Việt Nam đề xuất ba định hướng hợp tác lớn cho APEC
Chủ tịch nước Lương Cường nêu những khó khăn, cơ hội kinh tế thế giới đang đối mặt và đề xuất ba định hướng hợp tác lớn cho APEC.
Chủ tịch nước Lương Cường dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 |
Phát biểu tại Hội nghị các lãnh đạo nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 ở Peru ngày 16/11, Chủ tịch nước Lương Cường đề xuất ba định hướng hợp tác lớn để APEC tiếp tục đứng vững trước thách thức và nắm bắt hiệu quả các cơ hội trong thời gian tới.
Đầu tiên là tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, kiến tạo và duy trì các liên kết kinh tế thông suốt, tạo thuận lợi cho dòng chảy tài chính, công nghệ, tri thức và lao động xuyên biên giới, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng có sức chống chịu cao, bền vững.
Đẩy mạnh chương trình hợp tác, sáng kiến về tăng trưởng bao trùm, công nghệ bao trùm, lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ưu tiên giải pháp thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận công nghệ số và thành quả của đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng xanh, hạ tầng số, hợp tác chia sẻ ứng dụng công nghệ mới trong xử lý các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng lực thể chế và quản trị toàn cầu, cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế của APEC theo hướng tinh gọn, năng động, thích ứng, đón đầu, sẵn sàng kiến tạo các động lực tăng trưởng mới, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân - những chủ thể, mục tiêu và trung tâm của hợp tác APEC.
Chủ tịch nước Lương Cường cũng chỉ ra ba nét tương phản lớn trong bức tranh kinh tế thế giới hiện nay. Đó là, xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại và bất ổn vĩ mô làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu, song các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, tiếp tục là đầu tàu, là động lực tăng trưởng của thế giới.
Chủ nghĩa bảo hộ, đứt gãy chuỗi cung ứng, phân mảnh, phân cực đang gia tăng, nhưng nhu cầu hợp tác, liên kết kinh tế vẫn rất mạnh mẽ.
Khoảng cách phát triển và vấn đề môi trường tiếp tục là thách thức hàng đầu, nhưng sự phát triển của công nghệ đột phá, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày càng sâu rộng và toàn diện, mang đến nhiều giải pháp sáng tạo và cơ hội hợp tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Rio de Janeiro, bắt đầu các hoạt động ở Brazil
Cùng với việc lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiến hành một số hoạt động song phương tại Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 16 đến ngày 19/11.
Ngay sau khi đặt chân tới Rio de Janeiro, Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Brazil |
Chiều 16/11 theo giờ địa phương (rạng sáng 17/11 giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Galeao của thành phố Rio de Janeiro (Brazil).
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 16 đến ngày 19/11, theo lời mời của Tổng thống Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024 Luiz Inácio Lula da Silva và Phu nhân.
Hoạt động đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sau khi đặt chân đến thành phố Rio de Janeiro là gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Brazil.
Ngày 18/11, Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và phát biểu tại đây với tư cách khách mời. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị G20, dù Việt Nam đang không nắm giữ cương vị chủ tịch luân phiên của một diễn đàn đa phương nào.
Đây cũng là chuyến công du thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil, sau chuyến thăm chính thức nước này vào tháng 9 năm ngoái.
Năm nay, Brazil đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững", phản ánh mối quan tâm lớn đến phát triển bền vững của các nền kinh tế và đặc biệt là giảm bất bình đẳng xã hội trên thế giới.
Với tư cách khách mời, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ phát biểu tại hai phiên họp ngày 18 và 19/11 với hai chủ đề quan trọng: "Cuộc chiến chống đói nghèo" và "Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng".
Bộ Chính trị chuẩn y ông Nguyễn Đức Trung làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An
Ông Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trao quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y ông Nguyễn Đức Trung giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trao quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y ông Nguyễn Đức Trung giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An |
Ngày 16/11, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tại Quyết định số 1674-QĐNS/TW ngày 12/11, Bộ Chính trị chuẩn y ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chỉ định ông Trung tham gia Đảng ủy Quân khu 4, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng chúc mừng ông Nguyễn Đức Trung được Bộ Chính trị giao trọng trách mới. Ông Lê Minh Hưng khẳng định, đây là sự tin tưởng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với cá nhân ông Nguyễn Đức Trung sau hơn 4 năm ông được điều động, luân chuyển về tỉnh Nghệ An.
Việc ông Nguyễn Đức Trung nhận được số phiếu bầu tuyệt đối từ các đại biểu có mặt tại Hội nghị thực hiện quy trình bầu Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 11/11 cũng thể hiện sự tín nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đối với cá nhân ông Trung.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng tin tưởng rằng, với kinh nghiệm trưởng thành qua thực tiễn công việc và tình cảm gắn bó với tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hà Nội sẽ có thêm gần 6.000 căn nhà xã hội từ nay đến năm sau
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà xã hội dự kiến hoàn thành từ nay đến năm sau.
3 tòa nhà khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho thuê |
Trong báo cáo về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thành phố có 69 dự án đã và đang triển khai. Giai đoạn 2021 đến nay, có 8 dự án đã hoàn thành toàn bộ với 10.270 căn và 3 dự án hoàn thành một phần.
Sở cho biết, từ nay đến năm sau, 11 dự án dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000 m2 sàn. Với tổng 19 dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000 m2 sàn.
Giai đoạn 2026 - 2030, có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn, tương ứng 3,2 triệu m2 sàn. Trong đó, Thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4 trên 5 khu nhà ở xã hội độc lập tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Các dự án có tổng diện tích trên 200 ha, cung ứng hơn 12.000 căn.
Cụ thể, 2 khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh); khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) và khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh), xã Tiền Phong (huyện Mê Linh).
Thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Thủ đô cũng được bổ sung từ việc chuyển đổi khu nhà ở sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà xã hội cho thuê. Sở Xây dựng đã được giao lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, trình chấp thuận trong năm 2024. Trong năm 2026, hai toà nhà A2, A3 dự kiến hoàn cải tạo, nâng cấp, còn toà A4 hoàn thành xây dựng chậm nhất trong năm 2027.
Ba toà nhà tại Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng từ tháng 8/2019. Dự án này được phê duyệt từ năm 2009 bằng nguồn vốn trung ương, gồm 6 toà nhà cao 19 tầng, 1 tầng hầm, dự kiến đáp ứng nhu cầu cho hơn 21.300 sinh viên. Đến nay, ba toà A1, A5, A6 đã hoàn thành, đáp ứng cho 10.800 học sinh, sinh viên. Riêng toà A2 và A3 đã xây xong phần thô, nhà A4 chưa triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
TP.HCM sửa gần 4.000 căn hộ cũ làm nhà tái định cư
UBND TP.HCM yêu cầu Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng chỉ đạo, triển khai sửa chữa gần 4.000 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư.
TP.HCM hiện có 3.944 căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước bị bỏ trống |
UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác sửa chữa phần sở hữu chung tại các chung cư do Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng quản lý.
Thực tế, theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố hồi cuối tháng 7, TP.HCM đã phân bổ 3.944 căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước cho UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Các địa phương này phải chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch quản lý, sử dụng vào mục tiêu tái định cư.
Theo chỉ đạo mới này, UBND TP.HCM giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng căn cứ kế hoạch tổ chức thực hiện quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư được phân bổ của UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện để triển khai thực hiện sửa chữa các căn hộ, phần sở hữu chung tại các chung cư.
Để triển khai hiệu quả, gần 4.000 căn hộ chung cư được chia thành ba nhóm.
Cụ thể, nhóm 1 bao gồm toàn bộ căn hộ trong tòa nhà chung cư thuộc tài sản công, còn trống, chưa bố trí sử dụng. Nhóm 2 là các căn hộ còn trống, chưa bố trí sử dụng nằm xen cài giữa các căn hộ khác đã bố trí sử dụng nhưng chưa thành lập ban quản trị nhà chung cư.
Còn nhóm 3 gồm các căn hộ còn trống, chưa bố trí sử dụng và nằm xen kẽ trong các chung cư đã thành lập ban quản trị nhà chung cư.
Trong đó, đối với nhóm 1 và 2, Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng sẽ chủ trì thực hiện sửa chữa các căn hộ và phần sở hữu chung, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện.
Với nhóm 3, Trung tâm sẽ thực hiện xây dựng sửa chữa các căn hộ. Đồng thời, phối hợp ban quản trị nhà chung cư, báo cáo Sở Xây dựng kế hoạch sửa chữa phần sở hữu chung để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo.
Quảng Trị đốc thúc siêu Dự án điện khí LNG Hải Lăng 2,3 tỷ USD
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị Liên danh nhà đầu tư đẩy nhanh điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 dự kiến vận hành vào cuối năm 2029 |
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và Liên danh nhà đầu tư Dự án LNG Hải Lăng (giai đoạn 1) để thúc đẩy tiến độ Dự án.
Dự án do liên danh các nhà đầu tư bao gồm: Tập đoàn T&T (Việt Nam), Tổng công ty Năng lượng Hanwha - HEC, Tổng công ty Khí Hàn Quốc - KOGAS, Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOSPO (cùng đến từ Hàn Quốc) thực hiện.
Giữa tháng 10 vừa qua, Liên danh nhà đầu tư đã nộp hồ sơ điều chỉnh Dự án. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp hồ sơ, ý kiến từ các sở, ngành và UBND huyện Hải Lăng.
Tại buổi làm việc, Liên danh nhà đầu tư kiến nghị các nội dung đối với việc trình thẩm định các hồ sơ liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mới đủ cơ sở thẩm duyệt gồm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; văn bản thoả thuận đấu nối lưới điện, văn bản thoả thuận bến LNG, tuyến luồng.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng đề nghị Liên danh nhà đầu tư đặt văn phòng đại diện tại Quảng Trị, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Liên danh nhà đầu tư cũng cần phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu, tham vấn các bộ, ngành Trung ương trong việc tách phần nhà máy riêng, đường dây 500 kV đấu nối riêng trong báo cáo nghiên cứu khả thi để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phần nhà máy trước, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng yêu cầu Liên danh nhà đầu tư khẩn trương xúc tiến với các đối tác để thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán khí LNG đảm bảo cho việc đề xuất giá mua bán điện cạnh tranh, nhằm sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư Dự án.
Dự án LNG Hải Lăng (giai đoạn 1) được trao quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021 và khởi công vào tháng 1/2022 tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng là 120 ha và mặt biển khoảng 100 ha. Công suất theo phê duyệt là 1.500 MW, tổng mức đầu tư gần 54.000 tỷ đồng.
Rao bán khoản nợ của doanh nghiệp phát triển dự án Sense City Đông Sài Gòn
Agribank Chi nhánh Phan Đình Phùng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ trị giá gần 150 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Đông Sài Gòn DSG, theo hợp đồng tín dụng ký năm 2019.
Giá khởi điểm của khoản nợ là 111,375 tỷ đồng |
Giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến ngày 31/7 là 149,824 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 89,840 tỷ đồng, nợ lãi 59,984 tỷ đồng.
Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 1/8 cho đến khi Công ty CP Đầu tư Đông Sài Gòn DSG thanh toán hết nợ gốc và lãi tiền vay tại Agribank Chi nhánh Phan Đình Phùng.
Agribank cho biết, giá khởi điểm của khoản nợ là 111,375 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với lần đấu giá hôm 1/11, giá khởi điểm của khoản nợ đã giảm hơn 20 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên gồm quyền sử dụng 3.000 m2 đất tại thửa đất số 302, tờ bản đồ số 70 (TL2003), Lô T3-1.2 đường Lã Xuân Oai, Khu công nghệ cao TPHCM, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9 (nay là TP. Thủ Đức).
Toàn bộ giá trị quyền tài sản là các khoản lợi thu được từ việc cho thuê cơ sở hạ tầng phát sinh theo hợp đồng thuê mặt bằng tại lô đất này được ký kết giữa Công ty CP Đầu tư Đông Sài Gòn DSG và Công ty TNHH TM DV Sài Gòn - Xuân Oai ngày 14/10/2019.
Khoản nợ được bán đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tài sản bảo đảm, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy”, “có sao bàn giao vậy”.
Được biết, tháng 10/2019, Công ty CP Đầu tư Đông Sài Gòn DSG hợp tác với Liên minh HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) phát triển Dự án Trung tâm thương mại Sense City tại Khu công nghệ cao Quận 9, TP.HCM trên chính khu đất đang được thế chấp cho khoản vay tại Agribank.
Trung tâm thương mại Sense City Quận 9 (còn gọi là Sense City Đông Sài Gòn) có tổng mức đầu tư hơn 620 tỷ đồng (27 triệu USD), với tổng quy mô trên 50.000 m2 sàn, bao gồm 1 tầng hầm bãi xe và 4 tầng nổi. Đây là trung tâm thương mại Sense City thứ 2 của Saigon Co.op tại TP.HCM, sau Sense City Phạm Văn Đồng (Giga Mall).
23 nhà đầu tư vụ thao túng mã GKM bị cấm giao dịch trong 2 năm
Sau 3 năm vụ thao túng giá cổ phiếu GKM, 23 nhà đầu tư cho mượn tài khoản bị xử phạt. Trong khi đó, người thực hiện vụ thao túng đã bị phạt 1,5 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Giá cổ phiếu GKM tăng đột biến trong giai đoạn diễn ra vụ thao túng giá. Ảnh chụp màn hình |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 cá nhân cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.
Mã cổ phiếu bị thao túng là GKM của Công ty CP GKM Holdings. 23 cá nhân này bị xử phạt do đã cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán hoặc đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Danh sách các nhà đầu tư bị xử phạt gồm các ông/bà: Nguyễn Văn Đạo, Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Phi Điệp, Nguyễn Thị Yến, Hoàng Văn Hải, Hoàng Trường Vinh, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Quang Huy, Đỗ Quang Trung, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Thu, Phạm Ngọc Thuyết, Phạm Thị Cẩm Vân, Hoàng Văn Minh, Nguyễn Văn Tùng, Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Giang, Lê Trọng Long, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phạm Sĩ Giang.
Theo xác định của UBCKNN, những nhà đầu tư này cho ông Nguyễn Việt Hà mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng giá cổ phiếu GKM trong giai đoạn từ ngày 2/8/2021 đến ngày 28/1/2022.
Kết quả kiểm tra, giám sát chưa có cơ sở cho thấy 23 cá nhân nêu trên có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.
Tuy vậy, những nhà đầu tư này vẫn bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 14/11 theo quy định. Đồng thời, bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm.
Trước đó, vào tháng 12/2023, UBCKNN cũng đã xử phạt vi phạm hành chính với ông Nguyễn Việt Hà (có địa chỉ tại Hà Nội) với mức phạt tiền lên tới 1,5 tỷ đồng do sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu GKM của Công ty CP Khang Minh Group (nay là Công ty CP GKM Holdings) nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu GKM.
Về phía Công ty CP GKM Holdings, vào cuối tháng 3 năm nay, doanh nghiệp này cũng bị phạt tiền tổng 205 triệu đồng do có 3 vi phạm về công bố thông tin.
Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường Quảng Ninh bị bắt
Hai lãnh đạo Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường bị cáo buộc làm trái công vụ, lập khống các hợp đồng dịch vụ tại 19 trạm, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
Các bị can Dũng và Tùng tại cơ quan công an |
Ông Hoàng Việt Dũng, Chi cục trưởng Chi cục biển và Hải đảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường) và ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm, bị khởi tố, bắt giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin ngày 16/11.
Trước đó, hai trưởng phòng, một phó phòng và ba viên chức của trung tâm này đã bị khởi tố cùng tội danh trên.
Theo cáo buộc của nhà chức trách, từ năm 2018 đến năm 2023, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác tuyển dụng, sử dụng người lao động, làm trái công vụ, lập khống các hợp đồng dịch vụ bảo vệ tại 19 trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hành vi này bị cho rằng đã gây thất thoát số tiền lớn cho ngân sách nhà nước.
Bước đầu, các bị can đã tự nguyện giao nộp hơn 1,6 tỷ đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, có chức năng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công về tài nguyên môi trường, thực hiện dịch vụ quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường, tư vấn pháp luật và dịch vụ khoa học kỹ thuật, công nghệ về tài nguyên, môi trường...