Hà Nội tổ chức Lễ hội hoa đào từ ngày 26/1 đến 1/2
Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 26/1 đến 1/2 tại Không gian văn hóa sáng tạo phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) nhằm tôn vinh các làng nghề truyền thống trồng đào, quất của quận Tây Hồ và TP. Hà Nội, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của người dân Thủ đô và du khách.
Đào Nhật Tân xuống phố sớm khiến nhiều người xao xuyến khi năm mới âm lịch sắp đến, Tết đang về. Ảnh minh họa |
Lễ hội diễn ra trên diện tích khoảng 7.000 m2, có hơn 100 gian hàng và các khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá hoa đào, quất cảnh, hoa, cây cảnh, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước.
Trong khuôn khổ của lễ hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ phối hợp với TikTok Việt Nam và các đơn vị tổ chức ngày hội livestream Tết Việt, tuyến phố check-in Tết Việt, trải nghiệm Tết online và nhiều sự kiện truyền thông hấp dẫn bên lề khác...
Trong khuôn khổ lễ hội còn có Hội thi quất cảnh và đào cảnh trên địa bàn quận Tây Hồ. Sau hội thi, các tác phẩm đạt giải sẽ được trưng bày nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân, nhà vườn (trồng quất, đào) trên địa bàn quận Tây Hồ; nâng cao kiến thức cho cán bộ, nông dân, nhà vườn về khoa học, kỹ thuật và quản lý, phục vụ tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng sản xuất chuyên canh đào, quất tập trung, chất lượng cao gắn với du lịch tại quận Tây Hồ.
Năm 2024, Quảng Ninh sẽ đón khoảng 60 tàu biển du lịch quốc tế
Các tàu khách đăng ký cập cảng trong năm 2024 thuộc nhiều thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới như Mein Schiff 6 và 5, Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam...
Khách du lịch tàu biển quốc tế nhập cảnh tại bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long |
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong năm 2024, dự kiến sẽ có khoảng 60 tàu biển quốc tế chở khoảng 80.000 khách du lịch đăng ký cập cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long.
Trong ngày mùng một Tết Dương lịch 2024, hai tàu biển quốc tế đã “xông đất” đầu năm mới tại TP. Hạ Long. Đó là, tàu Vasco Da Gama (quốc tịch Bồ Đào Nha) lần đầu tiên cập bến tại Hạ Long, đưa gần 650 du khách Đức đến tham quan, du lịch.
Tàu Celebrity Solstice (quốc tịch Malta, đã cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long 5 lần trong năm 2023) mang theo hơn 3.000 du khách châu Âu, châu Mỹ.
Đây cũng là một trong những đoàn khách lớn nhất kể từ khởi đầu mùa du lịch tàu biển quốc tế 2023 - 2024 đến nay.
Tiếp đến, ngày 4/1, hai tàu biển khác là Zhao Shang Yi Dun (quốc tịch Trung Quốc) và Westerdam (quốc tịch Hà Lan) đã đưa gần 2.200 khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đến Hạ Long.
Mùa du lịch tàu biển quốc tế 2023 - 2024 bắt đầu từ tháng 10/2023. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023, đã có 23 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 23.000 khách đến Quảng Ninh.
Riêng trong tháng 1/2024, có 13 tàu biển đăng ký cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, dự kiến mang theo gần 20.000 du khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, nhiều hãng tàu đã quay trở lại Hạ Long nhiều lần, điển hình như tàu Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) đã cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long 8 lần (từ tháng 10/2023 đến nay), mang theo hơn 12.000 du khách châu Âu, châu Mỹ.
Đề xuất lập tổ liên ngành gỡ khó cho điện khí, điện gió ngoài khơi
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ lập tổ công tác liên ngành gỡ vướng cho các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi để kịp vận hành trước 2030.
Theo Quy hoạch điện VIII, điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030 |
Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất 23 dự án nhà máy điện khí đưa vào vận hành đến năm 2030 là hơn 30.420 MW, trong đó có 13 nhà máy sử dụng khí LNG, chiếm 74% tổng công suất. Hiện mới có Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) vận hành từ năm 2015, một dự án đang xây dựng là Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (1.624 MW). Còn lại 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (23.640 MW) và 3 dự án đang chọn nhà đầu tư (4.500 MW).
Điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030, theo Quy hoạch điện VIII. Song chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư.
Bộ Công Thương lo các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi sẽ khó kịp vận hành thương mại trước 2030. Bởi, triển khai dự án điện khí LNG thường mất 7 - 8 năm, điện gió ngoài khơi 6 - 8 năm, trong khi nhiều chính sách cho hai loại nguồn điện này chưa rõ ràng.
Báo cáo gửi Thủ tướng gần đây, Bộ Công Thương nêu vướng mắc trong phát triển các dự án là "vấn đề rất mới, liên quan tới nhiều cấp có thẩm quyền, bộ, ngành". Do đó, bộ này kiến nghị Thủ tướng lập tổ công tác liên ngành Chính phủ để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, sửa đổi các quy định đồng bộ, khả thi.
Các vướng mắc trong phát triển dự án điện khí LNG được cơ quan quản lý năng lượng nêu tại báo cáo gửi Chính phủ. Đó là, thiếu cơ sở pháp lý để đàm phán hợp đồng mua bán điện có cam kết bao tiêu sản lượng dài hạn, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện…
Viettel thu hơn 7 tỷ USD năm 2023
Năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt doanh thu hợp nhất 172.500 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD.
Năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng 7,2% |
Thông tin này được Viettel công bố ngày 12/1. Như vậy, doanh thu bình quân mỗi ngày của Viettel đạt hơn 470 tỷ đồng. So với năm 2022, doanh thu hợp nhất của tập đoàn này tăng 5,4%.
Tuy nhiên, Viettel chưa thông tin về lợi nhuận năm 2023. Năm 2022, tập đoàn này lãi cao nhất 5 năm với mức lợi nhuận trước thuế hơn 43.500 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực viễn thông di dộng, Viettel cho biết tiếp tục giữ vị trí đứng đầu với hơn 56% thị phần. Viettel đã triển khai thử nghiệm gần 500 trạm 5G trên toàn quốc. Ngoài ra, Viettel cũng đứng đầu dịch vụ cố định băng rộng (FTTH) với 43% thị phần, truyền hình đa nền tảng với hơn 31% thị phần.
Doanh thu từ nước ngoài của Viettel tăng trưởng hơn 20%. Các thương hiệu viễn thông của Tập đoàn đang đứng đầu tại 6 thị trường gồm Haiti, Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor và Burundi.
Năm 2023, Viettel cũng đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G gồm cả phần cứng và phần mềm. Trong đó, Tập đoàn nghiên cứu thành công chip 5G DFE (là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, với khả năng tính toán lên tới 1.000 tỷ phép tính mỗi giây), đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng 7,2%, cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hoàn vốn đạt 84%. Đồng thời, Tập đoàn cũng lên kế hoạch chuyển dịch toàn bộ thuê bao 2G lên 4G trước tháng 9/2024.
Vàng miếng SJC lên 76 triệu đồng
Mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 2 triệu đồng trong hai ngày qua lên 76 triệu đồng, đồng thời khoảng cách giá mua bán được thu hẹp về 2,5 triệu đồng.
Mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 2 triệu đồng trong hai ngày qua |
Chiều 12/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào 73,5 triệu đồng, bán ra 76 triệu đồng một lượng, tăng thêm 800.000 đồng so với cuối ngày 11/1. Như vậy trong hai ngày, SJC nâng giá chiều mua vào 2,3 triệu đồng một lượng và tăng 1,8 triệu đồng ở chiều bán ra.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, vàng miếng cũng lên 73,45 - 75,95 triệu đồng/lượng.
Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC từ đầu năm. Còn so với mức đỉnh thiết lập vào 26/12/2023, mỗi lượng vàng miếng thấp hơn 5,5 - 6 triệu đồng.
Ngày 12/1, vàng nhẫn và nữ trang cũng đi lên nhưng biến động ít hơn. Mỗi lượng vàng nhẫn SJC tăng 200.000 đồng lên 62,2 - 63,2 triệu đồng. Còn vàng trang sức 99,99% lên 62,2 - 63,3 triệu đồng. Tại DOJI, vàng nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng lên 62,85 - 63,75 triệu đồng, vàng nữ trang lên 62,45 - 63,5 triệu đồng.
Giá vàng thế giới ở mức 2.049 USD một ounce, nếu quy đổi theo tỷ giá bán tại Vietcombank tương đương 60,85 triệu đồng/lượng, thấp hơn 15,2 triệu đồng so với giá vàng miếng và khoảng 2,3 triệu đồng so với vàng nhẫn trong nước.
Xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn |
Đây là con số thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan. So với năm 2022, xuất khẩu gạo tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị.
Việt Nam là nước sản xuất gạo lớn thứ năm thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới (tính theo sản lượng). Dù ảnh hưởng bởi El Nino, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng đột biến.
Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh kể từ khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7/2023. Tới nay, lệnh cấm này chưa được gỡ bỏ nên kỳ vọng xuất khẩu gạo trong năm 2024 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực.
Hiện Ấn Độ chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, Iran, Arabia Saudi và Trung Quốc là các khách hàng lớn nhất. Một số nước châu Phi phụ thuộc đáng kể vào gạo từ quốc gia Nam Á này.
Năm 2023 cũng là năm mà nhiều nước gia tăng nhập gạo Việt, bằng 2 - 28 lần so với cùng kỳ năm 2022. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với hơn 3,1 triệu tấn; Indonesia nhập khoảng 1,15 triệu tấn; Trung Quốc trên 908.000 tấn, trong khi Ghana khoảng 576.000 tấn...
Dự báo về năm 2024, các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu gạo vẫn có nhiều lạc quan. Các nước nhập khẩu gạo đang tìm kiếm nguồn cung ổn định. Ấn Độ có thể tiếp tục duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sau cuộc bầu cử và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có thể kéo dài tới giữa năm nay.
Khẩn trương hoàn thành thủ tục để khởi công các dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội
Thành phố Hà Nội yêu cầu hoàn thành thủ tục và chuẩn bị mặt bằng để khởi công các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn năm 2021 - 2025.
Thiết kế cầu Thượng Cát |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố tập trung chỉ đạo, hoàn thành thủ tục và chuẩn bị mặt bằng để khởi công các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn năm 2021 - 2025, gồm: cầu Vân Phúc, đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, cầu Thượng Cát, hầm chui nút giao Cổ Linh, đường vào cảng Khuyến Lương, đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ…
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án vốn đầu tư công của Thành phố. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát là dự án nhóm A duy nhất được đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư với nội dung tách thành các dự án thành phần, không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn.
Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát được đề xuất tách thành các dự án thành phần (2 dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm; 1 dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu), không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021 - 2025.
TP. Hà Nội cũng đã giao các đơn vị có liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (Vành đai 2) phía quận Long Biên.
Thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn 2023 - 2024. Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng đường, gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.
Giá thép tăng ngay đầu năm 2024
Sau đợt điều chỉnh giá của các thương hiệu thép trong nước, giá thép đã tiến đến mốc 15 triệu đồng/tấn.
Thị trường thép xây dựng nội địa đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên trong năm 2024 |
Những ngày đầu tháng 1/2024, thị trường thép xây dựng nội địa đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên khi các nhà sản xuất đồng loạt tăng giá bán thép cuộn và thép thanh vằn các loại với mức tăng phổ biến 200.000 đồng/tấn.
Hiện giá thép thanh vằn trong nước dao động quanh mức 14,2 - 14,85 triệu đồng/tấn, giá thép cuộn xây dựng dao động từ 14,1 - 14,7 triệu đồng/tấn (giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa VAT, đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng và vùng miền).
Giá thép ngày 12/1 tại miền Bắc: giá thép Hòa Phát với dòng thép cuộn CB240 tăng 200 đồng/kg lên mức 14.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 290 đồng/kg lên mức 14.530 đồng/kg.
Giá thép Việt Ý với dòng thép cuộn CB240 tăng 270 đồng/kg lên mức 14.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 370 đồng/kg lên mức 14.540 đồng/kg.
Giá thép Việt Đức với dòng thép cuộn CB240 tăng 400 đồng/kg lên mức 14.040 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 300 đồng/kg lên mức 14.640 đồng/kg.
Giá thép Việt Nhật (VJS), với dòng thép CB240 tăng 300 đồng/kg lên mức 14.210 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 300 đồng/kg lên mức 14.310 đồng/kg.
Giá thép Việt Mỹ (VAS), tăng 310 đồng/kg với dòng thép cuộn CB240 lên mức 13.910 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 360 đồng/kg lên mức 14.210 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá thép Hòa Phát với dòng thép cuộn CB240 tăng 200 đồng/kg lên mức 14.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150 đồng/kg lên mức 14.490 đồng/kg.
Giá thép Việt Đức với dòng thép cuộn CB240 tăng 400 đồng/kg lên mức 14.540 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 100 đồng/kg lên mức 14.850 đồng/kg.
Giá thép Việt Mỹ (VAS), với dòng thép cuộn CB240 tăng 200 đồng/kg lên mức 14.210 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ổn định ở mức 14.260 đồng/kg.
Giá thép Pomina với dòng thép cuộn CB240 ổn định ở mức 14.890 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ổn định ở mức 15.300 đồng/kg.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thép thực tế của người tiêu dùng cuối cùng chưa thực sự phục hồi như kỳ vọng nhưng đợt tăng giá đầu năm 2024 này đã được các chuyên gia dự báo từ cuối năm 2023 khi giá nguyên liệu sản xuất tăng liên tiếp trong nhiều tuần.