Bản tin thời sự sáng 16/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện từ EVN về Bộ Công Thương; cổ phiếu ITA bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 22/6; lắp thiết bị chống trượt cho hơn 900 gối cầu Metro số 1; Bộ Giáo dục miễn thi tốt nghiệp Ngoại ngữ với mọi chứng chỉ IELTS…

Chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện từ EVN về Bộ Công Thương

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ tách khỏi EVN và chuyển về Bộ Công Thương quản lý, theo quyết định từ 2017 nhưng chậm thực hiện.

Các kỹ sư A0 đang vận hành hệ thống điện quốc gia

Các kỹ sư A0 đang vận hành hệ thống điện quốc gia

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuyển nguyên trạng Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ Công Thương trong tháng 6. Việc này nhằm đảm bảo minh bạch trong vận hành thị trường điện.

EVN là đơn vị sở hữu hơn một phần ba các nguồn sản xuất điện, và quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải và phân phối điện. Trong khi đó, A0 là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN. Việc tách trung tâm điều độ ra khỏi tập đoàn nhằm minh bạch lợi ích giữa bên bán và mua điện.

A0 vận hành các khâu truyền tải, phân phối điện, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500 kV. Việc tách A0 khỏi EVN đã được nêu trong Quyết định tái cơ cấu ngành điện năm 2017 nhưng chưa được thực hiện.

Tại tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương xin cơ chế tài chính đặc biệt khi chuyển A0, với 2 phương án. Phương án 1, A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương. Phương án 2 là A0 trở thành Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương cho rằng, phương án 1 hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Còn sau khi Luật Giá và Luật Điện lực sửa đổi được ban hành, có thể xem xét thêm phương án thứ 2.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) được thành lập từ 1994, đảm nhận việc điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện.

EVN đang trong thời gian bị thanh tra về việc cung ứng điện, trong bối cảnh người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc từ đầu tháng 6 thường xuyên bị mất điện.

Cổ phiếu ITA bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 22/6

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có quyết định đưa cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) vào diện kiểm soát từ ngày 22/6.

Cổ phiếu của Tân Tạo bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 22/6

Cổ phiếu của Tân Tạo bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 22/6

Nguyên nhân đưa cổ phiếu của Tân Tạo vào diện kiểm soát được HOSE công bố do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 và năm 2022 là số âm căn cứ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022. Đây là trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát. Ngoài ra, cổ phiếu ITA cũng đang trong diện cảnh báo do Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 có ý kiến ngoại trừ.

Thêm nữa, cổ phiếu ITA đồng thời đang trong diện cảnh báo từ tháng 8/2022 do Công ty vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm (tính theo năm dương lịch). Khi đó, Công ty đã nhiều lần bị nhắc nhở về việc công bố thông tin và giải trình liên quan gần 2.000 tỷ đồng ủy thác cho bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 do Công ty công bố. Tuy nhiên, các văn bản sau đó, đặc biệt là Báo cáo tài chính bán niên 2022 lại đưa ra số liệu hoàn toàn khác... Vì vậy, HOSE đã có đến 4 lần yêu cầu Tân Tạo giải trình liên quan đến câu chuyện tạm ứng, ủy thác đầu tư đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến kể từ khi công bố Báo cáo tài chính quý II/2022 đến nay.

Theo Báo cáo kiểm toán năm 2022, Tân Tạo ghi nhận lỗ 257,9 tỷ đồng trong năm 2022 và lỗ 404,1 tỷ đồng trong năm 2021.

Lắp thiết bị chống trượt cho hơn 900 gối cầu Metro số 1

918 vị trí gối cầu trên tuyến Metro số 1 (TP.HCM) được lắp khung thép, phun keo chống trượt đảm bảo an toàn sau sự cố một số gối bị rơi, xê dịch cách đây 3 năm.

Đoàn tàu thuộc Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao

Đoàn tàu thuộc Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao

Thông tin được ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết sáng 15/6 khi đề cập quá trình điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố gối cầu trên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Ông Hiển cho biết, việc gối cầu trên tuyến rơi và chuyển vị trí do khe hở giữa gối và đá kê dẫn đến diện tích tiếp xúc giảm, ảnh hưởng lực ma sát. Yếu tố này cộng với sự giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa đường ray và dầm trong quá trình thi công đã làm tăng khả năng trượt gối cầu. Kết luận được đưa ra sau khi tổng thầu cùng đơn vị tư tiến hành quan trắc, thí nghiệm trên cả ba phương diện về thiết kế, thi công và vật liệu.

Từ tháng 10/2020 - thời điểm phát hiện sự cố đến nay, tuyến metro có một gối cầu bị rơi và 9 gối xê dịch khỏi vị trí ban đầu, trong tổng số 1.910 gối cầu thuộc dự án.

Để khắc phục sự cố, nhà thầu đã lắp đặt hệ khung với kết cấu bằng thép ở 918 gối cầu trên tuyến nhằm ngăn sự dịch chuyển, bao gồm giả định trong điều kiện có động đất. Trong số 918 vị trí nêu trên có 733 vị trí được phun thêm keo epoxy lấp đầy khe hở giữa gối và đá kê, đảm bảo ma sát.

Theo ông Hiển, các biện pháp trên đã được tư vấn độc lập đánh giá đảm bảo và Liên danh NJPT (tư vấn chung của dự án) chấp thuận theo quy trình quản lý chất lượng. Việc này phù hợp theo ý kiến của các chuyên gia thuộc tổ công tác tham gia xác minh nguyên nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo tuyệt đối an toàn, việc quan trắc gối cầu sẽ tiếp tục được nhà thầu thực hiện đến giai đoạn nghiệm thu, hoàn thành cũng như trong giai đoạn bảo hành.

Đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế qua cổng dịch vụ công từ 1/7

Người dân cả nước có thể đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/7.

Người dân Hà Nội đăng ký các dịch vụ công trực tuyến

Người dân Hà Nội đăng ký các dịch vụ công trực tuyến

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa ban hành hai quyết định về quy trình liên thông giải quyết hai nhóm thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhóm dịch vụ Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi thực hiện từ ngày 1/7 trên cả nước sau nửa năm thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam. Cha hoặc mẹ, hoặc người giám hộ, người thân của trẻ điền thông tin vào tờ khai điện tử theo mẫu trên cổng. Tờ khai sẽ được chuyển về Cơ quan Bảo hiểm Xã hội địa phương để giải quyết theo quy định. Hồ sơ hợp lệ xử lý trong vòng hai ngày.

Riêng nhóm Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí sẽ triển khai từ 15/6.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, triển khai hai nhóm dịch vụ công trên cả nước giúp người dân giảm thời gian, chi phí đi làm khi chỉ cần thực hiện một lần nhưng giải quyết được ba thủ tục hành chính kèm theo. Trước đó, cơ quan này cùng một số bộ ngành thí điểm hai nhóm dịch vụ công trên tại Hà Nội và Hà Nam. Tính đến 30/5, Bảo hiểm Xã hội hai địa phương trên đã tiếp nhận, giải quyết hơn 34.000 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và 1.220 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.

Bộ Giáo dục miễn thi tốt nghiệp Ngoại ngữ với mọi chứng chỉ IELTS

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chấp nhận chứng chỉ IELTS đủ điều kiện, cấp sau ngày 10/9/2022 để xét miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ, sau khi bị hàng trăm thí sinh phản ứng.

Thi chứng chỉ IELTS. Ảnh minh họa

Thi chứng chỉ IELTS. Ảnh minh họa

Trong văn bản trưa 15/6, Bộ này cho biết, để "bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học", những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài, trong đó có IELTS cấp sau ngày 10/9 vẫn được xét miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thông báo được đưa ra 5 ngày sau khi Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của thí sinh diện miễn thi. Theo đó, các chứng chỉ hợp pháp để miễn bài thi Ngoại ngữ phải được cấp trước ngày 10/9/2022 - thời điểm nhiều đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS ở Việt Nam chưa được Bộ cấp phép.

Việc này khiến hàng nghìn thí sinh có chứng chỉ IELTS có thể mất cơ hội được miễn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như tại TP.HCM, hơn 750 thí sinh bị ảnh hưởng. Phụ huynh và thí sinh bức xúc khi thông báo thay đổi được đưa ra trước kỳ thi khoảng hai tuần, khiến học sinh bất ngờ, không có thời gian ôn luyện, chuẩn bị.

Theo quy định, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên hoặc tương đương, hạn sử dụng chứng chỉ còn ít nhất tới ngày 27/6/2023 được miễn và tính điểm 10 môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp. Năm nay, cả nước có hàng chục nghìn thí sinh thuộc diện này, trong đó riêng Hà Nội là 16.000, TP.HCM gần 10.000.

Khánh Hòa chưa thể thu hồi khu đất 5 biệt thự lầu Bảo Đại

Chính quyền Khánh Hòa đã tiếp nhận 5 biệt thự di tích lầu Bảo Đại nhưng doanh nghiệp chưa bàn giao đất ở khu di tích, công trình chưa thể đón khách tham quan.

Một căn biệt thự tại khu di tích Lầu Bảo Đại, TP Nha Trang

Một căn biệt thự tại khu di tích Lầu Bảo Đại, TP Nha Trang

Thông tin được ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa nêu vào chiều 15/6, tại cuộc họp do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức.

Trước đó hồi cuối tháng 5, UBND Khánh Hòa thu hồi hơn 9.200 m2 đất bao gồm 5 biệt thự di tích lầu Bảo Đại (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thuê, để giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích quản lý.

Ông Thiện cho biết, hiện chủ đầu tư mới trả lại 5 biệt thự mà chưa bàn giao các khu đất liền kề xung quanh công trình. Công ty vẫn cử bảo vệ canh lối ra vào khu đất, cổng dự án vẫn đóng, du khách không thể thăm quan các biệt thự.

Đại diện Công ty CP Đầu tư Khánh Hà cho biết, đơn vị chưa nhận được văn bản quyết định thu hồi hơn 9.200 m2 đất thuộc 5 căn thự của Tỉnh, nên chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.

Khu biệt thự lầu Bảo Đại gồm 5 căn nhà cổ tên là Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, nằm trên núi Cảnh Long, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, do người Pháp xây năm 1923. Từ năm 1940 - 1945, hoàng đế Bảo Ðại hay tới đây nghỉ dưỡng nên các biệt thự mang tên ông. Tháng 10/1995, các tòa nhà được công nhận "Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh".

Lùi kế hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa

Kế hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa lùi đến năm 2024 hoặc 2025 do phải chờ quy hoạch chung đô thị và sắp xếp các xã, phường.

Một góc thành phố Thanh Hoá hiện nay

Một góc thành phố Thanh Hoá hiện nay

Ngày 15/6, ông Lê Anh Xuân - Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa cho biết, dự kiến ban đầu huyện Đông Sơn sáp nhập vào TP. Thanh Hóa vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, kế hoạch phải lùi đến năm 2024 hoặc 2025.

Hồi tháng 3, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt chung đô thị Thanh Hóa. Theo ông Xuân, đây là cơ sở để Tỉnh xây dựng, điều chỉnh đề án, triển khai quy trình sáp nhập. UBND Thành phố và huyện Đông Sơn đang khẩn trương rà soát thủ tục, tiêu chí đô thị loại một và thành lập các phường trên cơ sở xã. Hiện nhiều xã, phường không đủ tiêu chí nên phải sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Thanh Hóa dự kiến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Thứ nhất là sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thành phố, giữ nguyên hiện trạng các xã, phường như hiện nay. Phương án này nếu làm nhanh có thể xong trong quý II/2024.

Phương án hai là sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thành phố đồng thời với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường. Nếu chọn cách này, dự kiến cuối năm 2024 hoặc đầu 2025 mới hoàn thành.

"Quá trình sáp nhập rất phức tạp với nhiều phần việc như sắp xếp đơn vị hành chính, cán bộ công chức, xử lý tài sản công. Do vậy, chúng tôi phải làm thận trọng, đúng trình tự pháp luật và tạo được đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân", ông Xuân nói.

TP. Thanh Hóa được thành lập năm 1993 từ thị xã Thanh Hóa cũ, trở thành đô thị loại hai năm 2003, đến năm 2014 được công nhận đô thị loại một.

Theo dự thảo đề án, toàn bộ gần 83 km2, dân số hơn 88.000 của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào TP. Thanh Hóa. Sau sáp nhập, Thành phố sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số gần 594.000, với 37 phường và 11 xã…

TP.HCM muốn làm dự án điện gió gần 400.000 tỷ đồng ở Cần Giờ

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, công suất 6.000 MW, vốn gần 400.000 tỷ đồng được đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050.

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ

Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ do liên danh giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đề xuất. Dự án được đặt ngoài khơi Nam Biển Đông, diện tích khảo sát hơn 325 ha. Khu vực đất liền của Dự án đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) với diện tích dự kiến khoảng 8 ha.

Công trình có tổng công suất lắp đặt 6.000 MW, tổng vốn đầu tư ước tính gần 400 nghìn tỷ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng), chia làm 4 giai đoạn đầu tư. Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ cấp điện áp đấu nối vào lưới điện quốc gia 500 kV, điểm đấu nối tại trạm Đa Phước.

Sau khi lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản đề nghị chủ đầu tư liên hệ Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục khảo sát, đề xuất bổ sung Dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050.

Tin cùng chuyên mục