Bản tin thời sự sáng 14/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 2.800 tỷ đồng hỗ trợ thuê trọ có thể được chuyển lại ngân sách nhà nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý giảm thuế VAT với bất động sản, ngân hàng; hơn một triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2023; Công ty PouYuen sẽ không tái ký hợp đồng với hơn 5.700 lao động…

2.800 tỷ đồng hỗ trợ thuê trọ có thể được chuyển lại ngân sách nhà nước

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa xin chuyển lại ngân sách trung ương 2.800 tỷ đồng còn dư của gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ lao động thuê trọ do chưa giải ngân hết.

Gói hỗ trợ thuê trọ đã hỗ trợ 5,2 triệu lượt lao động với số tiền hơn 3.700 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Gói hỗ trợ thuê trọ đã hỗ trợ 5,2 triệu lượt lao động với số tiền hơn 3.700 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay gói đã hỗ trợ 5,2 triệu lượt lao động với số tiền hơn 3.700 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 56% so với dự kiến.

Trong đó, hơn 4,7 triệu lượt công nhân đang làm việc nhận hỗ trợ hơn 3.200 tỷ đồng; 463.000 lượt người trở lại thị trường lao động nhận 539 tỷ đồng. Cả nước có 60 tỉnh, thành thực hiện gói trên; riêng Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu không có nhóm cần hỗ trợ. Số tiền ngân sách nhà nước chi cho gói này hiện dư 2.800 tỷ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá gói này đã kịp thời giúp công nhân khó khăn, không để đứt chuỗi cung ứng lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân thấp do tính toán số lao động cần hỗ trợ ban đầu cao hơn thực tế; thiếu cơ sở dữ liệu về tình trạng nhà ở công nhân.

Nhiều địa phương sợ sai, ban hành kế hoạch lẫn xét duyệt hồ sơ chậm. Nhiều công nhân bỏ qua gói hỗ trợ do thấy thủ tục phức tạp, số tiền hỗ trợ không nhiều, chỉ 1,5 - 3 triệu đồng.

Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, thời gian thực hiện gói hỗ trợ đến hết năm 2023. Hiện 39 tỉnh, thành chưa báo cáo kết quả thực chi ngân sách hỗ trợ tiền nhà để Bộ Tài chính thu hồi hoặc cấp bổ sung kinh phí. Trong khi đó, số tiền còn lại nếu điều chỉnh nhiệm vụ chi phải được Quốc hội cho phép.

Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất kết thúc chính sách hỗ trợ thuê nhà. Số tiền 2.800 tỷ đồng còn dư chuyển lại ngân sách trung ương để làm nhiệm vụ cấp bách khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý giảm thuế VAT với bất động sản, ngân hàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng giảm thuế VAT như năm 2022, tức không giảm với ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng giảm thuế VAT như năm 2022, tức không giảm với ngân hàng, chứng khoán...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng giảm thuế VAT như năm 2022, tức không giảm với ngân hàng, chứng khoán...

Ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 23 cho ý kiến Dự thảo nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng đọc tờ trình, cho biết Chính phủ đề xuất tất cả hàng hoá, dịch vụ đang chịu thuế VAT 10% được giảm về 8%. Theo đó, cơ sở kinh doanh (hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm tính thuế VAT khi xuất hoá đơn với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế này.

Thời gian giảm thuế VAT về 8% được Chính phủ đề xuất áp dụng trong 6 tháng, tức đến hết năm 2023. Ước tính ngân sách nhà nước giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.

Thẩm tra nội dung này, bà Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban không đồng tình việc giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hoá, dịch vụ. Thay vào đó, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ áp dụng như đã thực hiện năm ngoái theo Nghị quyết 43 - tức không giảm 2% thuế VAT với các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm.

Việc này, theo cơ quan thẩm tra, giúp ngân sách nhà nước giảm ít hơn khoảng 9.000 tỷ đồng so với phương án hạ thuế với tất cả hàng hoá, dịch vụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, chỉ áp dụng phạm vi đối tượng giảm thuế như Nghị quyết 43 do đã được đánh giá kỹ, cũng thuận lợi cho Chính phủ trong thực thi chính sách. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến 31/12/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung đề xuất giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào 22/5.

Hơn một triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2023

Cả nước có 1.025.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm ngoái khoảng 24.000 em.

Cả nước có 1.025.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2023

Cả nước có 1.025.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2023

Tới 17h ngày 13/5, Hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khóa chức năng đăng ký dự thi sau 10 ngày mở. Theo thống kê của Bộ, có hơn 976.800 học sinh lớp 12 đăng ký thành công, số thí sinh tự do là hơn 48.300.

Trong số này, hơn 917.700 em sẽ dùng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học. Số thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT là hơn 73.200. Số chỉ thi để xét tuyển vào đại học là hơn 34.200.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong hai ngày 28 - 29/6. Học sinh lớp 12 phải làm 4 bài thi để được xét công nhận tốt nghiệp. Trong đó, 3 bài độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 trong 2 bài tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc lịch sử, địa lý với giáo dục thường xuyên).

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố số thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị hoàn thành việc rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh đến ngày 28/5. Thí sinh nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT 2023 chậm nhất vào ngày 18/6.

Thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến vào 8h sáng ngày 18/7. Thí sinh có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển đại học đến 17h ngày 30/7.

Công ty PouYuen sẽ không tái ký hợp đồng với hơn 5.700 lao động

Do khó khăn về đơn hàng sản xuất, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen) có kế hoạch sẽ không tái ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) khi hết hạn với 5.744 người lao động trong tháng 6 và 7/2023.

Dự kiến hơn 5.700 công nhân Công ty PouYuen sẽ không được tái ký hợp đồng lao động trong tháng 6 và 7 do Công ty khó khăn về đơn hàng

Dự kiến hơn 5.700 công nhân Công ty PouYuen sẽ không được tái ký hợp đồng lao động trong tháng 6 và 7 do Công ty khó khăn về đơn hàng

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM cho biết, Công ty PouYuen có kế hoạch sắp xếp lại lao động theo nguyên tắc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động. Công ty PouYuen sẽ có hai đợt gặp mặt với những công nhân không được tiếp tục tái ký HĐLĐ vào các ngày 20/5 và ngày 3/6 để thông báo tình hình cho các công nhân biết. Sau đó, dự kiến, đợt một Công ty sẽ không tiếp tục ký HĐLĐ với hơn 4.500 lao động vào ngày 24/6 và đợt hai không tiếp tục ký HĐLĐ với trên 1.200 lao động vào ngày 8/7.

Việc thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện của người lao động, nếu người lao động không đồng ý thì vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty. Số lượng người nghỉ việc sẽ được Công ty công bố chính thức sau buổi tiếp xúc với người lao động và đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Những công nhân không được tái ký HĐLĐ sẽ được Công ty hỗ trợ mỗi năm làm việc 0,8 tháng lương. Đồng thời, Công ty cũng sẽ không cắt giảm lao động có hoàn cảnh khó khăn như công nhân bị ốm đau...

Công ty PouYuen sẽ trả lương và đóng BHXH cho tất cả những công nhân này đến hết tháng 6/2023. Công ty cam kết các chế độ giải quyết cho người lao động đảm bảo quy trình và theo đúng quy định của pháp luật, không để người lao động thiệt thòi khi nghỉ việc.

Khởi công khu phi thuế quan cảng biển lớn nhất Việt Nam

Dự án Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu quy mô 752 ha với tổng mức đầu tư 11.110 tỷ đồng ở đảo Cát Hải (TP. Hải Phòng) vừa được khởi công chiều 13/5.

Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu (TP. Hải Phòng)

Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu (TP. Hải Phòng)

Dự án được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 4/2021, do Công ty CP Đầu tư Xuân Cầu - Lạch Huyện đầu tư tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, huyện đảo Cát Hải.

Khi hoàn thành, đây sẽ là khu phi thuế quan cảng biển lớn nhất Việt Nam với 369 ha khu sản xuất công nghiệp và 173 ha khu dịch vụ kho bãi - logistics. Khu công nghiệp gắn liền cảng biển sẽ được hình thành, đóng vai trò hậu cần cho cảng Lạch Huyện, nơi có khả năng tiếp nhận tàu container tải trọng đến 150.000 DWT.

Giai đoạn một của Dự án dự kiến hoàn thành năm 2025, giai đoạn hai năm 2030 và giai đoạn 3 năm 2033; kỳ vọng sẽ thu hút 40.000 - 50.000 lao động.

Dự án được áp dụng nhiều ưu đãi như miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa xuất khẩu từ đây ra nước ngoài và ngược lại; miễn thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng mua bán với nước ngoài và với các khu phi thuế quan khác. Doanh nghiệp đầu tư tại Dự án còn được hưởng các chính sách đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian.

Vàng đồng loạt giảm giá

Phiên giao dịch ngày 13/5, giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt quay đầu giảm. Giá vàng miếng SJC xuống quanh mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC xuống quanh mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC xuống quanh mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng

Sáng 13/5, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn niêm yết 56,35 - 57,35 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng.

Công ty Bảo tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long ở mức 56,46 - 57,46 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua vào - bán ra vàng miếng SJC giảm xuống ở mức 600.000 đồng/lượng. Trong khi đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng nhẫn tròn trơn tăng lên 1 triệu đồng/lượng.

Khoảng chênh lệch giá mua vào - bán ra khiến người mua vàng lỗ nặng ngay khi nắm giữ. Điều này khiến nhà đầu tư Việt không còn mặn mà với đầu tư vàng. Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, nhu cầu tiêu dùng vàng của người Việt đã giảm xuống 17 tấn vàng, giảm gần 3 tấn vàng so với cùng kỳ năm trước.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.004 USD/ounce, giảm 12 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 56,5 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí).

Doanh nghiệp gạo kinh doanh ảm đạm dù giá liên tục tăng

Gạo xuất khẩu Việt Nam tăng giá liên tục, tuy nhiên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành lại bị bào mòn bởi giá vốn và chi phí lãi vay cao.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tương ứng hơn 1,5 tỷ USD. Kết quả trên tăng 44% về khối lượng và 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8%. Mức giá này giúp gạo Việt vượt Thái Lan vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và cũng là mức cao nhất hai năm qua.

Giá tăng liên tục nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gạo kém khả quan. Tập đoàn Lộc Trời (LTG) quý đầu năm lỗ hơn 80 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 184 tỷ đồng, hay quý cuối năm 2022 lãi gần 209 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết, chi phí lãi vay tăng mạnh (gấp gần 3 lần) là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ.

Dù kinh doanh nhiều mảng, gạo vẫn là xương sống của doanh nghiệp này khi chiếm hơn 68% tổng doanh thu, tương đương hơn 1.675 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn bán hàng chiếm tỷ trọng lớn nên mảng gạo chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lãi gộp. Mức này thấp hơn một nửa so với 3 tháng đầu năm 2022.

Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Công ty CP Tập đoàn PAN hay Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) không đến mức thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng giảm mạnh. Trong đó, Trung An ghi nhận doanh thu giảm 6%, lãi sau thuế giảm đến 69% còn 8,5 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), lợi nhuận trước thuế quý I xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ vẫn lỗ hơn 7 tỷ đồng. Lãi nhỏ giọt dù doanh thu đã tăng 65%, đạt gần 4.170 tỷ đồng. Kỳ này, biên lợi nhuận của Công ty khá mỏng, các khoản chi phí tăng mạnh đã làm xói mòn lợi nhuận.

Mực nước hồ Trị An thấp nhất 12 năm

Mực nước ở hồ Thuỷ điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) xuống thấp nhất trong 12 năm, cận mực nước chết khiến lòng hồ trơ đáy, người dân có thể đi lại giữa lòng hồ.

Chiếc thuyền ngư dân để lại giữa lòng hồ nứt nẻ do nắng hạn

Chiếc thuyền ngư dân để lại giữa lòng hồ nứt nẻ do nắng hạn

Ngày 13/5, ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An cho biết, lượng nước về hồ Trị An trong mùa khô năm nay giảm sâu, có lúc đến 50,5 m. Đây là mức cận với mực nước chết của hồ (50 m).

Theo ông Nhẫn, mực nước này thấp nhất trong vòng 12 năm qua, chỉ hơn năm 2009 (49,99 m). Dù mực nước thấp, nhưng nhờ có cơ chế vận hành liên hồ thủy điện trên sông Đồng Nai nên hiện Công ty vẫn vận hành 4 tổ máy. Những ngày qua, do có nhiều cơn mưa nên mực nước hồ đã lên lại 51 m. Nước về hồ tuần qua trung bình 200 m3/s nên không còn lo việc thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ở hạ nguồn, nguy cơ thiếu điện cũng đã giảm.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Trị An, hồ ngoài phục vụ sản xuất điện, còn có nhiều chức năng khác. Trong đó có việc điều tiết nước về hạ nguồn cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho gần 12 triệu dân Đồng Nai và TP.HCM. Do đó, công tác điều phối nước rất quan trọng, với mục tiêu không để xảy ra thiếu nước.

Hồ Trị An rộng 32.000 ha, trước đây nước ngập mênh mông. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều đoạn thượng nguồn phía sông Đồng Nai, La Ngà chảy vào hồ đã cạn khô đáy. Những bến cá truyền thống của ngư dân muốn ra đến mép sông Đồng Nai phải chạy xe máy đi giữa lòng hồ hơn 10 km. Lòng hồ nứt nẻ, cá chết khô, lưới, thuyền của ngư dân cũng bị bỏ lại.

Nhà máy Thủy điện Trị An được xây dựng từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Đây là công trình thuỷ điện lớn nhất miền Nam với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400 MW.

Tin cùng chuyên mục