Bản tin thời sự sáng 13/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sản xuất điện đạt mốc 270 tỷ kWh; lãi suất ngân hàng tiếp đà giảm, chỉ còn 2 ngân hàng trả lãi cao nhất 7%; Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô thiếu vật liệu; Hải Phòng đề xuất khu kinh tế ven biển rộng 20.000 ha…

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sản xuất điện đạt mốc 270 tỷ kWh

Kể từ khi vào vận hành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (8 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.920MW) đã góp phần cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu điện trong một thời gian dài.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 12/9 thông tin, tính từ thời điểm hòa lưới tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (ngày 30/12/1988) đến 12h40 ngày 10/9/2023, Thủy điện Hòa Bình sản xuất điện đạt mốc 270 tỷ kWh. Kết quả này là một mốc son trong 35 năm quản lý vận hành và khai thác hiệu quả công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu này.

Kể từ khi vào vận hành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (8 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.920MW) đã góp phần cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu điện trong một thời gian dài.

Hiệu quả phát điện của Thủy điện Hòa Bình tiếp tục tăng 12 - 15% so với giai đoạn trước đó từ khi có Thủy điện Sơn La. Sản lượng điện sản xuất luôn vượt thiết kế và duy trì mức từ 9 - 10 tỷ kWh/năm. Trong đó, năm 2018 là năm đạt sản lượng cao nhất (12,290 tỷ kWh), vượt 1,5 lần so với thiết kế.

Qua 35 năm qua, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo điều tiết chống lũ an toàn cho Đồng bằng Bắc Bộ, vừa phát điện đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho đất nước.

Trước đó, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sản xuất đạt mốc 200 tỷ kWh vào ngày 24/5/2016 và cũng là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam đạt đến mốc sản lượng này.

Lãi suất ngân hàng tiếp đà giảm, chỉ còn 2 ngân hàng trả lãi cao nhất 7%

Một loạt ngân hàng công bố tiếp tục giảm lãi suất huy động, trong đó có ngân hàng giảm lần thứ hai kể từ đầu tháng.

Lãi suất ngân hàng tiếp đà giảm

Lãi suất ngân hàng tiếp đà giảm

Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) vừa niêm yết biểu lãi suất mới với mức giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng và giảm 0,25 điểm phần trăm cho tiền gửi kỳ hạn từ 15 - 36 tháng.

Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 - 8 tháng đang được BacA Bank trả 6,2%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng là 6,25%/năm; kỳ hạn 12 tháng 6,3%/năm và kỳ hạn 15 - 36 tháng là 6,4%/năm. Tuy nhiên, BacA Bank cho biết, biểu lãi suất mới này chính thức có hiệu lực từ ngày 13/9.

Trong khi đó, Ngân hàng PG Bank công bố giảm lãi suất huy động từ ngày 12/9 với tiền gửi các kỳ hạn từ 1 - 13 tháng.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 3 tháng giảm từ mức tối đa 4,75% xuống còn 4,45%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 - 9 tháng được PG Bank giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 6%/năm.

Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) giảm lãi suất huy động kể từ ngày 12/9 với mức giảm 0,3 điểm phần trăm các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng. Theo biểu lãi suất huy động online mới nhất của Saigonbank, lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng chỉ còn 5,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5,9%/năm.

Ngân hàng Eximbank cũng có động thái giảm lãi suất huy động trong sáng 12/9. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chỉ diễn ra đối với tiền gửi kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 2 - 3 tháng được Eximbank giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với huy động online giảm 0,2 điểm phần trăm còn 5,2%/năm.

Với lần điều chỉnh lãi suất này, Eximbank trở thành ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động tới hai lần kể từ đầu tháng 9. Trước đó, ngân hàng này đã giảm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn vào ngày 5/9.

Với việc vừa có thêm Eximbank, BacA Bank, PG Bank và Saigonbank công bố giảm lãi suất huy động, đã có 13 ngân hàng giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 9.

Trong đó, nhiều ngân hàng đưa lãi suất huy động về dưới 6%/năm. Chỉ còn 2 ngân hàng duy trì lãi suất 7%/năm tại một số kỳ hạn dài, đó là HDB với kỳ hạn 13 tháng và CBBank với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô thiếu vật liệu

Gần 50 mỏ đất, cát đã được khảo sát để phục vụ Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô, nhưng mỏ ở gần chưa thể khai thác, mỏ ở xa thì giá cao do phát sinh chi phí vận chuyển.

Phối cảnh nút giao với Quốc lộ 6 thuộc hai phường Yên Nghĩa và Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội

Phối cảnh nút giao với Quốc lộ 6 thuộc hai phường Yên Nghĩa và Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô chiều 12/9, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, sau hơn hai tháng khởi công, 3 dự án thành phần đang thực hiện, nhưng gặp khó về nguồn đất, cát.

Nhu cầu vật liệu xây dựng dự kiến của toàn bộ Dự án trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là 9,6 triệu m3 đất đắp; 7,5 triệu m3 cát đắp, cát xử lý nền đất yếu. Tính riêng nhu cầu vật liệu phục vụ Dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành) và Dự án thành phần 3 (xây dựng cao tốc) trên địa phận Hà Nội khoảng 1,8 triệu m3 đất đắp và 5,5 triệu m3 cát.

Đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng số 49 mỏ đất, cát tại một số tỉnh thành với tổng trữ lượng hơn 130 triệu m3. Tuy nhiên, theo ông Cường, những mỏ ở gần thì chưa thể khai thác do chưa có giấy phép, hoặc sắp đấu giá để khai thác. Hiện các nhà thầu mới sử dụng vật liệu từ 12 mỏ đất đắp và cát đắp nằm ngoài Hà Nội nên chi phí cao so với đơn giá nhà nước.

Để tháo gỡ, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục cần thiết để lập danh mục mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn (gồm mỏ đã có, đã giao và mỏ mới); đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

"Đây là việc làm cấp thiết để bảo đảm tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, hạ giá thành, đáp ứng ổn định, lâu dài nhu cầu vật liệu thi công", Bí thư Hà Nội nói, đồng thời yêu cầu hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ này trong tháng 9. Đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, UBND Thành phố thực hiện ngay để kịp trình Thường trực HĐND hoặc kỳ họp chuyên đề HĐND Thành phố trong tháng 9, bảo đảm đầy đủ tính pháp lý.

Hải Phòng đề xuất khu kinh tế ven biển rộng 20.000 ha

Khu kinh tế mới phía Nam dự kiến trên diện tích 20.000 ha, bao trùm quận Đồ Sơn và huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng).

Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast với tổng vốn đầu tư 7,6 tỷ USD tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải

Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast với tổng vốn đầu tư 7,6 tỷ USD tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải

Đây sẽ là khu kinh tế ven biển thứ hai của Hải Phòng, sau Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập năm 2008, theo chia sẻ của ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế TP. Hải Phòng tại một hội thảo về khu công nghiệp, khu kinh tế ở Thành phố sáng 12/9.

Theo ông Kiên, việc thành lập khu kinh tế mới nhằm khai thác hiệu quả định hướng phát triển tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng; kết nối với các khu kinh tế lân cận (Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn).

Đề án Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng sẽ được vận dụng chính sách, cơ chế theo các khu thương mại tự do đã thành công trên thế giới. Khu kinh tế mới sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, hai trung tâm logistics ở Kiến Thụy và Tiên Lãng cùng hệ thống cảng dọc sông Văn Úc.

Khu kinh tế mới đã có sẵn một số khu công nghiệp được quy hoạch như Tân Trào, Ngũ Phúc, Tiên Lãng nên không làm tăng diện tích tự nhiên của Thành phố cũng như thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất các khu công nghiệp. TP. Hải Phòng đang tiến hành các bước lập kế hoạch thành lập khu và trình Chính phủ xem xét.

Tại Hải Phòng, năm 1993, Thủ tướng quyết định thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất. Đến nay, Thành phố đã có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 6.100 ha và một khu kinh tế với tổng diện tích 22.540 ha. Tỷ lệ lấp đầy đạt 63,8%.

Sau 30 năm hoạt động, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn đã thu hút 688 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 36,32 tỷ USD. Các dự án tiêu biểu là Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đăng ký đạt 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast với tổng vốn đầu tư 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với tổng vốn 1,2 tỷ USD và Công ty Pegatron với tổng vốn 900 triệu USD.

Xác định ranh giới làm sân bay lưỡng dụng Biên Hòa

Đồng Nai giao các đơn vị xác định diện tích được bàn giao để nghiên cứu nâng cấp Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, công suất dự kiến 5 triệu hành khách mỗi năm.

Huấn luyện quân sự tại sân bay Biên Hòa

Huấn luyện quân sự tại sân bay Biên Hòa

Nội dung được đề cập trong công văn UBND tỉnh Đồng Nai gửi các sở, ngành về việc xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khai thác cảng hàng không Biên Hòa.

Sân bay Biên Hòa được xây dựng trước năm 1975. Nhiều năm qua, sân bay được phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời. Hiện, sân bay này có nhiều khu vực đất bị nhiễm dioxin. Cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp với phía Mỹ xử lý.

Hai tháng trước, Chính phủ đã duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có sân bay Biên Hòa.

Chính quyền Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để xác định ranh giới, diện tích khu đất dự kiến bàn giao cho địa phương; hiện trạng các công trình quốc phòng, tài sản trên khu đất dự kiến bàn giao; đồng thời nghiên cứu, xây dựng đề án khai thác để tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét.

Khi sân bay Biên Hòa được khai thác hoạt động dân sự, Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên có hai sân bay dân dụng và lưỡng dụng cùng hoạt động khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khai thác vào năm 2026.

Đề xuất bổ sung 26 khu đất xây nhà xã hội tại TP.HCM

Các dự án có tổng diện tích gần 550 ha được Sở Xây dựng đề nghị bổ sung vào kỳ điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.

Đề xuất bổ sung 26 khu đất xây nhà xã hội tại TP.HCM. Ảnh minh họa

Đề xuất bổ sung 26 khu đất xây nhà xã hội tại TP.HCM. Ảnh minh họa

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã đề xuất 13 khu đất để phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, 5 khu được Sở đánh giá phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm của Thành phố về các tiêu chí như quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực. Sở cũng rà soát và đề nghị bổ sung 21 vị trí phù hợp để xây dự án nhà xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Tổng cộng có 26 khu đất với diện tích gần 550 ha được Sở Xây dựng kiến nghị bổ sung vào kỳ điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, khu vực nội thành hiện hữu (các Quận 4, 8, Bình Thạnh, Tân Bình) có 4 khu đất với diện tích gần 11 ha. Khu vực nội thành phát triển (các Quận 7, 12, Bình Tân) có 6 khu đất với diện tích gần 15 ha. Khu vực huyện ngoại thành (các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi) có 10 khu đất với diện tích khoảng 188 ha. Ngoài ra có thêm 6 khu đất tại TP. Thủ Đức với diện tích hơn 334 ha.

Mục tiêu của Thành phố theo chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 là xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội, cao gấp 1,3 lần chỉ tiêu Thủ tướng giao trong Đề án xây một triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Sở cũng đề xuất điều chỉnh vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội từ gần 1.200 tỷ đồng lên gần 3.800 tỷ đồng.

Gần 220.000 ôtô, mô tô được định danh biển số

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết, từ ngày 15/8 - 10/9, sau hơn 25 ngày Thông tư 24/2023 của Bộ Công an có hiệu lực, các cơ sở đăng ký phương tiện trên toàn quốc đã định danh cho 50.260 biển số xe ôtô và 169.437 mô tô.

Người dân tới trụ sở CSGT để làm thủ tục cấp biển số định danh

Người dân tới trụ sở CSGT để làm thủ tục cấp biển số định danh

Số lượng biển số ôtô được làm thủ tục thu hồi kèm giấy đăng ký xe là 10.005 biển số. Trong khi đó, hơn 16.700 biển số xe ôtô được chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ.

Trung bình mỗi ngày, có hơn 1.000 chủ xe ôtô đến làm thủ tục sang tên đổi chủ, thu hồi biển số.

Theo đại diện Cục CSGT, quá trình triển khai các quy định mới của Thông tư số 24/2023 về cấp biển số định danh, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT xây dựng, nâng cấp hệ thống đăng ký, quản lý xe phù hợp với quy định mới, đưa vào sử dụng từ ngày 15/8.

Tuy nhiên, khi chuyển đổi toàn bộ cơ sở dữ liệu đăng ký xe từ hệ thống cũ sang hệ thống mới đã phát sinh một số lỗi kỹ thuật.

Bên cạnh đó, dữ liệu kết nối từ Cổng dịch vụ công quốc gia, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) có lúc chưa đồng bộ…

Vì vậy, những ngày đầu khi Thông tư mới có hiệu lực, người dân kê khai đăng ký xe trên Cổng dịch vụ công còn khó khăn, cán bộ giải quyết đăng ký xe trên hệ thống đăng ký bị chậm so với quy định.

Trước tình trạng trên, Cục CSGT đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng, khắc phục lỗi phát sinh, hỗ trợ công an địa phương 24/7. Do đó, cơ quan chức năng đã cơ bản giải quyết được những vướng mắc trên hệ thống.

Bắc Giang lập quy hoạch cụm công nghiệp xanh hơn 77ha

UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái có diện tích hơn 77 ha ở huyện Hiệp Hòa.

Bắc Giang lập quy hoạch cụm công nghiệp xanh hơn 77 ha. Ảnh minh họa

Bắc Giang lập quy hoạch cụm công nghiệp xanh hơn 77 ha. Ảnh minh họa

Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Danh Thắng và xã Đoan Bái (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).

Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 77 ha, trong đó, diện tích Cụm công nghiệp khoảng 75 ha, diện tích nghĩa trang khoảng 2,3 ha.

Phía Bắc giáp đường quy hoạch vành đai 2 nối với Quốc lộ 37, phía Nam giáp đường quy hoạch N1 nối với Quốc lộ 37, phía Đông giáp khu dân cư hiện trạng thôn Đồng Đá, thôn Phúc Thịnh và đường nối thị trấn Thắng với đường vành đai 4, phía Tây giáp kênh tiêu.

Về tính chất, Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái là cụm công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thu hút các ngành nghề gồm công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện - điện tử, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp may mặc, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ...

Các hạng mục cần đầu tư xây dựng tại đây bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải, công trình như văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà xưởng sản xuất.

Du khách không được mang đồ nhựa ra đảo Cô Tô

Từ 15/9, du khách sẽ không được mang túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần ra các đảo thuộc huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh).

Đảo Cô Tô với chủ trương nói không với rác thải nhựa

Đảo Cô Tô với chủ trương nói không với rác thải nhựa

Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường biển, UBND huyện đảo Cô Tô thông tin ngày 12/9.

Ngoài ra, tất cả các cơ quan đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch, các tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện đảo cũng không được sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.

Để triển khai quy định này, công an huyện và bộ đội biên phòng sẽ lập chốt kiểm soát tại cảng Cô Tô. Các đơn vị vận tải, tàu khách, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú vừa phổ biến quy định vừa thay thế đồ nhựa bằng các đồ với chất liệu thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin và Du lịch huyện Cô Tô cho biết, từ tháng 8/2022, huyện đảo đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi ni lông và đồ nhựa một lần và có kết quả tích cực. Môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa, vích, cá heo đã quay lại đảo sinh sống. Ý thức người dân về việc thay thế các đồ dùng thân thiện với môi trường cũng ngày một tốt hơn.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, huyện đảo Cô Tô đón 298.000 lượt khách, bằng 152% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024 hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại Quảng Bình

Theo kế hoạch, năm 2024 là hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đến năm 2025 hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức.

Một góc TP Đồng Hới

Một góc TP Đồng Hới

Ngày 12/9 UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa có quyết định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2023 sẽ tiến hành việc xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.

Chủ trương chung là khuyến khích chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn địa phương; tập trung giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.

Yêu cầu chậm nhất đến hết năm 2024, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết dôi dư tại đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.

Theo Kế hoạch, năm 2024 là hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025…

Đến năm 2025, hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025...