Bản tin thời sự sáng 16/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD ngân hàng giảm mạnh, mất mốc 24.500 đồng; đường sắt qua tỉnh Thừa Thiên Huế bị chia cắt vì mưa lũ; nhà xe Thành Bưởi bị Sở GTVT TP.HCM thu hồi giấy phép không thời hạn; ngân hàng giảm giá một nửa nhà phố cổ Hà Nội…

Giá USD ngân hàng giảm mạnh, mất mốc 24.500 đồng

Giá USD tại các ngân hàng thương mại ngày 15/11 giảm mạnh, mất mốc 24.500 đồng/USD ở chiều bán ra. Tỷ giá trung tâm cũng đi xuống.

Giá USD ngân hàng giảm mạnh

Giá USD ngân hàng giảm mạnh

Ngày 15/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.016 đồng/USD, giảm 4 đồng/USD so với ngày 14/11.

Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại ngày 15/11 được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.217 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.815 đồng/USD.

Tỷ giá mua tham khảo ngày 15/11 vẫn được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 23.440 đồng/USD. Còn tỷ giá bán tham khảo giảm 5 đồng so với hôm 14/11, xuống mức 25.166 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại ngày 15/11 giảm mạnh. So với sáng ngày 14/11, giá USD tại các ngân hàng sáng ngày 15/11 giảm phổ biến ở mức 90 - 100 đồng. Giá USD bán ra tại các ngân hàng đã mất mốc 24.500 đồng/USD.

Cụ thể, vào lúc 10h46' ngày 15/11, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.080 - 24.450 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 90 đồng/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với sáng ngày 14/11.

Cùng thời điểm, VietinBank giao dịch USD ở mức giá 24.031 đồng/USD (mua vào) và 24.451 đồng/USD (bán ra), giảm 89 đồng/USD ở cả 2 chiều so với sáng 14/11.

Còn Techcombank mua vào USD với giá 24.104 đồng/USD, bán ra ở mức 24.448 đồng/USD. So với sáng 14/11, giá USD tại Techcombank vào sáng ngày 15/11 giảm 102 đồng/USD ở chiều mua vào và giảm 104 đồng/USD ở chiều bán ra.

Sacombank niêm yết giá USD ở mức 24.072 - 24.427 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 100 đồng/USD ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng ngày 14/11.

Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá USD có xu hướng đi lên. Giá USD tự do hôm 15/11 được giao dịch phổ biến quanh mức 24.620 - 24.720 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 20 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Đường sắt qua tỉnh Thừa Thiên Huế bị chia cắt vì mưa lũ

Mưa lớn, nước lũ dâng cao khiến nhiều đoạn đường sắt qua tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập sâu, 6 đoàn tàu khách đang phải dừng chờ ở các ga dọc tuyến.

Nước ngập cầu chui qua đường sắt khu vực Thừa Thiên Huế

Nước ngập cầu chui qua đường sắt khu vực Thừa Thiên Huế

Do ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa lớn kéo dài, địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng sáng 15/11.

Lúc hơn 10h, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua ga Văn Xá, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế chìm trong nước lũ. Nước chảy xiết, tràn qua mặt ray tại ga Văn Xá khiến đoạn đường sắt Văn Xá - Hiền Sỹ phải phong tỏa.

Theo Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, mưa lớn đã làm hư hỏng một số vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt như cầu đường sắt, hầm số 8 tại khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô. Một số vị trí đường ray khu gian này ngập 20 - 30 cm khiến đoạn đường sắt Thừa Lưu - Lăng Cô phải phong tỏa sáng 15/11.

Đến 10h, khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô được thông đường, cho phép tàu đi qua với tốc độ chậm 5 km/h. Tại một số vị trí, nước còn ngập đỉnh ray khoảng 8 cm.

Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, tại khu vực ga Hải Vân, mái taluy phía sau ga bị sụt trượt. Lớp cát đệm vữa của mái taluy đã trôi theo dòng nước xuống đường ray và qua ga Hải Vân.

Nhờ các bức tường chắn bê tông dày 0,5 m nên tàu vẫn chạy an toàn qua ga Hải Vân và đỉnh đèo. Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã cử lực lượng theo dõi và xúc cát để tạo dòng chảy về hạ lưu. Tuy nhiên, khu gian Hải Vân Bắc - Lăng Cô có đá rơi uy hiếp an toàn nên phải phong tỏa.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 6 đoàn tàu khách SE1/2, SE3/4, SE6, SE19 vẫn đỗ dừng chờ thông đường sắt tại các ga Hiền Sỹ, Đông Hà, Đà Nẵng.

Nhà xe Thành Bưởi bị Sở GTVT TP.HCM thu hồi giấy phép không thời hạn

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô không thời hạn đối với Công ty TNHH Thành Bưởi (nhà xe Thành Bưởi).

Cảnh sát khám xét trụ sở chính của Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong

Cảnh sát khám xét trụ sở chính của Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong

Lý giải việc thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô không thời hạn đối với nhà xe Thành Bưởi, Sở GTVT TP.HCM cho biết, quyết định này được căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô: "Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh".

Quyết định này của Sở GTVT TP.HCM khá bất ngờ bởi trước đó, ngày 3/11, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với Công ty TNHH Thành Bưởi.

Theo đó, với 8 lỗi vi phạm, nhà xe Thành Bưởi bị phạt tổng cộng 91 triệu đồng và bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô trong 3 tháng (từ ngày 3/11/2023 đến 3/2/2024).

Cũng trong ngày 3/11, Sở GTVT TPHCM có quyết định thu hồi phù hiệu của 201 phương tiện xe khách Thành Bưởi.

Công ty TNHH Thành Bưởi thành lập năm 2000, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa. Doanh nghiệp có trụ sở chính trên đường Lê Hồng Phong (Quận 5), cùng hai văn phòng ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức).

Nhà xe này có hơn 1.300 nhân viên, chiếm thị phần lớn trên các tuyến TPHCM - Đà Lạt, Cần Thơ và Đà Lạt - Cần Thơ.

Cuối tháng 9, tài xế của hãng xe Thành Bưởi chở hành khách, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người chết trên Quốc lộ 20, địa phận tỉnh Đồng Nai.

Ngày 10/11, Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) đã bắt ông Lê Dương - Phó Giám đốc Công ty Thành Bưởi về hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Ngân hàng giảm giá một nửa nhà phố cổ Hà Nội

Sau 7 lần đấu giá không thành, Agribank AMC chào giá 300 triệu đồng một m2 căn nhà mặt đường Hàng Buồm, tức chỉ còn nửa so với trước.

Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) hạ giá căn nhà tại số 110, Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm

Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) hạ giá căn nhà tại số 110, Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm

Tại lần đấu giá thứ 8, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) hạ giá căn nhà tại số 110, Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, diện tích 100,8 m2 còn 30,6 tỷ đồng, tương đương 303 triệu đồng mỗi m2. Trên đất có công trình nhà cấp bốn, tổng diện tích sàn hơn 205 m2.

Đây là tài sản được thế chấp tại Agribank Chi nhánh Hà Thành của Công ty TNHH Ajmal Việt Nam.

Lần đầu tiên bất động sản này được Agribank AMC chào đấu giá là cuối tháng 8/2022, với giá khởi điểm 60,5 tỷ đồng, tương đương 605 triệu đồng mỗi m2. Sau đó, tài sản này được chào đấu giá thêm 7 lần nhưng vẫn không thành công. Tại lần đấu giá thứ 8, giá khởi điểm của căn nhà đã giảm gần một nửa. Người muốn tham gia cuộc đấu giá căn nhà cần nộp cọc trước 3,06 tỷ đồng, tương đương 10% giá khởi điểm.

Cuối tháng 9, Agribank cũng chào đấu giá một căn nhà khác ở phố cổ Hà Nội, tại số 19, Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, diện tích 160 m2. Tài sản này có giá khởi điểm là 64,3 tỷ đồng, giảm gần 43 tỷ đồng so với lần đầu được chào đấu giá vào tháng 8/2022.

Theo khảo sát, nhà mặt phố ở khu vực phố cổ Hà Nội như Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Gà... được chào bán từ 500 triệu đến hơn tỷ đồng mỗi m2.

Đầu tư và Phát triển TDT ở Thái Nguyên bị phạt, truy thu gần 2,3 tỷ đồng

Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT với số tiền phạt và truy thu gần 2,3 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (Thái Nguyên) bị cơ quan thuế phạt, truy thu gần 2,3 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (Thái Nguyên) bị cơ quan thuế phạt, truy thu gần 2,3 tỷ đồng

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (tại xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế TNCN, thuế tài nguyên phải nộp.

Doanh nghiệp này cũng không kê khai số phí bảo vệ môi trường phải nộp; khai sai nhưng không dẫn đến tăng số tiền thuế phải nộp; không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế TNDN từ năm 2018 - 2022.

Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên sẽ truy thu từ Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT gần 712 triệu đồng thuế TNDN; gần 15 triệu đồng thuế TNCN; hơn 577 triệu đồng thuế tài nguyên; hơn 272 triệu đồng phí bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tiền chậm nộp các loại thuế, phí trên là gần 438 triệu đồng. Tổng cộng, TDT phải nộp cho Cục Thuế tổng cộng gần 2,3 tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này 100 triệu đồng vì không báo cáo việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu bị khởi tố

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị khởi tố do có liên quan đến những sai phạm trong thời gian làm Phó Chủ tịch huyện Đất Đỏ.

Ông Nguyễn Văn Hải trong một buổi làm việc

Ông Nguyễn Văn Hải trong một buổi làm việc

Ngày 15/11, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tỉnh về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Quyết định khởi tố bị can đối với ông Hải đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Ông Hải được cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Vi phạm dẫn tới việc ông Hải bị khởi tố xảy ra ở thời điểm năm 2015, khi ông Hải đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Trước đây, từ năm 2017, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất và thực hiện các loại thủ tục hành chính về đất đai đối với UBND huyện Đất Đỏ, trong đó có yêu cầu khắc phục hậu quả, tồn tại của 235 trường hợp giao đất trái quy định trên địa bàn Huyện.

Đến năm 2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức thanh tra lại và kết luận trong đó có 196 trường hợp sai quy định, 16 trường hợp vướng mắc về cách hiểu theo quy định pháp luật.

Đến nay, đã có 48 lô đất giao sai tự nguyện trả lại, 77 lô chưa xây dựng hoặc chưa chuyển nhượng, 71 lô đã xây dựng hoặc chuyển nhượng.

Lý do Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông Việt Nam

Trung Quốc vừa sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm bắt, buôn bán tôm hùm bông thiên nhiên khiến xuất khẩu của Việt Nam sang nước này gặp khó.

Tôm hùm bông tại cửa hàng hải sản ở TP.HCM

Tôm hùm bông tại cửa hàng hải sản ở TP.HCM

Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, một số cơ sở xuất khẩu và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên phản ánh Trung Quốc dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus). Tương tự, các hộ nuôi trồng tôm hùm bông ở Khánh Hòa cũng cho biết, Trung Quốc ngưng mua từ tháng 8 đến nay không rõ nguyên nhân.

Trước diễn biến trên, Cục chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường vừa có buổi trao đổi trực tuyến với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Theo đó, Trung Quốc cho biết tôm hùm bông Việt Nam bị ngưng xuất sang thị trường này do vướng quy định mới. Tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo tới các hải quan địa phương để thực hiện quy định trên khiến xuất khẩu chậm lại.

Về thủ tục nhập khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu các nước (gồm Việt Nam) phải xin cấp phép về bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm. Riêng thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây.

Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật thông báo sẽ gửi cho phía Việt Nam biểu mẫu đăng ký mới (thông qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc) để tiến hành rà soát, thực hiện đăng ký với các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sau khi nhận được danh sách đăng ký của phía Việt Nam, Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan nước này.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ 2022.