Bản tin thời sự sáng 17/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM muốn thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh, đăng ký kết hôn; Vietnam Airlines tiếp tục tăng hơn 100 chuyến bay Tết; Eximbank đại hội bất thành; giá thép tăng sát Tết Nguyên đán;…

TP.HCM muốn thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh, đăng ký kết hôn

Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp cho thành phố này thí điểm cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch thay cho các bản giấy trong thủ tục hành chính.

TP.HCM muốn thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh

TP.HCM muốn thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh

Việc sử dụng bản điện tử giấy hộ tịch đã được quy định từ 18/2/2022, nhưng theo ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP.HCM), đến nay chưa địa phương nào triển khai được. Một trong những lý do là số hóa dữ liệu hộ tịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được triển khai đồng bộ.

Ngày 16/1, đại diện Bộ Tư pháp cho biết hoàn toàn ủng hộ TP.HCM thí điểm cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch thay các bản giấy trong giao dịch, thủ tục hành chính. Không riêng TP.HCM, địa phương nào hoàn thiện cơ sở hạ tầng đều sẽ được triển khai cấp giấy tờ hộ tịch điện tử.

Hiện, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý đã sẵn sàng chia sẻ, kết nối. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai để hoàn thiện hơn.

Trước đó, từ đầu tháng 6/2022, UBND TP.HCM đã thí điểm việc cấp bản sao trích lục các loại sổ, giấy hộ tịch từ dữ liệu số hóa hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu.

Sau ba tháng triển khai, Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch tại TP.HCM đã cấp được gần hơn 206.000 bản sao giấy tờ hộ tịch từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch. Việc đề xuất cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch nhằm tiếp tục khai thác dữ liệu số hóa hộ tịch tại TP.HCM.

Năm 2022, Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành giai đoạn một, số hóa tất cả cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm sổ đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, và nhận cha mẹ con, tương đương gần 12 triệu hồ sơ hộ tịch. Trong đó, gần 11 triệu hồ sơ hộ tịch đăng ký trước ngày 1/1/2016 đã đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp (đạt 97%), còn trên 583.000 hồ sơ đăng ký từ sau ngày 1/12016 (là bản PDF) được lưu tại kho dữ liệu dùng chung của bộ này.

Vietnam Airlines tiếp tục tăng hơn 100 chuyến bay Tết

Vietnam Airlines vừa tăng 20.000 chỗ ngồi, tương đương 108 chuyến bay để phục vụ cao điểm Tết.

Vietnam Airlines vừa tăng 108 chuyến bay để phục vụ cao điểm Tết.

Vietnam Airlines vừa tăng 108 chuyến bay để phục vụ cao điểm Tết.

Đây là lần tăng chuyến bay cao điểm Tết lần thứ 4 của hãng hàng không quốc gia. Trước đó, Vietnam Airlines đã tăng chuyến vào tháng 8 và hai đợt trong tháng 12.

Theo Vietnam Airlines, các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP.HCM - Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế. Hãng đã ghi nhận lượng khách đặt vé tăng trưởng nhanh trong những ngày gần Tết.

Trong giai đoạn Tết từ 6/1 - 5/2/2023, tổng số ghế và chuyến bay toàn mạng nội địa mà hãng cung ứng phục vụ cả dịp Tết là gần 9.200 chuyến bay, tương đương gần 1,9 triệu ghế.

Không chỉ Vietnam Airlines, các hãng bay trong nước như Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng phải tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu cao dịp Tết của khách hàng.

Cục Hàng không cho biết, các hãng hàng không đã tăng đáng kể ghế cung ứng trên hầu hết đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, khi được Cục cấp phép bổ sung trên cơ sở tham chiếu điều phối slot được bổ sung tại sân bay Tân Sơn Nhất vào các khung giờ ngày và đêm.

Eximbank đại hội bất thành

Eximbank dự kiến đại hội bất thường để đưa ba nhân vật mới vào HĐQT nhưng bất thành, vì chỉ có 132 cổ đông đại diện 53% cổ phần tham dự.

Eximbank dự kiến đại hội bất thường để đưa 3 nhân vật mới vào hội đồng quản trị nhưng bất thành

Eximbank dự kiến đại hội bất thường để đưa 3 nhân vật mới vào hội đồng quản trị nhưng bất thành

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sáng 16/1 tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT, đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên mới nhiệm kỳ VII (2022 - 2025). Tuy nhiên, chỉ có 132 cổ đông (đại diện cho 53,16% cổ phần) tham dự nên cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành theo điều lệ (yêu cầu tối thiểu có cổ đông đại diện 65% số cổ phần biểu quyết).

Ba nhân sự mới mà Eximbank muốn đưa vào HĐQT gồm bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng (thành viên độc lập).

Bà Lê Thị Mai Loan, vốn là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG). Bà Loan là người tham gia thành lập BCG và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch thường trực tại Tracodi và BCG Land - 2 trong 4 công ty thành viên trụ cột của tập đoàn này. Hiện tại, bà Loan là Chủ tịch Công ty Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang.

Người thứ hai được đề cử vào HĐQT đợt này là ông Phạm Quang Dũng, hiện là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Phú Mỹ - công ty con thuộc Tập đoàn Taseco.

Người còn lại được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT độc lập là ông Trần Anh Thắng, đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Nhất Việt và Chủ tịch của Công ty Đầu tư du lịch Hà Nội non nước, Công ty Amber Capital Holdings.

Kế hoạch bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT được công bố sau khi 2 thành viên là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) - đại diện cho Tập đoàn Thành Công tại Eximbank - đã xin từ nhiệm, sau khi tập đoàn này thoái vốn khỏi Nhà băng từ tháng 10/2022.

Giá thép tăng sát Tết Nguyên đán

Mỗi tấn thép trong nước hiện vượt 15 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với cách đây một tuần.

Thép xây dựng Hoà Phát

Thép xây dựng Hoà Phát

Sau thời gian dài giảm và đi ngang, giá thép trong nước liên tiếp tăng trở lại. Cách đây 3 ngày, thép Hoà Phát thông báo tới khách hàng về đợt tăng giá thứ 2 trong tháng đầu năm 2023, với mức tăng 200.000 đồng một tấn thép cuộn CB240. Theo đó, mỗi tấn thép xây dựng của Hoà Phát lên 14,94 triệu đồng ở phía Bắc và 14,91 triệu đồng tại khu vực miền Trung.

Tương tự, Thép Thái Nguyên, Việt Nhật, Việt Ý... cũng đồng loạt tăng thêm 200.000 đồng mỗi tấn thép xây dựng. Chẳng hạn, Thép Thái Nguyên tăng đồng loạt các loại thép trơn CB240, thép thanh vằn CB300, CB400 và CB500 từ 12/1.

Sau điều chỉnh, giá thép xây dựng của thương hiệu này đều vượt 15 triệu đồng một tấn (chưa gồm thuế VAT). Như thép trơn CB240 tăng lên 15,4 triệu đồng một tấn, thép thanh vằn CB300 là 15,75 triệu đồng, còn thép vằn CB400 dao động 15,45 - 15,65 triệu đồng một tấn, tuỳ đường kính 10 mm hay 14 mm.

Trường hợp khách hàng thanh toán chậm có bảo lãnh, giá mỗi tấn thép đắt thêm 1,2 triệu đồng, chưa gồm thuế VAT.

Có mức tăng cao nhất lần này là Thép Việt Đức, 210.000 đồng một tấn, đưa thép cuộn CB240, thanh vằn CB300 D10 (đường kính 10mm) lần lượt lên mức giá 14,7 triệu đồng và 14,9 triệu đồng một tấn (chưa gồm thuế).

Giống các lần tăng giá trước, lý do được các bên đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng. Như vậy, đây là lần tăng giá thứ hai trong nửa đầu tháng 1, đưa giá thép tại các doanh nghiệp lên sát 15 triệu đồng, thậm chí có đơn vị đã vượt 15 triệu đồng. Giá hiện tại cách mức đỉnh 18,3 triệu đồng một tấn hồi tháng 5/2021 trên 3 triệu đồng.

Hơn 53.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng

Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp khó khăn bị cắt giảm đơn hàng là trên 637.000 người, trong đó số bị mất việc là hơn 53.000 người, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…

Năm 2022, hơn 53.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng

Năm 2022, hơn 53.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng

Thông tin về tình hình thị trường lao động, việc làm trong năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thị trường lao động phục hồi tích cực, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu quý IV/2022 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, phải cắt giảm việc làm. Trong đó, 65,3% doanh nghiệp FDI, còn lại là dân doanh; 60% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Nam; 24% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Bắc; 16% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung. Tập trung ở các ngành nghề: dệt may; da giày; chế biến gỗ; cơ khí công nghiệp phụ trợ...

Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là 637.491 người. Trong đó, số bị mất việc là 53.674 người, chiếm 8,4%; số phải giảm giờ làm trên 359.087 người, chiếm 56,3%, trong đó chủ yếu là làm thêm giờ và giảm giờ làm bình thường; số phải tạm ngừng việc có trả lương là 22.679 người, chiếm 4%; số tạm hoãn hợp đồng lao động là 35.081 người, chiếm 5,5 %; số còn lại, doanh nghiệp sắp xếp theo một số hình thức khác.

Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình bị phạt do không công bố thông tin

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình.

Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình bị phạt 100 triệu đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính do không công bố thông tin. Ảnh minh họa

Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình bị phạt 100 triệu đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính do không công bố thông tin. Ảnh minh họa

Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình bị phạt 100 triệu đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do có hành vi vi phạm hành chính không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, công ty không thực hiện công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN, bao gồm: Báo cáo tài chính năm 2020, 2021 đã được kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2020, 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 2021.

Tin cùng chuyên mục