Bản tin thời sự sáng 15/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 5%/năm; một tháng, hơn 12.300 ô tô ngoại nhập khẩu về Việt Nam; khai sai thuế, Hóa dầu Petrolimex bị phạt thuế hơn 600 triệu đồng; TP.HCM thu hồi Dự án khu Mả Lạng; Hà Nội dự kiến tiếp tục cấm taxi 5 tuyến phố…

Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 5%/năm

Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 4 loại lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất tái chiết khấu, lãi cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với các lĩnh vực ưu tiên. Trần lãi suất huy động được giữ nguyên.

Ngân hàng Nhà nước giảm suất cho vay ngắn hạn tối đa xuống 5%/năm

Ngân hàng Nhà nước giảm suất cho vay ngắn hạn tối đa xuống 5%/năm

Công bố trên được Ngân hàng Nhà nước phát đi ngày 14/3. Hiệu lực áp dụng là từ ngày 15/3.

Cụ thể, từ ngày 15/3, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Các lĩnh vực ưu tiên gồm có xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vĩ mô với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Một số loại giữ nguyên gồm: lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, trần lãi suất huy động tối đa giữ nguyên 6%/năm. Trước đó, 23/9/2022, trần lãi suất huy động tăng từ 4%/năm lên 5%/năm. Đến hơn một tháng sau, ngày 25/10/2022, trần lãi suất huy động từ 5%/năm lên 6%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chỉnh trong bối cảnh thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tăng thấp hơn cùng kỳ.

Một tháng, hơn 12.300 ô tô ngoại nhập khẩu về Việt Nam

Số lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 2 tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sụt giảm khoảng 17% so với tháng trước đó.

Hơn 12.300 ô tô ngoại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 2

Hơn 12.300 ô tô ngoại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 2

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), số lượng ô tô được nhập khẩu trong tháng 2 đạt 12.358 xe nguyên chiếc, tổng kim ngạch đạt gần 260 triệu USD, giảm khoảng 17% so với tháng đầu tiên của năm 2023 nhưng vẫn tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan tiếp tục là quốc gia xuất khẩu nhiều ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam nhất với 6.066 xe, đạt giá trị 126 triệu USD. Tính trung bình, trị giá đơn chiếc của ô tô nhập khẩu từ Thái Lan là 20.800 USD/xe, tương đương 493 triệu đồng/xe.

Xếp sau Thái Lan là Indonesia, với 4.749 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam, kim ngạch đạt 62,642 triệu USD. Xét về giá trị đơn chiếc, ô tô xuất xứ Indonesia chỉ có giá 13.059 USD/xe, tương đương gần 310 triệu đồng/xe.

Xếp ở các vị trí tiếp theo, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ lần lượt đạt 775 xe và 80 xe, giá trị kim ngạch nhập khẩu ở mức 30 triệu USD và gần 3 triệu USD.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, thị trường ô tô Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 26.780 xe nguyên chiếc, kim ngạch hơn 570 triệu USD, tăng 96,1% về lượng và 68,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Khai sai thuế, Hóa dầu Petrolimex bị phạt thuế hơn 600 triệu đồng

Cục thuế TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex do vi phạm về thuế.

Hóa dầu Petrolimex bị phạt thuế hơn 600 triệu đồng. Ảnh minh họa

Hóa dầu Petrolimex bị phạt thuế hơn 600 triệu đồng. Ảnh minh họa

Cụ thể, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã chứng khoán: PLC) bị phạt 6,5 triệu đồng do khai sai trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn theo quy định.

Cùng với đó, doanh nghiệp này còn bị phạt thêm gần 100 triệu đồng, mức phạt bằng 20% trên số thuế tăng thêm do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Ngoài ra, Tổng công ty còn bị phạt và truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 với tổng số tiền gần 500 triệu đồng và tổng số tiền chậm nộp đối với hai khoản thuế trên gần 22,2 triệu đồng.

Như vậy, tổng số tiền truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 628 triệu đồng.

Sau khi bù trừ với số thuế giá trị gia tăng đang thừa là 265,5 triệu đồng do kê khai sai chỉ tiêu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng của tháng 2 và tháng 3/2021, số tiền Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex phải nộp còn gần 363 triệu đồng.

Năm 2022, Tổng công ty ghi nhận doanh thu đạt 8.601 tỷ đồng, tăng 25,2% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 133,23 tỷ đồng, giảm 23,6% so với năm 2021.

TP.HCM thu hồi Dự án khu Mả Lạng

Dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại 6,8 ha ở tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Mả Lạng), Quận 1 bị chính quyền TP.HCM thu hồi, sau 16 năm không triển khai.

Phối cảnh Khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh

Phối cảnh Khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh

Nội dung được đề cập trong thông báo kết luận của Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM tại cuộc họp mới đây. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cùng Sở Tư pháp được giao soạn công văn để từ chối nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco vì "không có cơ sở xem xét đề xuất tiếp tục thực hiện".

Cùng với đó, Dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để nhường khu đất hiện hữu (tại 125 Lê Lợi) cho Bitexco làm tổ hợp cao ốc văn phòng thương mại, khách sạn 5 sao cũng tạm dừng.

Khu Mả Lạng, hay còn gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh, giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh. Nơi này trước 1975 là nghĩa địa, sau đó được Thành phố cho di dời. Về sau, nhiều người đến sinh sống và trở thành khu dân cư tại trung tâm Quận 1. Trong khu vực có hơn 530 nhà dưới 20 m2, chủ yếu là siêu nhỏ, xuống cấp.

Từ năm 2000, TP.HCM có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng với tổng diện tích 6,8 ha nhằm chỉnh trang đô thị và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng không làm được. Năm 2007, Dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tổng số nhà phải giải tỏa là 1.424 căn. Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, dự án này tiếp tục bị treo đến nay.

Hà Nội dự kiến tiếp tục cấm taxi 5 tuyến phố

Các tuyến phố Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Phủ Doãn, ngõ 897 Giải Phóng được Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất tiếp tục cấm taxi.

Biển cấm taxi đặt trên phố Lê Văn Thiêm hướng ra đường Lê Văn Lương

Biển cấm taxi đặt trên phố Lê Văn Thiêm hướng ra đường Lê Văn Lương

Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết sau cuộc họp với Hiệp hội Taxi Thành phố, hai bên thống nhất duy trì cấm taxi ở 5 tuyến phố trên; đồng thời khảo sát, nghiên cứu bỏ biển cấm taxi ở 5 tuyến Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ, cầu Chương Dương, Khâm Thiên. Phố Cát Linh, đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Trịnh Hoài Đức được thu hồi biển cấm.

Sở GTVT đã lấy ý kiến công an Thành phố, sau đó tổng hợp báo cáo UBND TP. Hà Nội quyết định.

Từ năm 2012 đến nay, với mục tiêu giảm xe lưu thông để giảm ùn tắc, Hà Nội liên tục cấm taxi trên một số tuyến phố. Lúc cao điểm, 30 đường phố bị cắm biển cấm taxi. Tháng 3/2020, Hà Nội dỡ bỏ biển cấm vì đường phố vắng do thực hiện giãn cách xã hội phòng Covid-19. Nhưng đến tháng 9/2020, Thành phố khôi phục biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên 11 tuyến đường.

Giữa tháng 2, Hiệp hội Taxi Hà Nội (HATAS) đề xuất dỡ biển cấm taxi ở một số tuyến phố do không phù hợp thực tế, gây khó cho hành khách. HATAS cho biết, hơn hai năm qua, ngành nghề vận chuyển hành khách bằng taxi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Thái Nguyên kỷ luật hàng loạt cán bộ

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên kỷ luật nhiều cán bộ, trong đó khiển trách Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Văn Long, nguyên Phó ban Quản lý các khu công nghiệp.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên kỷ luật Trần Văn Long, nguyên Phó ban Quản lý các khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên kỷ luật Trần Văn Long, nguyên Phó ban Quản lý các khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Theo thông báo của cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, tại Kỳ họp thứ 19, cơ quan này đã khiển trách ông Phạm Quang Cánh, nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Chi cục trưởng Lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bốn người bị khai trừ Đảng, gồm các ông: Đỗ Huy Cương, Bí thư Chi bộ 7 nhiệm kỳ 2017 - 2020 thuộc Đảng bộ Sở Công Thương; Lại Trung Hiếu, Phó phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường; Cao Sỹ Linh, chuyên viên phòng Khoáng sản; Mã Văn Huy, Trưởng phòng Quản lý đầu tư và doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên.

Ông Nông Quốc Tiến, nguyên Trưởng phòng Quản lý quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, bị cảnh cáo.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành đảng bộ Tỉnh xem xét kỷ luật ông Ngô Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hàng loạt Đảng ủy các sở bị khiển trách, gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2010 - 2015; Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2010 - 2015; Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020; Tài chính nhiệm kỳ 2015 - 2020; Xây dựng nhiệm kỳ 2015 - 2020; Chi bộ 7 nhiệm kỳ 2017 - 2020 thuộc Đảng bộ Sở Công Thương.

Đảng ủy các Sở Công Thương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020, bị cảnh cáo.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, những cá nhân, tập thể nêu trên thiếu kiểm tra, giám sát; buông lỏng quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, để xảy ra những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; có cán bộ, đảng viên bị khởi tố, bắt tạm giam.

Đất ở TP.HCM được bồi thường tối đa gấp 25 lần giá nhà nước

Theo quyết định vừa được UBND TP.HCM ban hành, áp dụng từ 18/3, đất ở tùy quận, huyện có hệ số điều chỉnh gấp 3 - 25 lần so với giá nhà nước.

Hệ số điều chỉnh giá đất ở tại thành phố để lập phương án bồi thường năm 2023 tối đa gấp 25 lần giá nhà nước

Hệ số điều chỉnh giá đất ở tại thành phố để lập phương án bồi thường năm 2023 tối đa gấp 25 lần giá nhà nước

Khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 25 lần, là huyện Hóc Môn (10 - 25 lần) và TP. Thủ Đức (6 - 25 lần). Khung hệ số này tăng 10 đơn vị so với năm 2022 (tối đa 15 lần).

Xếp sau là huyện Bình Chánh (6 - 22 lần), Nhà Bè (10 - 21 lần), Củ Chi (13 - 20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.

Với hệ số điều chỉnh này, đất mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1, hệ số 4 - 5), giá nhà nước (giai đoạn 2020 - 2024) là 66 triệu đồng mỗi m2, sẽ được xây dựng giá thương lượng bồi thường 264 - 330 triệu đồng mỗi m2.

Tương tự, đất mặt tiền đường Trần Não, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến Lương Định Của (TP. Thủ Đức), giá nhà nước 22 triệu đồng mỗi m2, sẽ được xây dựng giá bồi thường ở mức 132 - 550 triệu đồng mỗi m2.

Các loại đất phi nông nghiệp không phải đất ở được bồi thường theo tỷ lệ. Đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Các loại đất khác tính bằng 60% giá đất ở liền kề.

Đất nông nghiệp tại TP.HCM có hệ số cao 5 - 38 lần giá nhà nước, tăng so với hệ số tối đa năm ngoái là 35. Nơi có hệ số cao nhất là huyện Bình Chánh với khung hệ số 15 - 38 lần giá nhà nước. Các địa phương có hệ số tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp. Các địa phương còn lại có hệ số tối đa dưới 30.

Hệ số điều chỉnh giá đất được TP.HCM đưa ra hàng năm, nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm 2022, hệ số năm nay cao hơn và được ban hành sớm hơn 5 tháng.

Bãi rác rộng 12 ha ở Đà Lạt bốc cháy

Bãi rác Cam Ly ở phường 5, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cháy ba ngày qua, khói bụi kèm mùi hôi tràn vào khu dân cư xã Tà Nung và huyện Lâm Hà.

Đám cháy bãi rác Cam Ly từ trên cao.

Đám cháy bãi rác Cam Ly từ trên cao.

Đám cháy bốc lên ở bãi chứa hàng trăm nghìn tấn rác. Hỏa hoạn lúc âm ỉ, rồi bùng lên dữ dội. Những cột khói cao hàng chục mét bao trùm một vùng rộng lớn.

Nhiều hộ dân có vườn cạnh bãi rác không thể đến làm việc do khói đậm đặc, kèm mùi hôi của chất nylon cháy khét lẹt gây cảm giác khó thở, tức ngực. Khi gió lớn, khói từ đám cháy tràn vào các khu dân cư ở xã Tà Nùng, TP. Đà Lạt và huyện Lâm Hà, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài xe chữa cháy, Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt (đơn vị quản lý bãi rác) huy động máy múc đến hiện trường đào phân ranh không cho cháy lan rộng. Do rác tích tụ nhiều năm rất dày, gặp thời tiết hanh khô, việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Địa phương lên kế hoạch khống chế đám cháy trong một tuần.

Bãi rác Cam Ly cách trung tâm thành phố 5 km, là nơi thu gom, xử lý rác sinh hoạt ở TP. Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương. Năm 2020, bãi rác bị đóng cửa. Chất thải sinh hoạt ở địa phương được chuyển tới nhà máy ở xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt hơn 22 km.