Bản tin thời sự sáng 16/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ khởi công máy khoan hầm số 2 metro Nhổn đầu năm 2025; sạt lở đường nối Nha Trang - Đà Lạt chia cắt giao thông làm hơn 260 người mắc kẹt; sắp xây 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành; bàn giao 40 ngôi nhà tái thiết Làng Nủ (Lào Cai)…

Sẽ khởi công máy khoan hầm số 2 metro Nhổn đầu năm 2025

Dự kiến, máy khoan hầm TBM số 2 đường sắt đô thị metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ khởi công vào tháng 1/2025.

Máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) khoan đoạn đi ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội

Máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) khoan đoạn đi ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội

Thông tin về tiến độ tổng thể Dự án đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đến nay Gói thầu CP01 - cầu cạn, Gói thầu CP02 - các ga trên cao, Gói thầu CP04 - hạ tầng depot và Gói thầu CP05 - kiến trúc depot đã cơ bản hoàn thành.

Gói thầu CP03 - hầm và các ga ngầm đạt 50,2%; Gói thầu CP06 - đường sắt 1 đạt 91,5% (phần ngầm chưa phải thi công theo kế hoạch); Gói thầu CP07 - đường sắt 2 đạt 47,1% (phần ngầm đạt 10,61%); Gói thầu CP08 - đường sắt 3 đạt 73,2% (phần ngầm đạt 1,33%) và Gói thầu CP09 - hệ thống thẻ vé đạt 84% (phần ngầm chưa phải thi công theo kế hoạch).

Với đoạn tuyến ngầm, nhà thầu thi công dốc hạ ngầm đã hoàn thành 73,04%; ga S9 hoàn thành 51,7%, giếng đứng hoàn thành 41,74%; ga S10, S11, S12 (gồm đường chuyển làn và gara) lần lượt hoàn thành 65,2%, 58,97%, 43,2%.

Ngoài ra, hoạt động thi công diễn ra trên tất cả các công trường. Tại ga S10 đang triển khai phần kết cấu bên ngoài. Ga S11 đang thi công bản đáy. Ga S12 đang thi công hệ thống chống thấm phía nam bản đỉnh, đường chuyển làn và gara đang tổ chức thi công cắt tường vây và hoàn trả đường; khu vực dốc hạ ngầm đồng thời triển khai công đào và thi công kết cấu hầm hộp.

Trước đó, hồi cuối tháng 7/2024, máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) bắt đầu triển khai khoan đoạn đi ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội.

Máy đào TBM số 1 (được đặt tên Thần tốc) khoan từ Ga S9 - Kim Mã tại độ sâu 17,8 m. Đến nay, TBM1 đã thi công 625 m hầm, 420 vòng vỏ hầm đã được lắp đặt.

Máy khoan hầm TBM số 2 (tên Táo bạo) dự kiến khởi công vào tháng 1/2025.

Hai con robot cùng đào hai đường hầm chạy song song từ Ga S9 - ga Kim Mã đến Ga S12 - ga Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch, việc đào ngầm 4 km metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025.

Sạt lở đường nối Nha Trang - Đà Lạt chia cắt giao thông làm hơn 260 người mắc kẹt

Sạt lở đèo Khánh Lê, đoạn qua xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, sáng 15/12 chia cắt giao thông, 37 ô tô, xe máy cùng hơn 260 người mắc kẹt tại đây.

Một đoạn sạt lở trên đèo Khánh Lê khu vực huyện Khánh Vĩnh

Một đoạn sạt lở trên đèo Khánh Lê khu vực huyện Khánh Vĩnh

Chiều 15/12, ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, số người mắc kẹt ở hai điểm sạt lở cách nhau 5 km, cùng trên địa bàn xã Sơn Thái. Trường hợp bị mắc kẹt gồm cả người dân địa phương và du khách. Khu vực cô lập giáp với huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, không có nhà dân, chỉ có một vài lán nhỏ để người đi rừng nghỉ tạm.

Chính quyền cử nhiều cán bộ, dân quân tự vệ và công an xã đi bộ vượt điểm sạt lở bằng đường trong rừng, tiếp cận hiện trường mang mì tôm, nước suối, bánh ngọt, cơm hộp tiếp tế cho những người mắc kẹt. Hầu hết người bị kẹt sức khoẻ ổn định.

Sau khi có đề nghị từ tỉnh Khánh Hoà, Lâm Đồng đã điều nhiều phương tiện, máy móc qua hỗ trợ, thu dọn đất đá trên đèo Khánh Lê (theo hướng tiếp cận từ tỉnh Lâm Đồng). Ông Bùi Thế, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết đến 19h, lực lượng chức năng đã giải phóng thành công khối đất đá để 8 xe khách với khoảng 200 người di chuyển qua vị trí sạt lở, tiếp tục hành trình lên Đà Lạt.

Cách điểm trên hơn 5 km, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa tiếp cận điểm sạt lở và đưa được hơn 60 người về nơi an toàn. Hiện hai địa phương phối hợp xử lý các điểm sạt lở còn lại, đẩy nhanh thông tuyến đèo.

Sáng 15/12, tuyến đèo Khánh Lê qua huyện Vĩnh Khánh (Khánh Hoà) xảy ra ba điểm sạt lở nghiêm trọng sau cơn mưa kéo dài. Các vị trí sạt cách nhau chừng 4 - 6 km, mỗi đoạn khối lượng đất đá sạt lở khoảng 200 - 300 m3, kéo dài hơn 10 - 20 m, ảnh hưởng các xe đi qua.

Quốc lộ 27C dài 121 km, là tuyến huyết mạch nối TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) với TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Trên tuyến có đèo Khánh Lê dài 33 km thường xuyên sạt lở vào mùa mưa.

Sắp xây 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành

Tuyến đường 25B và 25C do tỉnh Đồng Nai đầu tư có vai trò kết nối tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường Vành đai 3 TP.HCM với sân bay Long Thành.

Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và Quốc lộ 51 đã cơ bản thành hình…

Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và Quốc lộ 51 đã cơ bản thành hình…

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, trong tháng 12 sẽ khởi công Dự án nâng cấp đường tỉnh 25B và xây dựng đường tỉnh 25C, nhằm phục vụ kết nối giao thông cho sân bay Long Thành dự kiến khai thác trong năm 2026.

Hai dự án vừa được tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung vào danh sách công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh.

Theo đó, Dự án nâng cấp đường tỉnh 25B (đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch ra Quốc lộ 51) có chiều dài hơn 9,2 km, đi qua khu vực các huyện Long Thành, Nhơn Trạch có tổng mức đầu tư gần 1,5 nghìn tỷ đồng.

Dự án xây dựng đường tỉnh 25C dài hơn 2 km từ Quốc lộ 51 đến Hương lộ 19 trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, có tổng mức đầu tư hơn 647 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, trong quy hoạch Dự án sân bay Long Thành, 2 tuyến đường T1 và T2 có vai trò kết nối với các trục giao thông chính trong khu vực để kết nối giao thông cho sân bay này.

Tuyến T2 sẽ kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để phục vụ kết nối giữa sân bay Long Thành và TP.HCM. Tuyến T1 sẽ kết nối với Quốc lộ 51 và các tuyến đường tỉnh 25B, 25C.

Các tuyến đường tỉnh 25B, 25C có vai trò kết nối với tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường Vành đai 3 TP.HCM. Từ đó, kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM và các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, đồng thời chia sẻ áp lực giao thông cho tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đã quá tải hiện chưa triển khai mở rộng.

Bàn giao 40 ngôi nhà tái thiết Làng Nủ (Lào Cai)

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bàn giao 40 ngôi nhà tái định cư cho người dân Làng Nủ sau 68 ngày xây dựng, vượt tiến độ được giao 15 ngày.

Khu tái định cư Làng Nủ nhìn từ trên cao

Khu tái định cư Làng Nủ nhìn từ trên cao

Sáng 15/12, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng UBND tỉnh Lào Cai tổ chức bàn giao 40 căn nhà tái định cư và tặng quà cho người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Công trình do Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, phụ trách xây dựng.

Một tháng trước, người dân đã bốc thăm lấy nhà để đảm bảo công bằng, minh bạch. Khu tái định cư nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo. Đường dẫn vào làng được đổ bêtông, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96 m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, lễ khánh thành Làng Nủ mới sẽ được tổ chức vào tuần sau, cùng ngày với hai khu tái định cư Nậm Tông và Kho Vàng thuộc huyện Bắc Hà. Công trình vượt tiến độ 15 ngày so với mốc được giao là 31/12. Nhà văn hóa thôn Làng Nủ và khu vực sạt lở cách nơi tái định cư khoảng 3 km sẽ trở thành nơi tưởng niệm.

Làng Nủ nằm dưới chân núi Voi - đỉnh cao nhất 1.033 m thuộc hệ thống núi chạy dài từ Lào Cai sang Yên Bái. Ngôi làng người Tày 167 hộ dân với 760 nhân khẩu định cư lâu đời trong thung lũng, canh tác một năm hai vụ lúa, trồng ngô, sắn.

Thảm họa lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện mất tích. Kết quả khảo sát hiện trường cho thấy sạt trượt phát sinh từ cao độ 744 m gần đỉnh núi Voi tạo thành dòng lũ bùn, gặp khúc co hẹp 100 m tạo "đập dâng" tạm thời, vỡ tràn rồi ụp xuống khu dân cư. Khoảng 1,6 triệu m3 bùn đá ập xuống làng chỉ trong 5 phút. Dòng lũ bùn đá dài khoảng 3,6 km với diện tích ảnh hưởng 38 ha, chiều sâu tích tụ dòng bùn 8-15 m, sâu nhất khoảng 18 m.

TP.HCM sử dụng hệ thống vé metro thanh toán không dùng tiền mặt

Hệ thống thanh toán vé điện tử không tiền mặt trên tuyến metro 1 đã được thiết lập để tạo sự tiện lợi nhất cho hành khách, đồng thời, thúc đẩy người dân không dùng tiền mặt.

Hệ thống thanh toán vé điện tử không tiền mặt trên tuyến metro 1 giúp người dân thuận lợi nhất khi đi metro

Hệ thống thanh toán vé điện tử không tiền mặt trên tuyến metro 1 giúp người dân thuận lợi nhất khi đi metro

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1, đơn vị vận hành metro số 1) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch sử dụng vé điện tử thanh toán không tiền mặt đối với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Đây là tiện ích để phục vụ người dân khi tuyến metro được đưa vào khai thác thương mại, trong thời gian chờ hệ thống thu soát vé (hệ thống AFC) của nhà thầu Hitachi hoàn thành vào tháng 5/2025.

Theo đó, việc thực hiện chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn miễn phí 30 ngày, từ ngày 2 - 31/12, người dân có thể dùng thẻ EMV do tổ chức thẻ Mastercard phát hành để đi tàu.

Trường hợp chưa có thẻ sẽ được phát hành thẻ không định danh hoặc định danh (nếu đăng ký) để quét thẻ tại các cổng soát vé vào và ra ở các nhà ga để đi metro.

Từ ngày 1 - 9/1/2025, người dân có thể dùng thẻ căn cước, căn cước công dân gắn chip để quét thẻ ở các cổng soát vé trong giai đoạn miễn phí.

Từ ngày 10 - 20/1/2025, đơn vị sẽ hoàn thành tính năng quét thẻ EMV của các tổ chức thẻ quốc tế (VISA, UPI, AMEX, JCB), tổ chức thẻ nội địa (NAPAS), quét mã QR/code; hoàn thành, đưa vào dùng ứng dụng HCMC Metro trên điện thoại di động, bổ sung tính năng đăng ký tài khoản cho người dân đi metro...

Ở giai đoạn 2, giai đoạn có thu phí (từ ngày 21/1/2025 trở đi), người dân mua vé lượt tại quầy bán vé, sau đó sẽ nhận vé dưới dạng mã QR code và quét mã tại các cổng soát vé.

Theo công ty metro số 1, với kế hoạch đưa vào sử dụng hệ thống vé điện tử thanh toán không tiền mặt sẽ giúp người dân thuận tiện dùng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị, đồng thời khuyến khích thanh toán không tiền mặt.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng chốt ngày vận hành chính thức tuyến metro số 1. Theo đó, lễ công bố diễn ra vào 7h ngày 22/12, tại ga Bến Thành (Quận 1) với sự tham dự của đại diện nước Nhật Bản, lãnh đạo bộ, ngành và lãnh đạo TP.HCM.

Thưởng Tết cao nhất ở Long An 519 triệu đồng

Mức thưởng Tết Ất Tỵ cao nhất ở Long An là 519 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, thấp nhất một triệu đồng.

Thưởng Tết cao nhất ở Long An 519 triệu đồng. Ảnh minh họa

Thưởng Tết cao nhất ở Long An 519 triệu đồng. Ảnh minh họa

Thông tin được ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, cho biết sáng 15/12. Hiện Tỉnh có 968 doanh nghiệp với gần 128.000 lao động báo cáo tiền thưởng Tết Ất Tỵ. Mức thưởng cao nhất năm nay thấp hơn nhiều so với gần 5,7 tỷ đồng dịp Tết năm trước ở địa bàn.

Ở Bình Dương, mức thưởng Tết cao nhất là 375 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi thấp nhất là 4,96 triệu đồng. Mức này đều tăng so với năm ngoái, lần lượt cao nhất là 366 triệu đồng và thấp nhất 4,68 triệu đồng. Đến nay, 1.676 doanh nghiệp đã có báo cáo thưởng Tết, 95 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng.

Ngoài 2 tỉnh nói trên, hiện có một vài địa phương công bố thưởng Tết của doanh nghiệp như Hà Giang với mức cao nhất gần 110 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng mỗi người. Đăk Lăk mức thưởng cao nhất là 94 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng. Cần Thơ thưởng cao nhất 300 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng.

Ngày 15/12 là hạn cuối các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết Dương lịch và Nguyên đán theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp cùng công đoàn cơ sở xây dựng phương án thưởng Tết, nắm tình hình tiền lương thực trả, nợ lương, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp lao động.

Rạng Đông Holding bị phạt vì giấu lỗ báo lãi

Ủy ban Chứng khoán vừa phạt hành chính Rạng Đông Holding vì công bố thông tin sai lệch, lỗ hơn trăm tỷ nhưng báo cáo tài chính ghi lãi.

Dây chuyền sản xuất màng nhựa trong dẻo của Rạng Đông Holding

Dây chuyền sản xuất màng nhựa trong dẻo của Rạng Đông Holding

Công ty CP Rạng Đông Holding (RDP) bị phạt 150 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên Báo cáo tài chính quý IV/2023 là hơn 17,3 tỷ đồng, nhưng thực tế báo cáo tài chính riêng được kiểm toán là âm hơn 117,6 tỷ đồng. Còn với báo cáo hợp nhất, Công ty tự báo lãi hơn 26 tỷ đồng, nhưng kết quả sau kiểm toán lại là lỗ hơn 146,7 tỷ đồng.

Ngoài phạt tiền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) còn buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch.

Bên cạnh đó, RDP còn bị phạt thêm 92,5 triệu đồng vì không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Công ty không công bố trên hệ thống của SSC và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) gồm báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023, giải trình ý kiến kiểm toán đối với báo cáo riêng và hợp nhất năm 2023.

Hiện tại, cổ phiếu RDP bị đưa vào diện đình chỉ vì Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Điều này nghĩa là mã chứng khoán này sẽ bị buộc dừng mua và bán trên thị trường.

Rạng Đông Holding từng là một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất nhựa. Giai đoạn trước năm 2016, Công ty lãi hàng chục tỷ đồng. Sau đó, RDP chuyển sang mô hình holding và đầu tư thêm bất động sản, khu công nghiệp.

RDP báo lỗ kỷ lục gần 147 tỷ đồng năm trước, lỗ lũy kế gần 206 tỷ đồng và có số nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn là gần 122 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, RDP vẫn còn lỗ hơn 64,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng còn nợ 42,5 tỷ đồng tiền thuế tính đến cuối tháng 10.

185.000 người ở TP.HCM thuê trọ diện tích dưới 4 m2

Khoảng 185.000 người chủ yếu ở quận 7, 12, Tân Phú, TP. Thủ Đức đang thuê phòng không đạt chuẩn, diện tích sàn tối thiểu dưới 4 m2 mỗi người, theo lãnh đạo Sở Xây dựng.

Nhà trọ công nhân ở đường Lê Đình Cẩn, quận Tân Bình

Nhà trọ công nhân ở đường Lê Đình Cẩn, quận Tân Bình

Thông tin được ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nêu tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, sáng 15/12 với chủ đề Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.

Ông Khiết cho hay, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM, Sở Xây dựng Thành phố đã xây dựng dự thảo, lấy ý kiến Đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích thuê trọ trên địa bàn. Đối với tiêu chí diện tích sàn tối thiểu tính theo người, TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã thống nhất giảm từ 5 m2 xuống 4 m2.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng, Thành phố có khoảng gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ cho thuê với hơn 629.000 phòng cho thuê. Trong đó, khoảng 555.000 phòng (chiếm 88,2%) đáp ứng tiêu chuẩn diện tích sàn tối thiểu mỗi người sử dụng là 4 m2. Số còn lại, với khoảng 74.000 phòng (chiếm 11,8%) không đạt chuẩn.

Trong số phòng không đạt chuẩn có khoảng 9.000 phòng là nhà trọ độc lập và khoảng 65.000 phòng là nhà ở riêng lẻ kết hợp cho thuê trọ, tập trung ở các quận 7, 12, Tân Phú và TP. Thủ Đức với khoảng 185.000 người đang thuê.

Để giải quyết, ông Khiết cho biết Sở Xây dựng đã đề xuất yêu cầu các chủ sở hữu có tiến độ cải tạo, sửa chữa để đạt chuẩn. Đồng thời, không áp dụng các biện pháp tháo dỡ hoặc đóng cửa ngay lập tức để tránh gây xáo trộn cuộc sống dân cư.

Sở cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ như vay ưu đãi, giảm lãi suất, hỗ trợ tiền điện nước và các chính sách ưu đãi về thuế.

Tin cùng chuyên mục