Bản tin thời sự sáng 16/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng chỉ đạo ứng phó với tình huống thiên tai, mưa lũ lớn bất thường; Hà Nội xử lý ngay tình trạng phát tán mùi từ nước rỉ rác ở bãi rác Nam Sơn…

Yêu cầu xử lý tình trạng rò rỉ nước phát tán mùi tại bãi rác Nam Sơn

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo xử lý ngay tình trạng phát tán mùi từ nước rỉ rác ở bãi rác Nam Sơn, báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 20/7.

Xe chở rác nằm chờ bên ngoài khu vực bãi rác.

Xe chở rác nằm chờ bên ngoài khu vực bãi rác.

Liên quan đến việc người dân “lập chốt” chặn xe vận chuyển rác và Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) để đòi quyền lợi, mong sớm được di dời ra khỏi vùng ô nhiễm, ngày 15/7, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng về hướng xử lý, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Theo nội dung công văn, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương chỉ đạo xử lý ngay tình trạng phát tán mùi từ nước rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 20/7.

Với các nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều đã được UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết, ông Hùng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định và chính sách đã được UBND Thành phố chấp thuận cho Dự án.

Cùng với đó, phía địa phương đảm bảo tiến độ hoàn thành đã được Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo tại văn bản số 2658/UBND-GPMB ngày 25/6; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thông tin đầy đủ về chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng để người dân hiểu và chấp hành; cương quyết xử lý những trường hợp cố tình cản trở hoạt động của bãi rác, gây mất an ninh trật tự khu vực.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cũng yêu cầu Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo Công an huyện Sóc Sơn và phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn hỗ trợ, bảo vệ để thực hiện biện pháp hành chính đối với các trường hợp chặn xe vận chuyển rác vào bãi rác Nam Sơn theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Khánh Hòa sẽ quy hoạch mới Khu kinh tế Vân Phong

Tỉnh Khánh Hòa thống nhất việc xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc Khu kinh tế Vân Phong.

Khu vực Bắc Vân Phong nhiều tiềm năng chưa được đánh thức.

Khu vực Bắc Vân Phong nhiều tiềm năng chưa được đánh thức.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Thông báo kết luận về việc các nhà đầu tư tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng thuộc Khu kinh tế Vân Phong. UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong khẩn trương thực hiện trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong.

Đồng thời, thống nhất việc xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc Khu kinh tế Vân Phong, trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận kinh phí tài trợ của các nhà đầu tư cho công tác lập quy hoạch nên UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu nội dung này...

Về việc các nhà đầu tư đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết 1/500 đối với một số khu vực thuộc Khu kinh tế Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xem xét cụ thể nội dung đề xuất của nhà đầu tư, sau khi Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó với tình huống thiên tai, mưa lũ lớn bất thường

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng và nhân dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Nhiều ngày vừa qua, tại Lai Châu xảy ra mưa lũ lớn.

Nhiều ngày vừa qua, tại Lai Châu xảy ra mưa lũ lớn.

Vừa qua, tại một số nước trong khu vực đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng và nhân dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, rà soát phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó cụ thể khi xảy ra mưa lũ lớn bất thường trên diện rộng nhằm chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các bộ, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành

Hà Nội lên phương án phân luồng trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long

Sở GTVT Hà Nội vừa dự kiến phương án phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện đi lại trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 6/8/2020, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để thi công - Ảnh minh họa

Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 6/8/2020, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để thi công - Ảnh minh họa

Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo UBND TP. Hà Nội góp ý, thống nhất phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long do Bộ GTVT triển khai.

Theo phương án dự kiến, trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long, tầng 2 của cầu sẽ cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông. Tại tầng 1 cầu Thăng Long, tàu hỏa lưu thông qua cầu Thăng Long với tốc độ ≤5km/giờ, các phương tiện môtô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường.

Cụ thể, tại phương án phân luồng giao thông từ xa, Hà Nội lên phương án cho xe tải (có khối lượng toàn bộ từ 1,25 tấn trở lên) và xe khách từ 16 chỗ ngồi đi từ các tỉnh phía Bắc có nhu cầu qua cầu Thăng Long đến khu vực phía Nam cầu Thăng Long đi theo các hướng từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL.5, QL.18, QL.1, QL.2, QL.2C, QL.3, đường Hồ Chí Minh, đi qua cầu Thanh Trì hoặc cầu Vĩnh Thịnh, đi đường vành đai 3 trên cao...

Sở GTVT Hà Nội dự kiến thời gian thi công, lắp đặt hệ thống biển báo phân luồng bắt đầu từ ngày 15/7 và hoàn thành trước ngày 25/7; đồng thời, phân luồng tạm thời để theo dõi trong vòng 10 ngày (từ ngày 25/7 đến 5/8). Từ ngày 6/8/2020, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để thi công.

Mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ tháng 8

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đồng ý phương án tổ chức cho mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế vào tháng 8 tới.

Dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500-3.000 hành khách được đưa vào VN trên các chuyến bay thường lệ

Dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500-3.000 hành khách được đưa vào VN trên các chuyến bay thường lệ

Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia) với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến.

Theo Bộ GTVT, dự kiến mỗi tuần sẽ có 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam sẽ chở từ 1.000 - 1.500 hành khách).

Bộ GTVT sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia kế hoạch vận chuyển giữa VN với các nước, dự kiến đầu tháng 8 tới có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Về điều kiện đối với hành khách khi thực hiện các chuyến bay thương mại phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in); hành khách nhập cảnh VN thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch khi nhập cảnh.

Để phù hợp với điều kiện địa lý, phân bố khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến Bộ GTVT đề xuất địa điểm tiếp nhận các chuyến bay trong giai đoạn đầu đó là Quảng Châu (Trung Quốc) - Đà Nẵng; Tokyo (Nhật Bản) - Hà Nội; Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) - TP.HCM; Vientiane (Lào) - Quảng Ninh; Phnom Penh (Campuchia) - Cần Thơ.

Theo kế hoạch đề xuất của Bộ GTVT, trong giai đoạn đầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng.

Khi dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác.

Bộ Nội vụ: Trong 5 năm, đã giảm hơn 300.000 biên chế trong các cơ quan

Bộ Nội vụ vừa ban hành Báo cáo số 3445/BC-BNV về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ, ngành Nội vụ; trong đó có nội dung giảm hơn 300.000 biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính.

Từ năm 2015 đến năm 2021 phải giảm biên chế 354.624 người, do vậy năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người. Ảnh minh hoạ

Từ năm 2015 đến năm 2021 phải giảm biên chế 354.624 người, do vậy năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, với phương châm hành động của năm 2020 là “Hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin”, Bộ Nội vụ đã chủ động, tập trung thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Kết quả thực hiện đối với bộ, cơ quan ngang bộ: Giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương (còn 249 tổ chức); tăng 7 cục (thành 126 cục); giảm 10 tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập (còn 100 tổ chức). Cơ cấu tổ chức cơ quan thuộc Chính phủ: giảm 1 tổ chức (còn 52 ban và tương đương); giảm 24 đơn vị sự nghiệp công lập (còn 142 đơn vị sự nghiệp công lập)...

Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành và địa phương (từ cấp huyện trở lên) năm 2020 là 251.135 người, giảm 23.896 người so với năm 2015.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.834.724 người, giảm 150.040 người so với năm 2015; số người hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 70.755 người, giảm 13.322 người so với năm 2015.

Cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố là 1.031.851 người, giảm 147.290 người so với năm 2015.

Như vậy, biên chế do Chính phủ quản lý từ năm 2015 tính đến tháng 6.2020 đã giảm được 334.548 người, tương ứng giảm 94,34%.

Tuy nhiên, so với yêu cầu tại Kết luận số 17-KL/TW từ năm 2015 đến năm 2021 phải giảm 354.624 người, do vậy năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người.