Bản tin thời sự sáng 15/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hải Phòng lần đầu bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2024; giá xăng dầu giảm mạnh từ 15h chiều 14/12; EVN vẫn lỗ lớn dù đã 2 lần tăng giá điện trong năm 2023; gộp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1, 2/2024 vào trước Tết…

Hải Phòng lần đầu bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2024

UBND TP. Hải Phòng sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp ở khu vực Nhà hát Thành phố lúc 0h ngày 1/1/2024, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Hải Phòng bắn pháo hoa ở Lễ hội Hoa phượng đỏ

Hải Phòng bắn pháo hoa ở Lễ hội Hoa phượng đỏ

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP. Hải Phòng cho biết, Thành phố tổ chức chương trình nghệ thuật chào năm mới 2024 tại Nhà hát Thành phố vào tối 31/12. Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa dưới 120 m, kéo dài 10 phút với 90 giàn pháo. Thành phố đã xin ý kiến và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý.

Đây là lần đầu tiên TP. Hải Phòng tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch. Trước đó, Thành phố chỉ bắn vào dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội Hoa phượng đỏ hoặc Lễ hội biển ở Đồ Sơn và Cát Bà.

Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 2 triệu dân. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 14,02%/năm, gấp 2,1 lần bình quân chung của cả nước. Trong các năm 2022, 2023, tổng thu ngân sách Thành phố đều trên 100.000 tỷ đồng.

Giá xăng dầu giảm mạnh từ 15h chiều 14/12

Từ 15h ngày 14/12, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 đều giảm giá.

Giá xăng được điều chỉnh mới từ 15h chiều ngày 14/12

Giá xăng được điều chỉnh mới từ 15h chiều ngày 14/12

Cụ thể, giá xăng RON 95-III có mức giá mới là 21.400 đồng (giảm 920 đồng), xăng E5 RON 92 là 20.510 đồng một lít (giảm 780 đồng).

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, giá dầu diesel là 19.000 đồng một lít (giảm 720/lít); dầu hỏa có mức giá mới là 19.690 đồng (giảm 960 đồng/lít); dầu mazut giảm 550 đồng, có giá mới là 14.970 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành không trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đối với tất cả mặt hàng xăng dầu, cũng không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.

Trước đó, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường được áp dụng tại kỳ điều chỉnh ngày 7/12. Cụ thể, xăng E5 RON92 không cao hơn 21.290 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 22.322 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 19.721 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 20.922 đồng/lít và dầu mazut không cao hơn 15.527 đồng/kg.

EVN vẫn lỗ lớn dù đã 2 lần tăng giá điện trong năm 2023

Trong năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng giá điện 2 lần, một lần 3%, một lần 4,5%. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng.

EVN vẫn lỗ dù 2 lần tăng giá điện trong năm 2023

EVN vẫn lỗ dù 2 lần tăng giá điện trong năm 2023

Tại báo cáo mới đây gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết, trong năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức trong đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Trong đó, giá các loại nhiên liệu có giảm so với năm 2022, song vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2020 - 2021.

Kết quả là điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 271,04 tỷ kWh, tăng 3,43% so với năm 2022; điện thương phẩm ước đạt 252,6 tỷ kWh, tăng 4,08% so với cùng kỳ 2022.

Sau hai lần điều chỉnh tăng giá điện thêm 3% và 4,5% trong năm nay, giá bán điện bình quân năm 2023 toàn Tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 68,48 đồng/kWh so với năm 2022.

Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022. Dù tăng giá điện, song EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính là 17.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 622.000 tỷ đồng (bằng 93,4% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 206.000 tỷ đồng (bằng 91,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tập đoàn này nộp ngân sách 21.000 tỷ đồng.

Theo Tập đoàn, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.

Việc tăng 4,5% giá bán lẻ điện kể từ ngày 9/11 giúp EVN thu thêm khoảng 3.200 tỷ đồng từ nay tới cuối năm, điều này cũng giúp Tập đoàn giảm một phần khó khăn của năm 2023.

Năm ngoái, EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng, sau khi tiết giảm các chi phí trên 10.000 tỷ đồng.

Gộp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1, 2/2024 vào trước Tết

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của tháng 1, tháng 2 năm 2024 sẽ được gộp trong cùng kỳ chi trả tháng 1 vào đầu năm, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội vui Tết cổ truyền, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan bưu điện tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1/2024, tháng 2/2024 vào cùng kỳ chi trả tháng 1/2024, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời tới người hưởng.

Cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về kế hoạch triển khai, thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả cho người hưởng và giải quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm phát sinh, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh cần thông báo tới cơ quan bưu điện kế hoạch chi trả; yêu cầu cơ quan bưu điện thông báo lịch chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội dịp này đến người hưởng; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương, cơ quan bưu điện, ngân hàng, trung tâm giới thiệu việc làm… để tuyên truyền vận động, khuyến khích người hưởng nhận chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân để người hưởng được nhận chế độ nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Tại công văn này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đề nghị Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội xây dựng kế hoạch chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của tháng 1/2024, tháng 2/2024 trong kỳ chi trả tháng 1/2024. Đặc biệt, cơ quan bảo hiểm cũng tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi đến nhận.

Như vậy, hơn 3,3 triệu người sẽ được nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của tháng 1/2024, tháng 2/2024 trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thông qua các hình thức chi trả linh hoạt như: chi trả tiền mặt tại các điểm chi trả; chi trả tại nhà; chi trả qua tài khoản cá nhân.

Bến Tre chi hơn 850 tỷ đồng nạo vét luồng sông Tiền

Luồng sông Tiền đoạn nối ra biển thuộc huyện Bình Đại dài 9,8 km sẽ được nạo vét tận thu hơn 10 triệu m3 cát, tổng kinh phí hơn 850 tỷ đồng, triển khai trong 2 năm tới.

Bến Tre chi hơn 850 tỷ đồng nạo vét luồng sông Tiền. Ảnh minh họa

Bến Tre chi hơn 850 tỷ đồng nạo vét luồng sông Tiền. Ảnh minh họa

Thông tin được UBND tỉnh Bến Tre cho biết. Dự án này đã được Tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, phạm vi triển khai từ vàm Bình Thắng đến cửa biển Thừa Mỹ.

Dự án sẽ thi công bằng tàu hút công suất lớn, sau đó dùng xà lan vận chuyển sản phẩm tận thu. Ước tính, tổng khối lượng nạo vét khoảng 10,9 triệu m3, trong đó lượng cát mịn gần 6,5 triệu m3, cát xen bùn sét hơn 4,1 triệu m3.

Các sản phẩm không tận thu được sẽ vận chuyển đến khu vực tiếp nhận cách điểm cuối Dự án khoảng 10 km. Riêng rác hữu cơ vận chuyển tạm về Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại) cách đó 30 km.

Theo ước tính, giá trị thu hồi sản phẩm của Dự án hơn 1.634 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí thực hiện, giá trị chênh lệch còn hơn 778 tỷ đồng sẽ được nhà đầu tư nộp vào ngân sách.

Dự án sẽ đáp ứng cho tàu thuyền có tải trọng khai thác trên 5.000 tấn, bề rộng đáy luồng 160 m, cao trình đáy hơn 11 m.

Việc nạo vét luồng giúp tàu thuyền có tải trọng lớn đi lại từ Biển Đông vào khu vực luồng sông Tiền, cảng Giao Long và các khu công nghiệp của tỉnh Bến Tre.

TP.HCM công bố 32 vị trí sạt lở bờ sông mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm

Ngày 14/12, UBND TP.HCM công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn Thành phố năm 2023, làm ảnh hưởng đến 1.178 hộ dân.

Vị trí sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm tại khu vực rạch Giồng Ông Tố, TP. Thủ Đức

Vị trí sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm tại khu vực rạch Giồng Ông Tố, TP. Thủ Đức

So với năm 2022, trong năm 2023, Thành phố đã xử lý khắc phục giảm được 4 vị trí sạt lở, nhưng lại phát sinh 4 vị trí sạt lở mới nên tổng số các điểm sạt lở không thay đổi. Trong số 32 vị trí sạt lở được công bố, có 9 vị trí được Thành phố đánh giá mức độ đặc biệt nguy hiểm và 23 vị trí mức độ nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến 1.178 hộ dân.

TP. Thủ Đức và huyện Nhà Bè là 2 địa phương có nhiều điểm sạt lở nhất cùng có 7 vị trí, kế đến là huyện Cần Giờ và quận Bình Thạnh cùng 5 vị trí, còn lại các vị trí sạt lở nằm rải rác ở Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Hiện nay vẫn còn 8 trong số 32 vị trí sạt lở đã công bố vẫn chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở, chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Quận 12. Do đó, UBND TP.HCM giao các địa phương phối hợp Sở Giao thông vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở.

Đối với các vị trí sạt lở còn lại đã có chủ trương hoặc dự án triển khai đầu tư xây dựng kè chống sạt lở với tổng chiều dài bờ kè khoảng 16.398 m, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.

Gia Lai phạt chủ đầu tư và đơn vị thi công thủy điện Ia Glae 2

Ngày 14/12, UBND huyện Chư Prông cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng và an toàn đập thuỷ điện đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công Dự án Thủy điện Ia Glae 2, do có các lỗi vi phạm trong quá trình tổ chức thi công, dẫn đến đập tràn công trình bị vỡ trong đợt mưa lớn hồi đầu tháng 10, gây thiệt hại cho vùng hạ lưu.

Hiện trường vụ vỡ đập thuỷ điện

Hiện trường vụ vỡ đập thuỷ điện

Theo đó, Chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 là Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng (địa chỉ tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị phạt 65 triệu đồng về các hành vi: không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công không đúng thiết kế, biện pháp thi công được duyệt; không lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đơn vị thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 là Công ty CP Thành Đạt (trụ sở TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị phạt 60 triệu đồng về hành vi thi công sai hợp đồng xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt hoặc sai chỉ dẫn kỹ thuật.

Cùng với việc nộp phạt, nhà thầu thi công buộc phải xây dựng công trình theo đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt; đơn vị thi công buộc thực hiện theo hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng công trình và chỉ dẫn kỹ thuật theo quy định.

Trước đó, Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 có tổng quy mô công suất 12 MW (xã Ia Ga và xã Ia Vê, huyện Chư Prông). Đêm 8/10, rạng sáng 9/10, ảnh hưởng của mưa lớn, lưu lượng nước từ thượng nguồn suối Ia Glae đổ về gây lũ và đẩy trôi một phần đập tràn của Dự án, với chiều dài tường bê tông bị vỡ khoảng 50 m, gây thiệt hại hoa màu của người dân vùng hạ du.