Bản tin thời sự sáng 15/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh cà phê đường tàu muộn nhất trong 3 ngày; kiến nghị EVN chưa được nhận 500 kV lưới điện do tư nhân đầu tư; khó đấu giá biển số xe vì mâu thuẫn luật; tỉnh Kon Tum đề xuất quy hoạch sân bay Măng Đen tổng vốn 4.000 tỷ đồng theo hình thức PPP…

Sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh cà phê đường tàu muộn nhất trong 3 ngày

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân khẳng định, muộn nhất trong 3 ngày tới sẽ thu hồi toàn bộ các giấy phép đối với các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt.

Du khách đi lại trên đường tàu

Du khách đi lại trên đường tàu

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa gửi văn bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018, khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Cùng với đó, các hàng quán bày bàn ghế bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Trước tình trạng trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị được giao quản lý) phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đó có cưỡng chế giải tỏa các hành vi vi phạm, xử phạt hành chính.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân khẳng định, 100% các hộ dân hiện nay đang kinh doanh ở khu vực đường tàu đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Thời gian tới, địa phương sẽ thu hồi toàn bộ những giấy phép đăng ký kinh doanh đã được cấp trước đó và đình chỉ kinh doanh có hiệu lực. Thời gian thực hiện muộn nhất trong 3 ngày tới.

Ngoài ra, Quận sẽ giao cho lực lượng chức năng tổ chức rào chắn, tổ chức tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức để người dân, đặc biệt là du khách không đến đây “check- in” gây mất trật tự, đặc biệt là mất an toàn giao thông ở khu vực này.

Khó đấu giá biển số xe vì mâu thuẫn luật

Luật Giao thông đường bộ quy định biển số xe là tài liệu của cơ quan nhà nước, trong khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho là tài sản công.

Vướng mắc nhất hiện nay đối với đấu giá biển số xe là pháp luật chưa quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho số. Ảnh minh họa

Vướng mắc nhất hiện nay đối với đấu giá biển số xe là pháp luật chưa quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho số. Ảnh minh họa

Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuyên đề giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Báo cáo của đoàn giám sát đề cập đến bất cập về kho biển số và cấp biển số phương tiện của Bộ Công an. Vướng mắc nhất hiện nay đối với đấu giá biển số xe là pháp luật chưa quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho số.

Luật Giao thông đường bộ 2008 và văn bản hướng dẫn chỉ coi biển số xe là tài liệu của cơ quan nhà nước, không phải tài sản. Còn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là một loại tài sản công.

Đoàn giám sát cho rằng, các quy định liên quan tại Bộ luật Dân sự, Luật Bán đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... chưa đồng bộ nên chưa có cơ sở pháp lý để đấu giá biển số xe.

Kiến nghị EVN chưa được nhận 500 kV lưới điện do tư nhân đầu tư

Bộ Công Thương và các bộ, ngành cho rằng, hiện chưa có căn cứ pháp lý để chuyển giao lưới điện truyền tải 500 kV do tư nhân đầu tư về EVN quản lý, vận hành.

Hiện chưa có quy định trình tự, thủ tục bàn giao tài sản được đầu tư bằng vốn ngoài nhà nước cho EVN theo hình thức không hoàn trả vốn.

Hiện chưa có quy định trình tự, thủ tục bàn giao tài sản được đầu tư bằng vốn ngoài nhà nước cho EVN theo hình thức không hoàn trả vốn.

Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) được Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư, kết hợp với trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân. Sau khi hoàn thành lưới truyền tải 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân, nhà đầu tư đề xuất giao không tính chi phí (0 đồng) về cho EVN quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, hiện chưa có quy định trình tự, thủ tục bàn giao tài sản được đầu tư bằng vốn ngoài nhà nước cho EVN theo hình thức không hoàn trả vốn.

Vì thế, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chưa bàn giao công trình lưới điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do Trung Nam đầu tư về EVN quản lý, vận hành. Việc bàn giao sẽ được thực hiện khi Nghị định về chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN được Chính phủ ban hành, có hiệu lực.

Các bộ khác khi góp ý cũng đồng tình việc chưa thể bàn giao công trình trên cho EVN vận hành, quản lý vì thiếu căn cứ pháp lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư tư nhân có thể chuyển lưới điện truyền tải do họ đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương đánh giá ưu, nhược điểm giữa hai phương án: nhà đầu tư tự vận hành hoặc bàn giao về cho EVN. Việc này nhằm làm rõ hơn sự cần thiết phải bàn giao công trình trên cho EVN.

Trường hợp chuyển giao công trình điện sang EVN quản lý, theo cơ quan ngành kế hoạch chỉ có thể thực hiện sau khi Nghị định về chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN được ban hành.

Bộ Tư pháp cũng nói chỉ nên bàn giao lưới điện 500 kV do tư nhân đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý khi có đủ cơ sở pháp lý.

Tỉnh Kon Tum đề xuất quy hoạch sân bay Măng Đen tổng vốn 4.000 tỷ đồng theo hình thức PPP

Tỉnh Kon Tum đề xuất bổ sung quy hoạch hàng không toàn quốc đối với cảng hàng không Măng Đen là sân bay dân dụng cấp 4E, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tỉnh Kon Tum đề xuất bổ sung quy hoạch hàng không toàn quốc đối với cảng hàng không Măng Đen là sân bay dân dụng cấp 4E. Ảnh minh họa

Tỉnh Kon Tum đề xuất bổ sung quy hoạch hàng không toàn quốc đối với cảng hàng không Măng Đen là sân bay dân dụng cấp 4E. Ảnh minh họa

Ngày 14/9, UBND tỉnh Kon Tum cho biết vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc cập nhật, bổ sung Dự án sân bay Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng hàng không Măng Đen là sân bay dân dụng cấp 4E, vị trí quy hoạch xây dựng tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) với tổng diện tích khoảng 350 ha.

Theo tờ trình, công suất thiết kế của cảng là từ 3 - 5 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng. Tỉnh Kon Tum đề xuất xây dựng cảng theo phương thức PPP, thời gian xây dựng từ 2023 - 2027.

Theo lãnh đạo tỉnh Kon Tum, thị trấn Măng Đen có những điều kiện thuận lợi để xây dựng sân bay như có quỹ đất sạch do địa phương quản lý, giao thông thuận lợi; khối lượng san bạt tĩnh không nhỏ; mặt bằng bằng phẳng thuận lợi cho việc bố trí đường cất hạ cánh.

Tỉnh Kon Tum là tỉnh miền núi cao, biên giới, vị trí tọa lạc tại ngã 3 Đông Dương, trong vùng lõi tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Tỉnh có vị trí chiến lược về mặt quốc phòng, an ninh; là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến chưa xác nhận cầm 314 tỷ đồng của Tân Tạo

Công ty Kiểm toán AASCS cho rằng, Tân Tạo hạch toán khoản uỷ thác đầu tư 314 tỷ đồng chưa phù hợp vì bà Đặng Thị Hoàng Yến chưa xác nhận đã nhận tiền.

Do bà Yến cũng chưa xác nhận đã nhận tiền, Công ty kiểm toán AASCS cho rằng Tân Tạo hạch toán khoản uỷ thác đầu tư 314 tỷ đồng chưa phù hợp

Do bà Yến cũng chưa xác nhận đã nhận tiền, Công ty kiểm toán AASCS cho rằng Tân Tạo hạch toán khoản uỷ thác đầu tư 314 tỷ đồng chưa phù hợp

Chiều 14/9, Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) công bố Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét. AASCS là đơn vị kiểm toán báo cáo này sau khi Ernst & Young Việt Nam, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu, từ chối ký hợp đồng kiểm toán vì những vấn đề liên quan đến khoản uỷ thác đầu tư giữa Tân Tạo và Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến.

Trong báo cáo mới công bố, AASCS đưa ra ý kiến ngoại trừ về hai khoản mục liên quan đến vấn đề này.

Thứ nhất, khoản tiền 314 tỷ đồng được Tân Tạo ghi nhận vào mục "đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" theo dạng uỷ thác cho bà Yến là chưa phù hợp vì không có đầy đủ bằng chứng và bà Yến cũng chưa xác nhận đã nhận tiền.

Thứ hai, khoản uỷ thác đầu tư cho bà Yến phát sinh trong 6 tháng đầu năm nay được chi bằng tiền mặt (223 tỷ đồng) nên kiểm toán không đủ cơ sở kiểm chứng nghiệp vụ này.

Vũng Tàu di dời Tượng đài Dầu khí

Tượng đài Dầu khí sẽ được dời đến Ẹo Ông Từ để cải tạo nút giao đường 2 Tháng 9 và Nguyễn An Ninh, thay phương án xây hầm chui 500 tỷ đồng như dự kiến.

Tượng đài Dầu khí tại nút giao đường 2 Tháng 9 và Nguyễn An Ninh

Tượng đài Dầu khí tại nút giao đường 2 Tháng 9 và Nguyễn An Ninh

Theo thông tin được đại diện UBND TP. Vũng Tàu cho biết, khi dời đến công viên ở nút giao Ẹo Ông Từ (Phường 12 TP. Vũng Tàu) cách đó hơn 11 km, Tượng đài Dầu khí sẽ được giữ nguyên hiện trạng.

Tượng đài Dầu khí cao hơn 24 m, với biểu tượng ngọn lửa bằng bêtông 7,3 m và phần bệ hình mũi tàu Mikhain Mirchin (con tàu khoan đã tìm thấy dòng dầu đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ vào năm 1984), do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tặng. Công trình đặt giữa nút giao, có đường kính lên đến 40 m dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và các dịp lễ.

Sau khi di dời tượng đài, cơ quan chức năng sẽ cải tạo nút giao đường 2 Tháng 9 và Nguyễn An Ninh bằng bùng binh di động có đường kính 10 m; đồng thời bố trí lại hệ thống đèn giao thông để giải quyết kẹt xe. Tổng mức đầu tư dự kiến 38 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2024.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải đề xuất xây hầm chui dài 600 m, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, dưới Tượng đài Dầu khí nối từ đường 2 Tháng 9 sang đường Thống Nhất. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, thời điểm này chưa thích hợp để thực hiện dự án nên chọn phương án dời tượng đài.

Sập sàn công trình dự án The Metropole Thủ Thiêm

Trong lúc nhiều công nhân đổ sàn tại Dự án The Metropole Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức (TP.HCM), khoảng 100 m2 sàn bất ngờ bị đổ sập.

Tầng xảy ra sự cố ở tòa tháp văn phòng The Hallmark thuộc Dự án The Metropole Thủ Thiêm

Tầng xảy ra sự cố ở tòa tháp văn phòng The Hallmark thuộc Dự án The Metropole Thủ Thiêm

Ngày 14/9, Công an thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở Xây dựng điều tra nguyên nhân sự cố sập sàn bê tông công trình tại Dự án The Metropole Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm.

Tại thời điểm chiều 11/9, nhiều công nhân đang đổ bê tông sàn tòa tháp văn phòng The Hallmark thuộc Dự án The Metropole Thủ Thiêm thì bất ngờ khoảng 100 m2 sàn đổ sập.

Đại diện UBND phường Thủ Thiêm xác nhận có xảy ra vụ tai nạn trên. Sau khi xảy ra vụ việc, đơn vị đã đến hiện trường phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM lập biên bản. Nguyên nhân tai nạn đang được các ngành chức năng làm rõ.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land, đơn vị phát triển Dự án) cho biết, Dự án thi công tòa tháp này do Công ty CP Xây dựng Central thực hiện.

Theo đại diện Sơn Kim Land, vụ sập sàn không gây thương vong về người, vụ việc là sự cố kỹ thuật trong quá trình thi công.

Tòa tháp The Hallmark thuộc Dự án The Metropole Thủ Thiêm có quy mô 30 tầng nổi, với 26 tầng làm văn phòng cho thuê, 4 tầng dành cho thương mại dịch vụ và không gian ẩm thực. Tổng diện tích sàn Dự án là 68.000 m2, diện tích mỗi sàn dao động từ 1.600 - 2.300 m2.