong nước cũng liên tục lao dốc. Giá bán USD niêm yết tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 24.355 đồng/USD, trong khi mua vào ở mức 24.725 đồng/USD. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã giảm hơn 500 đồng, tương đương mức giảm hơn 2%.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng liên tục giảm sâu trong các phiên giao dịch gần đây và hiện giao dịch ở mức 25.140 - 25.240 đồng/USD (mua - bán).

Tỷ giá tự do bắt đầu rơi mạnh trong gần 2 tháng trở lại đây, đặc biệt trong tháng 8. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 700 đồng, tương đương giảm ròng gần 3%.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu hoạt động trở lại

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, một trong những cửa khẩu quan trọng phía Bắc, thông quan hàng nông sản Việt sang Trung Quốc, mở lại sau 2 ngày dừng vì bão Yagi.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động trở lại, lúc 11h ngày 11/9

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động trở lại, lúc 11h ngày 11/9

Ngày 11/9, ông Vương Trinh Quốc, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, từ 11h, hoạt động thông quan hàng hóa, xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai - Hà Khẩu) trở lại bình thường. Hai hôm trước, cửa khẩu này dừng hoạt động do ảnh hưởng bão Yagi.

Quyết định hoạt động lại cửa khẩu được giới chức Việt Nam và Trung Quốc đưa ra sau khi tình hình mưa lũ trên sông qua biên giới được kiểm soát.

Trước đó, mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão Yagi khiến mực nước sông Hồng, Nậm Thi lên cao. Lũ về khu vực TP. Lào Cai từ rạng sáng 9/9. Toàn Tỉnh có hơn 4.600 ngôi nhà ngập nước, trong đó nặng nhất là TP. Lào Cai với hơn 1.600 nhà, huyện Bảo Yên hơn 1.200. Trưa 10/9, mưa giảm, lũ rút dần.

Lào Cai có đường biên giới giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài hơn 182 km. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai thông thương qua cầu Hồ (Hồ Kiều) bắc qua sông Nậm Thi, tới cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). Bình quân mỗi ngày khoảng 500 - 600 xe xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này, chủ yếu là hàng hóa nông sản.

Tại thời điểm trước khi hoạt động trở lại, khoảng 160 xe container phía Việt Nam và 695 xe của Trung Quốc bị tồn tại cửa khẩu.

TP.HCM đặt mục tiêu thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, đến 2030, logistics được định vị là ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong kinh tế địa phương và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để triển khai, Thành phố sẽ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics và cảng biển, tăng kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phân phối của Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đầu tàu kinh tế này ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sử dụng năng lượng tái tạo.

Tầm nhìn đến 2045, TP.HCM muốn logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn, giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thời điểm đó, địa phương kỳ vọng trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ châu Á và thế giới.

TP.HCM dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) cùng Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) công bố cuối năm ngoái.

Nơi đây có khoảng 9.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics, chiếm 36,7% đơn vị ngành này cả nước. Về cơ sở hạ tầng, Thành phố có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tần suất cất - hạ cánh cao nhất cả nước, xấp xỉ 260.000 lượt và hành khách đạt 42 triệu lượt (gấp rưỡi so với công suất khai thác thiết kế) vào 2023.

Với đường biển, Cát Lái là cảng biển lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEU mỗi năm. Hàng hóa qua cảng này chiếm 85% tổng sản lượng các cảng phía Nam và 50% cả nước. TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lên tới 250.000 DWT (24.000 TEU), vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD.

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu các dịch vụ logistics đạt gần 289.400 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vận tải hàng hóa tăng 12,3%; dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải... gần 54%.

Hải Phòng hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi tháng cho hộ dân di dời khỏi nhà nguy hiểm

Khoảng 1.600 hộ dân tại TP. Hải Phòng phải dời các chung cư xuống cấp nguy hiểm sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi tháng tiền thuê nhà trong 2 năm.

Chính quyền hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc khỏi chung cư A7 Vạn Mỹ bị nghiêng sau bão Yagi

Chính quyền hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc khỏi chung cư A7 Vạn Mỹ bị nghiêng sau bão Yagi

Quyết định vừa được Thành ủy Hải Phòng thông qua chủ trương và giao UBND Thành phố xây dựng quy trình triển khai.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng, Thành phố hiện còn 75 chung cư cấp độ D (xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào, không thể ở), nhưng lại là nơi ở của 2.660 hộ dân.

Khi bão Yagi chuẩn bị đổ bộ, UBND TP. Hải Phòng đã cho di dời các hộ dân này đến nơi tạm lánh. Sau bão, chung cư A7 và A7 ở phường Vạn Mỹ bị nghiêng, không đảm bảo cho người dân sinh sống.

Do vậy, TP. Hải Phòng quyết định không đưa các hộ dân từng ở trong các chung cư cấp độ D quay lại nơi sinh sống. Thành phố sẽ bố trí các hộ có giấy tờ chính chủ, gia đình chính sách, người yếu thế về 846 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước ở các tòa HH1-HH2, HH3-HH4, Đ2 (Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền), U19 Lam Sơn, Kênh Dương, Khúc Thừa Dụ... Những hộ còn lại sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng để thuê nhà tạm trong 24 tháng.

Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố cho biết, sau thời gian Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà, hộ dân có thể mua hoặc thuê nhà ở các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng. Sở vừa công khai giá bán tại các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán, khoảng 14 - 19 triệu đồng/m2.

Trong đó, 3 dự án đã được phê duyệt giá là Khu nhà ở xã hội 384 Lê Thánh Tông; Dự án Khu đô thị mới Hoàng Huy NewCity và Khu đô thị dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ giá 14 - 18,8 triệu đồng/m2. 2 dự án khác ở trung tâm đang làm thủ tục đề nghị thẩm định giá từ 17,6 - 19,5 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, Hải Phòng còn có 3 dự án đang triển khai và 21 dự án đã có chủ trương đầu tư hoặc nhà đầu tư chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành hoặc có sản phẩm đưa ra thị trường từ nay đến năm 2030.

115 công trình thủy lợi ở Đắk Lắk có nguy cơ mất an toàn

Đắk Lắk hiện có 115 công trình thuỷ lợi có nguy cơ mất an toàn (mức C), nhưng địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp.

Nhiều công trình thuỷ lợi của tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng
Nhiều công trình thuỷ lợi của tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024 đối với 532/604 đập, hồ chứa trên địa bàn toàn Tỉnh. Theo thống kê, có 234 hồ chứa an toàn (mức A), 183 hồ chứa cơ bản an toàn (mức B), 115 công trình có nguy cơ mất an toàn (mức C).

Trong số 115 công trình đánh giá mức C, có 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và 7 công trình có nguy cơ mất an toàn (gồm: hồ Xâm Lăng (huyện Krông Ana), hồ Phân Trại 1 (huyện M’Drắk), hồ Phù Mỹ (huyện Ea H’leo), hồ Ea Bir và hồ Ea Ksuy (huyện Krông Năng), hồ Trại Bò (huyện Ea Kar), hồ Ông Và (TP. Buôn Ma Thuột). Phần lớn các hạng mục công trình bị hư hỏng nặng thường do đập bị thấm, biến dạng mái đập, hư hỏng thân tràn, nứt, bể cống và dàn van…

Tổng kinh phí dự trù đầu tư nâng cấp, sửa chữa 115 đập, hồ chứa nước hư hỏng hơn 820 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã được bố trí sửa chữa, nâng cấp cho 12 công trình trong năm 2024 gần 56 tỷ đồng; kinh phí dự kiến cần để đầu tư nâng cấp cho 103 công trình nhưng chưa có nguồn vốn là hơn 760 tỷ đồng.

Cánh quạt điện gió 78 m tại Sóc Trăng gãy, rơi xuống vuông tôm

Cánh quạt dài hàng chục mét của trụ tuabin thuộc một dự án điện gió ở thị xã Vĩnh Châu bất ngờ bị gãy, rơi xuống đất trong cơn mưa, ngày 11/9.

Cánh quạt trụ điện gió gãy, rơi xuống vuông tôm người dân ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu

Cánh quạt trụ điện gió gãy, rơi xuống vuông tôm người dân ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu

Khoảng 12h30, cánh quạt dài 78 m của trụ tuabin thuộc nhà máy điện gió Lạc Hòa 2 (ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải) bất ngờ bị gãy, rơi xuống vuông tôm của người dân.

Phần cánh quạt gãy dài khoảng 50 m. Thời điểm xảy ra sự cố trời đang mưa, may mắn không gây thương vong. Đơn vị vận hành đã cắt điện tại trụ tuabin này và khoanh dây bảo vệ hiện trường. Chủ đầu tư đang phối hợp với các chuyên gia, đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân.

Dự án Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2 có công suất 130 MW, vốn 5.657 tỷ đồng, do Công ty TNHH Điện gió Lạc Hòa 2 làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào tháng 11/2021, cũng tại thị xã Vĩnh Châu đã xảy ra 2 vụ cánh quạt dài hơn 70 m, rộng 2 - 3 m của 2 dự án điện gió bị gãy khi đang vận hành.

Theo quy hoạch, tỉnh Sóc Trăng có 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.435MV; trong đó có 16 dự án đã được UBND Tỉnh cấp chủ trương đầu tư, tập trung ở thị xã Vĩnh Châu.

Đăk Lăk bán gần 17 tấn khí giảm phát thải từ lúa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk vừa bán 16,91 tấn khí giảm phát thải CO2 từ lúa với giá 20 USD mỗi tấn, thu về hơn 8,3 triệu đồng.

Đoàn tham quan mô hình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk

Đoàn tham quan mô hình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk

Đây là số lượng giảm phát thải CO2td (CO2 quy đổi tương đương) đầu tiên trên lúa tại Việt Nam được bán thành công, từ mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất" trên địa bàn Tỉnh.

Bên mua là Công ty CP Net Zero Carbon, cũng là đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp Đăk Lăk triển khai mô hình này trên diện tích hơn 4 ha tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024.

Tuy nhiên, đây không phải là giao dịch mua bán tín chỉ carbon (carbon credit) vì lượng giảm phát thải này chỉ được công nhận bởi Công ty Net Zero Carbon và mua lại bởi chính doanh nghiệp này, như một hình thức khuyến khích trồng lúa giảm phát thải.

Còn tín chỉ carbon cần được cấp bởi một tổ chức chuyên cấp tín chỉ carbon. Nó là chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Thị trường giao dịch carbon ở Việt Nam cũng chưa hình thành, dự kiến thí điểm toàn quốc giai đoạn 2025 - 2028.

Mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất" là sự kết hợp quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm từ BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Net Zero Carbon.

Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, năng suất lúa trung bình gần 11,7 tấn mỗi ha, tăng hơn 0,93 tấn so với mô hình đối chứng. Chi phí đầu tư giảm gần 2,9 triệu đồng (giảm 9,44%) mỗi ha. Lợi nhuận ròng của mô hình này gần 94,8 triệu đồng, tăng trên 15,5 triệu đồng so với đối chứng (tăng 19,55%). Đồng thời, mô hình giúp giảm phát thải gần 4 tấn khí nhà kính (CO2td) mỗi ha.

Tin cùng chuyên mục