Bản tin thời sự sáng 1/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến bàn giao cho Hà Nội vào tháng 5; bắt đầu bay quốc tế trở lại từ ngày 1/4; 3 cầu qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây tăng vốn 1.300 tỷ đồng; từ ngày 31/3, “khai tử” thẻ từ ATM…

Tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến bàn giao cho Hà Nội vào tháng 5

Từ 31/3, các đơn vị liên quan đến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu kiểm đếm dự án để bàn giao chính thức cho Hà Nội vào tháng 5.

Toàn bộ lái tàu, nhân viên vận hành là người Việt Nam

Toàn bộ lái tàu, nhân viên vận hành là người Việt Nam

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, quá trình bàn giao diễn ra giữa Tổng thầu Trung Quốc, Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ Giao thông vận tải) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND Hà Nội).

Ba bên sẽ kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài sản của Dự án với thời gian dự kiến từ 3 - 4 tuần. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải và TP. Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm ký kết bàn giao chính thức, đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.

Đây là dự án quy mô lớn, bàn giao ba bên nên các đơn vị cần có thời gian thực hiện những phần việc liên quan. Tới ngày cuối cùng của quá trình này, Bộ Giao thông vận tải sẽ ký kết, chính thức bàn giao Dự án cho Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, công việc còn lại của Dự án hiện nay là đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Đơn vị tư vấn độc lập ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công trình và thiết bị.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, sau khi bàn giao, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử, phục vụ người dân đi lại miễn phí trong 15 ngày, sau đó khai thác thương mại.

Đoàn tàu có công suất chở 960 người, chạy từ ga đầu đến ga cuối trong 23 phút, dừng lại khoảng 30 giây mỗi nhà ga. Giai đoạn đầu, tàu sẽ có tần suất 10 - 15 phút/chuyến, tần suất dày hơn vào giờ cao điểm.

Bắt đầu bay quốc tế trở lại từ ngày 1/4

Vietnam Airlines cho biết từ 1/4 - 30/6, hãng sẽ nối lại việc khai thác các đường bay quốc tế từ TP.HCM và Hà Nội đi Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Sau thời gian dài ngừng khai thác do dịch bệnh, các đường bay quốc tế thường lệ của Vietnam Airlines bắt đầu được nối lại từ 1/4

Sau thời gian dài ngừng khai thác do dịch bệnh, các đường bay quốc tế thường lệ của Vietnam Airlines bắt đầu được nối lại từ 1/4

Vietnam Airlines cho biết, từ ngày 1/4 đến 30/6, hãng sẽ nối lại kế hoạch khai thác thường lệ đến 4 đường bay quốc tế gồm Hà Nội - Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội - Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội - Sydney và TP.HCM - Sydney (Australia).

Theo đó, các chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul sẽ khởi hành vào thứ năm hàng tuần.

Các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo sẽ khởi hành vào các ngày 3, 8, 11, 16, 23, 27, 29 trong tháng 4/2021. Tháng 5 và 6, tần suất khai thác được duy trì ở mức 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ năm và thứ bảy.

Các chuyến bay từ Hà Nội đi Sydney khởi hành vào thứ bảy hàng tuần. Các chuyến bay từ TP.HCM đi Sydney khai thác 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ thứ năm và chủ nhật.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng dự kiến triển khai các chuyến bay trọn gói từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Việc thực hiện những chuyến bay này phụ thuộc vào cấp phép của các cơ quan chức năng.

Trước đó, Bamboo Airways cũng đã được Hội đồng sân bay Vương quốc Anh cấp slot bay tại sân bay Heathrow (London, Anh) từ tháng 5. Hãng được cấp slot bay (khung giờ cất hạ cánh) để khai thác 6 chuyến mỗi tuần tới sân bay Heathrow.

Hãng cũng được cấp slot bay cho 3 chuyến mỗi tuần từ sân bay này đi sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và 3 chuyến đi sân bay Nội Bài (Hà Nội).

3 cầu qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây tăng vốn 1.300 tỷ đồng

Ba cầu qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây trên trục Động Lực nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang được điều chỉnh vốn từ 2.300 tỷ đồng lên 3.600 tỷ đồng.

Dự án 3 cầu trên tuyến đường nối TP.HCM với miền Tây tăng vốn 1.300 tỷ đồng

Dự án 3 cầu trên tuyến đường nối TP.HCM với miền Tây tăng vốn 1.300 tỷ đồng

HĐND tỉnh Long An vừa thông qua quyết định điều chỉnh tăng vốn 3 dự án trên. Ngoài tăng vốn, để phát huy hiệu quả lâu dài tuyến đường, quy mô cầu được điều chỉnh từ 2 - 3 làn xe lên 4 làn xe cho phù hợp thiết kế đường. Thiết kế 3 cầu cũng thay đổi: cầu Cần Giuộc thành cầu vòm; cầu Vàm Cỏ Đông sang cầu dây văng; cầu Vàm Cỏ Tây thiết kế dạng Extradosed (kết hợp cầu bê tông cốt thép và cầu dây văng).

Dự án 3 cầu trên trục Động lực nối TP.HCM với Long An, Tiền Giang được HĐND tỉnh Long An thông qua chủ trương xây dựng, đầu tư cách đây 4 tháng. Các công trình sẽ khởi công năm 2021 và hoàn thành sau 5 năm. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ Dự án hơn 3.000 tỷ đồng, còn lại vốn Tỉnh và các nguồn khác.

Cầu Cần Giuộc dài 2,7 km, có hai làn, mỗi làn hơn 14 m. Cầu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây dài hơn 6 km (bao gồm đường dẫn), mặt cầu rộng hơn 13 m. Sau khi hoàn thành, 3 cầu kết nối tỉnh lộ 827E, hình thành tuyến giao thông xuyên suốt từ TP.HCM đến Tiền Giang, kết nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và ngược lại.

Từ ngày 31/3, “khai tử” thẻ từ ATM

Từ ngày 31/3, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thẻ ATM phát hành mới phải là thẻ chip, thay thế cho mẫu thẻ từ vạch đen trước đó. Với thẻ từ đang lưu hành, người dân có thể đến quầy giao dịch ngân hàng để thực hiện chuyển đổi sang thẻ chip.

Thẻ chip mã hóa thông tin để tăng bảo mật dữ liệu, thanh toán an toàn, không tiếp xúc

Thẻ chip mã hóa thông tin để tăng bảo mật dữ liệu, thanh toán an toàn, không tiếp xúc

Theo Thông tư 22 sửa đổi quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, từ ngày 31/3/2021, NHNN yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Các tổ chức tín dụng có thời gian đến hết năm 2021 để hoàn thành tuân thủ tiêu chuẩn chip đối với máy ATM và các thiết bị chấp nhận thẻ.

NHNN cho biết, quy định này được đưa ra nhằm ngăn ngừa hiện tượng một số ngân hàng vẫn tiếp tục phát hành thẻ mới là thẻ từ cho khách hàng, ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi thẻ chip nội địa năm 2021.

Thẻ chip là loại thẻ được gắn chip kích thước nhỏ ở mặt trước thẻ theo tiêu chuẩn do các tổ chức thẻ quốc tế ban hành.

Thẻ chip có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao. Khi thực hiện thanh toán, thẻ chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không bao giờ lặp lại, giúp giảm nguy cơ gian lận, giả mạo… Do đó, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa sẽ góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật và tăng tốc độ thực hiện giao dịch.

Tuy vậy, theo các ngân hàng, khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip hiện nay là nhiều khách hàng còn chưa chủ động đăng ký chuyển đổi thẻ đang sử dụng dù đã có nhiều thông báo từ ngân hàng về việc này.

TP.HCM: Di dời 80 trụ điện giữa đường Tô Hiệu

Hàng trụ điện dài 1,5 km nằm trên đường nhiều tháng tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (TP.HCM) đã được di dời để không gây ùn tắc, nguy hiểm cho người đi đường.

Nhân viên điện lực dùng búa đập móng trụ điện để di dời

Nhân viên điện lực dùng búa đập móng trụ điện để di dời

Sáng 31/3, gần chục nhân viên Công ty Điện lực Tân Phú dùng búa đập móng những trụ điện cuối cùng nằm giữa đường Tô Hiệu. Khi móng trụ đã yếu, trụ điện được cẩu bứng lên xe bán tải giải toả lòng đường. Những bó cáp quang, dây điện được đấu nối vào hệ thống ống ngầm dọc vỉa hè.

Theo ông Lê Viết Toàn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân, việc bứng các cột điện được tiến hành trong 3 ngày, sau khi đơn vị đạt thỏa thuận về vị trí đặt trạm biến áp với 2 hộ dân phản đối. Ngày 31/3, toàn bộ 80 trụ điện sẽ di dời xong. Công tác tái lập mặt đường, lát đá vỉa hè sẽ hoàn thành trong tháng 4.

Hơn năm trước, quận Tân Phú làm dự án cống hộp, phía trên kênh trải thảm nhựa làm đường đi. Khi công trình hoàn thành, 80 trụ điện trước nằm dọc kênh nay chắn giữa đường do 2 hộ không đồng ý đặt trạm biến áp ở vỉa hè trước nhà. Hàng trụ điện gây mất mỹ quan, an toàn giao thông, ảnh hưởng cuộc sống người dân tại khu vực suốt thời gian dài.

Phát hiện hơn 12.000 lít xăng không đảm bảo chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang vừa phát hiện 12.168 lít xăng RON 95 có vấn đề về chất lượng.

Cơ quan quản lý thị trường Tiền Giang đi kiểm tra xăng

Cơ quan quản lý thị trường Tiền Giang đi kiểm tra xăng

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lượng xăng trên được tìm thấy ở kho chứa trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Theo kết quả thử nghiệm, số xăng này có tổng hàm lượng kim loại (sắt, mangan) vượt hơn 6 lần so với quy định.

Hiện tại, đơn vị quản lý thị trường đang hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để gửi về Cục trình UBND tỉnh Tiền Giang xử lý.

Cuối tháng 3, công an Đồng Nai đã triệt phá đường dây xăng giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt, nhóm nghi phạm tại Đồng Nai đã cung cấp ra thị trường hơn 200 triệu lít xăng giả. Cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 41 người về các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục