Bản tin thời sự sáng 14/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hộ khẩu giấy có hiệu lực đến hết năm 2022; đấu giá biển số xe thông qua công ty chuyên nghiệp; các hãng hàng không hủy hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 13; Gia Lai, kỹ sư liên quan đường tránh 250 tỷ đồng sụt lún bị khởi tố…

Hộ khẩu giấy có hiệu lực đến hết năm 2022

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy có giá trị đến hết năm 2022, sau đó người dân sẽ chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân để chứng minh nơi cư trú.

Chính thức “khai tử” sổ hộ khẩu vào năm 2022. Ảnh minh họa

Chính thức “khai tử” sổ hộ khẩu vào năm 2022. Ảnh minh họa

Chiều 13/11, với 449 đại biểu tán thành (đạt 93%), Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có quy định nêu trên.

Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy như lâu nay sang dùng công nghệ thông tin; cơ quan chức năng sử dụng mã số định danh cá nhân của người dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy ủng hộ phương thức quản lý cư trú mới, song nhiều đại biểu cho rằng từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực vào tháng 7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể vẫn chưa hoàn thiện, chưa vận hành thông suốt. Do vậy, người dân cần được tiếp tục dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến hết năm 2022 để chứng minh nơi cư trú, giải quyết các thủ tục hành chính khi cần thiết.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói việc kéo dài hiệu lực của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến năm 2022 nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền phức cho người dân; đồng thời, tránh tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.

Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, quy định trên không ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú (sửa đổi) từ giữa năm 2021.

Hiện Bộ Công an đã thu thập được 90% cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 10% còn lại sẽ hoàn thành trong năm nay.

Đấu giá biển số xe thông qua công ty chuyên nghiệp

Chính phủ sẽ quy định đấu giá biển số thông qua các công ty đấu giá chuyên nghiệp, hoạt động độc lập theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản.


Biển số xe đẹp có thể sẽ được đấu giá thông qua các công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này

Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, việc đấu giá biển số xe sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai và tránh tiêu cực. Biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật.

Đến nay, Chính phủ khẳng định việc đấu giá biển số xe đã có đầy đủ căn cứ pháp lý, phù hợp, đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành.

Trong đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công. Nghị định 151 nêu rõ kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là kho số phục vụ quản lý nhà nước.

"Như vậy, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý để đăng ký, cấp biển số xe là tài sản công", báo cáo của Chính phủ nêu. Ngoài ra, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định bán tài sản công phải thông qua đấu giá.

Biển số xe đấu giá theo tính toán của Cục Cảnh sát giao thông sẽ được chia thành 5 nhóm. Nhóm thứ nhất là các biển số gồm 5 chữ số giống nhau; nhóm thứ hai 4 chữ số cuối giống nhau; nhóm thứ ba 3 chữ số giống nhau; nhóm thứ tư là số sau lớn hơn số trước và nhóm thứ năm gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.

Các hãng hàng không hủy hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 13

Do ảnh hưởng của bão số 13 tên quốc tế "Vamco", để đảm bảo an toàn khai thác, các sân bay Chu Lai (Quảng Nam), Phú Bài (Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), Đà Nẵng, Vinh sẽ đóng cửa theo khung giờ trong 2 ngày 14 - 15/11.

Các hãng hàng không hủy hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 13

Các hãng hàng không hủy hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 13

Cụ thể, các sân bay Chu Lai đóng cửa từ 9 giờ ngày 14/11 đến 10 giờ ngày 15/11; sân bay Đà Nẵng từ 12 giờ ngày 14/11 đến 10 giờ ngày 15/11; sân bay Phú Bài từ 14 giờ ngày 14/11 đến 10 giờ ngày 15/11; sân bay Đồng Hới từ 19 giờ ngày 14/11 đến 20 giờ ngày 15/11, sân bay Vinh từ 6 - 20 giờ ngày 15/11.

Vì vậy, Vietnam Airlines sẽ huỷ các chuyến bay đến, đi từ các sân bay trên vào ngày 14/11/2020, gồm: Giữa TP.HCM và Đà Nẵng là VN122, VN127, VN128, VN130, VN131, VN132, VN133, VN136, VN141; giữa Hà Nội và Đà Nẵng là VN171, VN175, VN181, VN184, VN185, VN188; giữa TP.HCM và Quảng Nam là VN1464, VN1465; giữa Đà Lạt và Huế là VN1970, VN1971.

Vietnam Airlines và Pacific Airlines cũng sẽ triển khai bay sớm từ 1 tiếng đến 11 tiếng đối với các chuyến bay ngày 14/11/2020 như sau: Giữa TP.HCM và Quảng Nam là VN1460, VN1461, VN1462, VN1463; giữa TP.HCM và Đà Nẵng là VN123, BL6056, BL6057; giữa TP.HCM và Vinh là BL6434, BL6435; giữa TP.HCM và Huế là VN1374, VN1375, VN1376, VN1377; giữa TP.HCM và Quảng Bình là VN1400, VN1403; giữa Hà Nội và Đà Nẵng là VN167, VN170, VN172; giữa Hà Nội và Quảng Nam là VN1640, VN1641; giữa Đà Lạt và Đà Nẵng là VN1954, VN1955; giữa Buôn Ma Thuột và Đà Nẵng là VN1914, VN1915.

Ngoài ra, trong ngày 15/11/2020, Pacific Airlines sẽ lùi giờ khai thác từ 4 tiếng đến gần 14 tiếng đối với các chuyến bay giữa TP.HCM và Vinh gồm: BL6430, BL6431, BL6434, BL6435.

Gia Lai: Kỹ sư liên quan đường tránh 250 tỷ đồng sụt lún bị khởi tố

Đào Trọng Nhất, kỹ sư địa chất bị khởi tố vì liên quan đến sự cố đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê, vốn đầu tư 250 tỷ đồng, bị hư hỏng nặng.

Tuyến đường tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún hồi đầu tháng 9/2019

Tuyến đường tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún hồi đầu tháng 9/2019

Ngày 13/11, Đào Trọng Nhất, quê Hà Nội, kỹ sư địa chất của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Giao thông 8 - TECCO8.,JSC tại TP. Hà Nội, bị Công an Gia Lai khởi tố và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Động thái này được đưa ra sau 10 ngày Công an Gia Lai khởi tố vụ án.

Qua quá trình điều tra, công an xác định Nhất với vai trò là kỹ sư cầu đường có chuyên môn phụ trách việc khảo sát thiết kế của công trình nhưng không làm đúng các quy định về xây dựng dẫn đến sự cố sụt lún.

Dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh huyện Chư Sê dài 10,8 km, do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) đầu tư với kinh phí gần 250 tỷ đồng. Đầu tháng 9 năm ngoái, sau trận mưa lớn, đoạn đường dài 3,8 km (được làm với chi phí hơn 71 tỷ đồng, do Công ty CP 471 thi công) bị sụt lún khoảng 150 m.

Kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ (Tổng cục Đường bộ) xác định, nguyên nhân tuyến đường bị lún nứt do có hai lớp đất yếu nằm dưới lớp vỏ cứng, phân bổ rộng khắp khu vực xảy ra sự cố và xuất hiện nước ngầm.

Cơ quan chức năng cho rằng, tư vấn thiết kế chưa phát hiện ra cũng như chưa đề xuất khảo sát bổ sung khi đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn đặc biệt, bất lợi.

Lâm tặc xẻ gỗ, chiếm đất tại rừng phòng hộ Phi Liêng

Lâm tặc cưa hạ hàng loạt cây thông trên diện tích rộng hơn 2 ha, xẻ gỗ ngay tại chỗ để lấy đi hàng chục khối gỗ thông. Đáng lưu ý, trước thời điểm bị phá, diện tích rừng này đã bị chiếm để trồng cây keo, cà phê…

Xẻ gỗ ngay giữa rừng

Xẻ gỗ ngay giữa rừng

Sáng 13/11, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông cho biết đã khởi tố vụ phá rừng xảy ra tại một phần diện tích Lô a, Khoảnh 8, Tiểu khu (TK) 214 (thuộc địa bàn xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), chuyển hồ sơ cho Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý.

Trước đó, nhận được tin báo về tình hình khai thác rừng trái pháp luật tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng (QLRPH) quản lý, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phi Liêng đã phối hợp với Ban Lâm nghiệp Xã và Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã Phi Liêng tiến hành đi kiểm tra thực tế hiện trường.

Hạt Kiểm lâm đã cùng các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định có tới 29 cây thông ba lá bị cưa hạ với tổng khối lượng 32,911 m3. Lâm tặc đã tiến hành cưa xể gỗ tại chỗ, lấy đi 23,484 m3. Số lâm sản còn lại hiện trường là 9,427 m3.

Nơi cây bị bị triệt hạ thuộc rừng sản xuất, vừa bị khai thác cách đó vài ngày nên lá chưa kịp héo hết, nhựa thông còn ứa ra. Những thông bị cưa hạ có đường kính từ 30 - 60 cm, dài khoảng 20 m, bị cắt thành từng khúc để vận chuyển ra khỏi rừng.

Hiện trường còn cho thấy trước khi bị triệt hạ, cánh rừng này đã bị lấn chiếm, dọn cỏ, trồng keo và cà phê.

Hà Nội sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt ở khu đông dân

Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt ở khu vực đông dân cư thuộc các đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao.

Hà Nội sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt ở khu đông dân

Hà Nội sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt ở khu đông dân

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt ở khu vực đông dân cư thuộc các đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.

Cùng với đó, trong năm 2020, thành phố Hà Nội cũng sẽ thực hiện các giải pháp như tổ chức cảnh giới, xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại tất cả các lối đi tự mở có nguy cơ cao mất an toàn giao thông đường sắt; tiếp tục giải tỏa hành lang đường sắt, các vị trí che khuất tầm nhìn cả hai phía đường bộ và đường sắt; thực hiện rào ngay các lối đi tự mở mà chưa cần xây dựng công trình phụ trợ ….

Đối với các lối đi tự mở phục vụ dân sinh giao cắt với đường sắt có người gác, Thành phố sẽ đề nghị ngành đường sắt phối hợp, hướng dẫn đặt các tấm bản lát qua đường sắt bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; tổ chức thu hẹp lối đi tự mở để hạn chế phương tiện cơ giới, giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt đối với lối đi tự mở có bề rộng lớn hơn 3 m và mật độ giao thông thấp, không phải trục đường chính của địa phương.