Bản tin thời sự sáng 15/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hải Phòng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng vì bão Yagi; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Phó Bí thư Thừa Thiên Huế; các tuyến đường sắt phía Bắc hư hỏng nặng sau bão lũ; TikTok, Facebook và loạt ông lớn nộp thuế hơn 6.200 tỷ đồng…

Hải Phòng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng vì bão Yagi

Bão Yagi quét qua Hải Phòng với sức gió cấp 12 gây thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023.

Nhà xưởng ở KCN Đồ Sơn bị bão Yagi làm hư hỏng.

Nhà xưởng ở KCN Đồ Sơn bị bão Yagi làm hư hỏng.

UBND TP Hải Phòng thống kê đến ngày 14/9 bão Yagi làm 2 người chết, 65 người bị thương, 102.870 nhà ở và 94 công trình quốc phòng hư hại, hơn 82.000 cây xanh gãy đổ.

Ngành nông nghiệp thiệt hại nặng nhất, gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hơn 35.000 ha (tương đương 2.800 tỷ đồng), tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 3.300 ha (450 tỷ đồng), chăn nuôi ước thiệt hại 460 tỷ đồng, thủy lợi 61 tỷ đồng, thủy sản 1.160 tỷ đồng.

Ngoài việc khôi phục tình trạng điện, nước, các quận huyện đề nghị thành phố cấp kinh phí tu sửa trường học, cơ sở y tế, khắc phục thiệt hại về nông nghiệp.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, chỉ đạo các cấp hướng dẫn cụ thể về thống kê, tránh chồng lấn, đồng thời tuân thủ quy định, trình tự trong khắc phục hậu quả sau bão, nghiêm cấm việc trục lợi.

TP Hải Phòng trước đó chủ động cân đối nguồn lực khắc phục hậu quả bão, dành 100 tỷ đồng ngân sách trung ương dự kiến hỗ trợ cho nơi khó khăn hơn.

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Phó Bí thư Thừa Thiên Huế

Ông Phạm Đức Tiến, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được Ban Bí thư phân công giữ chức Phó Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang trao quyết định của Ban Bí thư cho ông Phạm Đức Tiến (phải).

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang trao quyết định của Ban Bí thư cho ông Phạm Đức Tiến (phải).

Theo quyết định công bố sáng 14/9, ông Phạm Đức Tiến thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 13, được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Phạm Đức Tiến quê ở Thái Bình, thạc sĩ ngành Xây dựng Đảng. Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu và Vụ trưởng Địa phương 2, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Từ tháng 7/2024 đến nay, ông làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 13.

Ông Phạm Đức Tiến sẽ kế nhiệm ông Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế, đã về hưu từ tháng 7/2024. Bí thư Tỉnh ủy hiện nay là ông Lê Trường Lưu.

Các tuyến đường sắt phía Bắc hư hỏng nặng sau bão lũ

Đường sắt từ Hà Nội đi Lào Cai, Hải Phòng, Đồng Đăng... đều bị thiệt hại, riêng tuyến đi Lào Cai có 20 điểm ngập, 45 điểm sạt lở, gây tê liệt từ ngày 7/9 đến nay.

Nhiều đoạn đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị bùn lấp kín ray

Nhiều đoạn đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị bùn lấp kín ray

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến Hà Nội - Lào Cai bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước chảy xiết gây xói lở nền đá, nền đường; đất đá và bùn trôi lấp nền đường; cây xanh, cột thông tin đổ vào đường ray. Các đơn vị đang tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm thông đường sớm nhất.

Trên tuyến Bắc Nam có 20 vị trí cây to, cột điện, cột thông tin đổ vào ray; khoảng 13 điểm cây xanh gãy đổ vào đường dây thông tin tín hiệu đường sắt; 5 đường ngang cảnh báo tự động bị gãy cần chắn, hư hỏng thiết bị giám sát. Thiết bị tín hiệu ngoài trời tại ga Giáp Bát bị ngập nước, phải dừng hoạt động.

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng có khoảng 90 vị trí cây đổ vào đường sắt, 10 đoạn bị ngập với tổng chiều dài 4 km; 8 vị trí sạt lở taluy, đất đá trôi lấp đường sắt; cầu Nà Lầm bị sạt lở đầu nam phía hạ lưu. Ngoài ra, cây xanh, vật kiến trúc gãy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện.

Tuyến Gia Lâm - Hải Phòng cũng có nhiều cây, cột thông tin đổ vào đường sắt và đường dây thông tin tín hiệu. 9 đường ngang cảnh báo tự động bị gẫy cần chắn. Thiết bị tín hiệu tại các ga Thượng Lý, Hải Phòng bị ngập nước làm hư hỏng một số thiết bị ngoài trời như hộp cáp, hòm biến thế, biến áp.

Tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân có khoảng 166 vị trí cây đổ vào đường sắt, 4 đoạn bị ngập nước, 3 vị trí sạt lở taluy, đất đá trôi lấp đường sắt.

Ngành đường sắt phải tạm dừng tàu chạy qua một số cầu do ảnh hưởng từ mưa lũ như cầu Đuống, cầu Long Biên, cầu Việt Trì, cầu Bắc Giang. Đến chiều qua, cầu Đuống và Long Biên ở Hà Nội đã hoạt động bình thường trở lại.

Về vận tải, đến hết ngày 12/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bãi bỏ 41 chuyến tàu khách, bao gồm 16 chuyến tuyến Hà Nội - Hải Phòng, 4 chuyến Hà Nội - Vinh, 18 chuyến Hà Nội - Lào Cai, một chuyến tàu Thống Nhất, 2 chuyến tàu Hà Nội - Đà Nẵng.

Từ ngày 7 đến 12/9, các đơn vị đường sắt đã tiếp nhận 18.120 hành khách trả vé, thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.

TikTok, Facebook và loạt ông lớn nộp thuế hơn 6.200 tỷ đồng

Các nhà cung cấp nước ngoài như Goolge, Facebook, TikTok... đã nộp hơn 6.200 tỷ đồng tiền thuế 8 tháng đầu năm, tăng 24% so với cùng kỳ 2023.

TikTok, Facebook và loạt ông lớn nộp thuế hơn 6.200 tỷ đồng

TikTok, Facebook và loạt ông lớn nộp thuế hơn 6.200 tỷ đồng

Theo thông tin Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) công bố, hiện có 106 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 10 đơn vị so với lần cập nhật cuối tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...

Tính đến ngày 15/8, họ đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Số này cũng bằng 125% so với dự toán giao năm nay.

Như vậy, với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp gần 18.000 tỷ đồng.

Hiện 6 nhà cung cấp nước ngoài, gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.

Cũng theo số liệu từ cơ quan thuế, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng do cơ quan này quản lý ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 77,2% so với dự toán năm. So với cùng kỳ năm ngoái, số thu ngân sách tăng 17,9%. Trong đó, 53 địa phương có số thu tăng so với cùng kỳ 2023, chỉ 10 địa phương thấp hơn.

8 tháng đầu năm 2024, nhà chức trách cũng thanh, kiểm tra hơn 38.700 cuộc, kiến nghị xử lý gần 40.000 tỷ đồng; ban hành gần 12.300 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền hơn 90.500 tỷ đồng.

Đóng cửa xả đáy thứ 7 hồ thủy điện Tuyên Quang vào lúc 10 giờ ngày 14/9

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) vừa yêu cầu Tuyên Quang đóng tiếp thêm 1 cửa xả đáy hồ thủ điện thứ 7 vào lúc 10 giờ sáng 14/9. Như vậy, sau khi đóng tiếp 1 cửa xả đáy trên, hồ thủy điện Tuyên Quang còn mở 1 cửa xả đáy.

Hiện hồ thủy điện Tuyên Quang còn mở 1 cửa xả đáy. Ảnh minh họa

Hiện hồ thủy điện Tuyên Quang còn mở 1 cửa xả đáy. Ảnh minh họa

Ngày 14/9, Bộ NN&PTNN có công điện số có công điện việc đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 10 giờ ngày 14/9/2024 và văn bản chỉ đạo bảo đảm an toàn hạ du khi vận hành.

Công điện nêu rõ, hồi 7 giờ ngày 14/9, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 116,99 m, lưu lượng đến hồ 1.407m3/s, lưu lượng xả 1.835m3/s.

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNN lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 10 giờ' ngày 14/9/2024.

Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo theo quy định.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông khi vận hành hồ Thủy điện Tuyên Quang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp;

Theo số liệu thống kê, tại Thủy điện Tuyên Quang lưu lượng về hồ lớn nhất là 6.966m3/s lúc 9h ngày 9/9. Hồi 7 giờ ngày 14/9, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 116,99 m, lưu lượng đến hồ 1.407m3/s, lưu lượng xả 1.835m3/s. Từ 14h ngày 8/9 đến 15h ngày 9/9, hồ chứa Tuyên Quang đã thực hiện lệnh mở 8/8 cửa xả đáy theo lệnh chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Hiện tại công trình đang mở 1/8 cửa xả đáy (đã đóng 07 cửa xả lúc 8h00, 12h00 ngày 10/9 và lúc 8h00, 15h00, 20h00 ngày 11/9, 14h00 ngày 12/9 và đóng lúc 10h00 ngày 14/9).

Dự kiến xây thêm nhiều cầu bắc qua kênh dài nhất TP.HCM

Nhiều cây cầu bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dự kiến được đầu tư thêm từ năm 2025, tăng kết nối hai bờ khi tuyến kênh này hoàn thành cải tạo.

Kênh Tham Lương - Bến Cát, đoạn chảy qua quận Bình Tân

Kênh Tham Lương - Bến Cát, đoạn chảy qua quận Bình Tân

Nội dung nêu trong công văn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) vừa gửi Văn phòng UBND thành phố, để trả lời kiến nghị cử tri về xây dựng bổ sung các cầu vượt kênh Tham Lương, giúp người dân thuận tiện đi lại, sinh hoạt.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài gần 32 km, đi qua 7 quận, huyện đang được TP.HCM triển khai dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, trên tuyến hiện đã có 16 cây cầu bắc ngang, nhưng việc đầu tư thêm là cần thiết giúp tăng kết nối hai bờ, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, trong điều kiện dự án cải tạo kênh cần hoàn thành trước dịp lễ 30/4 năm sau, thời gian không còn nhiều nên sẽ không kịp bổ sung ngay các cầu vì còn liên quan các yếu tố quy hoạch, giải phóng mặt bằng... Do đó, việc đầu tư thêm cầu dọc tuyến sẽ được các bên tính toán thực hiện bằng dự án riêng từ năm 2025. Trong thời gian chờ triển khai, các đơn vị sẽ khảo sát xây một số cầu tạm bắc qua kênh ở những nơi cần thiết.

Trước đó, chủ đầu tư sau khi rà soát hiện trạng, dự báo nhu cầu giao thông dọc tuyến cũng đã xác định nhiều cây cầu có quy mô lớn cần nghiên cứu đầu tư. Trong đó, lớn nhất là cầu Vàm Thuật (nối quận 12 sang Bình Thạnh), vốn đầu tư ước tính hơn 1.100 tỷ đồng. Kế đến là cầu Hồng Ký (nối quận Bình Tân - huyện Bình Chánh), tổng vốn dự kiến khoảng 643 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư hai cây cầu này chủ yếu dành cho giải phóng mặt bằng.

Một cây cầu khác bắc qua kênh cũng được nghiên cứu xây dựng là Đá Hàn (quận 12), vốn đầu tư ước tính khoảng 119 tỷ đồng (không phải giải phóng mặt bằng). Ngoài ra, một số cầu khác cũng dự kiến được triển khai, như ở khu vực đường M1 - Khu công nghiệp Tân Bình, cầu dân sinh thuộc phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân); hai cầu đi bộ...

Chính phủ Anh hỗ trợ Việt Nam 1 triệu bảng Anh để khắc phục hậu quả bão số 3

Khoản viện trợ này sẽ cung cấp dưới hình thức nhu yếu phẩm khẩn cấp, hỗ trợ tiền mặt và các dịch vụ quan trọng như y tế, nước sạch và vệ sinh cho những người bị ảnh hưởng.

Xóm Lũng Cắm, xã Huy Giáp huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngập sâu trong nước.

Xóm Lũng Cắm, xã Huy Giáp huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngập sâu trong nước.

Ngày 14/9, theo thông tin từ Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ 1 triệu bảng Anh (tương đương 32 tỷ đồng) để Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).

Khoản viện trợ này sẽ cung cấp dưới hình thức nhu yếu phẩm khẩn cấp, hỗ trợ tiền mặt và các dịch vụ quan trọng như y tế, nước sạch và vệ sinh cho những người bị ảnh hưởng.

Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Biển Đông trong 30 năm qua và đã gây ra thiệt hại về người và tài sản trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành tại miền Bắc Việt Nam.

Khoản viện trợ nhân đạo này sẽ hỗ trợ giai đoạn đầu ứng phó, bao gồm các hoạt động cứu trợ và tái thiết thông qua các đối tác nhân đạo.

Quảng Ninh đón khoảng 50 chuyến tàu biển quốc tế với 40.000 lượt du khách

Dự kiến trong năm 2024, Hạ Long sẽ là điểm đến của 60-70 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 70.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2023.

Du khách trên siêu tàu thăm Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh.

Du khách trên siêu tàu thăm Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 50 chuyến tàu biển quốc tế mang theo 40.000 lượt du khách đến từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…

Dự kiến trong năm 2024, Hạ Long sẽ là điểm đến của 60-70 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 70.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2023.

Khách du lịch tàu biển đến Quảng Ninh có xu hướng trẻ hóa, quy mô các tàu lớn hơn, và lưu lại Hạ Long dài ngày hơn.

Các năm tiếp theo lượng khách sẽ tăng khoảng 15-20% với sự xuất hiện đều đặn của các hãng tàu biển lớn: Royal Carribean, Holland America, Tui Cruises, Resorts World Cruises, Viking Ocean Cruises...

Chính sách nới lỏng visa và cấp e-visa cho công dân mọi quốc gia vùng lãnh thổ cùng sự giúp đỡ các thủ tục hành chính nhanh chóng từ hải quan, biên phòng, cảng vụ là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa lượng khách tăng cao.

Bên cạnh đó là việc hoàn thiện hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông cũng góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng và phát triển du lịch trên tuyến đường biển của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với lợi thế cơ sở hạ tầng đồng bộ, có cảng tàu du lịch chuyên biệt, Quảng Ninh nằm trong hải trình được nhiều du khách yêu thích.

Để đón mùa du lịch tàu biển 2024-2025, cũng như thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch đường biển nói riêng và quốc tế nói chung, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực gia tăng giá trị điểm đến, chủ động kết nối với các hãng tàu biển, nâng cao chất lượng dịch vụ…

Đắk Nông giải ngân hơn 900 tỷ đồng đầu tư công

Tỉnh Đắk Nông đã giải ngân hơn 924 tỷ đồng đạt 27,6% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, sau 8 tháng năm 2024.

8 tháng đầu năm, Đắk Nông giải ngân hơn 900 tỷ đồng đầu tư công. Ảnh minh họa

8 tháng đầu năm, Đắk Nông giải ngân hơn 900 tỷ đồng đầu tư công. Ảnh minh họa

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa thông báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng của năm 2024.

Theo số liệu thống kê, đến ngày 31/8 tỉnh huy động vốn ước gần 21.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Dư nợ toàn tỉnh gần 48.000 tỷ đồng, tăng 5,79% so với đầu năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng 8 là 233 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay gần 1.740 triệu đồng, đạt 53% dự toán địa phương giao.

Trong tháng 8, tổng chi ngân sách địa phương 557 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay là hơn 5.200 triệu đồng, đạt 58% dự toán địa phương giao.

Về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Đắk Nông đã giải ngân hơn 924 tỷ đồng trong tám tháng đầu năm, đạt 27,6% kế hoạch đề ra.

Tỉnh Đắk Nông đánh giá, việc tháo gỡ những vướng mắc lớn, tác động đến việc triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài ngân sách và tăng thu ngân sách nhà nước đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tình hình thu hút đầu tư ngoài ngân sách tiếp tục gặp khó khăn. Số lượng hồ sơ đề xuất thực hiện dự án năm 2024 là 15/36 hồ sơ nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, do vị trí đề xuất thực hiện dự án chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản bô xít; không phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; một số dự án thuộc trường hợp phải xin ý kiến, hướng dẫn của cơ quan cấp trên nên chưa đảm bảo điều kiện trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thời gian còn lại của năm, tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn của tỉnh trong thời gian qua: tháo gỡ vướng mắc để triển khai thực hiện 37 dự án đầu tư công quan trọng của tỉnh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia đạt tiến độ và thu ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục