Hợp long cầu vượt cửa biển Thuận An
Cầu vượt cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) dài nhất Bắc Trung Bộ nằm trong dự án đường ven biển giai đoạn 1 được hợp long ngày 30/4.
![]() |
Cầu bắc qua cửa biển Thuận An đã thành hình |
Cầu bắc qua cửa biển Thuận An ở phường Thuận An, quận Thuận Hóa, được xây dựng bằng bêtông cốt thép và dự ứng lực, sử dụng kết cấu dầm, cáp hỗn hợp cho các nhịp chính, với nhịp lớn nhất dài 218 m. Đây là dạng kết cấu lai giữa cầu bêtông cốt thép dự ứng lực ngoài và cầu dây xiên.
Theo thiết kế, cầu dài 2,36 km, rộng 20 m, riêng các nhịp chính rộng 23,5 m. Cầu nằm trong dự án tuyến đường bộ ven biển TP. Huế với tổng kinh phí giai đoạn 1 hơn 2.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Huế cho biết, cầu hợp long đúng tiến độ đề ra. Sau ngày hợp long, các đơn vị thi công sẽ hoàn thiện các hạng mục còn lại để thông xe kỹ thuật ngày Quốc khánh 2/9.
Ngoài cầu vượt cửa biển Thuận An, giai đoạn 1 tuyến đường ven biển với điểm đầu nút giao ở cầu Tam Giang và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 49A, 49B cũng sẽ được nhà thầu tập trung thi công, hoàn thành đúng tiến độ.
Cầu vượt cửa biển Thuận An được khởi công xây dựng vào tháng 3/2022. Trong tương lai, cầu và tuyến đường ven biển sẽ góp phần hình thành quỹ đất ven biển khoảng 1.500 ha để phát triển đô thị, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đến triển khai dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, resort và dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
96% người dân Hà Nội đồng tình tên xã phường sau sắp xếp
Hà Nội đã hoàn tất quá trình lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, với 96% đồng thuận cách đặt tên các phường, xã mới.
![]() |
Hồ Gươm nhìn từ trên cao |
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, 38 đơn vị đạt tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối (100%) về phương án sắp xếp và gần như tuyệt đối về tên gọi. Việc giữ nguyên tên của 30 quận, huyện, thị xã để đặt cho một phường tiêu biểu là một chủ trương được người dân Thủ đô và cả nước ủng hộ. "Điều này không chỉ đảm bảo lưu giữ truyền thống, tình cảm gắn bó với các địa danh đã in sâu trong tiềm thức, mà còn tạo sự đồng thuận cao", ông Cảnh nói.
Đối với các phường, xã mới không nằm trong địa danh, địa bàn tiêu biểu, thành phố ưu tiên lựa chọn tên của các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống tiêu biểu của địa phương đó để đặt tên. Cách tiếp cận này cũng nhận được sự tỷ lệ đồng tình và ủng hộ lớn từ cộng đồng.
30 quận, huyện, thị xã được giữ lại tên gồm: 12 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm), 17 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây.
Một số tên phường, xã mới mang dấu ấn văn hóa, lịch sử, là: Ngọc Hà, Giảng Võ (Ba Đình); Cửa Nam (Hoàn Kiếm); Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Đống Đa); Phú Thượng (Tây Hồ); Bạch Mai, Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng); Việt Hưng, Bồ Đề, Phúc Lợi (Long Biên); Tân Triều, Ngọc Hồi (Thanh Trì); Phù Đổng, Bát Tràng (Gia Lâm); Trung Giã (Sóc Sơn); Sơn Đồng, An Khánh (Hoài Đức); Quảng Oai, Vật Lại, Cổ Đô (Ba Vì); Chương Dương, Hồng Vân (Thường Tín).
Theo ông Cảnh, toàn thành phố chỉ có hai trường hợp thay đổi tên so với dự thảo ban đầu sau khi lắng nghe ý kiến nhân dân. Đó là xã Liên Minh (Đan Phượng), ban đầu dự kiến tên Thọ Lão; và xã Bất Bạt (Ba Vì), ban đầu dự kiến tên Cẩm Đà.
Hà Nội dự kiến giảm từ 526 phường, xã xuống còn 126 (73 xã, 53 phường), giảm 76%. Đơn vị hành chính mới có diện tích nhỏ nhất là phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm) với 1,65 km2, lớn nhất là xã Ba Vì (huyện Ba Vì) với 81,29 km2. Về dân số, phường Hồng Hà (quận Tây Hồ) đông nhất với hơn 126.000, xã Minh Châu (huyện Ba Vì) ít nhất với hơn 6.600.
Lâm Đồng dự kiến bố trí chỗ ở cho khoảng 880 cán bộ sau sáp nhập
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng lên phương án bố trí nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập ở trung tâm thành phố Đà Lạt.
![]() |
Một góc trung tâm thành phố Đà Lạt |
Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo gửi Sở Nội vụ về số liệu liên quan sắp xếp chỗ ở, trụ sở làm việc sau khi sáp nhập tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông.
Theo số liệu thống kê, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông hiện nay là khoảng 2.200 người, sau khi giảm 20% sẽ còn khoảng 1.760 người.
Sau sáp nhập tỉnh, khoảng 880 cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương có nhu cầu về chỗ ở.
Theo Sở Tài chính Lâm Đồng, đối với 880 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu về chỗ ở, cơ quan chức năng lên phương án bố trí tại các địa chỉ nhà ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Trong đó, 28 cán bộ là Thường vụ Tỉnh ủy của Bình Thuận và Đắk Nông dự kiến được bố trí chỗ ở tại khu nhà công vụ của Tỉnh ủy Lâm Đồng, số 7 và số 11 Trần Hưng Đạo, nhà số 5 Nguyễn Thái Học.
129 cán bộ là giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành dự kiến được bố trí chỗ ở tại nhà số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (cơ sở có 80 phòng).
723 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các phòng, ban, đơn vị dự kiến được bố trí chỗ ở tại nhà số 1 Lữ Gia, số 3 Pasteur, số 284 Phù Đổng Thiên Vương, số 32 Nguyễn Du, số 29A Hùng Vương…
Trước đó, ngày 14/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo quyết định này, tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng sẽ được sáp nhập thành tỉnh mới có tên gọi Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 24.233km2, quy mô dân số hơn 3,3 triệu người. Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Lâm Đồng dự kiến được đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Cáp quang biển APG sửa xong, Internet Việt Nam ổn định
Với việc khắc phục thành công tuyến APG, tất cả cáp quang biển kết nối tới Việt Nam đều hoạt động bình thường, ổn định trước kỳ nghỉ lễ.
![]() |
Cáp quang biển APG sửa xong. Ảnh minh họa |
Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cho biết tuyến cáp APG nối Việt Nam đi quốc tế đã gặp sự cố từ tháng 2 và vừa được khắc phục.
"Phía đối tác quốc tế đã cấu hình lại nguồn, sửa lỗi trên nhánh S9 tới Singapore và S1.9 tới Malaysia. Dung lượng kết nối đã khôi phục hoàn toàn", nguồn tin cho biết.
APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới vùng biển Thái Bình Dương. Tuyến có băng thông 54 Tbps, kết nối 9 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Việt Nam...
Hiện Việt Nam có 6 tuyến cáp quang biển kết nối quốc tế, gồm APG, IA, AAE-1, AAG, SMW-3 và ADC vừa đưa vào hoạt động ngày 16/4. Với việc hoàn tất sửa chữa APG, toàn bộ các tuyến đều vận hành bình thường, đảm bảo năng lực kết nối Internet quốc tế. Đây là một trong những yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra với doanh nghiệp viễn thông.
TP.HCM hướng đến GRDP đầu người trên 200 triệu đồng năm nay
TP.HCM đặt chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2025 là 204,3 triệu đồng, tương đương hơn 7.850 USD theo tỷ giá hiện hành.
![]() |
TP.HCM góc nhìn từ trên cao |
Đây là nội dung trong văn bản đăng ký chỉ tiêu giao ước thi đua năm 2025 do UBND TP.HCM vừa ban hành. Con số này cao hơn 57% so với mục tiêu GDP bình quân đầu người cả nước năm nay của Chính phủ là trên 5.000 USD.
GRDP bình quân đầu người được tính bằng cách lấy tổng sản phẩm trên địa bàn chia cho dân số trung bình. Chỉ số này phản ánh giá trị hàng hóa và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một năm tính trên bình quân một người dân.
TP.HCM thuộc cụm giao ước thi đua 6 thành phố trực thuộc trung ương năm 2025, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế. Vào 2024, GRDP bình quân đầu người TP.HCM khoảng 7.600 USD, tức hơn 197 triệu đồng theo tỷ giá hiện hành, đứng thứ 2 trong 6 thành phố trực thuộc trung ương, sau Hải Phòng.
Trong khi đó, TP.HCM đứng thứ 3 cả nước về mức độ đắt đỏ, sau Hà Nội và Quảng Ninh trong xếp hạng chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2024. Khảo sát bởi Cục Thống kê, SCOLI phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân giữa các địa phương.
Cụ thể, TP.HCM có SCOLI bằng 99,8% Hà Nội. Một số nhóm hàng tại đây có giá bình quân thấp hơn Hà Nội như quần áo, dịch vụ ăn uống, văn hóa, giải trí và du lịch, giao thông, thiết bị và đồ dùng gia đình.
Ngược lại, một số nhóm khác đắt đỏ hơn có thể kể đến: nhà ở, giáo dục, thuốc và dịch vụ y tế. Theo Cục Thống kê, TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với thu nhập bình quân đầu người cao kéo theo mức chi tiêu cao nên giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn nhiều địa phương khác.
Bên cạnh chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người, năm nay đầu tàu kinh tế còn đăng ký thi đua các chỉ tiêu với GRDP tăng trên 10%; tổng thu ngân sách 520.089,13 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công là 95% và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu là 52,6 tỷ USD.
Năm ngoái, kết quả tăng trưởng GRDP của TP.HCM đứng thứ 4 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, với 7,17% và chỉ cao hơn Hà Nội (6,5%).
Thanh Hóa thanh tra dự án trung tâm hội nghị 160 tỷ đồng bỏ hoang
Trung tâm hội nghị Hàm Rồng sau nhiều năm bỏ hoang xuống cấp được đưa vào diện thanh tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí.
![]() |
Toàn cảnh Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng |
Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuân Thúy vừa yêu cầu UBND TP Thanh Hóa và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa cung cấp hồ sơ thẩm định dự án, quá trình xây dựng, hoàn công; thông tin kiểm toán, quá trình sử dụng.... liên quan Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng để phục vụ công tác thanh tra.
Hoạt động thanh tra lần này được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đối với các dự án, công trình có dấu hiệu lãng phí, thất thoát tài sản công. Hai cơ quan liên quan được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 5/5.
Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng được khởi công tháng 6/2013, đưa vào sử dụng cuối năm 2014, gồm các hạng mục: Nhà trung tâm hội nghị, nhà đón tiếp và thông tin, khu nhà nghỉ sinh thái và một số công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác... Dự án sau nhiều lần điều chỉnh có tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á và khoảng 10% vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương.
Tổ hợp công trình bề thế là một trong năm hợp phần phát triển toàn diện TP Thanh Hóa, được xây dựng nhằm phục vụ sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và thành phố, song chưa từng diễn ra sự kiện quy mô nào. Năm 2015, khi trụ sở UBND TP Thanh Hóa (trên đường Trần Phú, phường Điện Biên) được dỡ bỏ để xây ở vị trí mới, TP Thanh Hóa đã mượn Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng làm việc.
Năm 2019, trụ sở Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa chuyển về cơ sở mới tại phường Đông Hải, Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng không còn hoạt động. Năm 2020, trung tâm này được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung trong đại dịch Covid-19 nhưng chỉ sử dụng ít tháng, sau đó bỏ hoang đến nay. Hiện nhiều hạng mục tại công trình đã hư hỏng nặng, khuôn viên biến thành nơi thả dê của người dân địa phương.
Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng hiện do UBND TP Thanh Hóa quản lý, chờ tỉnh bố trí cơ quan phù hợp tiếp nhận, sử dụng song chưa lựa chọn được phương án khả thi.
Lạng Sơn thông tin về thời gian thông quan hàng hóa các cửa khẩu dịp Lễ 1/5
Ngoại trừ cặp cửa khẩu Cốc Nam-Lũng Nghịu nghỉ lễ từ ngày 1-5/5, các cặp cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan, Tân Thanh-Pò Chài, Chi Ma-Ái Điểm vẫn thực hiện thông quan bình thường.
![]() |
Phương tiện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. |
Ngày 30/4, Trung tâm Quản lý cửa khẩu (Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn) cho biết đơn vị vừa nhận được thông tin từ Cục Thương mại Bằng Tường và Cục Thương mại huyện Ninh Minh, Quảng Tây (Trung Quốc) về việc điều chỉnh thời gian thông quan tại các cặp cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan, Tân Thanh-Pò Chài, Cốc Nam-Lũng Nghịu, Chi Ma-Ái Điểm trong dịp Ngày Quốc tế lao động 1/5/2025.
Theo đó, tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan, Tân Thanh-Pò Chài vẫn thực hiện thông quan bình thường. Tại cặp cửa khẩu Cốc Nam-Lũng Nghịu, từ ngày 1-5/5 sẽ nghỉ lễ, dừng hoạt động thông quan. Tại cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm vẫn thực hiện thông quan bình thường.
Trung tâm Quản lý cửa khẩu thông báo rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, các cá nhân, doanh nghiệp biết để chủ động trong các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm Quản lý cửa khẩu, số lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan tăng mạnh qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn trong những ngày cuối tháng 4/2025, có thời điểm lên tới trên 1.900 phương tiện/ngày.
Để đảm bảo hoạt động thông quan thông suốt, các cơ quan chuyên môn liên quan của tỉnh đã thường xuyên bám nắm tình hình, chủ động trao đổi với lực lượng chức năng Trung Quốc để thống nhất các biện pháp tiện lợi hóa trong hoạt động thông quan, nhất là việc thống nhất tăng thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu…