Cách tất cả chức vụ trong Đảng nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. |
Ngày 15/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật ông Cao Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, ông Cao Minh Quang khi giữ các chức vụ Đảng ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc của Đảng, Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Y tế, Quy định những điều đảng viên không được làm.
Ông Cao Minh Quang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lưu hành thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ, để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành Y tế và cá nhân ông Quang.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Minh Quang.
Khai trừ Đảng Bí thư Huyện ủy Cô Tô Lê Hùng Sơn
Ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) bị khai trừ Đảng vì sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Cô Tô Lê Hùng Sơn |
Quyết định kỷ luật nêu trên được đưa ra tại cuộc họp của Ban Bí thư do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, ngày 15/12.
Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy ông Lê Hùng Sơn, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm của Ban thường vụ Huyện ủy Cô Tô; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương.
Ông Lê Hùng Sơn cũng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và tiêu chuẩn cấp uỷ viên.
Theo Ban Bí thư, những vi phạm của ông Lê Hùng Sơn gây dư luận rất xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm mất uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.
Trước đó, ngày 12/11, ông Lê Hùng Sơn bị đình chỉ công tác vì "vi phạm đạo đức, lối sống".
Đến ngày 26/11, Quảng Ninh đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, trình cấp có thẩm quyền kỷ luật mức cao nhất với ông này. Xem xét báo cáo của Quảng Ninh, cơ quan kiểm tra quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề nghị Ban Bí thư xem xét, kỷ luật ông Sơn.
Học sinh lớp 1, 2 không bắt buộc thi trực tiếp
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp do Covid-19 có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Học sinh không thể đến trường do dịch bệnh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến |
Khẳng định trên được ông Nguyễn Hữu Độ đưa ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học; trong đó yêu cầu học sinh lớp 1, 2 làm bài kiểm tra định kỳ trực tiếp (trừ trường hợp bất khả kháng).
Ông Độ giải thích rõ, ở những địa phương mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hình thức trực tuyến. Với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch, có thể đến trường học tập thì các trường khẩn trương ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh và kiểm tra trực tiếp để lấy kết quả đánh giá thường xuyên, định kỳ.
Học sinh lớp 1, 2 đang học qua truyền hình, quá trình học tập thiếu sự tương tác; nhà trường cùng các thầy cô chưa thể đánh giá chính xác chất lượng thu nhận kiến thức của các em. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, các trường cần tạo điều kiện tối đa để học sinh tới trường củng cố kiến thức và làm bài kiểm tra định kỳ trực tiếp.
Với lớp 3, 4, 5, học sinh cơ bản đã có ý thức và kỹ năng học tập, kỹ năng làm bài định kỳ theo đặc trưng của từng môn trong quá trình học từ các năm trước, nên Bộ không nhấn mạnh yêu cầu kiểm tra trực tiếp.
Ông Độ cho biết thêm, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường hướng dẫn kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch triển năm học này và kế hoạch năm học mới theo tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
Đề xuất thêm tư vấn điều tra sự cố gối cầu Metro số 1
Chủ đầu tư đề xuất thêm tư vấn độc lập để đảm bảo khách quan khi điều tra, xử lý sự cố gối cầu Metro số 1 rơi ra ngoài hơn một năm trước.
Kỹ sư kiểm tra ở vị trí bị sự cố tại trụ P14-10 |
Nội dung vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) gửi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - nhà tài trợ vốn cho Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đơn vị tư vấn được đề xuất bổ sung sẽ độc lập với Liên danh SCC - tổng thầu Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) - nơi xảy ra sự cố gối cầu.
Liên quan sự việc trên, MAUR cho biết trước đó đã làm việc cùng cơ quan có thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với tổng thầu, tư vấn chung của Dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Hiện, Liên danh SCC đã hoàn thành các thí nghiệm, quan trắc cần thiết và gửi báo cáo cho tư vấn thứ ba thẩm tra, trước khi gửi Chủ đầu tư. Do đó, theo MAUR, việc thêm một đơn vị tư vấn độc lập khác sẽ đảm bảo quy trình pháp lý và cần thiết cho việc kiểm định chất lượng để có cơ sở nghiệm thu công trình.
Chủ đầu tư dự kiến tư vấn độc lập khi được bổ sung sẽ triển khai các công việc như xem xét, đánh giá tài liệu của nhà thầu liên quan chất lượng đàn hồi dầm chữ U trên cầu cạn của tuyến Metro số 1; giám sát kết quả kiểm tra liên quan sự cố; xác nhận nguyên nhân sự cố và các biện pháp xử lý do nhà thầu đề xuất... Khi chạy thử nghiệm các đoàn tàu, đơn vị tư vấn nói trên cũng làm các công việc như xem xét, phân tích các tài liệu cần thiết để đánh giá về chất lượng...
Cuối tháng 10/2020, gối cao su dầm cầu cạn tại trụ P14-10 (đoạn gần dốc Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức) của Metro số 1 bị rơi ra ngoài. Hai tháng sau thêm một gối cầu khác bị lệch khỏi vị trí thuộc đoạn cầu cạn nằm giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái. Tháng 4 năm nay, thêm 4 gối khác cũng bị xê dịch tại trụ cầu. Đây là 6 trong tổng 900 vị trí trụ cầu thuộc tuyến metro.
Cựu Bí thư Bình Dương tiếp tục bị đề nghị truy tố
Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam bị cáo buộc không chỉ đạo hủy hợp đồng chuyển nhượng trái phép "đất vàng" cho tư nhân, gây thất thoát 302 tỷ đồng.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam |
Ông Nam cùng 24 bị can, trong đó có ông Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy), vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Theo C03, các bị can Trần Văn Nam, Phạm Văn Cành, Trần Thanh Liêm, Ngô Dũng Phương biết rõ Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha. Tuy nhiên, các ông này không chỉ đạo hủy hợp đồng chuyển nhượng, gây thất thoát cho Nhà nước 302 tỷ đồng.
Hơn nữa, các bị can này còn đồng ý cho Tổng công ty 3/2 tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Tân Phú cho Âu lạc, tạo điều kiện cho bị can Minh cùng các đồng phạm hoàn tất việc chuyển toàn bộ quyền quản lý nhà nước tại khu đất 43 ha sang tư nhân. Cựu Bí thư Trần Văn Nam cùng các bị can còn tiếp tục chỉ đạo và lập khống các văn bản để che giấu sai phạm. Bởi thế C03 xác định ông ông Nam, Cành, Liêm và Phương phải chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát của Nhà nước là 302 tỷ đồng.
Ngoài hành vi trên, các bị can trong vụ án còn bị cáo buộc có sai phạm trong việc không xác định giá trị quyền sử dụng khu đất 145 ha vào giá trị doanh nghiệp Tổng công ty 3/2 khi tiến hành cổ phần hóa. Năm 2013, ông Nam khi đó với cương vị là Phó chủ tịch Tỉnh đã ký quyết định giao khu đất này cho Tổng công ty 3/2 để sản xuất kinh doanh.
Ô tô không lắp camera giám sát sẽ bị từ chối đăng kiểm
Chỉ còn 2 tuần nữa đến hạn phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát, nhưng đến nay tỷ lệ vẫn rất thấp. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nếu xe không lắp camera sẽ bị phạt nặng và không được đăng kiểm.
Không lắp camera giám sát sẽ bị từ chối đăng kiểm |
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, tính đến thời điểm này mới có gần 11.000 xe/34.151 xe đã lắp camera, đạt tỷ lệ gần 30%.
Theo ông Long, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp đề nghị được lùi thời hạn. Nhưng quan điểm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội là sẽ không tiếp tục kéo dài thêm thời gian lắp đặt camera cho các doanh nghiệp nữa.
Trong bối cảnh dịch bệnh, việc lắp đặt camera còn giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra được công tác phòng chống dịch. Vì thế, việc lắp đặt theo tiến độ Chính phủ yêu cầu là cần thiết, các đơn vị phải hoàn thành xong trước ngày 31/12/2021.
Theo ghi nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các xe vẫn đang tạm dừng hoạt động, các hộ, doanh nghiệp cho biết tại thời điểm này không có khả năng chi trả cho khoản tiền này vì không có việc làm, thu nhập, nợ ngân hàng.
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Đỗ Công Thủy cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi UBND 63 tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh việc lắp đặt camera trên xe ôtô kinh doanh vận tải và hoàn thành xong trước ngày 31/12/2021.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm theo quy định.
Đại diện Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý xe kinh doanh vận tải không chấp hành việc lắp đặt camera, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Thừa Thiên Huế sẽ mở cửa đón khách quốc tế từ cuối tháng 12
Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào cuối tháng 12/2021.
Huế sẽ đón khách du lịch quốc tế trở lại vào cuối tháng 12/2021. |
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch tổ chức đón khách du lịch quốc tế trở lại nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế đến Thừa Thiên - Huế, khôi phục lại các hoạt động du lịch và tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan; góp phần thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, Thừa Thiên -Huế sẽ đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” theo nguyên tắc chung “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn” và phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh.
Ưu tiên đón khách quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ tiêm chủng cao, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnhCovid-19 tại một số khu vực như: Đông Bắc Á, châu Âu, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Úc,... và đã có đường bay quốc tế đến Việt Nam, đến Huế.
Lộ trình triển khai được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022) sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói/khép kín thông qua hình thức tổ chức chuyến bay thuê nguyên chuyến (charter) đến Thừa Thiên - Huế.
Giai đoạn 2 (từ đầu quý I/2022), rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, tiếp tục đón khách quốc tế đến tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hình thức trọn gói và khép kín.
Giai đoạn 3, mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc-xin” đồng bộ trên toàn cầu và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng xây dựng cầu Đuống mới
Cầu Đuống (nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Hà Nội) sẽ được đầu tư mới, tách riêng cầu đường sắt và cầu đường bộ, tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.
Sau khi có 2 cầu mới thay thế, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá dỡ để tạo luồng vận tải đường thủy. |
Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) vừa phát thông báo mời thi thiết kế kiến trúc công trình cầu Đuống đường bộ và cầu Đuống đường sắt thuộc Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống.
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có cấu phần quan trọng là đầu tư xây cầu Đuống mới để thay thế cho cầu Đuống đang khai thác, để nâng tĩnh không, tạo luồng vận tải thủy an toàn, tăng tải trọng của tuyến vận tải thủy quan trọng này.
Dự án cầu Đuống mới có tổng mức đầu tư 1.877 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025. Cầu Đuống mới sẽ gồm 2 cầu, với cầu riêng cho đường bộ và cầu riêng cho đường sắt, thay vì đi chung như cầu hiện có.
Cầu Đuống đường sắt mới sẽ xây dựng về phía thượng lưu sông Đuống, cách cầu hiện nay khoảng 16,5m, trùng vị trí xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 330 m, với thiết kế đường sắt khổ ray lồng 1.000 mm và 1.435 mm.
Cầu Đuống đường bộ mới dự kiến xây dựng cách cầu hiện hữu 100 m về phía hạ lưu, cầu mới dài khoảng 472 m.