Bản tin thời sự sáng 14/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM tính hoàn trả hơn 200 tỷ cho dự án BOT bị dừng; Hải Phòng sắp đấu giá khu “đất vàng” hơn 9.000m2 gần sân bay Cát Bi; thu hồi giấy đăng ký lưu hành 140 loại thuốc của nhiều doanh nghiệp dược; Thanh tra Chính phủ thanh tra 2 dự án lớn của FLC tại Thanh Hóa…

TP.HCM tính hoàn trả hơn 200 tỷ cho dự án BOT bị dừng

TP.HCM dự kiến chi hơn 200 tỷ đồng để trả chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra làm cầu Tân Kỳ - Tân Quý, sau khi dừng hợp đồng BOT để chuyển qua vốn ngân sách.

Công trình cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau khi dừng thi công từ cuối năm 2018

Công trình cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau khi dừng thi công từ cuối năm 2018

Nội dung được đề cập trong công văn UBND TP.HCM vừa gửi Thường trực HĐND Thành phố về chi phí cần thanh toán cho nhà đầu tư Dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân.

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý được xây dựng để thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát xuống cấp và bị sự cố không thể khai thác. Công trình có tổng chiều dài hơn 300 m, riêng phần cầu là 80 m với 4 làn xe. Khi hoàn thành, cây cầu giúp tăng kết nối với Quốc lộ 1, giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tây Bắc Thành phố.

4 năm trước, TP.HCM ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-IDI) để làm dự án này theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Nhà đầu tư đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Sau đó, dự án bị dừng thi công từ cuối năm 2018 vì vướng mặt bằng, và do không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không làm trên đường hiện hữu). UBND TP.HCM sau đó dừng hợp đồng BOT để chuyển qua đầu tư công, tổng vốn hơn 491 tỷ đồng và đã được HĐND Thành phố thông qua.

Theo UBND Thành phố, số tiền 491 tỷ đồng đã bao gồm phần hoàn trả cho nhà đầu tư, cùng kinh phí đầu tư các hạng mục còn lại của dự án. Theo đó, dự kiến trong năm nay Thành phố sẽ hoàn tất trả cho nhà đầu tư gần 206 tỷ đồng; 24 tỷ đồng là kinh phí dự phòng nếu thời gian thanh toán kéo dài đến hết năm 2023. Riêng kinh phí đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại khoảng 261 tỷ đồng.

Sau khi hoàn trả tiền cho nhà đầu tư xong, Thành phố sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ phần còn lại để thi công hoàn thành Dự án vào năm 2025.

Hải Phòng sắp đấu giá khu “đất vàng” hơn 9.000m2 gần sân bay Cát Bi

Khu đất vàng rộng hơn 9.000 m2 tại lô 4/10A khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP. Hải Phòng được đấu giá khởi điểm gần 630 tỷ đồng.

Hải Phòng sắp đấu giá khu “đất vàng” hơn 9.000m2

Hải Phòng sắp đấu giá khu “đất vàng” hơn 9.000m2

Theo thông báo mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) TP. Hải Phòng là tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất Dự án Đầu tư xây dựng tòa nhà đa chức năng (chung cư và thương mại dịch vụ) tại lô 4/10A khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi.

Lô đất có diện tích 9.165 m2 nằm ở vị trí đắc địa, mặt tiền tại đường Lê Hồng Phong. Đây là tuyến đường chính dẫn từ sân bay Cát Bi về trung tâm Hải Phòng. Giá khởi điểm đấu giá là hơn 629,84 tỷ đồng. Trong đó, tiền đặt trước hơn 125,96 tỷ đồng.

Khu đất thuộc Khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi, trên đường Lê Hồng Phong sầm uất được coi là có vị trí đẹp nhất nhì TP. Hải Phòng

Trước đó, vào năm 2008, UBND TP. Hải Phòng có quyết định cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng (Công ty Duy Hưng) thuê đất lô số 4/10A đường Lê Hồng Phong, phường Đằng Hải, quận Hải An.

Năm 2009, cơ quan chức năng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Công ty Duy Hưng được quyền sử dụng lô đất số 4/10A đường Lê Hồng Phong với diện tích 9.165m2 cho mục đích sử dụng xây dựng Trung tâm Thương mại và Khách sạn cao cấp Duy Hưng, thời hạn 50 năm từ ngày 28/8/2008 đến ngày 28/8/2058.

Tháng 9/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng có quyết định chấm dứt hoạt động đối với Dự án. Lý do là sau 12 tháng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng không thực hiện Dự án theo tiến độ đăng ký và không thuộc trường hợp được giãn, hoãn tiến độ thực hiện Dự án.

Ngày 30/9/2021, UBND TP. Hải Phòng quyết định thu hồi khu đất, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Sau đó, UBND quận Hải An đã ra quyết định và tổ chức cưỡng chế, thu hồi khu “đất vàng” đối với Công ty Duy Hưng.

Thu hồi giấy đăng ký lưu hành 140 loại thuốc của nhiều doanh nghiệp dược

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành 140 loại thuốc tại Việt Nam của 10 doanh nghiệp dược. Nguyên nhân của quyết định trên là do các cơ sở đăng ký thuốc đề nghị tự nguyện thu hồi giấy đăng ký lưu hành.

Quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc thực hiện theo đề nghị tự nguyện của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc thực hiện theo đề nghị tự nguyện của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), căn cứ theo đề nghị tự nguyện thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, Cục vừa ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký lưu hành đối với 140 thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Phần lớn các loại thuốc bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành là dạng viên nén bao phim, viên nang và dạng bột. Ngoài ra, còn một số loại thuốc dạng cốm, kem bôi da và si rô. Đây là các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước và một số đơn vị gia công.

Cụ thể, Công ty CP Dược Hậu Giang bị thu hồi 81 loại thuốc; Công ty CP Dược Hậu Giang - Chi nhánh nhà máy dược phẩm DHG tại Hậu Giang bị thu hồi 30 loại. Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam bị thu hồi 2 loại. Công ty TNHH BRV Healthcare bị thu hồi 2 loại. Công ty CP Dược phẩm Euvipharm, thành viên Tập đoàn F.I.T bị thu hồi 1 loại.

Công ty CP Dược phẩm Imexpharm bị thu hồi 8 loại. Chi nhánh 3 - Công ty CP Dược phẩm Imexpharm tại Bình Dương bị thu hồi 1 loại.

Công ty CP Dược Medipharco bị thu hồi 1 loại. Công ty TNHH Phil Inter Pharma bị thu hồi 4 loại.

Công ty CP Sanofi Việt Nam bị thu hồi 5 loại. Công ty CP Dược phẩm Sanofi-Synthelabo Việt Nam bị thu hồi 2 loại. Công ty TNHH liên doanh Stellapharm bị thu hồi 3 loại.

Cục Quản lý dược lưu ý, các thuốc trong nước được sản xuất trước ngày quyết định này có hiệu lực được phép lưu hành đến hết hạn dùng của thuốc. Cơ sở đăng ký thuốc, sản xuất thuốc phải có trách nhiệm theo dõi và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành.

Thanh tra Chính phủ thanh tra 2 dự án lớn của FLC tại Thanh Hóa

Hai dự án lớn của FLC tại Thanh Hóa và thủy điện Hồi Xuân được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra trong thời gian 60 ngày, bắt đầu từ ngày 13/12.

Dự án FLC Sầm Sơn Golf Links tại TP Sầm Sơn của Tập đoàn FLC

Dự án FLC Sầm Sơn Golf Links tại TP Sầm Sơn của Tập đoàn FLC

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kế hoạch thanh tra về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các dự án có sử dụng đất và một số dự án: FLC Sầm Sơn Golf Links, Dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC, Dự án Thủy điện Hồi Xuân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo quyết định thời gian làm việc trong vòng 60 ngày.

Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh, 3 dự án mà Thanh tra Chính phủ thanh tra đợt này đều là những dự án có dư luận tại địa phương. Trong đó, Dự án sân Golf (FLC Golf Links Sam Son) và Dự án khu du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn ở TP. Sầm Sơn, trước đây Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm.

Trong khi đó, Dự án thủy điện Hồi Xuân nằm trên thượng nguồn sông Mã (thuộc xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi công vào tháng 3/2010, có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 432 triệu KWh.

Dự án do Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO - thuộc Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam) làm chủ đầu tư. Mục tiêu vào tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân chặn dòng lần 1, năm 2013 chặn dòng lần 2 và đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9/2014.

Sau một thời gian thi công rầm rộ, do không đủ năng lực về tài chính, VNECO đã phải dừng thi công. Đến tháng 6/2014, Dự án chuyển cho một công ty khác tiếp tục thi công, nhưng đến giữa năm 2018 Dự án tiếp tục dừng thi công và "đắp chiếu" cho tới tận bây giờ.

Hà Nội dự kiến cho học sinh nghỉ Tết 8 ngày

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đề xuất cho trẻ mầm non, học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày, từ ngày 19 - 26/1/2023 (28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng âm lịch).

Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất cho trẻ mầm non, học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày

Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất cho trẻ mầm non, học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày

Chiều 13/12, ông Lê Hồng Chung, Chánh văn phòng Sở cho biết, số ngày nghỉ Tết dự kiến của học sinh nhiều hơn một ngày so với thời gian nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.

Lý giải việc cho học sinh trở lại trường vào thứ Sáu (27/1), một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, lịch nghỉ dự kiến của Thành phố được thiết kế theo khung đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh tiểu học đến trường từ thứ Hai đến thứ Sáu, cấp THCS và THPT học thêm thứ Bảy. Nếu kéo dài lịch nghỉ Tết thêm ba ngày (27 - 29/1), học sinh THCS, THPT bị ảnh hưởng hai buổi học; hàng trăm nghìn trẻ mầm non, học sinh tiểu học có thể không có người trông, do bố mẹ đi làm theo lịch chung.

Các em trở lại trường vào thứ Sáu ngày 26/1, gặp thầy cô, bạn bè dịp đầu xuân và làm quen trở lại với nhịp học, sau đó có thêm 1 - 2 ngày nghỉ cuối tuần rồi thứ Hai tuần tới vào guồng học cũ là hợp lý.

Năm học 2022 - 2023, Hà Nội có hơn 2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông các cấp. Các năm trước, học sinh thường được nghỉ Tết Nguyên đán 7 - 9 ngày.

Hồi đầu tháng, TP.HCM từng công bố lịch nghỉ Tết 9 ngày cho học sinh, từ 18 - 26/1/2023 (27 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng âm lịch). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng thời gian nghỉ Tết như vậy là ngắn, học sinh trở lại trường vào thứ Sáu, sau đó lại nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, gây bất tiện trong di chuyển, đặc biệt với các gia đình có quê ở xa. Một ngày sau, UBND TP.HCM quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết của học sinh từ 9 lên 12 ngày.

Kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến vi phạm tại 11 dự án du lịch ở TT-Huế

Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận tại 11 dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh TT-Huế có nhiều thiếu sót và vi phạm, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan kiểm điểm trách nhiệm.

Trong giai đoạn từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2017, việc thực hiện chính sách, pháp luật tại 11 dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh TT-Huế còn để xảy ra vi phạm, khuyết điểm

Trong giai đoạn từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2017, việc thực hiện chính sách, pháp luật tại 11 dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh TT-Huế còn để xảy ra vi phạm, khuyết điểm

Trước đó, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận về thanh tra công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, chỉ rõ một số vi phạm, khuyết điểm tại 11 dự án đầu tư du lịch ở TT-Huế.

Trong giai đoạn từ 1/1/2007 - 31/12/2017, việc thực hiện chính sách, pháp luật tại 11 dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh TT-Huế còn để xảy ra vi phạm, khuyết điểm, thiếu sót và hạn chế.

Cụ thể, đối với Dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam (huyện Phú Lộc), từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 đến nay, nhà đầu tư dự án chưa thực hiện nội dung nào để triển khai Dự án.

Đối với Dự án đầu tư Khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort, tại TP Huế), việc thực hiện góp vốn điều lệ của các cổ đông không đúng thời hạn. Hiện Dự án vẫn chưa được khởi công thực hiện và chậm tiến độ.

Tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn tại số 50 Hùng Vương (TP. Huế), việc thay đổi thông số quy hoạch (tăng số tầng từ 15 tầng lên 39 tầng, chiều cao tăng từ 70m lên 160m, hệ số sử dụng đất tăng từ 6,0 lần lên 10,2 lần) theo quy định thì phải xác định và nộp bổ sung tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc xác định lại tiền sử dụng đất chưa được thực hiện.

Đối với Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec (huyện Phú Vang), tại thời điểm thanh tra, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chưa được Sở Xây dựng tiếp nhận; tiến độ thực hiện Dự án chậm…

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh TT-Huế phải thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, khẩn trương khắc phục các vi phạm theo nội dung kết luận đã được chỉ ra.

Sửa chữa hầm vượt sông Sài Gòn trong một tháng

Hầm vượt sông Sài Gòn nối TP. Thủ Đức qua Quận 1, được thi công sửa chữa mặt đường trong một tháng để khắc phục tình trạng xuống cấp sau hơn 10 năm khai thác.

Đơn vị thi công sửa chữa mặt đường trong hầm Thủ Thiêm

Đơn vị thi công sửa chữa mặt đường trong hầm Thủ Thiêm

Việc sửa chữa đang được Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) triển khai gần nửa tháng qua, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/12. Các vị trí mặt đường bong tróc, xuống cấp, được đơn vị thi công cào bóc, thay lớp bêtông nhựa mới để đảm bảo an toàn cho xe chạy.

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cho biết, việc thi công được triển khai ở cả hai hướng trong đường hầm, từ 23h đến 4h hôm sau. Công tác sửa chữa tiến hành ở cả làn ô tô và xe máy, nhưng quá trình thi công xe vẫn chạy bình thường vì thời điểm trên chỉ ô tô được qua hầm, lượng xe không nhiều, dễ điều tiết.

Trong khi đó, đại diện nhà thầu thi công cho biết kế hoạch sửa chữa đường hầm sẽ kéo dài đến ngày 9/1/2023. Tuy nhiên đơn vị đang phấn đấu hoàn thành trước Tết Dương lịch để xe qua hầm thuận tiện hơn.

Hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) đưa vào khai thác cách đây 12 năm, là hạng mục quan trọng nhất của đại lộ Đông Tây (trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Hầm dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, 6 làn xe (mỗi bên 3 làn cho ôtô, xe máy); tốc độ 60 km/h. Hiện đường hầm mỗi ngày có trung bình khoảng 55.000 ô tô, 300.000 xe máy chạy qua.

Nợ thuế 11 tháng tăng trên 126 nghìn tỷ đồng, ngành thuế sẽ hoãn xuất cảnh hàng loạt

Tổng số tiền nợ ngành thuế quản lý đến cuối tháng 11 tăng mạnh trên 10% so với cuối năm 2021, tương ứng 126.642 tỷ đồng. Nhiều cục thuế sẽ tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân là người đại diện của những doanh nghiệp đã cưỡng chế nhiều lần nhưng vẫn chây ỳ...

Đến cuối tháng 11, thu hồi nợ thuế ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, đạt 70% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022.

Đến cuối tháng 11, thu hồi nợ thuế ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, đạt 70% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/11 là 126.642 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm cuối tháng 10, tăng tới 10,1% so với thời điểm 31/12/2021 và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Lý giải về tiền thuế nợ tại thời điểm 30/11 tăng so với cuối năm 2021, Tổng cục Thuế cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kèm theo thiên tai, bão lũ gây ra khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng đó, một số lĩnh vực thiếu nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, làm ăn thua lỗ nên không có khả năng nộp ngân sách nhà nước đúng hạn.

Ngoài ra, tiền phạt, tiền chậm nộp cũng tăng so với thời điểm 31/12/2021 do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế.

Lũy kế đến cuối tháng 11, thu hồi nợ thuế ước đạt 29.416 tỷ đồng, đạt 70% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 26.996 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.420 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục