Đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng khép kín hai đoạn Vành đai 3
Hai đoạn thuộc Vành đai 3 được đề xuất sớm đầu tư trong năm nay với tổng số vốn 24.300 tỷ đồng, để kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Bến Lức - Long Thành.
Sơ đồ đường Vành đai 3 TP.HCM |
Vành đai 3 dài hơn 90 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được Thủ tướng duyệt 10 năm trước. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, giúp TP.HCM phát triển, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tuyến chia làm 4 đoạn, trong đó, chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km hoàn thành.
Hai đoạn được đề xuất đầu tư, gồm: Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 (dài 19 km, từ TP. Thuận An, Bình Dương đến huyện Hóc Môn, TP.HCM), đầu tư hơn 11.700 tỷ đồng. Giai đoạn một, Dự án làm đường rộng 24 m cho 4 làn xe, mở lên 67 - 74 m cho 6 - 8 làn ở giai đoạn hai. Đoạn này tương lai kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến năm 2025 hoàn thành.
Đoạn Quốc lộ 22 - Bến Lức (dài 29 km, từ Hóc Môn, TP.HCM đến đầu tỉnh Long An), tổng đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng. Giai đoạn một, công trình làm đường rộng 24 m cho 4 làn xe, vận tốc 100 km/h; giai đoạn hai mở lên 67 m cho 6 làn. Đoạn này sẽ giúp kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai.
Hai đoạn này đã được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thay mặt Bộ Giao thông Vận tải quản lý dự án) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tháng 10 năm ngoái. Trong đó đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 được đề xuất vay hơn 234 triệu USD từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và 270 triệu USD vốn đối ứng. Đoạn Quốc lộ 22 - Bến Lức đề xuất vay Ngân hàng Phát triển châu Á khoảng 309 triệu USD, vốn đối ứng 215 triệu USD.
Hà Nội: Nhiều tuyến phố trung tâm thay đá vỉa hè
Sau khi cải tạo xong vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai lát hè tuyến phố Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền.
Quận Hoàn Kiếm đã lên kế hoạch thay thế, chỉnh trang hạ tầng tại vỉa hè tại các tuyến phố hoàn thành hạ ngầm |
Những ngày gần đây, gạch block cũ ở vỉa hè các tuyến phố trên được công nhân bóc dỡ, thay thế bằng đá xanh tự nhiên. Một số nơi đơn vị thi công vừa lát gạch mới xong, ôtô đã leo lên đỗ trên hè phố thành hàng dài.
Theo ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, các tuyến phố trên địa bàn được triển khai hạ ngầm các hạng mục kỹ thuật và lát hè bằng gạch block vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long (năm 2010). Đến nay, sau 10 năm, Quận tiếp tục triển khai một số dự án lát hè tại các tuyến phố trung tâm theo quy định Thành phố.
Trong năm 2020, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành dự án trên đường Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng..., và đang triển khai tại một số tuyến phố khác. Hè phố trên được lát bằng đá xanh Thanh Hoá, kích thước 40x40 cm, dày 5 cm; bổ sung dải cây xanh sát mép hè tại những vị trí phù hợp và cải tạo hệ thống rãnh thoát nước.
Với những tuyến phố có vỉa hè rộng và là trục chính như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài - Phố Huế, Ngô Quyền, cùng với việc cải tạo lại vỉa hè, quận còn bổ sung thêm các dải cây bụi (thảm xanh) sát mép vỉa, lắp đặt trang thiết bị đô thị (ghế đá, thùng rác); bổ sung trụ nước uống, trạm tra cứu thông tin, xe đạp chia sẻ...
Loạt xe Nhật, Úc nhập về Việt Nam không ai muốn đấu giá
Bộ Công Thương vừa thông báo hủy phiên đấu giá nhập xe diện hạn ngạch trong Hiệp định CPTPP do không có doanh nghiệp tham gia. Dù xe cũ nhập diện hạn ngạch từ các nước như Úc, Nhật, Canada vào Việt Nam hơn 72 chiếc, song không có bất cứ doanh nghiệp nào tham gia đấu giá.
Loạt xe Nhật, Úc nhập về Việt Nam không ai muốn đấu giá |
Cơ quan chức năng cho rằng, doanh nghiệp không thấy lợi nhuận nên từ bỏ quyền đấu giá. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, xe cũ nhập hạn ngạch theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có cũng như không và hiện có quá nhiều quy định ràng buộc, khiến doanh nghiệp khó khăn trong nhập khẩu, kinh doanh loại xe này ở Việt Nam.
Số xe đấu giá hạn ngạch lần này là 72 chiếc, 50% là xe có dung tích trên 3.000cc, còn lại là xe có dung tích dưới 3.000cc. Diễn biến hơi lạ bởi các mẫu xe cũ nhập diện hạn ngạch được cho là có lợi về giá và thuế. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng.
Một số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu xe cũ diện hạn ngạch cho biết, giá đấu lấy từ cao xuống thấp và bị so sánh với giá xe cùng loại ở thị trường thứ 3 hoặc xe trong nước, giá xe bị quản khá chặt nên không có chuyện xe nhập giá rẻ. Bên cạnh đó, những mẫu xe cũ đủ tiêu chuẩn nhập khẩu là khi đã qua sử dụng 5 năm, vì vậy mức thuế tính cũng khá cao. Trong khi đó, thương nhân nhập khẩu phải chịu hàng loạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Ngoài nguyên nhân về thuế suất và giá thành, vấn đề khiến doanh nghiệp không quan tâm xe cũ nhập hạn ngạch từ CPTPP chính là các quy định ràng buộc quá chặt tại Nghị định 116/2017 của Chính phủ về giấy phép nhập khẩu, triệu hồi, hay bảo dưỡng, bảo hành, tiêu chuẩn khí thải...
Ngày 5/5 xét xử vụ án Nhật Cường Mobile
TAND Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán xảy ra tại Công ty Nhật Cường, vào ngày 5/5. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong vòng 7 ngày.
Trung tâm bảo hành của Nhật Cường trên phố Giảng Võ sau ngày bị khám xét |
15 bị cáo bị truy tố về hai nhóm tội, Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số này, 8 người là nhân viên Công ty Nhật Cường.
Cáo trạng xác định, Công ty Nhật Cường đăng ký kinh doanh từ năm 2001 với ngành nghề chính là buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông. Từ năm 2014 đên tháng 5/2019, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty cùng đồng phạm đã mua hơn 2.500 đơn hàng với trên 255.300 sản phẩm (iPhone, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác) của nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong... Tổng trị giá 2.900 tỷ đồng.
Nhật Cường không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi 72,9 tỷ đồng vận chuyển trái phép.
Từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2018, Nhật Cường tiếp tục vận chuyển trái phép 183 đơn hàng với gần 17.000 sản phẩm, tổng trị giá 307 tỷ đồng.
Thông qua hệ thống các cửa hàng của mình, Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu trên 3.200 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 221 tỷ đồng.
Về vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Bùi Quang Huy chỉ đạo kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng và Ngọc ghi chép số liệu liên quan hoạt động kinh doanh của Nhật Cường tại hai hệ thống số sách trên phần mềm. Việc này nhằm che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.
Cựu giám đốc Nhà máy ôtô VEAM Việt Nam bị bắt
Ông Phạm Vũ Hải, cựu Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, bị cáo buộc gây thất thoát tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Phạm Vũ Hải tại cơ quan điều tra |
Ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cho biết đã khởi tố bị can, tạm giam với ông Hải để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Các quyết định này được Viện kiểm soát nhân dân tối cao phê chuẩn. Việc ra quyết định tố tụng với ông Hải nằm trong diễn biến C03 mở rộng điều tra các sai phạm xảy ra tại Nhà máy ôtô VEAM từ 2 năm trước.
CO3 cho biết tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xác minh thu hồi tài sản thất thoát.
Vụ án xảy ra tại VEAM và một số đơn vị thành viên được C03 điều tra từ tháng 8/2019. Hiện gần 10 người bị bắt và khởi tố, trong đó có ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng giám đốc VEAM), Nguyễn Mạnh Chung (Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp) và Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM); Vũ Từ Công (Phó tổng giám đốc VEAM); Nguyễn Đức Toàn (Phó giám đốc Nhà máy ôtô VEAM).
Tháng 5/2019, Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng, "Tổng công ty VEAM có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sử dụng vốn, tài sản, công nợ... gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước". Từ đó, Bộ Công Thương chuyển một số vụ sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm về các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định quản lý kinh tế.
Bắt Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An liên quan vụ làm giả xăng ‘khủng’
Mở rộng điều tra vụ án làm giả hàng trăm triệu lít xăng, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục khám xét và bắt giam Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An.
Lương Đình Tiến - Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An bị đưa về cơ quan điều tra |
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Long An khám xét trụ sở Công ty Xăng dầu Long An.
Việc khám xét diễn ra vào sáng cùng ngày tại trụ sở của công ty này ở số 10 Trà Quý Bình (Phường 2, TP. Tân An, tỉnh Long An).
Cùng với đó, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lương Đình Tiến - Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An để điều tra về hành vi buôn lậu.
Việc bắt giữ và khám xét này liên quan đến đường dây làm giả hàng trăm triệu lít xăng do đối tượng Phan Thanh Hữu cầm đầu.
Tại trụ sở Công ty Xăng dầu Long An, công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án.