Bản tin thời sự sáng 1/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công ty vận hành Metro số 1 hết tiền, xin mượn 16 tỷ đồng để hoạt động; Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ là trung tâm ghép tạng hàng đầu; 80 mã chứng khoán bị cắt margin trên sàn HoSE…

Công ty vận hành Metro số 1 hết tiền, xin mượn 16 tỷ đồng để hoạt động

Công ty vận hành Metro số 1 xin mượn 16 tỷ đồng từ quỹ dự trữ ngân sách của Đảng bộ TP.HCM để có kinh phí chuẩn bị nhân sự tiếp nhận đào tạo chuyển giao công nghệ và chi trả nợ các khoản bảo hiểm xã hội, lương cho người lao động.

Tuyến Metro số 1 chạy thử tàu đoạn trên cao

Tuyến Metro số 1 chạy thử tàu đoạn trên cao

Ngày 31/5, Ban Quản lý đường đô thị TP.HCM (MAUR) có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về giải quyết vướng mắc của Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo MAUR, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành Metro số 1 đã có công văn kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận và báo cáo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố và Thường trực Thành ủy cho Công ty được tạm mượn 16 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ ngân sách Đảng của Đảng bộ Thành phố.

Việc này để Công ty có kinh phí chuẩn bị nhân sự tiếp nhận đào tạo chuyển giao công nghệ và chi trả nợ các khoản bảo hiểm xã hội, chi trả lương cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Công ty sẽ hoàn trả ngay các khoản đã tạm mượn của Thành phố khi được cấp kinh phí hoạt động.

HURC1 là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động từ năm 2019 để chuẩn bị tiếp nhận, quản lý, vận hành và bảo dưỡng Metro số 1. Khi thành lập năm 2015, Công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2021, HURC1 đã sử dụng hết kinh phí tạm ứng từ nguồn vốn điều lệ ban đầu. Từ đó đến nay, người lao động Công ty vẫn chưa được thanh toán lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Tổng các khoản nợ tính đến nay khoảng 6,7 tỷ đồng.

Trước đó, UBND TP.HCM đã xin Thủ tướng được bổ sung vốn cho HURC1 là 268 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách Thành phố.

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km, từ depot Long Bình (TP. Thủ Đức) đến ga Bến Thành (Quận 1). Dự án hiện đạt hơn 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay, khai thác thương mại đầu năm 2024.

Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương

Đến 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu thành thành phố trực thuộc Trung ương với các trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển và logicstics, du lịch và đô thị, dịch vụ.

Một góc thành phố Vũng Tàu

Một góc thành phố Vũng Tàu

Nội dung được nêu trong Nghị quyết quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, được HĐND Tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề, chiều 31/5. Địa phương có diện tích hơn 1.982 km2, với 8 đơn vị hành chính, gồm hai thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 5 huyện. Dân số gần 1,2 triệu người (năm 2022).

Theo Nghị quyết, đến năm 2025, Tỉnh có 13 đô thị, trong đó Vũng Tàu là đô thị loại I, TP. Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ là đô thị loại II, một đô thị loại IV là thị trấn Long Hải. Đến 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu đủ tiêu chí trở thành đô thị loại I của thành phố trực thuộc Trung ương.

Tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là một trong những động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, thuộc nhóm 10 địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu ngân sách cao nhất nước và là trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến 2030, GRDP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8,1 - 8,6% một năm; thu nhập bình quân đầu người đến giai đoạn này khoảng 18.000 - 18.500 USD mỗi năm; phát triển mạnh kinh tế biển (không tính dầu khí) chiếm khoảng 75% GRDP; quy mô dân số hơn 1,4 triệu người. Đến năm 2050, GRDP tăng 6,5 - 7% một năm; thu nhập bình quân đầu người 55.000 - 58.000 USD.

Thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, nằm dưới sự quản lý của Trung ương. Hiện cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ là trung tâm ghép tạng hàng đầu

Ngoài vai trò là một trong bốn bệnh viện nhi lớn nhất cả nước, Nhi Đồng 2 (TP.HCM) hướng đến trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu.

Một ca phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Một ca phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Hiện TP.HCM có ba bệnh viện chuyên khoa nhi là Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành phố. Bên cạnh việc đảm bảo điều trị cho các bệnh nhi, ba bệnh viện này đều được giao nhiệm vụ phát triển thế mạnh chuyên sâu của mình. Trong đó, Nhi Đồng 2 được ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, giao trách nhiệm trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 là đơn vị nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai ghép gan, thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em từ năm 2004. Trung tâm ghép tạng của Bệnh viện vừa khởi công vào năm 2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế có trình độ khoa học kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại, nơi này cũng phát triển được nhiều chuyên khoa như ghép tạng, chữa ung bướu, phẫu thuật thần kinh.

Năm 1988, Bệnh viện đã phẫu thuật tách dính cặp song sinh Việt - Đức, là ca mổ tách dính đầu tiên ở Việt Nam, được ghi nhận vào sách kỷ lục Guinness thế giới.

Từ tháng 10/2022, việc ghép tạng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chậm lại do không có phòng mổ (đề án ghép tạng chưa được thông qua), nguồn tạng cho trẻ em khan hiếm, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn công tác hỗ trợ của quốc tế.

Theo đề án, Bệnh viện sẽ xây dựng thêm hai phòng mổ đạt chuẩn dành riêng cho phẫu thuật ghép tạng. Dự kiến cuối tháng này, Sở Y tế TP.HCM sẽ thẩm định, sau đó đề án được gửi đến Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Nếu đề án được thông qua vào tháng 6, đơn vị này sẽ chủ động lấy tạng cho từ người lớn và ghép cho trẻ em, không còn phụ thuộc vào đơn vị khác. Khi đó, Bệnh viện có thể ghép cho ba bệnh nhi một tháng thay vì chỉ được một ca như trước đó.

80 mã chứng khoán bị cắt margin trên sàn HoSE

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố danh sách bổ sung 2 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), nâng tổng số mã bị cắt margin trên sàn này lên con số 80.

Hiện, 80 mã chứng khoán bị cắt margin trên sàn HoSE

Hiện, 80 mã chứng khoán bị cắt margin trên sàn HoSE

Theo đó, cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen bị cắt margin vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (năm tài chính 2022 - 2023) là số âm.

Trong Báo cáo tài chính bán niên soát xét (từ ngày 1/10/2022 - 31/3/2023), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần gần 14.900 tỷ đồng (giảm gần 50% so với cùng kỳ) và lỗ ròng 424 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là sự xuống dốc của ngành thép kể từ nửa sau năm 2022, với sản lượng tiêu thụ và giá thép giảm mạnh. Dù trong giai đoạn khó khăn, Tập đoàn Hoa Sen đã tiết giảm các chi phí bán hàng, chi phí vay và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Một cổ phiếu khác là THI của Công ty CP Thiết bị điện Điện (THIBIDI) bị cắt margin do chứng khoán thuộc diện hủy niêm yết. Theo đó, gần 489 triệu cổ phiếu THI sẽ giao dịch phiên cuối cùng vào ngày 28/6, sau đó hủy niêm yết.

Trước đó, HoSE đã có thông báo đến Công ty CP Thiết bị Điện về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu THI. Cổ phiếu THI rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do tổ chức niêm yết hủy tư cách đại chúng, theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cũng tại thông báo này, HoSE quyết định đưa cổ phiếu ACG của Công ty CP Gỗ An Cường ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do mã này đã có thời gian niêm yết đủ 6 tháng tính từ ngày giao dịch đầu tiên.

Hiện tại, trên sàn HoSE có 80 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Trong đó có hàng loạt cổ phiếu quen thuộc, đã từng bị HoSE đưa vào diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như AST, BCE, CIG, DLG, DXV, FDC, HAI, HVN, HU1, HU3, ITA, JVC, MCG, OGC, NVT, PTL, RDP, SCD, SII, SJD, TCR, TNI, TTF, VDS... Ngoài ra, kết quả kinh doanh trong năm 2022 lao dốc cũng khiến nhiều mã cổ phiếu bị cắt margin trong quý II như NKG, POM, PTC, PVD, SMC, SVD, TSC, HAR…

Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội dự kiến vay gần 2.400 tỷ đồng

Chủ đầu tư CII sẽ bảo lãnh cho Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội (TP.HCM) vay tối đa gần 2.400 tỷ đồng trong 7 năm.

Kẹt xe ở khu vực Xa lộ Hà Nội khi BOT thu phí trở lại

Kẹt xe ở khu vực Xa lộ Hà Nội khi BOT thu phí trở lại

Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) chấp thuận cho công ty này bảo lãnh khoản vay trung - dài hạn của Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Số tiền vay tối đa là khoảng 2.398 tỷ đồng trong thời gian 7 năm.

BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM, do CII làm chủ đầu tư. Dự án này chia thành 3 giai đoạn, hiện hoàn thành toàn bộ trục chính đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TP.HCM, nâng cấp rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương).

Dự án còn dang dở hai trục đường song hành Xa lộ Hà Nội do vướng mặt bằng, chồng lấn hạ tầng của một số dự án như metro Bến Thành - Suối Tiên, vệ sinh môi trường.

Với riêng CII, dự án này có tầm quan trọng rất lớn trong mạch kinh doanh của doanh nghiệp. BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội chiếm 25% tỷ trọng đóng góp tài sản cho Công ty, chỉ sau cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Với thời điểm hoàn vốn vào năm 2035, theo tính toán của ban lãnh đạo, Dự án có thể chiếm 30% doanh thu mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2032. Trong khi đó, CII ước tính doanh thu giai đoạn này tăng từ gần 2.400 tỷ lên 5.000 tỷ đồng.

Trong cuộc họp thường niên, Tổng giám đốc Lê Quốc Bình cho biết, một tổ chức tài chính lớn nằm trong top 3 tại Việt Nam đã thông qua quyết định tài trợ 2.400 tỷ đồng cho CII. Đây là số tiền nằm trong gói vay dài hạn (12 năm) trị giá gần 9.400 tỷ đồng.

Cũng tại phiên họp này, Công ty thông qua phương án phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với cổ đông hiện hữu. Một khoản trong số tiền thu được sẽ dùng để trả nợ ngân hàng cho Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, tối đa 2.400 tỷ đồng.

Phát hiện kho chứa hàng nghìn điện thoại, máy tính bảng nghi nhập lậu ở Bắc Ninh

Với hơn 3.000 điện thoại, máy tính bảng... vừa bị đoàn liên ngành tạm giữ tại huyện Yên Phong, đây là một trong những lô hàng điện tử lớn nhất bị phát hiện và thu giữ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra kho hàng tại huyện Yên Phòng, tỉnh Bắc Ninh

Lực lượng chức năng đang kiểm tra kho hàng tại huyện Yên Phòng, tỉnh Bắc Ninh

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường vừa thông tin, ngày 31/5, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an huyện Yên Phong và PC03 (Công an tỉnh Bắc Ninh) tiến hành kiểm tra đột xuất một kho hàng tại xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong kho hàng có gần 23.000 sản phẩm, gồm hàng điện tử, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện gia dụng; trong đó gồm hơn 3.000 sản phẩm gồm điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh không có nhãn hàng hóa, có dấu hiệu nhập lậu.

Thông tin từ lực lượng chức năng, đây là một trong những lô hàng điện tử là điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh lớn nhất bị phát hiện và thu giữ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bước đầu làm việc với lực lượng chức năng, đại diện kho hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nói trên.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ, niêm phong số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục làm rõ theo quy định của pháp luật.

Giá gas giảm tới hơn 130.000 đồng/bình 45 kg

Sau lần tăng nhẹ vào tháng 5, giá gas trong nước đã quay đầu giảm mạnh tới 35.500 đồng/bình 12 kg vào tháng 6 theo đà hạ nhiệt của thế giới.

Giá gas giảm tới hơn 130.000 đồng/bình 45 kg. Ảnh minh họa

Giá gas giảm tới hơn 130.000 đồng/bình 45 kg. Ảnh minh họa

Ngày 31/5, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh giảm giá mặt hàng này từ ngày 1/6. Theo đó, sau khi quay đầu tăng nhẹ vào tháng 5 khoảng 2.000 đồng/bình 12 kg thì sang tháng 6 mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm mạnh khoảng 35.000 - 35.500 đồng, tùy thương hiệu.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/6, giá gas của hãng sẽ giảm 35.500 đồng/bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 365.500 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng thông báo mức giảm tương tự. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 403.000 đồng/bình 12 kg; 1.511.000 đồng/bình 45 kg...

Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết, giá bán gas của Công ty cũng sẽ giảm 35.000 đồng loạt với bình gas 12 kg và bình gas 45 kg giảm 131.250 đồng. Giá gas bán lẻ tối đa là 384.912 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.443.000 đồng/bình 45 kg.

Như vậy, giá gas đã quay đầu giảm sau 1 lần tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 2 lần tăng và 4 lần giảm với tổng mức giảm tới 123.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá nhiên liệu này ở mức tương đương tháng 6/2022.

Ba đường mở mới qua khu đô thị hơn 130 ha ở TP. Thủ Đức

Các tuyến đường mở mới giúp tăng khả năng kết nối khu đô thị An Phú - An Khánh với đại lộ Mai Chí Thọ.

Vị trí ba tuyến đường sẽ mở qua Khu đô thị An Phú - An Khánh

Vị trí ba tuyến đường sẽ mở qua Khu đô thị An Phú - An Khánh

Khu đô thị An Phú - An Khánh được quy hoạch trên diện tích 131 ha, quy mô dân số 32.000 người, thuộc địa bàn ba phường Bình An, Bình Khánh và An Phú, TP. Thủ Đức. Dự án gồm 5 phân khu: A, B, C, D, E. Theo quy hoạch, có ba tuyến đường sẽ mở mới và một tuyến đường mở rộng qua Khu đô thị.

Tuyến số 1 có chiều dài gần 800 m, nối đường Nguyễn Hoàng và Mai Chí Thọ. Điểm đầu nằm ở đối diện số 50 Nguyễn Hoàng, điểm cuối là đại lộ Mai Chí Thọ, đi qua nhiều diện tích cây xanh và một phần diện tích nhà xưởng hiện hữu.

Tuyến số 2 dài khoảng 900 m, có điểm đầu ở gần số 164 Nguyễn Hoàng và điểm cuối là nút giao Vũ Tông Phan - Lồ Bắc. Đoạn đường đi qua một phần diện tích cây xanh gần Bệnh viện Quốc tế Mỹ.

Tuyến số 3 là đường Nguyễn Hoàng kéo dài, qua đường Lương Định Của, nối với đường Mai Chí Thọ. Tuyến đường dài khoảng 550 m. Một số diện tích nhà ở đoạn 280 Lương Định Của sẽ bị giải tỏa khi triển khai dự án.

Ngoài ra, đường Lương Định Của dài 2,5 km, nằm ở phía Nam Khu đô thị An Phú - An Khánh, nối đường Mai Chí Thọ đến nút giao Trần Não cũng đang được nâng cấp. Khu dân cư dọc hai bên đường phải lùi sâu để bàn giao mặt bằng nhằm mở rộng đường từ 7 - 8 m lên 30 m, đáp ứng 6 làn xe và bổ sung hệ thống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng.