Bản tin thời sự sáng 13/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là có thể tiêm Moderna cho người có mũi một Pfizer hoặc AstraZeneca; phà biển, tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu hoạt động lại; nâng cấp độ dịch, quận Đống Đa tại Hà Nội dừng cho học sinh đến trường từ 13/12; Quảng Bình đề nghị điều chỉnh sân bay Đồng Hới trở thành cảng hàng không quốc tế; Hà Nội xử lý nhóm thanh niên quảng cáo phản cảm trên tàu điện cao Cát Linh - Hà Đông…

Có thể tiêm Moderna cho người có mũi một Pfizer hoặc AstraZeneca

Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, Bộ Y tế cho phép phối hợp tiêm mũi 2 vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi 1 bằng Pfizer hoặc AstraZeneca.

Bộ Y tế cho phép phối hợp tiêm mũi 2 vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi 1 bằng Pfizer hoặc AstraZeneca

Bộ Y tế cho phép phối hợp tiêm mũi 2 vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi 1 bằng Pfizer hoặc AstraZeneca

Ngày 12/12, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, Cục Quân Y, Tổng Cục hậu cần (Bộ Quốc phòng), Cục Y tế (Bộ Công an), Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur về việc tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất với những loại khác.

Theo đó, từ tháng 3 đến ngày 11/12, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 131 triệu liều vaccine phòng Covid-19 có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine do AstraZeneca, Pfizer, Moderna,... sản xuất). Trong đó, hơn 75 triệu liều được dùng tiêm mũi 1 và hơn 56 triệu liều tiêm mũi 2.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nhận vaccine Moderna do COVAX Facility hỗ trợ để tiêm chủng cho người dân.

Để sử dụng hợp lý, an toàn và hiệu quả vaccine phòng Covid-19 do Moderna sản xuất, Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào, tốt nhất nên tiêm mũi 2 bằng vaccine đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, các đơn vị có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca.

Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vaccine Pfizer theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong khi đó, khoảng cách sau mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất theo Công văn số 7820 ngày 20/9 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) hỗ trợ, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng trong quá trình phối hợp các loại vaccine phòng Covid-19.

Bộ cũng đề nghị các sở y tế chỉ đạo cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vaccine được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch. Đồng thời, các địa phương phải thông tin đầy đủ cho người dân trước khi tiêm chủng để tạo sự đồng thuận cao.

Phà biển, tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu hoạt động lại

Sau 6 tháng tạm ngưng, phà biển, tàu cao tốc từ TP.HCM đi Vũng Tàu hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Phà biển đậu tại bến Tắc Suất, huyện Cần Giờ

Phà biển đậu tại bến Tắc Suất, huyện Cần Giờ

Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh Nguyễn Quốc Chánh (chủ đầu tư) cho biết, tuyến phà Cần Giờ đi Vũng Tàu, cự ly 15 km, chạy trở lại từ hôm nay, nhưng chỉ khai thác 50% công suất do phía Vũng Tàu dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao). Phà đón khách tần suất trung bình một giờ một chuyến như trước dịch, hoạt động từ 6h đến 18h.

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu khai trương đầu năm nay, với điểm đầu tại bến Tắc Suất, thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) đến TP. Vũng Tàu (gần trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu). Phương tiện này giúp hành trình từ Cần Giờ đi Vũng Tàu còn 30 phút, thay vì 3 giờ 30 phút bằng đường bộ.

Ngoài phà biển, TP.HCM dự kiến cho tàu cao tốc từ khu trung tâm đi TP. Vũng Tàu chạy trở lại từ 16/12. Tuyến tàu cao tốc này xuất phát từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đi qua các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Ngã Bảy rồi đến bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ). Từ đó, tàu tiếp tục di chuyển qua mũi Gành Rái để tới bến Khu du lịch cáp treo Hồ Mây (TP. Vũng Tàu).

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất mở lại phà biển, tàu cao tốc cùng các bến khách ngang sông kết nối qua Vũng Tàu, Bình Dương, Tiền Giang từ ngày 20/10. Đây là các tuyến vận tải liên tỉnh nên sau đó phải chờ các địa phương thống nhất.

Nâng cấp độ dịch, quận Đống Đa tại Hà Nội dừng cho học sinh đến trường từ 13/12

Học sinh lớp 12 ở quận Đống Đa (Hà Nội), sẽ dừng đến trường từ 13/12, sau khi quận chuyển cấp độ dịch từ hai (vùng vàng) lên ba (vùng cam).

Học sinh lớp 12 ở quận Đống Đa (Hà Nội), sẽ dừng đến trường từ 13/12. Ảnh minh họa

Học sinh lớp 12 ở quận Đống Đa (Hà Nội), sẽ dừng đến trường từ 13/12. Ảnh minh họa

UBND TP. Hà Nội vừa công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Tính đến 9h ngày 10/12, Thành phố có 8 địa phương mức độ dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh); 21 địa phương cấp độ 2 và một địa phương ở cấp độ 3. Đống Đa là quận có dịch ở cấp độ 3, sau khi ghi nhận 1.336 ca mắc trong cộng đồng trong 14 ngày qua.

Hiệu trưởng THPT Phan Huy Chú Hà Xuân Nhâm (quận Đống Đa) cho biết, trường đã nhận được thông báo dừng dạy học trực tiếp với học sinh lớp 12 trên địa bàn quận từ ngày 13/12.

Theo thầy Nhâm, quyết định này được đưa ra sau khi quận Đống Đa nâng cấp độ dịch, từ vàng sang cam. Thành phố trước đó quy định, học sinh ở các quận, huyện, khu vực có cấp độ 3 đều phải ngừng đến trường, chuyển sang học online.

Sau khi có thông báo, trường đã thông tin về các lớp để giáo viên chủ nhiệm và học sinh nắm được. Các em tiếp tục học trực tuyến và thực hiện đúng quy định của y tế về phòng, chống dịch bệnh.

Trong hai tuần qua, Hà Nội ghi nhận 7.412 ca mắc tại cộng đồng. Theo kế hoạch ban đầu của Hà Nội, học sinh THPT tại khu vực dịch cấp độ 1 và 2 được trở lại trường từ 6/12. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca mắc cộng đồng tăng cao, Thành phố đã điều chỉnh phạm vi, chỉ cho học sinh lớp 12 học trực tiếp.

Quảng Bình đề nghị điều chỉnh sân bay Đồng Hới trở thành cảng hàng không quốc tế

UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét, điều chỉnh quy hoạch sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế.

Sân bay Đồng Hới hiện là sân bay nội địa theo quy hoạch

Sân bay Đồng Hới hiện là sân bay nội địa theo quy hoạch

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về đề nghị điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế của UBND tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, theo hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng tiêu chí để chuyển sân bay nội địa thành sân bay quốc tế đảm bảo tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch.

Cụ thể, cảng hàng không quốc tế phải đặt tại trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quốc gia; có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng, địa phương; có nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ, ổn định...

Qua đánh giá, tư vấn xác định sân bay Đồng Hới là sân bay nội địa. Song theo Cục Hàng không, hồ sơ quy hoạch đã xác định cảng hàng không Đồng Hới được phép khai thác chuyến bay quốc tế theo quy định.

Khi tần suất các chuyến bay quốc tế tại sân bay Đồng Hới tăng trung bình khoảng 3 - 5 chuyến/tuần, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ.

Trước đó, trong công văn gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết sân bay Đồng Hới được thành lập vào tháng 4/2008, phục vụ máy bay Airbus A320, A321 trở xuống, đáp ứng 2 chuyến bay tại cùng một thời điểm.

Hiện sân bay Đồng Hới có 5 hãng hàng không khai thác 3 đường bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP.HCM và Đồng Hới - Hải Phòng và 1 đường bay quốc tế thường lệ Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan).

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang chuẩn bị khởi công xây dựng Dự án mở rộng sân đỗ, xây dựng nhà ga hành khách để nâng công suất phục vụ hành khách của sân bay Đồng Hới từ 500.000 hành khách/năm lên 3 triệu hành khách/năm.

Đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa

Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) dài gần 24 km, tổng đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng, dự kiến thông xe vào cuối năm 2024.

Các nhà thầu huy động máy móc khởi công dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa

Các nhà thầu huy động máy móc khởi công dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa

Dự án do Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương (1.100 tỷ đồng), còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thi công 36 tháng, cung đường dự kiến thông xe vào cuối năm 2024.

Theo thiết kế, phần đường được đầu tư xây mới hoàn toàn, dài hơn 23,7 km tiêu chuẩn đường cấp ba đồng bằng, nền đường rộng 12 m, bốn làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h.

Toàn tuyến có ba cây cầu lớn gồm Lạch Sung, Nam Khê và Lạch Trường. Điểm đầu thuộc xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn, điểm cuối nằm ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, nối tiếp với đường ven biển Hoằng Hóa - Sầm Sơn tại nút giao tỉnh lộ 510.

Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài hơn 96 km, đi qua các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP. Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn, được Thủ tướng phê duyệt ngày 18/1/2010. Tuyến đường đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa là một trong 6 tiểu dự án thuộc giai đoạn một. Cuối tháng 4/2021, một dự án thành phần dài hơn 12 km nối TP. Sầm Sơn và Khu kinh tế Nghi Sơn đã đưa vào sử dụng.

TP.HCM tiếp tục tăng giá nước từ 1/1/2022

Từ 1/1/2022, giá nước sạch ở TP.HCM tăng 400 - 1.200 đồng mỗi m3, thu theo hóa đơn sử dụng mỗi tháng của người dân.

Từ 1/1/2022, giá nước sạch ở thành phố Hồ Chí Minh tăng 400-1.200 đồng mỗi m3

Từ 1/1/2022, giá nước sạch ở thành phố Hồ Chí Minh tăng 400-1.200 đồng mỗi m3

Giá nước sẽ tăng từ 6.300 đồng lên 6.700 đồng mỗi m3 cho hộ có định mức sử dụng 4 m3 mỗi người trong tháng, định mức 4 - 6 m3 tăng từ 12.100 đồng lên 12.900 đồng mỗi m3, từ 6 m3 trở lên tăng từ 13.600 đồng lên 14.900 đồng mỗi m3.

Ngoài ra, nước cấp cho đơn vị sản xuất tăng giá từ 11.400 đồng lên 12.100 mỗi m3; đơn vị kinh doanh từ 20.100 đồng lên 21.300 đồng mỗi m3; cơ quan Nhà nước từ 12.300 đồng lên 13.000 đồng mỗi m3. Riêng với hộ nghèo, giá nước tăng thấp nhất, từ 6.000 đồng lên 6.300 đồng mỗi m3.

Theo đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), giá nước sạch dành cho các hộ dân sau điều chỉnh tăng từ 400 đồng mỗi m3 so với năm 2021, tương ứng 6%.

Giá nước năm tới nhích lên do thực hiện quyết định của chính quyền TP.HCM, tăng giá nước sạch giai đoạn 2019 - 2022 lên 5 - 7% mỗi năm, sau đề xuất của Sawaco cách đây 2 năm...

Hà Nội xử lý nhóm thanh niên quảng cáo phản cảm trên tàu điện cao Cát Linh - Hà Đông

Nhóm thanh niên này mang theo banner quảng cáo, sử dụng riêng một khoang tàu, đứng chắn lối đi lại của các hành khách khác. Đặc biệt, nhóm thanh niên còn mặc trang phục ông già Noel để gây sự chú ý.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã vào cuộc xác minh để xử lý nghiêm nhóm thanh niên cởi trần, quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng tại khoang tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã vào cuộc xác minh để xử lý nghiêm nhóm thanh niên cởi trần, quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng tại khoang tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Sở đã vào cuộc xác minh để xử lý nghiêm nhóm thanh niên cởi trần, quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng tại khoang tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhóm nam thanh niên cởi trần đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông tạo dáng, chụp ảnh quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng.

Nhóm thanh niên này mang theo banner quảng cáo, sử dụng riêng một khoang tàu, đứng chắn lối đi lại của các hành khách khác. Đặc biệt, nhóm thanh niên trên còn mặc trang phục ông già Noel để gây sự chú ý.

Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người bày tỏ bức xúc cho rằng, hành vi trên phản cảm, diễn ra tại nơi công cộng, trái với thuần phong mỹ tục.

Trong khi đó, đơn vị quản lý tuyến đường sắt trên cao cho rằng chưa thể ngăn cấm hành vi trên của nhóm thanh niên do quy chế khai thác quảng cáo trên tàu điện đang soạn thảo.

Được biết, nhóm thanh niên trên ngoài chụp ảnh trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông còn diễu hành tại nhiều địa điểm công cộng ở Hà Nội.

Thời gian gần đây kể từ khi tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông được đưa vào hoạt động thì từ ga chờ đến khoang tàu đều trở thành nơi “check in” của nhiều khách, nhất là giới trẻ. Một số người khác cũng biến nơi này trở thành nơi quay MV với nhiều đạo cụ cồng kềnh, gây phiền toái cho hành khách đi cùng.