Bản tin thời sự sáng 1/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự kiến 13.000 người tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước; Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp tại Kỳ họp thứ 9; giá vàng lên sát 102 triệu đồng; chuyển hồ sơ dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 đến Bộ Công an…

Dự kiến 13.000 người tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ diễn ra trọng thể vào 8 giờ sáng 30/4 tại TP.HCM với hơn 13.000 người tham gia.

Kiểm tra hợp luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Kiểm tra hợp luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày 31/3, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự kiến Lễ diễu hành, diễu binh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/ 2025) có hơn 13.000 người tham gia.

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ diễn ra trọng thể vào 8 giờ sáng 30/4 tại TP.HCM.

Phần diễu binh của 35 khối thuộc lực lượng vũ trang, công an do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện, phần diễu hành sẽ do Thành phố đảm nhiệm.

Cụ thể, ngoài 11 khối diễu hành theo hướng dẫn của Trung ương, TP.HCM đã đề xuất bổ sung thêm khối người Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác chuẩn bị cho Lễ diễu hành, diễu binh đang được triển khai chặt chẽ, đồng bộ, bám sát nội dung hướng dẫn của Trung ương.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức khảo sát thực tế và thống nhất dự thảo về chương trình Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hoạt động diễu hành, diễu binh sẽ diễn ra trên tuyến đường Lê Duẩn (Quận 1).

Trong chương trình có nội dung bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; không quân bay chào mừng; diễu hành xe mô hình Quốc huy - khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc, xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe mô hình biểu tượng 50 năm ngày thống nhất đất nước...

Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp tại Kỳ họp thứ 9

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp 2013 và sửa đổi các luật liên quan nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên họp

Chiều 31/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 9 dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 và bế mạc ngày 30/6.

Đây là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017.

Theo chương trình, Kỳ họp sẽ thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật khác.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử; số lượng công việc là rất lớn.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung Kỳ họp, nhất là các dự án luật được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp, các Nghị quyết liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, khẩn trương triển khai công việc trên tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" nhằm bảo đảm thành công của Kỳ họp.

Giá vàng lên sát 102 triệu đồng

Giá vàng chiều 31/3 tiếp tục đi lên, tiến sát vùng 102 triệu đồng, cao hơn 1 triệu đồng mỗi lượng so với 30/3.

Giá vàng lên sát 102 triệu đồng

Giá vàng lên sát 102 triệu đồng

15h ngày 31/3, các thương hiệu lớn tiếp tục điều chỉnh biểu giá niêm yết vàng miếng và nhẫn trơn, cao hơn vài trăm nghìn một lượng so với sáng 31/3. SJC nâng giá vàng miếng lên 99,5 - 101,8 triệu đồng. Vàng nhẫn trơn tại SJC chiều 31/3 lên 99 - 101,2 triệu đồng. Còn tại PNJ, nhẫn trơn được mua bán quanh 99,5 - 101,8 triệu đồng. Tại Bảo Tín Minh Châu, mỗi lượng vàng nhẫn lên 99,6 - 101,9 triệu đồng.

Trước đó mở cửa ngày, SJC niêm yết giá vàng miếng tại 99,2 - 101,5 triệu đồng, tăng 800.000 đồng một lượng so với cuối tuần. Các thương hiệu vàng lớn khác cũng nâng giá vàng miếng lên tương ứng.

Với vàng nhẫn trơn, SJC sáng 31/3 công bố giá 99,3 - 101,6 triệu đồng một lượng, cao hơn 400.000-600.000 đồng một lượng so với cuối tuần. PNJ nâng giá vàng nhẫn lên 99,2 - 101,5 triệu đồng, còn Bảo Tín Minh Châu lên 99,3 - 101,6 triệu đồng.

Nếu so với đầu năm, mỗi lượng vàng tăng khoảng 16 triệu đồng, tương đương hiệu suất sinh lời gần 19%.

Giá vàng trong nước đi lên theo diễn biến kim loại quý trên thị trường quốc tế. Giá vàng giao ngay sáng 31/3 cũng lần đầu tiên vượt mốc 3.100 USD một ounce, lên kỷ lục 3.106 USD. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 96,5 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước hiện lên 5 triệu đồng một lượng.

Chuyển hồ sơ dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 đến Bộ Công an

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm tại dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức cơ sở 2 đến Bộ Công an xem xét điều tra.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam

Chiều 31/3, tại buổi công bố kết luận, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường cho biết, quá trình thanh tra đã chỉ ra những sai phạm có tính hệ thống khi triển khai dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các yếu tố chủ quan xảy ra ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đến đầu tư, phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu.

Hợp đồng xây dựng ký kết không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong xây dựng. Các bên vừa ký hợp đồng xong thì 8 ngày sau đã phải đề nghị điều chỉnh thiết kế cơ sở. Từ đó dẫn đến việc thi công khi chưa có thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế thi công và chưa có cả dự toán.

Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, hiện tượng lãng phí diễn ra phổ biến ở cả 2 dự án, dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua đó làm "lãng phí cơ hội khám chữa bệnh của nhân dân, gây nhức nhối trong dư luận, suy giảm lòng tin của người dân".

Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Bộ Công an để xem xét điều tra. "Sau thanh tra, con số hàng nghìn tỷ đồng được phát hiện cao gấp rất nhiều lần so với thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỷ đồng ban đầu. Qua thanh tra, chúng tôi nhận thức rõ về bản chất lãng phí là giá trị bị mất đi, không thể lấy lại được", ông Nguyễn Văn Cường nói.

Chia sẻ về các "thách thức không hề nhỏ" khi vào cuộc, ông Nguyễn Văn Cường cho hay, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trực tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải ban hành kết luận trước 31/3.

Thời gian thanh tra chỉ 40 ngày, tính cả lễ, Tết Nguyên đán, nhưng thời kỳ thanh tra lại rất dài, từ 2014 đến 2024. Giai đoạn này, hệ thống pháp luật có nhiều thay đổi, nhiều quy định được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, áp dụng chuyển tiếp. Bởi thế đoàn thanh tra phải đánh giá gần 3.000 đầu mục tài liệu, đối chiếu với hàng nghìn quy định cũ, mới khác nhau.

Bà Cao Thị Hòa An làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An, 52 tuổi, được Bộ Chính trị chuẩn y giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tân Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An phát biểu khi nhận nhiệm vụ

Tân Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An phát biểu khi nhận nhiệm vụ

Quyết định chuẩn y nhân sự của Bộ Chính trị được Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao cho bà Cao Thị Hòa An chiều 31/3. Bà đảm nhiệm vị trí Bí thư Tỉnh ủy thay ông Phạm Đại Dương hồi tháng 1 được điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương, nay là Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Bà Cao Thị Hòa An quê ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An; trình độ Thạc sĩ Quản lý giáo dục. Tân Bí thư Tỉnh ủy từng trải qua các chức vụ Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Đông Hòa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh.

Bà Cao Thị Hòa An là nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh. Hiện, Tỉnh ủy Phú Yên có Phó Bí thư là ông Tạ Anh Tuấn (Chủ tịch Tỉnh).

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, rộng hơn 5.000 km2, dân số hơn 876.000 người (năm 2022). Địa phương hướng kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics.

Phát hiện 40 mỏ vàng ở Tây Bắc, trữ lượng gần 30 tấn vàng

Theo kết quả công bố, Đề án Tây Bắc đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, trong đó có 40 mỏ vàng ở Tây Bắc với trữ lượng gần 30 tấn vàng.

Phát hiện 40 mỏ vàng ở Tây Bắc, trữ lượng gần 30 tấn vàng. Ảnh minh họa

Phát hiện 40 mỏ vàng ở Tây Bắc, trữ lượng gần 30 tấn vàng. Ảnh minh họa

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội" (Đề án Tây Bắc).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, sau gần 8 năm triển khai, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành được bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc.

Đề án phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý và quan trọng.

Đáng chú ý, trong số các mỏ khoảng sản kim loại vừa được phát hiện, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Ngoài ra, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện ra khoáng sản đi kèm vàng, trữ lượng khoảng 420 kg vàng.

Tây Bắc không chỉ là vùng phên dậu chiến lược của đất nước mà còn là kho tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.

Theo đó, ông đề nghị các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quản lý tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, nâng cao năng lực giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quý, quan trọng mới phát hiện trong quá trình triển khai dự án sẽ là nguồn nguyên liệu khoáng đáng kể, quan trọng cung cấp cho các ngành, các địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội nếu được khai thác, chế biến và sử dụng trong thời gian tới.

14 doanh nghiệp đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Bắc Ninh

Ngày 31/3, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức trao chứng đăng ký đầu tư cho các dự án của doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp sáng 31/3

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp sáng 31/3

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 14 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư 8.116 tỷ đồng (tương đương hơn 324 triệu USD); 6 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 320 triệu USD; 3 doanh nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn thêm trên 135 triệu USD và 1 doanh nghiệp thỏa thuận đầu tư mở rộng với số vốn tăng thêm 260 triệu USD. Tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, một số công ty có vốn đầu tư lớn, như Công ty Hainan Goertek (Trung Quốc) thực hiện dự án sản xuất linh kiện điện tử, bảng mạch điện tử, thiết bị điều khiển sản phẩm điện tử, đồng hồ thông minh, với tổng vốn đầu tư 270 triệu USD; Công ty TNHH Công nghệ Victory Giant (Việt Nam) tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 520 triệu USD.

Tại hội nghị, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Tỉnh tiếp tục là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn cả nước. 3 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư với trên 2 tỷ USD, chủ yếu là các dự án công nghệ cao và bán dẫn.

“Các dự án trao hôm nay, số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp trong nước tương đương doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có 7 dự án công nghệ cao. Đây là tín hiệu phấn khởi đối với doanh nghiệp trong nước”, ông Tuấn nói.

Tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp, diện tích hơn 6.400 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 60% nên vẫn còn dư địa đất để thu hút đầu tư. Tỉnh tiếp tục triển khai thêm một số khu công nghiệp, trong đó nghiên cứu một khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số gắn với sân bay Gia Bình kỳ vọng tạo đột phát trong phát triển kinh tế của Tỉnh trong thời gian tới.

Khởi công cầu đường bộ 282 tỷ đồng nối Lào Cai - Trung Quốc

Ngày 31/3, tại huyện Bát Xát (Lào Cai) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu đường bộ vượt sông Hồng nối với Trung Quốc.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ dự án

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ dự án

Lễ khởi công cây cầu được tổ chức đồng thời tại hai đầu cầu phía Việt Nam và Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn cho rằng, cây cầu được xây dựng không chỉ đóng vai trò là nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai địa phương mà còn tạo ra động lực lớn cho phát triển thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Theo ông Lê Anh Tuấn, việc hoàn thành công trình sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế, đầu tư, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân hai bên biên giới. Công trình này là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực biên giới, hướng tới một khu vực phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng.

Dự án cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát - Bá Sái là cầu dạng dây văng tháp thấp, gồm 3 nhịp, chiều dài 230 m, dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công theo phương pháp đúc hẫng kết hợp với dây văng đan kiểu rẻ quạt.

Trụ tháp cầu có chiều cao 20 m tính từ mặt cầu; chiều rộng cầu 35,3 m. Về kinh phí, mỗi bên chịu một nửa, phía Việt Nam thực hiện khoảng 282 tỷ đồng.

Đây là cây cầu thứ tư được xây dựng trong khu vực kinh tế cửa khẩu Lào Cai (sau cầu Hồ Kiều I, II và cầu Kim Thành), dự kiến hoàn thành trong 18 tháng.

Dự án cầu đường bộ qua sông Hồng được hai nước thảo luận cách đây gần 10 năm, từ 2016.

Sau những nỗ lực của hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) về hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng cầu, công trình hiện đã được khởi công.

Hà Nội có 11 điểm nguy cơ ngập, úng khi mưa lớn

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố đang tồn tại 11 điểm đen ngập úng.

Hà Nội còn 11 điểm úng ngập. Ảnh minh hoạ.

Hà Nội còn 11 điểm úng ngập. Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, từ thực tế mùa mưa năm 2024, khi trời có mưa với mức trên 50mm, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện 11 điểm úng trên các tuyến phố: Nguyễn Chính, Hoa Bằng, Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Khuyến, Đỗ Đức Dục, Phan Văn Trường, Hoàng Như Tiếp, Cao Bá Quát, Ngọc Lâm…

Trong số này, có 3/11 điểm đã được triển khai dự án cải tạo thoát nước. Cụ thể, tại ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa đang có Dự án cải tạo thoát nước bằng bể điều tiết ngầm dung tích 2.100 m3 đã được UBND Thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, hệ thống thoát nước tuyến phố nằm trong phạm vi triển khai Dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội (nhà ga S12). Sau khi Dự án hoàn thành, hệ thống thoát nước dọc phố Lý Thường Kiệt sẽ được hoàn trả, giảm thiểu tình trạng úng ngập của khu vực.

Tại điểm Thụy Khuê (dốc La Pho), Dự án cống hóa mương Thụy Khuê do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư đang triển khai, tiến độ chậm do vướng giải phóng mặt bằng.

3 điểm ngập úng khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án cải tạo thoát nước. Trong đó, tại đại lộ Thăng Long, tình trạng úng ngập của khu vực các hầm chui phụ thuộc vào việc khống chế mực nước của sông Nhuệ. Về lâu dài, đơn vị đề xuất đầu tư xây dựng các trạm bơm tiêu cục bộ và xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch dọc đại lộ Thăng Long.

Điểm úng ngập trên các tuyến phố Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp (quận Long Biên) phụ thuộc vào Dự án Đầu tư xây dựng 2 trạm bơm đầu mối của lưu vực sông Cầu Bây, là trạm bơm Cự Khối và Gia Thượng. Dự kiến khi Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường 40m từ Nguyễn Văn Cừ đến đê Ngọc Thụy khớp nối, tuyến cống phố Ngọc Lâm sẽ thoát trực tiếp về cống hộp đường Hồng Tiến, giảm mức độ ngập 2 điểm trên...

Tin cùng chuyên mục