Khởi tố một giám đốc và người giám sát trong vụ sạt lở ở Đà Lạt
Công an TP. Đà Lạt vừa khởi tố bị can trong vụ sập ta luy kinh hoàng ở Đà Lạt làm 2 người chết, 5 người bị thương, nhiều căn nhà bị sụp đổ, hư hỏng.
Vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng tại hẻm Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt |
Ngày 13/7, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Lạt đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can trong vụ sập ta luy gây hậu quả nghiêm trọng ở hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị can bị khởi tố bao gồm: Nguyễn Uy Vũ, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng, đơn vị thiết kế và thi công bờ kè ta luy bị sập gây sạt lở đất; Dương Viết Phong, người giám sát thi công thuộc một đơn vị tư nhân.
Trước đó, ngày 29/6, ta luy tại hẻm 15/2 Yên Thế bị sụp kéo theo lượng lớn đất đá đổ xuống hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám khiến đôi vợ chồng bị đất vùi lấp, tử vong, 5 người khác bị thương. Mặt khác, 1 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn, 3 căn nhà khác và một số công trình điện, nước, đường giao thông… bị hư hỏng.
Ngày 2/7, Công an TP. Đà Lạt đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra những sai phạm liên quan vụ sạt lở ta luy này.
Công an TP. Đà Lạt đã triệu tập hàng chục người đến làm việc, cung cấp thông tin liên quan. Cơ quan này cũng tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập các thông tin liên quan về lô đất nơi xảy ra vụ việc, giấy phép xây dựng, thiết kế, thẩm định... để điều tra làm rõ.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đã triệu tập Công ty CP Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng và Công ty TNHH Hà Phát Thịnh cùng 4 cá nhân là chủ đầu tư công trình đến làm việc.
Hiện, nguyên nhân vụ sạt lở đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại học Quốc gia Hà Nội đưa 6.000 sinh viên lên Hòa Lạc
Cơ sở Hòa Lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đón khoảng 6.000 học sinh, sinh viên từ 8 trường, khoa trực thuộc, tăng gấp 3 so với năm ngoái.
Một góc Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc |
Theo kế hoạch của Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường có sinh viên học tại Hòa Lạc trong năm học tới gồm sinh viên năm nhất trường Đại học Y Dược và Đại học Công nghệ, Trường Đại học Việt Nhật, Luật, Khối sư phạm trường Đại học Giáo dục, Trường Quốc tế, Khoa các Khoa học liên ngành và toàn bộ khối 10 trường THPT Khoa học Giáo dục (HES).
Việc đưa sinh viên lên học tại Hòa Lạc đã được thực hiện từ năm ngoái với khoảng 2.000 em ở bốn trường thành viên là Y Dược, Việt Nhật, Giáo dục và Quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu cho số lượng học sinh, sinh viên gấp ba lần năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bộ các khu liên quan như giảng đường, khu nội trú, khu nghiên cứu, giáo dục thể chất, các khu hoạt động trải nghiệm.
Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 10/2013, gồm 21 dự án, quy mô đáp ứng khoảng 60.000 sinh viên.
Hồi đầu tháng 7, Trưởng ban Xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết đã hoàn thiện khu giảng đường cho hàng nghìn sinh viên. Trường Quốc tế tại Hòa Lạc sẽ được khởi công cuối năm nay với quy mô gần 13.000 m2 sàn xây dựng. Khu ký túc xá số 4 với hơn 5.000 chỗ ở cũng được hoàn thiện và sử dụng trong thời gian tới.
Dự kiến đến năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa khoảng 15.000 sinh viên đến học tập tại đây.
Hủy thu hồi đất tại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận ra thông báo hủy việc thu hồi đất để thực hiện hai dự án điện hạt nhân, trả lại quyền sử dụng đất cho hơn 1.000 hộ dân.
Thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), nơi được quy hoạch làm Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 |
Thông báo hủy việc thu hồi đất để xây Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) được UBND tỉnh Ninh Thuận ký ngày 13/7.
Theo ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, từ 13/7, người dân trong vùng dự án được thực hiện các quyền sử dụng trên diện tích đất sở hữu như trước đây. "Với thông báo này, người dân có quyền sang nhượng, tách sổ, kế thừa, xây dựng nhà ở trên đất... trở lại bình thường như trước", ông Cảnh nói.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, lý do hủy các thông báo thu hồi đất trước đó nhằm thực hiện Nghị quyết 31 ngày 22/11/2016 của Quốc hội dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và theo chủ trương gần đây của Chính phủ tạo điều kiện cho người dân trong vùng các dự án quy hoạch từ nhiều năm nhưng chưa thể triển khai.
UBND hai huyện Ninh Hải và Thuận Nam được giao chỉ đạo xã Vĩnh Hải và xã Phước Dinh thông tin cho các hộ gia đình, cá nhân có đất biết; hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như: kê khai, đăng ký đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... theo quy định.
Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, tổng công suất 4.000 MW, được Quốc hội thông qua năm 2009. Nhà máy 1 được quy hoạch tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) rộng 440 ha. Nhà máy 2 được quy hoạch tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) rộng 380 ha.
EVN nợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gần 1 tỷ USD
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ doanh nghiệp này 23.000 tỷ đồng, ảnh hưởng tới cân đối dòng tiền, sản xuất kinh doanh.
Cụm khí điện - đạm Cà Mau |
Thông tin này được PVN nêu trong kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Nửa đầu năm nay, tập đoàn này ghi nhận doanh thu 420.100 tỷ đồng, giảm trên 10% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất không được Tập đoàn công bố cụ thể nhưng cho biết kết quả đã vượt cao so với mục tiêu.
Tập đoàn này cho biết, một trong những khó khăn hiện nay là khoản nợ của EVN gần 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), riêng nợ mua điện từ Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) khoảng 13.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ đến hạn thanh toán hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và cân đối dòng tiền của PVN.
EVN nợ số tiền lớn với các đối tác mua điện do họ gặp khó khăn về tài chính. Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 của tập đoàn này cho thấy ghi nhận lỗ thuần hợp nhất từ kinh doanh hơn 19.500 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi hơn 17.800 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, EVN lỗ ròng hợp nhất năm ngoái hơn 20.700 tỷ đồng.
Ngoài khó khăn về khoản nợ lớn chưa thu hồi nêu trên, PVN cho biết, ngành dầu khí chịu tác động lớn từ các yếu tố vĩ mô trong nước, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ 2022. Trong đó, giá dầu thô, khí, biên lợi nhuận xăng dầu, lọc dầu đều sụt giảm. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm đã giảm từ 25 - 27% so với cùng kỳ; giá phân bón ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn.
Việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng với tính ổn định không cao dẫn đến các nhà máy điện khí huy động lên xuống liên tục. Việc này dẫn tới xác suất sự cố các tổ máy gia tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện.
6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện của PVN đạt gần 12,7 tỷ kWh, tăng 4,5% kế hoạch. Tập đoàn này khai thác 5,3 triệu tấn dầu thô, trong đó 83% là trong nước, còn lại khoảng 900.000 tấn tại nước ngoài.
Cần Thơ xin dừng đề án thu phí đỗ ôtô theo giờ
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Cần Thơ kiến nghị dừng triển khai đề án thu phí đỗ ôtô theo giờ do trùng việc thu phí sử dụng lòng, lề đường đang thực hiện và người dân phản ứng.
Một làn đường Châu Văn Liêm ở quận Ninh Kiều được trưng dụng làm bãi đỗ ôtô |
Thông tin được Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ Nguyễn Đăng Khoa cho biết ngày 13/7.
Theo ông Khoa, Sở được giao xây dựng đề án thu phí đỗ xe tại các tuyến đường trung tâm thành phố và các quận, huyện theo Nghị quyết 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Mức phí dự kiến 15.000 - 20.000 đồng tùy loại ôtô cho hai giờ đầu tiên, tăng dần nếu thời gian gửi kéo dài hơn. Thời gian thu từ 5 - 24h.
Tuy nhiên, qua rà soát, đơn vị nhận thấy có sự tương đồng với Nghị quyết 03/2017 của HĐND Thành phố đang thực hiện. Cụ thể, Cần Thơ đã ban hành quy định về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Luật Phí và lệ phí tại 17 tuyến đường ở quận Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt. Hiện, quận Ninh Kiều đã cho đấu thầu một phần các tuyến đường để làm bãi giữ xe, giá được tính theo lượt ngày đêm.
Đồng thời, khi khảo sát, người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường dự kiến thu phí đỗ ôtô theo giờ đều phản ứng, không đồng tình việc thu phí.
Thay vào đó, để tăng nguồn thu ngân sách, Sở GTVT đề xuất các quận, huyện tiếp tục thu phí sử dụng tạm thời lòng đường theo quy định đã được UBND TP. Cần Thơ ban hành.
Hiện, Cần Thơ có gần 55.700 ôtô, hơn 953.000 xe máy và khoảng 1.000 xe máy điện. Lượng xe tăng nhanh dẫn đến nhu cầu lớn về chỗ đỗ ôtô, nhiều xe đậu đỗ không đúng quy định, gây ùn tắc.
Nhiều năm qua, Cần Thơ kêu gọi đầu tư gần 170 bãi đậu xe. Đến nay có một dự án được xây dựng với diện tích 4.200 m2, đáp ứng nhu cầu đậu đỗ 1.000 ôtô, xe máy, chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Chuyển công an điều tra 6 cơ sở đào tạo lái xe
Thanh tra Bộ GTVT đã chuyển thông tin nghi vấn sai phạm của 6 cơ sở đào tạo lái xe cho cơ quan công an điều tra, xử lý.
Thiết bị DAT trên xe tập lái |
Theo Thanh tra GTVT, 6 cơ sở đào tạo lái xe bị phát hiện có một số nghi vấn sai phạm như phiên học trùng xe tập lái; trùng tên học viên trên xe tập lái cùng một thời điểm; có biểu hiện gian lận can thiệp dữ liệu, thiết bị DAT (thiết bị điện tử trên ôtô tập lái để giám sát thời gian, quãng đường thực hành lái xe).
Ba đoàn thanh tra Bộ đã kiểm tra 40 trong số 63 Sở GTVT trên toàn quốc, ghi nhận nhiều hạn chế trong đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe như các trung tâm đào tạo khai thác dữ liệu DAT để quản lý đào tạo chưa tốt; giám sát khóa học, kỳ thi cấp giấy phép lái xe thực hiện còn hình thức, cơ sở gửi báo cáo Sở GTVT chậm nhiều ngày.
Qua thanh tra 6 tháng, các Sở GTVT đã thu hồi giấy phép của một cơ sở đào tạo lái xe; xử phạt vi phạm hành chính 177 cơ sở, trong đó đình chỉ tuyển sinh 85, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe của 15 đơn vị.
Cả nước hiện có 289 cơ sở đào tạo lái môtô, 361 cơ sở đào tạo lái ôtô, 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái ôtô gồm Vĩnh Long, Bắc Kạn, Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh và Bạc Liêu. Các tỉnh còn lại có 148 trung tâm, bao gồm 50 trung tâm loại một (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F) và 98 trung tâm loại hai (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C).
Xả thải ra sông Vàm Cỏ Đông, hai công ty bị phạt 1,6 tỷ đồng
Chính quyền tỉnh Tây Ninh thu hồi giấy phép môi trường và phạt mỗi doanh nghiệp 800 triệu đồng vì lắp đặt ống xả thải ra sông Vàm Cỏ Đông.
Một đoạn sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua địa bàn Tây Ninh |
Quyết định xử phạt Công ty TNHH Đặng Hùng Duy và Công ty TNHH Tân Thúy về hành vi xả thải ra môi trường được UBND tỉnh Tây Ninh đưa ra ngày 13/7. Hai doanh nghiệp này đều chuyên sản xuất chế biến tinh bột sắn và cùng đóng tại xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành.
Trước đó, người dân ven sông Vàm Cỏ Đông (dài 105 km, chảy qua hai tỉnh Tây Ninh và Long An) đoạn qua thị xã Hòa Thành liên tục phát hiện nước chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Vào cuộc thanh kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện công ty Đặng Hùng Duy đã lắp đặt máy bơm và đường ống tại bể nước thải tập trung dẫn ra suối Đoạn Trần. Việc này nằm ngoài giấy phép xả thải.
Tương tự, Công ty Tân Thúy cũng lắp đặt đường ống tại vị trí hố ga từ bể thu gom dẫn ra suối Đoạn Trần không nằm trong giấy phép xả thải.
Công an TP.HCM kiểm tra tất cả cơ sở lưu trú có người nước ngoài
Cho rằng chủ căn hộ chung cư, nhà cho thuê... không khai báo lưu trú cho người nước ngoài đã làm tăng nguy cơ tội phạm hoạt động, Công an TP.HCM mở đợt tổng kiểm tra.
Một số người nước ngoài hoạt động phạm tội, bị Công an TP.HCM phát hiện gần đây |
Phòng Cảnh sát quản lý Xuất nhập cảnh (PA08) Công an TP.HCM cho biết, việc kiểm tra này sẽ kéo dài một tháng - bắt đầu từ ngày 1/8, tập trung xử lý chủ hộ, người quản lý, đã không thực hiện đúng trách nhiệm khai báo tạm trú cho khách thuê.
TP.HCM có khoảng 100.000 người nước ngoài cư trú (đông nhất cả nước), với 80.000 cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà cho thuê, ký túc xá, khu lưu trú trong bệnh viện, khu công nghiệp, nhà riêng...)
Theo lãnh đạo PA08, thời gian qua lực lượng chức năng đã tuyên truyền, kiểm tra xử lý nhưng tình trạng không khai báo tạm trú cho người nước ngoài vẫn diễn ra nhiều, là điều kiện cho các nhóm tội phạm hoạt động. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện hơn 5.300 vụ (23 tổ chức và gần 5.650 cá nhân) vi phạm từ hành chính đến hình sự; phần lớn xảy ra trong chung cư, khu dân cư biệt lập, nhà riêng ít người qua lại và không được khai báo tạm trú.
"Trong đó nổi lên là tình trạng nhập cảnh trái phép để lừa đảo công nghệ cao, tổ chức cá cược, cho vay nặng lãi qua Internet. Thủ đoạn của các nhóm này là thuê các căn nhà biệt lập, chung cư thiếu quản lý chặt chẽ để hoạt động phạm tội", lãnh đạo PA08 nói.