Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo đẩy tiến độ ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Khảo sát thực địa tại ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án ga T3, khắc phục tình trạng quá tải sân bay chủ lực của TP.HCM.
Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chiều mùng 3 Tết Giáp Thìn |
Chiều mùng 3 Tết Giáp Thìn (12/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và làm việc với các bộ, ngành, địa phương tại TP.HCM.
Cuộc làm việc của người đứng đầu Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc tại đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tiến độ Dự án ga T3 rất khả quan, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiểm soát tiến độ, đồng thời thúc đẩy các dự án kết nối giao thông dài hơi cho sân bay.
"Dự án đến nay tương đối đúng tiến độ. Lưu ý cột mốc 50 năm kỷ niệm thống nhất đất nước vào 2025, chúng ta phải tạo ra những công trình khác, những chiến thắng mới", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, các đơn vị xác định mục tiêu đẩy tiến độ trong 2 tháng tới; tăng ca, tăng kíp, bồi dưỡng người lao động thi công xuyên ngày nghỉ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, chủ đầu tư phải theo sát tiến độ, các bên kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh, rà soát kỹ thuật Dự án…
Dự án xây dựng ga T3 khởi công vào tháng 12/2022, với 3 hạng mục chính gồm: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga; tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).
Khi hoàn thành, ga T3 đáp ứng công suất 20 triệu lượt hành khách/năm, phục vụ 7.000 lượt hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả loại tàu bay code C và E.
Cửa khẩu cầu Bắc Luân II thông quan sớm hơn kế hoạch
Ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán), Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, cửa khẩu cầu Bắc Luân II, thành phố Móng Cái đã thông quan trở lại sau thời gian nghỉ Tết.
Lực lượng hải quan cửa khẩu cầu Bắc Luân II kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại bãi kiểm hóa |
Trong ngày đầu tiên, lực lượng chức năng tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II đã làm thủ tục xuất khẩu gần 60 tấn hải sản tươi sống, bao gồm tôm hùm, cua biển đối với 10 phương tiện vận tải thuộc 9 tờ khai, tổng kim ngạch trên 781.000 USD.
Cụ thể, mặt hàng tôm hùm sống có gần 5 tấn, tổng kim ngạch trên 139.000 USD; mặt hàng cua biển sống có trên 52 tấn, tổng kim ngạch trên 641.000 USD. Đây đều là những lô hàng theo loại hình xuất kinh doanh có đăng ký làm thủ tục thông quan hẹn trước.
Trước đó, Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thống nhất kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 cho cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).
Theo đó, cặp cửa khẩu này sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 10/2 đến hết ngày 17/2 (tức từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Giêng) tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II và tại cặp chợ biên giới Đông Hưng (Trung Quốc) - Lối mở Km3+4 Hải Yên, Móng Cái (Việt Nam).
Sau khi trao đổi giữa các cơ quan chức năng hai bên, phía Trung Quốc đã quyết định cho thông quan hàng hóa nhập khẩu vào nước này từ ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết). Những hàng hóa này chủ yếu là hàng tươi sống của Việt Nam.
Đầu năm 2024, TP.HCM tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 23.000 lượt người
Tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến tư vấn việc làm cho gần 21.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho hơn 2.300 người lao động.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, quý I/2024 TP.HCM cần khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc |
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM còn tiếp nhận thông tin hơn 1.200 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động với hơn 1.800 vị trí tuyển dụng.
Thống kê nhu cầu người tìm việc - việc tìm người trên Cổng thông tin việc làm TP.HCM theo tiêu chí 27 ngành nghề cho thấy, việc tìm người tập trung nhiều ở lĩnh vực lao động phổ thông với hơn 1.900 vị trí việc làm.
Trong đó, ngành da giày, may mặc có nhu cầu tuyển dụng hơn 1.600 vị trí; ngành thực phẩm, đồ uống có nhu cầu tuyển dụng 972 và ngành nghề kinh doanh và quản lý có nhu cầu tuyển dụng 780 vị trí việc làm.
Số người tìm việc ít nhất là ở ngành nghề y tế, sức khỏe và xây dựng, kiến trúc với chỉ có 2 người.
Phân theo trình độ, doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất với 33%; lĩnh vực y tế, sức khỏe, xây dựng và kiến trúc chiếm 23,7%; trung cấp chiếm 15,3%; sơ cấp và cao đẳng khoảng 11,2% và đại học trở lên chiếm 5,6%.
Doanh số xuất khẩu tháng đầu năm của Tổng công ty Viglacera tăng 11%
Doanh số xuất khẩu tháng 1/2024 của Tổng công ty Viglacera (mã VGC) đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,63 triệu USD. Hiện doanh nghiệp này đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thiết bị vệ sinh sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Tổng công ty Viglacera hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thiết bị vệ sinh sang thị trường Mỹ và châu Âu |
Tổng công ty Viglacera cho biết, doanh số xuất khẩu tháng 1/2024 đạt 2,63 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 90% kế hoạch tháng.
Công ty CP Thương mại Viglacera - đơn vị thành viên của Tổng công ty Viglacera vừa qua đã bổ nhiệm một nhân sự là người Mỹ đảm nhiệm vị trí giám đốc xuất khẩu.
Ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera cho biết, quyết định trên nhằm hướng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm sứ vệ sinh, sen vòi sang các thị trường Mỹ và châu Âu với mục tiêu doanh số đạt 3 triệu USD. Trong cả năm 2024, Tổng công ty đặt mục tiêu doanh số xuất khẩu ở mức 63 triệu USD.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho mảng thiết bị vệ sinh của Tổng công ty Viglacera trong bối cảnh thị trường nội địa chịu sự cạnh tranh gay gắt. Dữ liệu của hãng chứng khoán Vietcap cho thấy, 40% thị phần mảng thiết bị vệ sinh tại Việt Nam hiện thuộc về hàng nhập khẩu với các thương hiệu lớn như Toto, Kohler và American Standard.
Ngoài ra, khoảng 45% thị trường thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như Inax và Caesar. Trong bối cảnh cạnh tranh này, Tổng công ty Viglacera vẫn cố gắng duy trì vị thế đáng chú ý, chiếm khoảng 10% thị phần.
Tính chung các mảng kinh doanh, doanh thu hợp nhất trong tháng 1/2024 của Tổng công ty Viglacera ước đạt 840 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 37% kế hoạch quý I/2024.
Qua đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 64 tỷ đồng trong tháng 1/2024, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Tổng công ty Viglacera hiện đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu 13.468 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.216 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn 6% mục tiêu doanh thu và 5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đón 100.000 lượt khách đến tham quan Huế trong dịp Tết
Những ngày đầu năm mới tại Huế, du khách tìm đến các di tích lịch sử, đền đài, chùa chiền để du xuân vãn cảnh. Trong những ngày Tết Giáp Thìn các di tích lịch sử, các ngôi chùa cổ ở thành phố Huế đông nghịt người du xuân chơi Tết, cầu tài lộc đầu năm.
Du khách tham quan Đại Nội Huế |
Khách du lịch đến Thừa Thiên Huế dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ước đạt 100.000 lượt, trong đó khách lưu trú ước đạt 55.000 lượt, khách quốc tế ước đạt hơn 31.000 lượt. Công suất phòng ước đạt hơn 62%, doanh thu lưu trú ước đạt 115 tỷ đồng.
Riêng lượng khách tham quan tại các điểm thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong 3 ngày Tết ước đạt 68.000 lượt với khoảng 12.000 khách quốc tế. Dịp này tại Đại Nội Huế mở cửa đón khách miễn phí với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như: trình diễn thư pháp, các trò chơi cung đình và dân gian.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tết truyền thống của Việt Nam, lượng du khách đến Huế rất đông, không chỉ khách nội địa mà khách quốc tế, bởi vì đây là thời điểm của mùa du lịch quốc tế. Cũng theo xu thế hiện nay, du khách nội địa đặc biệt từ các thành phố lớn cũng tổ chức các chương trình tour đến Huế tham quan trải nghiệm…”.
Chưa khai hội, hơn 2 vạn khách đã đổ về chùa Hương
Theo ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý (BQL) khu di tích thắng cảnh Hương Sơn - cho biết, dù chưa khai hội chính thức nhưng trong hai ngày đầu mở cửa (từ mùng 2 Tết), Chùa Hương đã có hơn 2,1 vạn khách đến tham quan, chiêm bái. Mùng 3 Tết là ngày cuối cùng trong dịp Tết Nguyên đán du khách được miễn phí vé tham quan.
Hàng vạn du khách đổ về Chùa Hương trong ngày những đầu mở hội |
Dự kiến số người đổ về chùa Hương trong dịp đầu xuân tăng cao, BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho du khách. Theo đó, mọi công việc đều được chuẩn bị chu đáo từ trước, an ninh trật tự và các vấn đề giao thông đến thời điểm hiện tại rất thuận lợi.
"Kế hoạch an ninh dịp này được thông qua, tiểu ban an ninh sẵn sàng cho ngày khai hội. Chúng tôi thực hiện ra quân ngay từ ngày mùng 2 Tết (ngày 11/2). Sáng mùng 4 Tết (13/2) sẽ có lượng lực tăng cường của công an thành phố vào các chốt chặn. Chúng tôi huy động khoảng 150 người thuộc các lực lượng nhằm đảm bảo an toàn, duy trì an ninh trật tự cho người dân trong thời điểm diễn ra lễ hội", ông Nguyễn Bá Hiển nêu.
Nhằm chấm dứt nhiều bất cập liên quan đến giá vé đi đò tại đây, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương quyết định thành lập HTX Dịch vụ du lịch Chùa Hương - đơn vị quản lý các hoạt động lái đò ở khu di tích.
Đơn vị này đã tuyển chọn và tập huấn đội ngũ lái đò với 3.800 - 4.500 phương tiện. Đò được đánh số, lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, ô che mưa nắng, lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự.
"Sau hai ngày đón khách bằng hình thức vận hành đơn vị quản lý đò mới không còn xảy ra tình trạng chặt chém, lái đò không mời chào, chèo kéo dọc đường. Toàn bộ các lái đò thực hiện nội quy một cách nghiêm túc, quy củ, chuyên nghiệp", ông Nguyễn Bá Hiển cho biết.
Ngân hàng PG Bank chuẩn bị chốt danh sách phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng
Ngân hàng PG Bank (mã cổ phiếu PGB) chuẩn bị chốt danh sách cổ đông để phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10:4. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đang có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 15:4.
Thông qua đợt phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng lần này, vốn điều lệ của Ngân hàng PG Bank sẽ tăng thêm 1.200 tỷ đồng |
Vào ngày 23/2 tới đây, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank, mã cổ phiếu: PGB - sàn UPCoM) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu do thực hiện tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo đó, PG Bank sẽ phát hành 120 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10:4 cho cổ đông hiện hữu.
Tổng giá trị của đợt phát hành này theo mệnh giá là 1.200 tỷ đồng. Nguồn sử dụng để tăng vốn là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ căn cứ báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ đảm bảo tuân thủ với quy định của Ngân hàng Nhà nước, pháp luật.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, PG Bank tiến hành tăng vốn. Với số vốn điều lệ hiện nay ở mức 3.000 tỷ đồng, PG Bank là nhà băng có quy mô bé nhất hệ thống ngân hàng hiện nay. Vừa qua, ngân hàng này đã hoàn tất các thủ tục đổi tên kinh doanh và nhận diện thương hiệu do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái vốn.
Bên cạnh phương án chia cổ phiếu thưởng, Hội đồng Quản trị PG Bank trước đó cũng thông qua kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ phân phối là 15:4.
Việc tăng vốn sẽ được thực hiện ngay sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Thời gian hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc tăng vốn dự kiến chậm nhất trong quý III/2024.