Bản tin thời sự sáng 15/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lắp trạm bơm nước khẩn cấp vì sông Đà khô cạn; Bộ Y tế xem xét chuyển Covid-19 sang nhóm bệnh thông thường vào cuối tháng 6; khách sạn Moon Lake Villa xây lấn, xâm phạm thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng; hai cầu nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tên mới; đường sắt Bắc - Nam được thông tuyến sau sự cố tàu SE2 bị trật bánh…

Lắp trạm bơm nước khẩn cấp vì sông Đà khô cạn

Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang phải lấy nước qua trạm bơm khẩn cấp đặt giữa lòng sông để cung cấp cho hơn một triệu dân Hà Nội.

Viwasupco huy động máy xúc khơi dòng dẫn nước vào khu vực đặt trạm bơm khẩn cấp trên sông Đà

Viwasupco huy động máy xúc khơi dòng dẫn nước vào khu vực đặt trạm bơm khẩn cấp trên sông Đà

Viwasupco đang cấp khoảng 300.000 m3 nước một ngày đêm, phục vụ người dân 10 quận, huyện phía Tây Nam Thủ đô gồm: Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.

Những ngày qua, doanh nghiệp phải huy động máy xúc nạo vét, khơi thông dòng chảy vào khu vực đặt trạm bơm khẩn cấp. Lòng sông Đà, đoạn qua xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), nơi có kênh dẫn nước từ sông về nhà máy, bị khô hạn. Mực nước sông đang thấp hơn khoảng 3 m, lòng sông chỉ còn khoảng 1/3 so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Đại diện Viwasupco cho biết, từ năm 2020, khi mực nước xuống thấp, đơn vị đã phải xây trạm dã chiến bơm nước từ sông vào kênh để phục vụ sản xuất. Đầu năm nay, trước dự báo của cơ quan khí tượng về khả năng khô hạn, doanh nghiệp tiếp tục xây thêm trạm bơm khẩn cấp nối ống dẫn nước đến giữa lòng sông.

Hiện Viwasupco lấy nước qua trạm bơm khẩn cấp, đưa vào kênh dẫn và chuyển qua hồ Đầm Bài dự trữ, sơ lắng trước khi đưa về nhà máy xử lý. Khi thủy điện Hòa Bình vận hành xả nước xuống hạ du với lưu lượng tối thiểu 214 m3/s, nhà máy vẫn có thể chủ động lấy nước sông Đà bơm tích trữ lên hồ Đầm Bài.

"Tuy nhiên, khi nước sông cạn kiệt và thủy điện Hòa Bình không đủ nước để xả mức tối thiểu, các trạm bơm sẽ phải dừng hoạt động. Nhà máy dừng vận hành sẽ dẫn đến nguy cơ mất nước trên diện rộng", đại diện Viwasupco giải thích.

Bộ Y tế xem xét chuyển Covid-19 sang nhóm bệnh thông thường vào cuối tháng 6

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang lên kế hoạch để đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B vào cuối tháng 6 tới.

Bộ Y tế xem xét chuyển Covid-19 sang nhóm bệnh thông thường vào cuối tháng 6

Bộ Y tế xem xét chuyển Covid-19 sang nhóm bệnh thông thường vào cuối tháng 6

Chiều 14/6, tại Tọa đàm trao đổi về truyền thông y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang cùng Bộ Tư pháp để tham mưu Thủ tướng Chính phủ về quyết định chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vào cuối tháng 6/2023.

Bộ Y tế cũng đang chỉnh sửa các hướng dẫn chuyên môn về điều trị, phòng chống lây nhiễm Covid-19. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc chuyển Covid-19 sang nhóm B, đồng nghĩa với việc xem đây là bệnh thông thường, bệnh lưu hành hàng năm và là một bước chuẩn bị để tuyên bố hết dịch.

"Chuyển Covid-19 sang nhóm B sẽ kéo theo một chuỗi công việc cần giải quyết. Cụ thể, người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí mà phải chi trả tiền khám chữa bệnh. Trách nhiệm của các địa phương lớn hơn, cần phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh vững, lồng ghép giám sát Covid-19 với các tác nhân gây bệnh đường hô hấp", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, căn cứ tình hình diễn biến dịch tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ đã đề xuất Chính phủ chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B với ba lý do.

Thứ nhất, theo WHO, nCoV vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà.

Thứ hai, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus nCoV.

Thứ ba, Covid-19 hiện đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, ngày 3/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia thống nhất rằng đã đủ điều kiện chuyển Covid-19 sang nhóm B.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 85.000 ca mắc Covid-19, giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với 2022. Trong 5 tháng qua, cả nước có 20 ca tử vong, chủ yếu có bệnh nền và chưa tiêm đủ vaccine.

Khách sạn Moon Lake Villa xây lấn, xâm phạm thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng

Công trình khách sạn Moon Lake Villa bị phát hiện xây lấn, xâm phạm thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận).

Khách sạn Moon Lake Villa ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Ảnh: Facebook.com/MoonlakeVilla

Khách sạn Moon Lake Villa ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Ảnh: Facebook.com/MoonlakeVilla

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết đã yêu cầu UBND huyện Bắc Bình cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh pháp lý của công trình khách sạn Moon Lake Villa để xử lý.

Khách sạn Moon Lake Villa được xác định mới xây dựng trong năm nay, nằm kề hồ Bàu Trắng (hồ trên, còn gọi là Bàu Ông), mặt tiền nhìn ra Tỉnh lộ 716 đoạn Hòa Thắng - Lương Sơn.

Một phần diện tích công trình này xâm phạm khu vực bảo vệ I của Di tích Thắng cảnh Quốc gia Bàu Trắng khoảng 300 m2. Nghiêm trọng hơn, phần lan can của công trình và cây cầu dẫn ra điểm check-in (cho du khách chụp ảnh) đã xâm phạm và tác động trực tiếp lên mặt hồ Bàu Trắng.

Thắng cảnh Bàu Trắng cách Phan Thiết hơn 60 km về phía Bắc, là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận. Năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng thắng cảnh Bàu Trắng là di tích cấp quốc gia. Tổng thể thắng cảnh được ngành chức năng tỉnh Bình Thuận khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích hơn 371 ha.

Hai cầu nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tên mới

Địa danh Ba Son và Thủ Thiêm được đặt tên cho hai cầu vượt sông Sài Gòn nối trung tâm thành phố với Khu đô thị Thủ Thiêm, sáng 14/6.

Cầu Ba Son nhìn từ trên cao

Cầu Ba Son nhìn từ trên cao

Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến khu đô thị mới được đặt tên Ba Son. Đây là công trình biểu tượng của TP.HCM, khánh thành hồi tháng 4 năm ngoái với tổng vốn gần 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cầu tại Thành phố tính đến nay. Cầu dài gần 1,5 km, 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính nghiêng về Thủ Thiêm, tạo điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.

Còn cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến tuyến Nguyễn Cơ Thạch trong Khu đô thị Thủ Thiêm, được đổi tên lại thành Thủ Thiêm. Công trình này đã đưa vào khai thác từ năm 2008 với chiều dài hơn 1,2 km, 6 làn xe, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Tên mới của hai cầu được HĐND TP.HCM thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Theo Sở Văn hoá và Thể thao, Thủ Thiêm là tên gọi xuất hiện từ thế kỷ 18, đến nay địa danh này thuộc TP. Thủ Đức.

Còn Ba Son là tên gọi từ năm 1790 khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên bờ sông Sài Gòn. Ba Son được xem là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuỷ Việt Nam.

Theo quy hoạch, có 4 cây cầu và một hầm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Ngoài cầu Thủ Thiêm và Ba Son, hầm vượt sông Sài Gòn trên đại lộ Đông Tây nối Quận 1 với khu đô thị này đã đưa vào khai thác cách đây 12 năm. Hai cầu còn lại gồm Thủ Thiêm 3 (nối Quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối Quận 7) chưa được đầu tư.

Đường sắt Bắc - Nam được thông tuyến sau sự cố tàu SE2 bị trật bánh

Rạng sáng 14/6, tàu SE2 hành trình từ TP.HCM đi Hà Nội, khi đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận thì bị trật bánh, làm tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn.

Đoàn tàu SE2 bị trật ray ở khu vực giữa ga Suối Vận và Sông Phan, tỉnh Bình Thuận

Đoàn tàu SE2 bị trật ray ở khu vực giữa ga Suối Vận và Sông Phan, tỉnh Bình Thuận

Theo thông tin ban đầu, tàu SE2 xuất phát từ TP.HCM đi Hà Nội vào tối 13/6.

Đến rạng sáng 14/6, khi đi vào khu gian Sông Phan - Suối Vận tại lý trình Km1.572, thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cách ga Suối Vận khoảng 5 km thì bất ngờ có một toa của tàu bị trật bánh, làm cả tàu phải dừng đột ngột. Rất may, không có thương vong về người.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành đường sắt đã điều động lực lượng cứu hộ đến hiện trường khắc phục toa tàu bánh bị trật, đồng thời, thi công sửa chữa đường ray và đắp sỏi gia cố hai bên đường ray.

Tại ga Suối Vận cách hiện trường 5 km, có tàu SE11 cũng đang dừng chờ và một số tàu chạy tuyến Bắc - Nam được điều tiết dừng tại ga Bình Thuận và các ga lân cận.

Sự cố tàu SE2 bị trật bánh đã làm ảnh hưởng đến tất cả các đoàn tàu đi và đến ga Sài Gòn. Hoạt động trên tuyến đường sắt qua khu vực này bị gián đoạn hơn 5 giờ.

Tại hiện trường hiện chỉ còn 2 toa tàu ở phía sau toa bị trật bánh, các toa phía trước đã được đưa về ga Suối Vận.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), vào 9 giờ sáng 14/6, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã thông sau sự cố tàu SE2 bị trật bánh.

Giá thép giảm mạnh

Giá thép xây dựng vừa hạ 200.000 đồng một tấn, nối dài mạch giảm 10 phiên liên tiếp, đưa mỗi tấn xuống 14,5 triệu đồng, thấp nhất hai tháng qua.

Giá thép giảm mạnh

Giá thép giảm mạnh

Hòa Phát vừa điều chỉnh giảm giá thép thanh vằn D10 CB300 thêm 200.000 đồng, về 14,69 triệu đồng một tấn. Đầu tháng, hãng này cũng đã điều chỉnh giá thép cuộn CB240 xuống 14,49 triệu đồng, giảm 210.000 đồng mỗi tấn.

Các thương hiệu như Việt Ý, Việt Đức, Thép Miền Nam, Việt Nhật, Thép Thái Nguyên, TQIS cũng áp dụng mức giảm giá tương tự ở hai loại thép xây dựng phổ biến. Như vậy, giá thép đã hạ 10 lần liên tiếp tính từ đầu tháng 4 đến nay với mức giảm lũy kế 1,5 triệu đồng.

Theo VSA, nhu cầu trong nước yếu nên các nhà máy đã liên tục điều chỉnh giá để tăng tính cạnh tranh. Báo cáo của các công ty chứng khoán cũng lường trước việc giá thép đi ngang hoặc giảm trước tình hình tiêu thụ kém trước đó.

Dẫu vậy, việc hạ giá này đã phần nào giúp cải thiện tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong tháng 5, cả nước sản xuất hơn 812.000 tấn thép xây dựng, tăng 14% so với tháng trước. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ghi nhận hơn 927.000 tấn, tăng 26% so với tháng 4 và là mức tốt nhất từ đầu năm đến nay.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp, tiêu thụ thép lớn hơn lượng sản xuất. Chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất thép tăng gần 5 lần so với tháng trước, đạt hơn 115.000 tấn. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường dần nhích lên.

TP.HCM phạt nhiều chủ đầu tư trong vụ 81.000 căn hộ chưa được cấp sổ

Hơn 81.000 căn hộ tại TP.HCM chưa được cấp sổ hồng vì nhiều nguyên nhân. Thành phố đã tiến hành xử lý vi phạm với 33 dự án, xử phạt vi phạm hành chính với nhiều chủ đầu tư.

Phối cảnh một dự án mà chủ đầu tư bị phạt vì làm ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng

Phối cảnh một dự án mà chủ đầu tư bị phạt vì làm ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Thường trực HĐND về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) lần đầu cho tổ chức, cá nhân tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo này, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (1/7/2014) đến 30/4 năm nay, TP.HCM có 335 dự án đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sổ hồng, tương ứng 191.101 căn hộ.

Nhưng 81.085 căn chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, gần 29.000 căn do chủ đầu tư, người mua chưa nộp hồ sơ, là những dự án không có vướng mắc nhưng có số lượng căn hộ nhiều hoặc chủ đầu tư vẫn đang nộp hồ sơ.

Gần 20.000 căn đang thực hiện cấp giấy nay phải tạm ngừng do phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. Hơn 10.200 căn tạm ngừng cấp do đang thanh tra, điều tra.

Gần 9.000 căn chưa được cấp do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới. Gần 8.400 căn chủ đầu tư đã nộp hồ sơ, đã phát hành thông báo thuế, chờ người dân đóng thuế.

Giai đoạn 2020 - 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xử phạt, tham mưu UBND Thành phố xử phạt 10 doanh nghiệp vì không nộp hồ sơ, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà. Tổng số tiền phạt hơn 4,1 tỷ đồng.

Căn cứ danh sách do Sở Tài nguyên Môi trường cung cấp, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử lý vi phạm đối với 33 dự án, tham mưu ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều chủ đầu làm ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng.

Có thể kể đến như Gamuda Land (Khu liên hợp thể thao và dân cư Tân Thắng), Sơn Kim Land (Cao ốc trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ tại TP. Thủ Đức - khối A và B), Quốc Cường Gia Lai (Dự án Giai Việt tòa A1-A2 và Central Premium), Địa ốc Hoàng Quân (Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza), Bitexco (The Manor giai đoạn 2), Đất Xanh (Opal Garden)...