Bản tin thời sự sáng 13/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nghiên cứu tái lập vòng xoay lâu đời nhất TP.HCM; đề xuất đấu thầu quyền thu phí cao tốc; Cần Thơ muốn làm đường sắt nối TP.HCM trước năm 2030; dự kiến chi hơn 850 tỷ cải tạo đường sắt Hà Nội - Vinh; dừng khai thác trực thăng Vietstar Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất…

Nghiên cứu tái lập vòng xoay lâu đời nhất TP.HCM

Ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Quận 1), nơi trước đây có tên vòng xoay Bồn Kèn - bùng binh đầu tiên ở TP.HCM, được nghiên cứu tái lập sau 8 năm xây dựng Metro Số 1.

Bùng binh Bồn Kèn xưa, sau này còn được gọi bùng binh cây liễu. Ảnh tư liệu

Bùng binh Bồn Kèn xưa, sau này còn được gọi bùng binh cây liễu. Ảnh tư liệu

Thông tin đề cập ở công văn do Văn phòng UBND TP.HCM vừa gửi sở ngành liên quan, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi sau buổi họp giao ban khối đô thị cuối tháng 4. Cùng với nút giao, lãnh đạo Thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu phương án tái lập đường Lê Lợi, trình Thành phố trước ngày 20/5.

Việc tái lập đường Lê Lợi cùng nút giao giữa tuyến này với phố đi bộ Nguyễn Huệ được đưa ra sau khi các ga ngầm của Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cơ bản hoàn tất và hoàn trả mặt bằng.

Ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi ở vị trí sầm uất nhất TP.HCM, xung quanh có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn. Trước đây ngã tư này là một vòng xoay (còn được gọi là bùng binh), xây dựng năm 1920. Theo các nhà nghiên cứu, đây là vòng xoay đầu tiên ở TP.HCM và cả nước.

Ban đầu, nó là cái bệ cao hình bát giác. Mỗi chiều thứ bảy, một số người lính đến chơi nhạc Tây, nên thường được gọi với tên dân dã bùng binh Bồn Kèn. Sau đó, bùng binh được sửa thành vòng xoay giao thông, có đài phun nước ở giữa, xung quanh trồng liễu rủ xuống nên còn được gọi là bùng binh cây liễu.

Năm 2014, để thi công ga ngầm Nhà hát thành phố của tuyến Metro Số 1, TP.HCM cho chặt nhiều cây xanh trước nhà hát và dỡ bỏ vòng xoay ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Thương xá Tax nằm ngay ngã tư cũng được tháo dỡ để xây tòa cao ốc 30 tầng. Ngày nay, vòng xoay Bồn Kèn đã không còn dấu tích.

Đề xuất đấu thầu quyền thu phí cao tốc

Với cao tốc được nhà nước đầu tư bằng ngân sách, ông Trần Chủng - Chủ tịch VARSI cho rằng có thể đấu thầu, giao cho tư nhân quyền vận hành, khai thác.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí nhiều năm gây thiếu nguồn vốn bảo trì.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí nhiều năm gây thiếu nguồn vốn bảo trì.

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI), hiện cả nước có hơn 1.000 km cao tốc đã được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước và doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2030 có khoảng 5.000 km cao tốc.

Với cao tốc đầu tư bằng vốn doanh nghiệp thì họ có quyền thu phí. Với cao tốc đầu tư bằng ngân sách, ông Chủng cho rằng, Nhà nước cần thu hồi lại vốn để đầu tư các tuyến đường khác. Tuy nhiên, hiện chưa có khung pháp lý cho quản lý, khai thác các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đây là khoảng trống cần khắc phục, tạo cơ sở để quản lý các tuyến cao tốc Bắc - Nam thời gian tới.

Ông Chủng đề xuất Nhà nước lựa chọn doanh nghiệp O&M (hợp đồng kinh doanh - quản lý) có năng lực, có thể giao cho công ty tư nhân đảm nhiệm thu phí, vận hành cao tốc. Đơn vị này không chỉ thu phí chính xác, tránh thất thoát mà còn điều tiết đảm bảo trật tự giao thông, cứu nạn cứu hộ và bảo trì thường xuyên để đường không xuống cấp.

Cần Thơ muốn làm đường sắt nối TP.HCM trước năm 2030

Tuyến đường sắt dài 174 km, tổng vốn 7 tỷ USD, khởi công trước năm 2030 để kết nối miền Tây với TP.HCM và cả nước, theo Phó chủ tịch Cần Thơ.

Hướng tuyến tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Hướng tuyến tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, Cần Thơ là đầu mối giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long, điều này đã được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ. Do đó, mục tiêu trọng tâm của đường sắt này là vận chuyển hàng hóa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để kết nối, phát triển với TP.HCM và các khu vực khác trong cả nước. Phó Chủ tịch TP. Cần Thơ đề xuất, dự án này phải được đầu tư sớm, chậm nhất trước năm 2030.

Trước đó, đại diện liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi cho biết, Dự án có điểm đầu ở ga An Bình (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối đến ga Cái Răng, TP. Cần Thơ. Tuyến dài hơn 174 km, có tổng đầu tư khoảng 7 tỷ USD, đi qua 6 địa phương gồm tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với 13 ga.

Đây là tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM mất 75 - 80 phút thay vì 180 - 240 phút đi đường bộ như hiện nay.

Theo liên danh tư vấn, kịch bản đến năm 2035, tuyến sẽ đạt hơn 6,4 triệu lượt hành khách và 9,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; đến năm 2050 sẽ tăng lên tương ứng là hơn 22 triệu lượt hành khách và 41 triệu tấn hàng hóa. Đơn vị tư vấn cho rằng, tuyến cần được hình thành chậm nhất là năm 2034 để đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao trong tương lai.

Hiện, Bộ Giao thông vận tải lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt này giai đoạn 2026 - 2030. Phương án đưa ra, khi Dự án hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông vận tải.

TP.HCM muốn có thêm khu công nghiệp gần 700 ha

Thành phố muốn xây Khu công nghiệp Phạm Văn Hai rộng 668 ha ở huyện Bình Chánh để thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao.

Một khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh

Một khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh

Đề xuất bổ sung Khu công nghiệp Phạm Văn Hai vào quy hoạch vừa được UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất công nghiệp diện tích lớn của các doanh nghiệp nước ngoài.

Khu công nghiệp Phạm Văn Hai cách trung tâm TP.HCM gần 30 km, phía bắc giáp đường Nguyễn Văn Bứa và kênh thuỷ lợi 7; phía nam giáp kênh thuỷ lợi 4 và 5; phía đông giáp khu dân cư hiện hữu dọc đường An Hạ và kênh liên vùng. Khu vực nằm gần 10 khu, cụm công nghiệp của TP.HCM và Long An, có thể hỗ trợ nhau trong thu hút đầu tư, nguồn lao động.

Thành phố định hướng nơi đây thu hút lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, robot công nghiệp, điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông, hoá dược, mỹ phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm... 100 ha đất liền kề khu công nghiệp được quy hoạch khu dân cư, đô thị. Việc giải phóng mặt bằng tại khu công nghiệp được đánh giá thuận lợi vì gần 97% là đất nông nghiệp do công ty thành phố quản lý.

Hiện, TP.HCM có 19/23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.500 ha, chiếm 76% quy mô đất được quy hoạch. Thời gian qua, Thành phố ghi nhận một số tập đoàn nước ngoài (Logos, TTI, Goldman Sachs, Einhell, Quantum...) tìm kiếm diện tích lớn để thuê, song quỹ đất công nghiệp hiện hữu ở TP.HCM chưa thể đáp ứng.

Dự kiến chi hơn 850 tỷ cải tạo đường sắt Hà Nội - Vinh

Nguồn vốn được lấy từ ngân sách Nhà nước nhằm nâng cấp cầu yếu, xây cầu vượt đường sắt, giảm độ cong của nền đường. Từ đó, tăng tốc độ chạy tàu và giảm tai nạn giao thông.

Một đoạn đường sắt Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Một đoạn đường sắt Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Ban Quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh với nguồn vốn hơn 850 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Dự án đi qua địa phận Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng chiều dài 319 km.

Các hạng mục cải tạo, nâng cấp gồm cải tạo 10 cầu yếu; thay ray, tà vẹt, đá ba lát 8 đoạn; cải tạo 7 vị trí đường ray có bán kính đường cong nhỏ (làm hạn chế tốc độ chạy tàu); xây dựng cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 45...

Tổng mức đầu tư Dự án là hơn 854 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí xây dựng là 657 tỷ đồng. Vốn đầu tư lấy từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian dự kiến thực hiện Dự án trong 3 năm, giai đoạn 2022 - 2025.

Dừng khai thác trực thăng Vietstar Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất

Việc Vietstar Airlines khai thác các chuyến bay thương mại bằng tàu bay trực thăng AW139-LN đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất đã làm ảnh hưởng đến hoạt động điều hành các chuyến bay dân dụng khác.

Dừng khai thác trực thăng Vietstar Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Dừng khai thác trực thăng Vietstar Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn tại cuộc họp đánh giá hoạt động khai thác tàu bay trực thăng đi/đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Hãng hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines).

Tại văn bản này, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tạm ngưng tàu bay trực thăng của Vietstar Airlines cho đến khi đáp ứng được các yêu cầu về phương thức bay, an toàn hàng không...

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Vietstar Airlines đang sử dụng 1 tàu bay trực thăng thuê có tổ bay (thuê ướt-thuê ngắn hạn) loại AW139-LN, số đăng ký 9M-WBC, quốc tịch Malaysia, vận chuyển hành khách với tần suất từ 3 - 4 chuyến bay/ngày trên các đường bay giữa Tân Sơn Nhất và các bãi đáp tại Phan Thiết/Hồ Tràm/Hồng Ngự, thời gian khai thác từ 7h45 - 17h30.

Báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các phòng chuyên môn của Cục Hàng không Việt Nam, việc Vietstar Airlines khai thác các chuyến bay thương mại bằng tàu bay trực thăng AW139-LN đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất đã làm ảnh hưởng đến hoạt động điều hành các chuyến bay dân dụng khác. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ gây uy hiếp an toàn, an ninh cho hoạt động bay dân dụng tại Tân Sơn Nhất.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra các nguyên nhân như tốc độ bay của tàu bay trực thăng thấp gây tắc nghẽn hoạt động bay của các tàu bay trong khu vực vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.

Vietstar Airlines tạm dừng khai thác hoạt động thương mại bằng tàu bay trực thăng đi/đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kể từ ngày 6/5 cho đến khi đơn vị hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam.

Đắk Lắk cưỡng chế 64 căn nhà xây trái phép

Sau nhiều tháng vận động không thành, vào cuối tháng 5, chính quyền huyện Cư Kuin cưỡng chế 64 căn nhà xây trái phép trên đất công ty cà phê.

Nhiều căn nhà xây trái phép dọc Quốc lộ 27 sẽ bị tháo dỡ.

Nhiều căn nhà xây trái phép dọc Quốc lộ 27 sẽ bị tháo dỡ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy, 64 căn nhà này xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp (từ năm 2015 - 2017) do Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng quản lý, dọc Quốc lộ 27 (thuộc thôn 8 và 13, xã Ea Tiêu).

Các công trình trên của người nhận khoán, chuyển nhượng đất; người dân đầu cơ, mua bán đất trái phép, xây dựng nhà để ở và kinh doanh, buôn bán...

Ông Huy cho biết thêm, phương án cưỡng chế các công trình chia thành 3 đợt, từ 27 - 31/5. Đợt đầu, huyện cưỡng chế 5 công trình do cán bộ, công chức và nguyên cán bộ xây trái phép. Đồng thời, địa phương kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan, báo cáo UBND Tỉnh đề nghị Tổng công ty Cà phê Việt Nam xử lý việc buông lỏng quản lý của Công ty Cà phê Việt Thắng.