Bản tin thời sự sáng 15/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là VKSND TP.HCM truy tố ông Tất Thành Cang khung hình phạt 10 - 20 năm tù; đầu tư gần 9.000 tỷ xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng; TP.HCM thí điểm cấp mã QR cho người dân 3 quận, huyện; quận Hoàn Kiếm thí điểm đi chợ hộ bằng công nghệ; đề xuất đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình…

VKSND TP.HCM truy tố ông Tất Thành Cang khung hình phạt 10 - 20 năm tù

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang bị cáo buộc vai trò "đầu vụ" trong việc để Sadeco bán giá rẻ 9 triệu cổ phần, gây thất thoát hơn 1.100 tỷ đồng.

VKSND TP.HCM truy tố ông Tất Thành Cang khung hình phạt 10-20 năm tù

VKSND TP.HCM truy tố ông Tất Thành Cang khung hình phạt 10-20 năm tù

Cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang vừa được VKSND TP.HCM ban hành, chuyển hồ sơ vụ án sang toà cùng cấp để đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khung hình phạt 10 - 20 năm tù.

Bị cáo buộc vai trò đồng phạm với ông Cang còn có 19 người khác. Trong đó, Tề Trí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Sadeco, Tổng giám đốc IPC) và 6 bị can còn bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản theo khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Sadeco là công ty con của Công ty Tân Thuận IPC (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) với vốn điều lệ là 170 tỷ đồng. Trong đó, vốn của cổ đông IPC chiếm 44%, Văn phòng Thành ủy (VPTU) chiếm 16,7%, Taconves chiếm 14,1%...

Theo cáo trạng, trên cơ sở đề xuất của Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc ngày 24/4/2017, nhóm đại diện quản lý vốn của VPTU đã trình phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) để tăng vốn điều lệ cho Sadeco. Ngày 16/5/2017, Phó Bí thư Tất Thành Cang đã tổ chức họp, sau đó có bút phê "đồng ý".

Ông Cang bị cáo buộc là biết rõ việc phát hành cổ phần phải đấu giá, thẩm định giá nhưng không chỉ đạo VPTU, người đại diện vốn, có ý kiến về giá phát hành cổ phần (được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần) cho cổ đông chiến lược. Việc này là sai quy định tại Điều 125 và Điều 149 Luật Doanh nghiệp (thẩm quyền quyết định về giá bán thuộc về Hội đồng quản trị).

Quá trình điều tra, nhà chức trách xác định ông Cang gây thiệt hại hơn 184 tỷ đồng trong tổng số thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng khi Sadeco bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim.

Đầu tư gần 9.000 tỷ xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng

UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.

Phối cảnh phương án kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo

Phối cảnh phương án kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo

Dự án cầu Trần Hưng Đạo có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2025.

Dự án có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km, mặt cắt cầu bảo đảm 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư; đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe.

Hà Nội hiện có 8 cầu vượt sông Hồng tính theo chiều từ thượng lưu xuống hạ lưu gồm: Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Trong đó, chỉ có cầu Văn Lang nối huyện Ba Vì với TP. Việt Trì, Phú Thọ đầu tư theo hợp đồng BOT và thực hiện thu phí hoàn vốn.

TP.HCM thí điểm cấp mã QR cho người dân 3 quận, huyện

Mã QR được cấp cho người dân Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ qua ứng dụng "Y tế HCM" để kiểm soát việc đi lại, tham gia hoạt động sản xuất an toàn sau ngày 15/9.

Ứng dụng "Y tế HCM" trên smart phone

Ứng dụng "Y tế HCM" trên smart phone

Nội dung được đề cập trong văn bản Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM gửi UBND Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp; Ban Quản lý khu công nghệ cao.

Theo đó, người dân ở những khu vực này được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh (Y tế HCM). Người không dùng điện thoại thông minh sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ. Mã QR sẽ có thông tin khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.

Người dân khai báo y tế điện tử trước khi ra đường. Họ sẽ xuất trình mã QR tại trạm kiểm soát, trụ sở sản xuất kinh doanh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.

Đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ lập và duyệt danh sách lao động được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo số lượng và điều kiện của chính quyền các quận, huyện. Doanh nghiệp kiểm tra người ra vào tại khu vực cần kiểm soát; kiểm tra, giám sát yếu tố dịch tễ khi phát hiện các cảnh báo từ hệ thống.

Ứng dụng "Y tế HCM" do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp phát triển trên nguyên tắc liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng công nghệ phòng chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP). Nền tảng sử dụng mã QR cá nhân thống nhất quốc gia, dùng chung giữa các ứng dụng như Bluezone, NCOVI, VHD, VNEID.

Quận Hoàn Kiếm thí điểm đi chợ hộ bằng công nghệ

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dùng hạ tầng của ứng dụng gọi xe để "đi chợ hộ", đội ngũ giao hàng đến từ chính cửa hàng, tình nguyện viên hoặc shipper của hãng.

Tài xế Be giao hàng hoá đi chợ hộ cho người dân tại quận Hoàn Kiếm

Tài xế Be giao hàng hoá đi chợ hộ cho người dân tại quận Hoàn Kiếm

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tới người dân như điểm bán hàng, xe lưu động cung ứng thực phẩm, máy bán hàng thiết yếu tự động, điểm bán hàng dã chiến...

Từ thực tế triển khai, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất với UBND TP. Hà Nội thí điểm tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu bằng xe công nghệ trong bối cảnh hầu hết các ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ đi chợ tại Hà Nội vẫn dừng hoạt động.

Theo đó, thông qua ứng dụng Be, hai bên sẽ kết nối người mua, đơn vị cung ứng và người giao hàng để cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, giúp hạn chế ra khỏi nhà. Đội ngũ người giao hàng gồm nhân viên của các đơn vị cung ứng, tình nguyện viên, nhân viên của Be Group thường trú trên địa bàn quận đã được tiêm vaccine phòng Covid-19…

Để sử dụng dịch vụ đi chợ hộ này, người dùng cần tải ứng dụng Be về điện thoại và tạo tài khoản, sau đó vào danh mục "Đi chợ", nhập địa điểm giao hàng và địa chỉ cửa hàng, lựa chọn các mặt hàng, số lượng hàng cần mua và bấm nút xác nhận đơn hàng. Hệ thống Be sẽ lựa chọn tài xế thuận tiện nhất để đi chợ hộ khách hàng và giao hàng tận nhà. Khách hàng có thể thanh toán tiền mặt cho người giao hàng hoặc thanh toán điện tử.

Nhằm đảm bảo các quy định về phòng chống dịch, người dân quận Hoàn Kiếm có thể chọn danh sách cửa hàng thiết yếu trên địa bàn quận. Đối với những người dùng đã đặt nhưng không nhận hàng, Be sẽ ngừng cung cấp dịch vụ trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông tin và xác minh tính chính xác.

Mô hình đi chợ hộ dự kiến được đề nghị nhân rộng toàn thành phố Hà Nội nếu việc thí điểm tại quận Hoàn Kiếm đạt được những hiệu quả nhất định.

Đề xuất đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình

UBND tỉnh Hòa Bình vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP với cơ chế đặc thù.

UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình

UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình

Theo đề xuất, Dự án Mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ được đầu tư theo phương thức PPP với cơ chế đặc thù được sử dụng phần vốn góp từ ngân sách nhà nước chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư Dự án (tối đa 70%).

Tuyến đường có chiều dài khoảng 25,7 km, quy mô đường cấp III - đồng bằng, với 2 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m.

Dự án Mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình có điểm đầu tại Km0 - điểm đầu Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng (giao với đường Hòa Lạc - Làng văn hóa các dân tộc thuộc địa phận xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) và điểm cuối tại Km23+040 ở vị trí điểm giao cắt giữa đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng và Quốc lộ 6 (Km64+940).

Tổng chiều dài tuyến đường là 23,04 km, trong đó đi qua địa phận Hà Nội khoảng 6,37 km, địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 16,67 km. Tuyến đường sẽ được thiết kế xây dựng 6 làn xe. Tổng mức đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình dự kiến là 8.168,544 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 392,248 tỷ đồng).

Công an Hà Nội lắp camera quét mã QR tại 23 chốt cửa ngõ

Người dân đi qua 23 chốt cửa ngõ vào Hà Nội sẽ đưa điện thoại có hình ảnh mã QR vào trước camera đặt sẵn để công an quét thông tin.

Người dân quét mã QR ở chốt Pháp Vân

Người dân quét mã QR ở chốt Pháp Vân

Từ ngày 14/9, camera ở 23 chốt do Cục Cảnh sát quản lý hành chính (C06 Bộ Công an) phối hợp cùng Công an Hà Nội lắp đặt bắt đầu hoạt động. Trước đây công dân đã khai báo y tế khi đi qua chốt phải đưa QR Code để cán bộ kiểm soát quét mã bằng điện thoại nên gây ra ùn ứ, dễ lây nhiễm chéo Covid-19.

Theo đại diện C06, camera có dây nối kéo dài với máy tính và đặt cố định nên giữ được khoảng cách, từ đó hạn chế tiếp xúc gần. Khoảng cách giữa camera với người quét QR tối đa 30 cm. Người dân cũng có thể đưa tài liệu lên trước camera để cán bộ chốt kiểm tra khi có yêu cầu. Mỗi lần quét 2 - 5 giây.

Hệ thống này vận hành trên nền tảng ứng dụng của C06. Sau khi quét, máy sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân.

Để qua chốt nhanh, C06 khuyến cáo công dân cài phần mềm VNEID và khai báo tại nhà trước để lấy sẵn một mã QR; khi ra đường vẫn cần mang đủ các giấy tờ theo quy định.

Ngày 14/9, tại 23 chốt cửa ngõ, Công an Hà Nội đã kiểm soát 9.786 lượt phương tiện, yêu cầu 2.133 lượt xe quay đầu (1.531 lượt không vào Thành phố, 602 lượt không ra ngoài Thành phố). 12 trường hợp bị phạt vì ra đường không có lý do chính đáng.

Trước đó, C06 phối hợp với Công an TP.HCM lắp 100 camera quét mã QR.

Tàu chở gần 10.000 tấn clinker bị tàu hàng nước ngoài tông chìm ở Vũng Tàu

Tàu Mỹ An 1 chở hơn 9.900 tấn clinker từ Quảng Ninh đến TP.HCM bị tông chìm ngoài khơi thành phố Vũng Tàu, 17 người được cứu.

Tàu Mỹ An 1 bị đắm

Tàu Mỹ An 1 bị đắm

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, ngày 14/9, tàu Mỹ An 1 đang đậu ở phao số 0 để chờ kiểm dịch thì bị tàu Lisa Auerbach (quốc tịch Liberia) chở hàng trên đường đến cảng Lotus ở TP.HCM đâm va, chìm cách thành phố Vũng Tàu hơn 12 km.

17 người trên tàu Mỹ An 1, gồm 13 thuyền viên và 4 hành khách được lực lượng cứu nạn đưa lên tàu Lisa Auerbach. 15 người trên tàu hàng nước ngoài cũng an toàn.

Ngoài 9.900 tấn clinker chở từ Quảng Ninh dự kiến giao ở TP.HCM, tàu gặp nạn có khoảng 40 tấn dầu. Để ngăn chặn sự cố, lực lượng chức năng tiếp cận vị trí xác tàu chìm canh trực, cảnh báo an toàn hàng hải.

Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, tai nạn xảy ra là bất khả kháng và đến chiều nay tại hiện trường không phát hiện vết dầu loang. Lực lượng cứu hộ đã sẵn sàng phương tiện ứng phó nếu sự cố tràn dầu xảy ra.

Toàn bộ những người gặp nạn được đưa vào TP. Vũng Tàu cách ly để phòng Covid-19. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra.