Bản tin thời sự sáng 13/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại một số khu vực; hệ thống giao dịch TPBank gặp sự cố; giá xăng đứng yên; sạt lở đèo An Khê (Gia Lai), ùn tắc hàng chục km; phương án chuyển giao GPBank, DongABank phải trình trước 20/12…

Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại một số khu vực

Các khu vực được chọn thí điểm vùng phát thải thấp tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sẽ hạn chế hoặc cấm ôtô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.

Ùn tắc giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở quận Đống Đa

Ùn tắc giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở quận Đống Đa

Sáng 12/12, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô sửa đổi. Vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Theo nghị quyết, từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ thí điểm lập vùng LEZ ở một số khu vực của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; đồng thời khuyến khích các quận huyện khác lập vùng này. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực có một trong các tiêu chí sau sẽ phải thực hiện vùng LEZ.

Có hai tiêu chí, đó là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; vùng thường xuyên ùn tắc giao thông và có chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Những vùng LEZ sẽ phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như: Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.

UBND thành phố sẽ đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện cơ giới đường bộ lưu thông trong vùng LEZ; đề xuất chính sách hỗ trợ người sinh sống và làm việc trong vùng LEZ, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang dùng năng lượng sạch, phương tiện không phát thải.

Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm không khí. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3 đến 1,6 lần.

Thành phố xác định nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, chiếm 58-74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường. Thống kê của Sở Giao thông vận tải, tổng số phương tiện của Hà Nội đến tháng 4/2024 là trên 8 triệu, trong đó hơn 1,1 triệu ôtô, khoảng 6,9 triệu xe máy.

Hệ thống giao dịch TPBank gặp sự cố

Loạt giao dịch rút tiền tại quầy, qua ATM hay thanh toán qua tài khoản TPBank đồng loạt vô hiệu hóa từ tối 11/12 đến trưa 12/12.

Ứng dụng TPBank gián đoạn dịch vụ từ tối 11/12 đến trưa 12/12

Ứng dụng TPBank gián đoạn dịch vụ từ tối 11/12 đến trưa 12/12

Từ tối 11/12, khách hàng sử dụng dịch vụ của Ngân hàng TPBank (TPBank) đã gặp trục trặc khi giao dịch trực tuyến, do ứng dụng ngân hàng gặp lỗi. Đồng thời, các giao dịch qua ví điện tử, ứng dụng gọi xe... có tính năng thanh toán liên kết với tài khoản TPBank cũng không thể thực hiện.

Không chỉ các giao dịch trực tuyến qua tài khoản TPBank bị lỗi, tính năng rút tiền tại ATM và rút tiền tại quầy giao dịch chi nhánh cũng không thể thao tác.

Phản hồi trước tình trạng này, TPBank cho biết hệ thống ngân hàng gián đoạn giao dịch trên các kênh do thực hiện nâng cấp cập nhật hệ thống rạng sáng ngày 12/12.

"TPBank đang nỗ lực tối đa để xử lý khắc phục nhanh nhất. TPBank rất mong quý khách thông cảm với những bất tiện về giao dịch có thể xảy ra trong khoảng thời gian này", nhà băng này cho biết.

Đầu giờ chiều 12/12, TPBank cho biết đã khoanh vùng sự cố và đang tiến hành thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục. Mọi thông tin cá nhân và tài sản của khách hàng vẫn đang được đảm bảo an toàn. "Đội ngũ của chúng tôi tiếp tục nỗ lực tối đa để đưa các kênh giao dịch trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất", ngân hàng này thông báo.

Đến 14h30, ứng dụng của TPBank hoạt động trở lại. Khách hàng có thể đăng nhập, chuyển khoản qua ứng dụng thành công nhưng vẫn xảy ra trục trặc cục bộ. Giao dịch trên ví điện tử thanh toán qua tài khoản TPBank vẫn chưa ổn định.

Gần đây, TPBank cũng ghi nhận tình trạng lỗi trên diện rộng thay vì chỉ cục bộ một vài dịch vụ trong thời gian ngắn. Hiện, nhà băng này có hơn 12 triệu khách hàng và ghi nhận khoảng một tỷ lượt giao dịch trên ứng dụng trong năm ngoái. Đây cũng là một trong các ngân hàng có tỷ lệ giao dịch trực tuyến cao, khi 98% giao dịch của khách hàng TPBank đều qua kênh số.

Giá xăng đứng yên

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng RON 95 chỉ tăng 30 đồng lên 20.590 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 23 lần tăng giá và 27 lần giảm giá.

Giá xăng RON 95 tăng không đáng kể lên 20.590 đồng/lít.

Giá xăng RON 95 tăng không đáng kể lên 20.590 đồng/lít.

Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào chiều 12/12.

Trong đó, cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên giá bán với xăng E5 RON 92 và tăng 30 đồng trên mỗi lít xăng RON 95. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 19.860 đồng/lít và xăng RON 95 là 20.590 đồng/lít.

Như vậy, giá các loại nhiên liệu chính không có quá nhiều khác biệt so với kỳ điều hành gần nhất. Từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 95 đã có 23 lần tăng và 27 lần giảm.

Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 130 đồng xuống 18.250 đồng/lít. Hiện loại nhiên liệu này đã có 21 lần tăng và 26 lần giảm kể từ đầu năm.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ vẫn duy trì không trích hay chi Quỹ bình ổn giá. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến cuối quý II là 6.061 tỷ đồng, chỉ giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước. So với cuối năm 2023, quy mô quỹ đã giảm gần 600 tỷ đồng.

Trong đó, số dư tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm hơn một nửa, ở mức gần 3.079 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá ở mức dương lớn như Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là 328 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Tổng công ty xăng dầu Quân đội (Mipec) là gần 300 tỷ đồng; CTCP Thương mại dầu khí Đồng Tháp dương 460 tỷ đồng.

Sạt lở đèo An Khê (Gia Lai), ùn tắc hàng chục km

Sau nhiều ngày mưa lớn, khối lượng lớn đất đá bất ngờ sạt ở đèo An Khê (Gia Lai), khiến Quốc lộ 19 đoạn Bình Định lên Tây Nguyên tê liệt.

Đèo An Khê sạt lở, ngập nước khiến xe không thể đi qua

Đèo An Khê sạt lở, ngập nước khiến xe không thể đi qua

Sáng 12/12, mưa lớn kéo dài, nước đổ dồn ở khu vực đường vừa thi công vừa khai thác khiến mái dốc nứt, sạt trượt, chắn đường công vụ. Hơn 2.000 m3 đá đổ xuống bịt lối thoát nước, đoạn đường dài hơn 50 m, ngập gần nửa mét. Sự cố trên đèo ở khu vực huyện Tây Sơn (Bình Định), xe không thể chạy qua, giao thông ách tắc kéo dài.

Đèo An Khê dài 8 km, là cung đường nguy hiểm nhất trên quốc lộ 19 khi thường xảy ra sự cố, tai nạn, nhất là vào ban đêm. Tuyến đường đang được mở rộng từ 7 lên 9 m với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm nay.

Theo lãnh đạo Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Ban Quản lý dự án 2) cho biết, sự cố xảy ra khi đơn vị thi công đang đào nút giao cắt cuối cùng tại dự án cải tạo đèo.

Hiện đơn vị triển khai các mũi thi công xử lý sự cố. Hơn 40 người cùng 6 máy đào, 4 ôtô vận chuyển, 2 xe lu để xúc, san ủi đất, giải tỏa lòng đường. Do tắc đường công vụ, phía thi công phải thông tuyến mới (tuyến chính thiết kế) cho xe qua. Chủ đầu tư cũng phối hợp CSGT điều tiết xe tại khu vực. Gần 17h, tuyến đường được thông xe.

Phương án chuyển giao GPBank, DongABank phải trình trước 20/12

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình phương án chuyển giao bắt buộc với hai ngân hàng GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12.

NHNN phải trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongABank trước 20/12

NHNN phải trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongABank trước 20/12

Yêu cầu này được đề cập tại Nghị quyết 233 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.

Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) là hai ngân hàng yếu kém còn lại chưa có phương án xử lý sau gần chục năm tự tái cơ cấu.

Giữa tháng 10, hai nhà băng 0 đồng cùng thời kỳ là CBBank và OceanBank giữa tháng 10 năm nay vừa được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB). Ngoài Vietcombank và MB vừa nhận "nhiệm vụ chính trị", lãnh đạo hai nhà băng tư nhân VPBank và HDBank cũng từng công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 11/11, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng để ổn định hệ thống. GPBank là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng trong năm 2015. Còn DongABank là ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Cũng tại nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý với Ngân hàng Sài Gòn (SCB) – ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.

Sắp khởi công tuyến cáp ngầm 5.000 tỷ vượt biển cấp điện cho Côn Đảo

Tuyến cáp ngầm 5.000 tỷ vượt biển cấp điện cho Côn Đảo sẽ được khởi công trong tháng 12, dự kiến đóng điện vào quý IV năm sau.

Đơn vị trúng gói thầu cáp ngầm gần 5.000 tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo là Liên danh PC1 - PECC4

Đơn vị trúng gói thầu cáp ngầm gần 5.000 tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo là Liên danh PC1 - PECC4

Dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo gồm hơn 102 km đường dây 110 kV trên đất liền, trên không, cáp ngầm và hạng mục khác, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.925 tỷ đồng. Quyết định về chủ trương đầu tư dự án được ký vào tháng 6/2023. Đây là dự án đầu tư công do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Ngày 12/12, EVN và Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 - Tư vấn xây dựng Điện 4 (Liên danh PC1 – PECC4) đã ký hợp đồng gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng đoạn cáp ngầm biển (EPC) thuộc dự án này. Đây là gói thầu chính, thiết kế và thi công đoạn cáp ngầm có chiều dài khoảng 77,7 km, từ điểm chuyển tiếp trên biển phía Sóc Trăng đến điểm tiếp bờ Côn Đảo.

EVN cho biết tuyến cáp ngầm 5.000 tỷ vượt biển cấp điện cho Côn Đảo này sẽ được khởi công vào tháng 12. Theo đó, huyện Côn Đảo dự kiến sẽ bắt đầu được cấp điện từ lưới điện quốc gia trong quý IV/2025. Toàn bộ công trình sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Nguồn điện đang cấp cho Côn Đảo bằng dầu diesel, trên 15 MW vào năm 2022, thiếu hụt so với nhu cầu thực tế của địa phương này và giá cao.

Theo đánh giá trước đó từ EVN, cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển là phương án tối ưu nhất. Bởi cách này đảm bảo hiệu quả tài chính, khả năng cấp điện liên tục và giá ở mức chấp nhận được. Phương án này cũng sẽ tạo điều kiện hình thành tuyến thông tin cáp quang giữa đất liền và Côn Đảo.

Dự án sẽ xây dựng mới đường dây 110 kV, 1 mạch, từ (trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Dự án cũng mở rộng ngăn lộ đường dây 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu và xây mới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Vốn đầu tư cho dự án gồm 51% là vốn ngân sách, còn lại 49% vốn của EVN.

TP.HCM yêu cầu phá dỡ khẩn cấp chung cư cũ nát ở Quận 5

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu cơ quan chức năng và địa phương phá dỡ khẩn cấp chung cư 440 Trần Hưng Đạo, Quận 5, do nguy cơ đổ sập, mất an toàn.

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ trước năm 1975 đã bị xuống cấp nghiêm trọng

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ trước năm 1975 đã bị xuống cấp nghiêm trọng

Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Sở Xây dựng phải có phương án phá dỡ khẩn cấp chung cư này gửi UBND Quận 5 trước ngày 15/12. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai. Việc phá dỡ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của cộng đồng dân cư và các công trình lân cận.

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo được xây từ trước năm 1975, quy mô 3 tầng, rộng hơn 250 m2 có hai mặt tiền đường Trần Hưng Đạo và Châu Văn Liêm. Sau nhiều thập kỷ tồn tại, chung cư đã hư hỏng và thuộc cấp D, tức nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ.

Theo kết luận kiểm định, khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, cần phải di dời, phá dỡ khẩn cấp. Chính quyền đã di dời các hộ dân sinh sống tại đây đến tạm cư ở Cao ốc An Phú (Quận 6), song công trình vẫn chưa được phá dỡ do gặp một số vướng mắc.

Sau khi hoàn thành việc phá dỡ, UBND thành phố giao Quận 5 phối hợp Sở Xây dựng, Thường trực Ban chỉ đạo 167 tiếp tục xử lý các phần diện tích nhà, đất thuộc tài sản công theo quy định. Các đơn vị nhanh chóng xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm), 116 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B và 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích. Trong đó, 4/14 chung cư bị hư hỏng nặng được tháo dỡ hoàn toàn và 6 chung cư xuống cấp đã được tháo dỡ nhưng không thuộc loại bị hư hỏng nặng.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cũ, xuống cấp được xây dựng trước năm 1975.

Nghề chế biến yến sào Khánh Hòa thành di sản quốc gia

Nghề khai thác và chế biến yến sào Khánh Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công nhân sơ chế yến sào tại một nhà máy ở Khánh Hòa

Công nhân sơ chế yến sào tại một nhà máy ở Khánh Hòa

Quyết định công nhận nghề chế biến yến sào Khánh Hòa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ trưởng Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký.

Nghề yến sào ở Khánh Hòa có lịch sử gần 700 năm, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, đặc sắc và rất quan trọng đối với người dân. Những tri thức khai thác, chế biến yến sào ở trong cộng đồng dân cư là được xem là kho tàng quý giá vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày 10/5 Âm lịch hàng năm, địa phương tổ chức lễ hội Yến Sào tại Hòn Nội (đảo yến thuộc vịnh Nha Trang) để tưởng nhớ công đức lớn lao của các vị tiền nhân đã sáng lập, phát triển ngành nghề yến sào.

Yến sào Khánh Hòa được người tiêu dùng ưa thích bởi hàm lượng dinh dưỡng cao, sợi yến dai, trắng mịn và hương vị thơm ngon đặc trưng. Sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, đã xuất khẩu ra các thị trường quốc tế như Nhật, Mỹ, Trung Quốc,...

Tổ chức xe trung chuyển khách đến Bến xe Miền Đông mới từ 1/1/2025

Ôtô trung chuyển khách đến và rời Bến xe Miền Đông mới (TP.HCM) sẽ hoạt động từ đầu năm 2025 tạo thuận lợi cho người dân đi lại, nhất là dịp Tết sắp tới.

Ôtô khách đậu ở Bến xe Miền Đông mới

Ôtô khách đậu ở Bến xe Miền Đông mới

Phương án trên vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Công an thành phố và chính quyền các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp triển khai. Hoạt động trung chuyển khách bắt đầu từ 1/1/2025, với loại xe từ 29 chỗ trở xuống, hai bên ghi nội dung "Xe tiếp chuyển hành khách đi, đến Bến xe Miền Đông mới".

Các ôtô sẽ hoạt động từ 0h đến 24h tất cả ngày trong tuần, kể cả lễ, Tết. Chi phí vận chuyển tính vào giá vé xe của hành khách. Việc tổ chức đưa đón khách sẽ được thực hiện thông qua phần mềm, ứng dụng trên điện thoại, với tương tác giữa các bên liên quan như: bến xe, doanh nghiệp vận tải, đơn vị trung gian...

Theo Tổng Công ty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), đơn vị được giao triển khai, việc trung chuyển khách đi và đến Bến xe Miền Đông mới trước mắt áp dụng trong phạm vi một số khu vực, gồm: quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, TP Thủ Đức. Tùy nhu cầu thực tế, các đơn vị sẽ mở rộng địa bàn.

Sau khi triển khai ở Bến xe Miền Đông mới, việc trung chuyển khách sẽ được đánh giá lại và áp dụng cho 4 bến xe liên tỉnh còn lại ở TP.HCM, gồm: Miền Tây (quận Bình Tân), Miền Đông cũ (Bình Thạnh), An Sương (huyện Hóc Môn) và Ngã tư Ga (quận 12).

Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác năm 2020 đến nay, bến luôn trong cảnh vắng khách. Một trong những nguyên nhân chính là nơi này nằm xa trung tâm, thiếu xe kết nối. TP.HCM đã triển khai nhiều tuyến xe buýt đến bến nhưng lượng khách vẫn chưa như kỳ vọng.