Hà Nội dự kiến có thêm 4 quận mới vào năm 2025
Theo lộ trình TP. Hà Nội đặt ra, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ lên quận đầu năm 2025; Thanh Trì, Hoài Đức phấn đấu lên quận cuối năm 2025.
Một góc huyện Đông Anh nhìn từ trên cao |
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận.
Thành phố yêu cầu 5 huyện rà soát về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính. Trường hợp chưa đủ điều kiện thì phải triển khai phương án sắp xếp, đảm bảo các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm được giao phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị liên quan hoàn thiện lập hồ sơ đề án và làm việc với các bộ, ngành thẩm định, phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025.
Hai huyện Thanh Trì và Hoài Đức chủ động phối hợp với các sở, ngành, cung cấp hồ sơ, số liệu phục vụ việc đánh giá tiêu chí; xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí chưa đạt để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV/2025.
Trước đó, đề án lên quận của hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã được HĐND Thành phố thông qua chủ trương vào năm 2023, dự kiến trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, việc này sau đó bị lùi lại.
TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng chung toàn tuyến Vành đai 4
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP.HCM.
TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến Vành đai 4 |
Để đẩy nhanh tiến độ Vành đai 4 TP.HCM, các địa phương liên quan đã phối hợp Bộ Giao thông vận tải thống nhất cần đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ Dự án.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội về Vành đai 3 và tình hình thực tế, các địa phương có Vành đai 4 đi qua là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An thống nhất kiến nghị một số chính sách đặc thù.
Đó là, giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của Dự án qua hai địa phương (cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương).
Ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án; riêng đoạn qua tỉnh Long An đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án.
Cho phép UBND các tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng,…
Cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án thuộc Vành đai 4 TP.HCM được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương.
Đối với đoạn Vành đai 4 TP.HCM qua tỉnh Long An, đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Sửa mặt đường đèo Prenn cửa ngõ Đà Lạt trong 21 ngày
Cơ quan chức năng phân luồng trong 21 ngày để khắc phục tình trạng nứt mặt đường, hỏng cống thoát nước ở đường đèo Prenn, cửa ngõ vào trung tâm TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Công nhân thi công rào chắn tại vị trí mặt đường đèo bị rạn nứt |
Việc sửa chữa đường đèo được Công ty CP Xây dựng Đèo Cả triển khai từ ngày 12/8. Tại vị trí cách điểm đầu đèo phía TP. Đà Lạt hơn 200 m, đơn vị thi công lắp rào chắn kéo dài 100 m phục vụ thi công.
Hai đầu đèo, nhà chức trách bố trí biển báo, hướng dẫn phương tiện lên xuống đèo đi vào nửa mặt đường còn lại. Nhà thầu huy động máy móc, thiết bị thi công 3 ca để gia cố hạ lưu, đào bóc nền đường bị nứt, sửa hệ thống thoát nước và thảm lại nền nơi bị hư hỏng.
Ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết, các phương tiện khi lên Đà Lạt sẽ đi hướng hồ Tuyền Lâm để vào trung tâm Thành phố và ngược lại. Ngoài ra, đoạn rào chắn cũng ngắn nên ít có khả năng gây ùn tắc.
Từ cuối tháng 7, mặt đường đèo Prenn xuất hiện vết nứt rộng 0,5 - 1 cm, kéo dài hơn 20 m. Cơ quan chức năng nhận định do mưa lớn nhiều ngày, nước thấm sâu dưới nền đường gây ra trạng thái bão hòa. Đồng thời, đất nền ở đèo hàm lượng sét cao ảnh hưởng khả năng liên kết, chịu lực, dẫn tới hư hỏng mặt đường. Nhà thầu sau đó đã tạm sử dụng nhựa đường trám các vết nứt ngăn nước thâm nhập xuống nền và quan trắc diễn biến của vết nứt.
Đèo Prenn dài 7,27 km nối Quốc lộ 20 - đường huyết mạch từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đà Lạt. Tháng 2/2023, đường qua đèo được đầu tư 552 tỷ đồng mở rộng gấp đôi với 4 làn ô tô, vận tốc thiết kế 60 km/h. Toàn tuyến được đưa vào hoạt động đầu năm nay.
Đồng Nai kiến nghị đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng làm 2 nút giao trên Quốc lộ 51
UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội cho phép đầu tư 2 nút giao đa tầng ở ngã tư Vũng Tàu và khu vực Cổng 11, nhằm giảm kẹt xe trên Quốc lộ 51 qua TP. Biên Hòa.
Ngã tư Vũng Tàu được Đồng Nai kiến nghị xây dựng nút giao nhằm giảm tải ùn tắc trên Quốc lộ 51 |
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện tình hình giao thông tại hai nút giao này rất phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm chiều tối.
Mặt khác, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu giao với đường Võ Nguyên Giáp (cách nút giao Cổng 11 hơn 1 km, cách nút giao ngã tư Vũng Tàu 6 km) dự kiến được đưa vào vận hành, khai thác năm 2026. Khi đưa vào khai thác, dự báo lưu lượng phương tiện tập trung rất lớn, dẫn đến khu vực Cổng 11 và nút giao ngã tư Vũng Tàu sẽ ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn.
Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội cho phép đầu tư 2 nút giao nêu trên theo loại hợp đồng BOT. Cụ thể, cho khai thác trạm thu phí Quốc lộ 51 để đầu tư 2 nút giao này, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6.000 tỷ đồng.
Đối với ngã tư Vũng Tàu, đây sẽ là nút giao được thiết kế nhiều tầng, có kiến trúc hiện đại. Phương án cải tạo sẽ là chỉnh hầm cong rẽ trái thành hầm đi thẳng từ Quốc lộ 51 về cầu An Hảo, xây dựng thêm 1 đơn nguyên hầm để tạo thành 4 làn xe đi thẳng từ Quốc lộ 51 về cầu An Hảo và ngược lại…
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, phương án này đáp ứng nhu cầu giao thông dài hạn (đến năm 2050) và có kiến trúc đẹp, hiện đại, hạn chế giải phóng mặt bằng. Đối với nút giao Cổng 11 sẽ được xây dựng 2 cầu vượt, các nhánh cầu vượt hoa thị.
Trong trường hợp không thể đầu tư theo loại hợp đồng BOT, Đồng Nai kiến nghị Quốc hội xem xét nguồn vốn đầu tư công 2 nút giao trên và hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện là 3.197 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 2.847 tỷ đồng.
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm đa dịch vụ khu vực
TP.HCM định hướng trở thành trung tâm dịch vụ lớn, hiện đại của cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Khu trung tâm TP.HCM |
Đây là mục tiêu tại đề cương Đề án "Xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, giá trị gia tăng cao" được UBND TP.HCM phê duyệt.
Trong thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đã chuyển dịch với tỷ trọng dịch vụ ngày càng tăng so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Theo đó, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 64% trong cơ cấu GRDP vào năm 2022 so với mức 57,5% năm 2010.
Đầu tàu kinh tế đồng thời duy trì vị thế cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam, góp 25,7% tỷ trọng vào tăng trưởng dịch vụ cả nước giai đoạn 2011 - 2022.
Từ sau đại dịch Covid-19, dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ hồi phục và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GRDP của Thành phố. Tỷ trọng của ngành trong cơ cấu nền kinh tế tiếp tục đi lên, từ 63,4% vào 2021 lên 65,6% trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều hạn chế về vốn, quy mô, chưa có các đơn vị hàng đầu giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Liên kết của các doanh nghiệp chủ yếu theo chiều dọc (kết nối các khâu trong chuỗi dịch vụ), hợp tác trong hệ sinh thái (tức chiều ngang) còn ít và chuyển đổi số chưa mạnh.
Do đó, việc xây dựng Đề án nhằm khắc phục các hạn chế, tạo bứt phá cho ngành dịch vụ của đầu tàu kinh tế, đưa TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á và châu Á trên các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.
Thời gian tới, Thành phố sẽ lựa chọn phát triển các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, then chốt có giá trị gia tăng với quy mô, tỷ trọng phù hợp tiềm năng làm lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, TP.HCM sẽ định hình các dịch vụ cao cấp, hiện đại cần được phát triển, với tiêu chí xác định cụ thể, phù hợp thông lệ quốc tế, chỉ tiêu thống kê để làm cơ sở đo lường, theo dõi.
Nhiều hồ thủy điện lớn đóng cửa xả
Các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà lần lượt đóng cửa xả sau khi nước hồ về đúng mực nước trong thời gian lũ chính vụ.
Hồ Thủy điện Hòa Bình khi mở 4 cửa xả |
Sáng 12/8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 3 cửa xả đáy lần lượt lúc 10h, 16h và 22h. Quyết định được đưa ra theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, khi mực nước thượng lưu đã về gần mốc 101 m trong thời kỳ lũ chính vụ.
Thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW với 8 tổ máy, 12 cửa xả đáy. Mùa lũ năm nay, hồ đã hai lần mở 4 cửa xả đáy, lần thứ nhất ngày 24/7, lần thứ hai ngày 6/8 và duy trì cho đến nay. Lúc 7h ngày 12/8, mực nước thượng lưu hồ là 101,59 m, lưu lượng đến hồ gần 2.000 m3/s, lưu lượng vận hành phát điện và mở 4 cửa xả đáy là hơn 8.400 m3/s.
Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW với 6 tổ máy hôm 2/8 mở liên tiếp 3 cửa xả, sau đó đóng lần lượt vào các ngày 6, 9 và 10/8.
Thủy điện Tuyên Quang trên sông Lô có 3 tổ máy, công suất 342 MW cũng được yêu cầu mở 3 cửa xả trong ngày 2/8. Đến ngày 6/8, hồ này đóng 1 cửa xả, ngày 8/8 đóng 1 cửa và ngày 9/8 đóng cửa còn lại.
Thủy điện Thác Bà trên sông Chảy có 3 tổ máy, công suất 120 MW đã mở cửa xả mặt thứ 3 vào ngày 5/8. Trong ngày 8 - 9/8, hồ này đã đóng 3 cửa xả.
Việc đóng - mở cửa xả của các thủy điện lớn ảnh hưởng đến mực nước hạ du các con sông.
Dừng tour thác Bản Giốc - Đức Thiên
Hoạt động đưa đón khách qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) tạm dừng từ 11/8 để bảo trì cơ sở vật chất.
Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên |
Sáng 12/8, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, đã nhận được văn bản báo cáo của Ban Quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc về việc dừng đưa đón khách qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên. Ban đề nghị các đơn vị lữ hành liên quan gồm Công ty CP Du lịch Cao Bằng, Công ty CP Tập đoàn Lữ hành quốc tế Toàn Cầu thông báo với du khách về việc tạm dừng này.
Trong thông báo của đối tác phía Trung Quốc gửi các công ty lữ hành, nguyên nhân tạm dừng là "để bảo trì trang thiết bị, cơ sở vật chất". Tất cả khách du lịch đặt vé trước sẽ được hoàn tiền. Báo cáo của Ban Quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc cũng đề cập đến "sự cố xảy ra ở khu thắng cảnh thác Đức Thiên".
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, thảm bay, hệ thống băng chuyển tải đưa khách lên điểm ngắm cảnh trên cao khu vực thác Đức Thiên xảy ra sự cố vào chiều 10/8, khiến 60 người bị thương và 1 người chết.
Một nguồn tin phía Việt Nam cho biết, không có người Việt bị thương trong sự cố trên.
Bà Nguyễn Thị Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lữ hành quốc tế Toàn Cầu cho biết, đã hủy tất cả đoàn khách qua lại hai bên trong thời gian tới. Từ tháng 4 tới tháng 7, khách Trung Quốc sang khu cảnh quan bên Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn hơn. Công ty đón 2.115 khách, trong khi khách Việt đạt 547 khách trong khoảng thời gian này.
Từ ngày 15/9/2023, Việt Nam và Trung Quốc thí điểm du lịch khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên trong 1 năm. Du khách hai nước thực hiện đăng ký tour theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người và chỉ dành cho công dân Việt Nam và Trung Quốc. Thời gian dừng chân của mỗi đoàn tại phía đối phương không vượt quá 5 giờ.
Đề xuất dùng flycam kiểm tra cây xanh ở TP.HCM
Sau nhiều vụ cây đổ, tét nhánh, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM đề xuất sử dụng flycam để rà soát tình trạng, thuê xe loại 40 m xử lý khiếm khuyết trên cây.
Công nhân xử lý cây dầu tét nhánh khiến 2 người tử vong ở Công viên Tao Đàn |
Đây là nhóm biện pháp được Công ty Công viên cây xanh TP.HCM đề xuất Thành phố thực hiện trong tháng 8/2024, trong bối cảnh nhiều sự cố nghiêm trọng do cây xanh gãy, đổ xảy ra liên tiếp gần đây.
Việc sử dụng flycam nhằm hỗ trợ kiểm tra, đánh giá tình trạng cây để thí điểm neo cáp các cành nhánh kích thước lớn vào thân đối với các loại cây sao đen, dầu... Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị thuê loại xe có máy móc cao 40 m để cắt cành nhánh có dấu hiệu khiếm khuyết trên đường phố, công viên.
Về nhân lực, Công ty sẽ thành lập tổ gồm: kỹ sư, chuyên gia lâu năm, công nhân lành nghề để kịp thời đánh giá rủi ro xử lý cây xanh; liên hệ đơn vị chuyên nghiệp từ Singapore mở lớp đào tạo công tác đánh giá chuyên sâu cây xanh loại 3 (trên 20 năm).
Gần đây, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra nhiều sự cố liên quan cây xanh. Hôm 9/8, cây xanh cao 25 m tét nhánh rơi trúng nhóm người khiến 2 người chết, 3 người bị thương ở Công viên Tao Đàn, Quận 1.